Bài giảng Mùa Chay đầu tiên của Lm. Cantalamessa

0

BÀI GIẢNG MÙA CHAY ĐẦU TIÊN

CỦA LINH MỤC CANTALAMESSA

Thánh Athanasiô và Niềm tin vào Thiên Tính của Đức Kitô 

VATICAN, 09/03/2012. Đây là bài giảng Mùa chay đầu tiên của Linh mục dòng Anh Em Hèn Mọn Raniero Cantalamessa, vị giảng thuyết của Phủ Giáo Hoàng, trong nhà nguyện Redemptoris Mater trước sự hiện diện của Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI.

 Để chuẩn bị cho Năm Đức Tin được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI công bố (12/10/2012 – 24/11/2013), bốn bài giảng Mùa Chay đề nghị chúng ta hăm hở trả lại sự tươi trẻ cho đức tin của chúng ta, qua việc tiếp xúc mới với những “anh hùng của đức tin” trong quá khứ. Do đó, chủ đề dành cho loạt bài giảng này được lấy từ thư gửi tín hữu Do Thái: “Hãy nhớ đến những người lãnh đạo anh em và noi theo lòng tin của họ” (Dt 13,7).

Chúng ta sẽ lần lượt đặt mình vào trường học của một trong bốn vị tiến sĩ vĩ đại của Giáo Hội Đông Phương – thánh Athanasiô, thánh Basiliô, thánh Grêgôriô Nazianzô và thánh Grêgôriô Nyssan – để thấy được điều các ngài muốn nói với chúng ta ngày nay, liên quan đến tín điều mà nhờ đó các ngài trở nên nhà quán quân của thiên tính Đức Kitô, Chúa Thánh Thần, Ba Ngôi và sự nhận biết Thiên Chúa. Vào dịp khác, nếu Chúa muốn, chúng ta sẽ làm tương tự như thế đối với các vị tiến sĩ của Giáo hội Tây Phương là thánh Augustinô, thánh Ambrôsiô và thánh Lêo Cả.

Những điều chúng ta mong muốn học hỏi nơi các Giáo phụ không phải là làm thế nào để rao giảng đức tin cho thế giới, cụ thể là việc loan báo Tin Mừng, hay làm thế nào để bảo vệ đức tin khỏi những sự sai lạc, nghĩa là đức tin chính thống; nhưng đúng hơn là đào sâu đức tin của chúng ta, để tái khám phá ra đằng sau chúng, sự phong phú, vẻ đẹp và hạnh phúc của lòng tin, và để chuyển từ đức tin tuyên xưng đến đức tin thực hành, như thánh Phaolô nói “nhờ đức tin để đưa đến đức tin” (Rm 1,17). Thật vậy, điều đó báo hiệu sự tăng trưởng về “bề dày” của đức tin bên trong Giáo hội, để rồi tạo thành sức mạnh lớn hơn cho việc loan báo đức tin cho thế giới và bảo vệ tính chất chính thống của đức tin một cách tốt nhất.

Cha de Lubac đã khẳng định rằng, trong lịch sử không bao giờ có cuộc canh tân Giáo hội mà không quay trở lại với các Giáo phụ. Công đồng Vaticanô II mà chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm cũng không phải là luật trừ. Công đồng được đan xen với những trích dẫn từ các Giáo phụ; nhiều người giữ vai trò chủ đạo trong Công đồng là các học giả về Giáo phụ học. Sau Kinh Thánh, các Giáo phụ tạo nên một lớp đất thứ hai, để thần học, phụng vụ, khoa chú giải Thánh Kinh và toàn bộ đời sống thiêng liêng của Giáo hội tĩnh dưỡng và hút lấy nhựa sống trên lớp đất đó.

Trong nhiều nhà thờ chính tòa có kiến trúc gôtic của thời Trung cổ, ta thấy nhiều bức tượng kỳ lạ: những nhân vật với dáng vẻ oai phong là những người lãnh đạo, nhưng ngồi trên vai họ là những chú lùn. Đó là biểu tượng trên đá của một niềm xác tín mà các nhà thần học thời đó đã trình bày với những lời này: “Chúng tôi giống như những người lùn ngồi trên vai những người khổng lồ, vì thế chúng tôi có thể thấy được nhiều điều hơn và nhìn xa hơn họ, không phải vì sự nhạy bén sắc sảo trong tầm nhìn hoặc vì chiều cao của thân thể chúng tôi, nhưng bởi vì chúng tôi được ngồi trên chỗ cao hơn và được nâng lên tới chiều cao của người khổng lồ” [1]. Những con người phi thường này là các Giáo phụ. Điều đó cũng xảy ra với chúng ta ngày hôm nay.

1. Athanasiô, nhà quán quân của Thiên tính Chúa Kitô

Chúng ta bắt đầu bài lược khảo với thánh Athanasiô, Giám Mục thành Alêxandria, sinh năm 295 và qua đời năm 373. Rất ít Giáo phụ đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử Giáo hội như Giáo phụ này. Ngài được nhớ đến vì nhiều sự kiện: vì ảnh hưởng của ngài trong việc phổ biến đời sống đan tu qua tác phẩm “Cuộc đời thánh Antôn”; vì ngài là người đầu tiên đòi lại sự tự do của Giáo hội trong một quốc gia Kitô giáo[2]; vì tình bạn của ngài với các Giám mục Phương Tây, được thuận tiện qua nhiều cuộc tiếp xúc mà ngài đã có trong thời gian lưu vong, điều đó đã đánh dấu một bước tiến mới trong mối liên hệ giữa Alêxandria và Rôma. 

Tuy nhiên, đó không phải là tất cả những vấn đề mà chúng ta muốn quan tâm. Trong nhật ký của mình, Kierkegaard diễn tả một ý tưởng lạ lùng: “Các thuật ngữ tín lý của Giáo hội sơ khai giống như một lâu đài có bùa mê, ở đó các chàng hoàng tử và các nàng công chúa đáng yêu nhất chìm sâu trong giấc ngủ. Chỉ cần đánh thức họ, để họ nhảy lên bằng đôi chân với tất cả vinh quang của họ[3]. Tín điều mà thánh Athanasiô giúp chúng ta “thức tỉnh” và chiếu tỏa tất cả vinh quang là thiên tính của Đức Kitô. Vì tín điều này ngài đã phải chịu đi lưu đày đến 7 lần.

Vị giám mục thành Alêxandria đã hoàn toàn xác tín rằng ngài không phải là người khám phá ra sự thật này. Ngược lại, tất cả công việc của ngài chỉ bao gồm một việc, đó là cho mọi người thấy rằng tín điều Đức Kitô là Thiên Chúa luôn luôn là niềm tin của Giáo hội; rằng cái mới không phải là chân lý nhưng là lạc giáo đối lập. Trong lãnh vực này, công trạng của ngài đã cất đi những trở ngại ngăn cản sự nhìn nhận trọn vẹn và không dè dặt về thiên tính của Đức Kitô trong bối cảnh văn hóa Hy Lạp.

Một trong những trở ngại có lẽ chính yếu là thói quen của người Hy Lạp xác định bản chất của Thiên Chúa với hạn từ agennetos, không được sinh ra. Làm thế nào rao giảng Ngôi Lời là Thiên Chúa thật, khi Ngài là Chúa Con, nghĩa là được sinh ra bởi Chúa Cha? Đối với Ariô, ông dễ dàng thiết lập sự tương đương: sinh ra = tạo thành, đó là chuyển từ gennetos tới genetos và kết luận bằng một câu nổi tiếng làm cho vụ việc bùng nổ: “Có một thời ngài không hiện hữu” (tiếng Hy Lạp nói ngắn gọn hơn: en ote ouk en: có lúc không có). Điều này tương đương với tư tưởng cho rằng Đức Kitô là một thọ tạo, mặc dù Người không phải “như các thọ tạo khác.” Thánh Athanasiô đã bảo vệ với thanh kiếm “genitus non factus” của công đồng Nicêa,  “được sinh ra, không được tạo thành”. Ngài đã giải quyết cuộc tranh cãi với lời nhận xét đơn giản: “Thuật ngữ agenetos do những người Hy Lạp sáng chế ra, họ chẳng biết gì đến Chúa Con”[4].

Một trở ngại khác về văn hóa gây khó khăn cho việc công nhận đầy đủ thiên tính của Đức Kitô, tuy ít được cảm nhận vào thời điểm đó nhưng không ít tác dụng, đó là giáo lý về một thiên tính trung gian, deuteros theos, liên quan đến việc tạo ra thế giới vật chất. Từ thời Platon trở đi, nó đã trở thành phổ biến trong nhiều hệ thống tôn giáo và triết học của thời cổ đại. Cám dỗ đồng hóa Chúa Con, “nhờ Người tất cả được tạo thành”, với thực thể trung gian này đã tiềm ẩn trong suy đoán Kitô giáo, dù không ở trong đời sống của Giáo hội. Kết quả là hình thành một lược đồ gồm ba bậc: trên hết mọi sự là Chúa Cha không được sinh ra – sau Ngài là Chúa Con (và Chúa Thánh Thần sau này) và cuối cùng là các thụ tạo

Lời định nghĩa đồng bản thể (homoousios)được sinh ra mà không phải được tạo thành (genitus non factus) đã xóa bỏ mãi mãi trở ngại chính của tư tưởng Hy Lạp trong việc công nhận thiên tính trọn vẹn của Đức Kitô và đã dẫn đến sự thanh tẩy Kitô giáo về thế giới siêu hình của người Hy Lạp. Với định nghĩa như vậy, chỉ có một con đường phân cách duy nhất được vẽ trên mặt phẳng thẳng đứng của hữu thể, và đường này không tách rời Chúa Con khỏi Chúa Cha, nhưng tách rời Chúa Con khỏi các thụ tạo. Muốn gói kém ý nghĩa trường tồn của định nghĩa Công đồng Nixea vào một câu, chúng ta có thể phát biểu như sau: trong mọi thời đại và mọi nền văn hóa, Đức Kitô phải được rao giảng là “Thiên Chúa”, không phải theo nghĩa xuất phát hoặc phụ thuộc vào từ gốc, nhưng theo nghĩa mạnh nhất của từ “Thiên Chúa” có trong nền văn hóa đó.

Thánh Athanasiô đã thực hiện mục đích của cuộc đời mình là duy trì niềm khuất phục này. Khi tất cả mọi người – các vị hoàng đế, các giám mục và các nhà thần học – dao động giữa từ chối và cố gắng thỏa hiệp, thánh nhân vẫn không hề lay chuyển. Có những lúc mà tương lai của đức tin chung của Giáo hội nằm ở trong trái tim của một người: trái tim của Athanasiô. Lập trường của một người được quyết định tuỳ theo thái độ của họ đối với con người ấy.

2. Luận ccứu độ học

 Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là nhấn mạnh đến niềm tin của thánh Athanasiô vào thiên tính trọn vẹn của Đức Kitô, mà là biết điều gì đã thúc đẩy ngài trong trận chiến, từ đâu mà ngài có sự chắc chắc tuyệt đối như vậy – không phải từ sự suy đoán, nhưng từ cuộc sống; chính xác hơn, từ suy tư những kinh nghiệm của Giáo hội về ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô.

Thánh Athanasiô chuyển đổi mối quan tâm về thần học từ vũ trụ tới con người, từ Vũ trụ học đến Cứu độ học. Tái liên kết với truyền thống giáo hội trước giáo phụ Origene, nhất là giáo phụ Irênê, thánh Athanasiô đánh giá cao những kết quả nghiên cứu trong cuộc chiến lâu dài chống lại Ngộ đạo thuyết, điều đó đã dẫn các ngài tập trung vào lịch sử cứu độ và cứu chuộc con người. Đức Kitô không còn được đặt giữa Thiên Chúa và vũ trụ nữa, giống như thời của những nhà hộ giáo, nhưng đúng hơn Ngài được đặt giữa Thiên Chúa và con người. Đức Kitô là Đấng Trung Gian không có nghĩa là Người giữa Thiên Chúa và con người (trung gian hữu thể học, thường được hiểu theo nghĩa hạ phục thuyết), nhưng Người kết hợp giữa Thiên Chúa và con người. Trong Người, Thiên Chúa trở thành con người và con người trở thành Thiên Chúa, có nghĩa là được thần hóa [5].

Trên nền tảng ý tưởng này là các ứng dụng mà thánh Athanasiô làm cho luận cứ cứu độ học lệ thuộc vào sự minh chứng thiên tính của Đức Kitô. Luận cứ cứu độ học không phát sinh từ cuộc tranh luận với nhóm Ariô; nó đã hiện diện trong tất cả các cuộc tranh luận lớn của Kitô học cổ xưa, từ cuộc tranh luận chống Ngộ đạo thuyết đến cuộc tranh luận chống Nhất chí thuyết. Ta nghe như thế này trong công thức cổ điển: Quod non est assumptum non est sanatum nghĩa là Những gì không được đảm nhận thì không được cứu độ [6]. Nó được áp dụng cho các trường hợp khác nhau, để sửa lại các sai lầm của thời điểm đó, như: phủ nhận xác phàm nhân loại của Đức Kitô (Ngộ đạo thuyết), phủ nhận linh hồn nhân loại của Đức Kitô (Apollinaris thuyết), hoặc cho rằng Đức Kitô chỉ có một ý chí độc nhất (Nhất chí thuyết).

Khi Athanasiô sử dụng công thức đó, thì nó có thể được phát biểu như sau: “Những gì không được đảm nhận bởi Thiên Chúa thì không được cứu độ”. Hiệu lực của câu này nằm trong lời được thêm vào “bởi Thiên Chúa”. Ơn cứu độ đòi hỏi con người phải được đảm nhận bởi Thiên Chúa chứ không phải bởi bất kỳ trung gian nào. Thánh Athanasiô viết: “Nếu Chúa Con là một thọ tạo thì con người sẽ ở lại trong sự chết và không được kết hiệp với Thiên Chúa”. Và ngài nói tiếp: “Con người sẽ không được thần hóa nếu Ngôi Lời đã trở nên xác phàm không thuộc về cùng một bản tính với Chúa Cha”[7]. Thánh Athanasiô đã phát biểu điều này từ nhiều thế kỷ trước ông Heidegger, và đã dùng rất nghiêm túc ý tưởng “chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta”, “Nur noch ein Gott Kann uns retten”[8] Có nhiều ngụ ý cứu độ học rất sâu sắc mà thánh Athanasiô rút ra từ “homoousios” (đồng bản thể) của Nicêa. Trình bày Chúa Con “đồng bản thể” với Chúa Cha có nghĩa là đưa Người vào một cấp độ mà tuyệt đối không có gì ở bên ngoài vòng hoạt động của Người. Điều này cũng có nghĩa là xây dựng ý nghĩa của Đức Kitô trên cùng một nền tảng mà hữu thể của Đức Kitô cũng được xây dựng ở trên đó, là Chúa Cha. Rồi ta nói Đức Giêsu Kitô, trong lịch sử của vũ trụ không thiết lập một sự hiện diện thứ hai bên cạnh sự hiện diện của Thiên Chúa; trái lại, Người chính là sự hiện diện của Chúa Cha. Giáo phụ Athanasiô viết: “Chúa Cha nhân lành, cùng với Lời của Ngài cũng là Thiên Chúa, hướng dẫn và duy trì toàn thể thế giới, để cõi tạo thành được soi sáng nhờ sự hướng dẫn của Ngài, sự quan phòng của Ngài và mệnh lệnh của Ngài, có thể tồn tại trong hữu thể. Lời chí thánh và toàn năng của Chúa Cha, khi thấm nhập vào mọi loài và vươn tới mọi nơi bằng sức mạnh của Ngài, ban ánh sáng cho mọi thực tại, chứa đựng và ôm ấp muôn vật nơi Ngài. Không có gì tồn tại ở ngoài quyền thống trị của Ngài. Tất cả mọi loài đều tiếp nhận sự sống từ Ngài và được duy trì sự sống ở trong Ngài: từng loài sinh vật trong cá thể của chúng và vũ trụ thụ tạo trong tổng thể của nó”[9].

Tuy nhiên, quan trọng là cần phải làm rõ ý nghĩa này. Thiên tính của Đức Kitô không phải là một “định đề” thực tế, như chính sự hiện hữu của Thiên Chúa mà Kant chủ trương [10]. Nó không phải là một định đề mà là một giải thích của “cái được trao ban”. Có lẽ nó sẽ là một định đề và một suy diễn thần học của con người, nếu ta bắt đầu từ một ý tưởng nào đó về ơn cứu độ và nếu giảm thiểu thiên tính của Đức Kitô như điều duy nhất có khả năng thực hiện ơn cứu độ. Trái lại, đây là sự giải thích về một cái được trao ban, nếu ta khởi đi từ một kinh nghiệm về ơn cứu độ giống như thánh Athanasiô đã làm và chứng minh rằng ơn cứu độ ấy sẽ không tồn tại nếu Đức Kitô không phải là Thiên Chúa. Không phải thiên tính của Đức Kitô được xây dựng trên ơn cứu độ, nhưng chính ơn cứu độ được xây dựng trên thiên tính của Đức Kitô.

3. Corde creditur! Hãy tin bằng trái tim!

Tuy nhiên, đây là lúc chúng ta quay trở lại để xem ngày hôm nay chúng ta có thể học được điều gì từ trận chiến anh hùng mà Giáo phụ Athanasio đã dành được trong thời của ngài. Ngày hôm nay thiên tính của Đức Kitô thực sự là một chân lý làm cho Giáo hội đứng vững hay sụp đổ (articulus stantis et cadentis ecclesiae). Nếu trong thời gian khác, khi thiên tính của Đức Kitô được các Kitô hữu thừa nhận cách bình thản, thì ta có thể nghĩ rằng “điều khoản” này là “ơn công chính hóa nhờ đức tin”, nhưng bây giờ nó không còn như vậy nữa. Phải chăng chúng ta có thể nói như thế này: vấn đề sống còn đối với con người hôm nay là xác định bằng cách nào mà tội nhân được công chính hóa, khi người ta không còn tin rằng họ cần được trở nên công chính, hoặc người ta xác tín rằng họ tìm thấy sự công chính nơi chính bản thân họ? Một trong những nhân vật của Sactre đã hét lên từ sân khấu: “Chính tôi hôm nay tố cáo tôi và chỉ có tôi mới tuyên bố tôi vô tội. Tôi con người. Nếu Thiên Chúa hiện hữu thì con người là hư vô” [11].

Thiên tính của Đức Kitô là viên đá góc nâng đỡ hai mầu nhiệm chính của đức tin Kitô giáo: Thiên Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể. Hai mầu nhiệm này giống như hai cánh cửa mở và đóng với nhau. Nếu viên đá đó bị loại bỏ đi, toàn bộ công trình của niềm tin Kitô giáo sẽ sụp đổ: nếu Chúa Con không phải là Thiên Chúa, thì Ba Ngôi được hình thành bởi ai? Thánh Athanasiô đã lên án điều này khi ngài viết chống lại phái Ariô: “Nếu Ngôi Lời không tồn tại cùng với Chúa Cha từ thuở đời đời, thì một Thiên Chúa Ba Ngôi vĩnh cửu sẽ không tồn tại, nhưng trước tiên đã có sự hợp nhất rồi và sau đó, trải qua thời gian, do thêm vào, thì Thiên Chúa Ba Ngôi mới bắt đầu có”[12].

(Ý tưởng Ba Ngôi được hình thành “do thêm vào” bắt đầu được một số thần học gia đề nghị cách đây không lâu lắm. Họ đã áp dụng cho Ba Ngôi lược đồ biện chứng của Hegel về sự trở thành!). Trước giáo phụ Athanasiô, thánh Gioan đã thiết lập mối liên hệ giữa hai mầu nhiệm: “Ai từ chối Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha; còn ai tuyên xưng Chúa Con thì cũng có Chúa Cha” (1Ga 2,23). Hai mầu nhiệm này đứng vững hay ngã đổ cùng với nhau, nhưng nếu chúng cùng ngã đổ, thì chúng ta phải nói với Phaolô cách buồn bã rằng “chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15, 19). Chúng ta phải cho phép mình đối mặt trực tiếp với câu hỏi rất lịch sự nhưng rất thẳng thắn của Chúa Giêsu: “Còn các con, các con tin Thầy là ai?” và một câu hỏi có tính cách cá nhân nhiều hơn: “Con có tin không? Con có thực sự tin không? Con có tin với tất cả trái tim của con không?” Thánh Phaolô nói rằng “Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10, 10). Trong quá khứ, tuyên xưng đức tin ngay thẳng, nghĩa là thời điểm thứ hai của tiến trình này, đã được nhấn mạnh quá nhiều đến nỗi làm cho thời điểm đầu tiên bị rơi vào bóng tối. Trong khi đó thời điểm đầu tiên mới quan trọng hơn và diễn ra trong sự sâu ẩn của trái tim. Thánh Augustinô thốt lên: “Đức tin mọc lên từ gốc rễ của con tim”[13].

Có lẽ cần phải đánh đổ trong chúng ta, những người tin, và trong chúng ta, những người thuộc về Giáo hội, sự sai lầm về niềm tin đã có, để có được một đức tin đúng. Cần phải khơi gợi sự nghi ngờ, dĩ nhiên không phải về Đức Kitô nhưng về chính chúng ta, để rồi đi tìm kiếm một đức tin chân chính hơn. Biết đâu nó không phải là điều tốt lành trong một lúc nào đó, đừng muốn chứng minh điều gì hết cho bất cứ ai, nhưng hãy nội tâm hóa đức tin của chúng ta, tái khám phá những gốc rễ của đức tin trong tâm hồn chúng ta. Đức Giêsu đã hỏi Phêrô ba lần: “Con có yêu mến Thầy không?” Người đã biết lần thứ nhất và thứ hai câu trả lời được thốt lên quá vội vàng, để là câu trả lời thật. Cuối cùng, đến lần thứ ba thì Phêrô mới hiểu. Câu hỏi về đức tin cũng nên được đặt cho chúng ta ba lần với sự kiên trì, cho đến khi chúng ta nhận ra và bước vào sự thật: “Con có tin không? Con có tin không? Con có thực sự tin không?” Có lẽ cuối cùng, chúng ta sẽ trả lời: “Không, lạy Chúa, con không thực sự tin với tất cả trái tim của con và với tất cả tâm hồn con. Xin Ngài gia tăng đức tin cho con!”.

Tuy nhiên, thánh Athanasiô nhắc nhở chúng ta về sự thật quan trọng: đó là không thể có niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô, nếu không có kinh nghiệm về ơn cứu độ được Đức Kitô thực hiện. Nếu không có điều này, thiên tính của Đức Kitô dễ dàng trở nên một ý tưởng, một luận văn, và chúng ta biết rằng ý tưởng này luôn luôn có thể bị một ý tưởng khác chống đối, và luận văn này cũng thường bị một luận văn khác ganh đua. Các giáo phụ sa mạc cho biết: chỉ có cuộc sống là không có gì phản đối được.

Kinh nghiệm về ơn cứu độ được thực hiện do việc đọc Lời Chúa (dùng nó cho những gì là Lời của Chúa), ban phát và lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, nơi đặc quyền của sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, thi hành các đặc sủng, giữ mối liên lạc với đời sống của cộng đoàn những người tin, cầu nguyện. Trong thế kỷ thứ IV, Evariô đưa ra một phương trình nổi tiếng: “Nếu bạn là một nhà thần học, bạn sẽ cầu nguyện thật sự và nếu bạn thực sự cầu nguyện, bạn sẽ là một nhà thần học”[14].

Thánh Athanasiô ngăn cản việc nghiên cứu thần học để khỏi ở trong tình trạng tù nhân cho suy lý triết học của các “trường phái” khác nhau, nhưng trở thành việc đào sâu chân lý mạc khải theo dòng Truyền thống. Một nhà sử học Tin Lành nổi tiếng đã nhận ra thánh Athanasiô có một công trạng đặc biệt trong lãnh vực này. Ông viết: “Nhờ ngài, đức tin vào Đức Kitô vẫn còn là đức tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, và phù hợp với bản chất của nó, phân biệt cách rõ ràng với tất cả các hình thức khác –  ngoại giáo, triết học, duy tâm – … Với ngài, Giáo hội lại trở thành định chế của ơn cứu độ, đó là ‘Giáo hội’ trong ý nghĩa chặt chẽ của thuật ngữ này, mà nội dung riêng và quyết định được cấu thành bằng việc rao giảng về Đức Kitô”[15].

Ngày nay, tất cả những điều này chất vấn chúng ta một cách đặc biệt, sau khi thần học đã được định nghĩa như là một “khoa học” và được giảng dạy trong các môi trường học hàm, nó bị tách rời rất xa khỏi cuộc sống của cộng đồng tín hữu, hơn là vào thời thánh Athanasiô, trường thần học được gọi là “Didaskaleion”, được phát triển mạnh ở Alêxandria với công trình của Clêmentê và Origene. Khoa học đòi hỏi học giả phải “thống lãnh” được tài liệu của mình và phải đứng “trung lập” với đối tượng của bản thân khoa học. Tuy nhiên làm sao ta có thể “thống lãnh” được người mà vừa mới đây, anh thờ lạy như Chúa của anh? Làm thế nào để có thể duy trì tính trung lập khi đứng trước một đối tượng, mà đối tượng này là Đức Kitô? Đây là một trong những lý do thúc đẩy tôi, trong một thời điểm của cuộc đời, tôi đã từ bỏ việc giảng dạy có học hàm và cống hiến bản thân mình cùng toàn thời gian cho sứ vụ của Lời. Tôi nhớ đến một tư tưởng nổi lên trong tôi, sau khi đã tham gia trong các hội nghị, các cuộc tranh luận về thần học và Thánh Kinh, đặc biệt là ở nước ngoài: “Bởi vì thế giới đại học đã quay lưng lại với Đức Giêsu Kitô, thì tôi sẽ quay lưng lại với thế giới đại học của tôi”. Giải pháp cho vấn đề này chắc chắn không phải là bãi bỏ các nghiên cứu hàn lâm của thần học. Tình hình ở Ý làm ​​cho chúng ta thấy các ảnh hưởng tiêu cực phát sinh bởi sự vắng mặt của Phân khoa Thần học trong các trường đại học của nhà nước. Văn hóa Công giáo và tôn giáo nói chung bị đẩy xuống khu ghetto (khu dành cho một nhóm thiểu số chật chội); trong các tiệm sách đời, người ta không tìm thấy một cuốn sách tôn giáo nào, trừ khi cuốn sách đó bàn về đề tài bí truyền hay thời trang. Cuộc đối thoại giữa kiến thức thần học, nhân văn, khoa học và triết học được thực hiện “với khoảng cách” và điều này không phải là như nhau. Khi phát biểu trong môi trường đại học, tôi thường nói rằng họ đừng theo gương của tôi (mà vẫn là một lựa chọn cá nhân), nhưng hãy đánh giá cao các đặc quyền mà họ được hưởng, và cố gắng khi có thể, bổ túc vào việc nghiên cứu và giảng dạy của họ với một số hoạt động mục vụ thích hợp.

Tuy nhiên nếu ai đó không thể và không được loại bỏ thần học ra khỏi môi trường hàn lâm, thì có một cái gì đó mà các thần học gia học hàm có thể làm được: đủ khiêm tốn để nhận ra giới hạn của họ. Lý thuyết của họ không phải là lối diễn đạt duy nhất và cao nhất của đức tin. Cha Henri de Lubac đã viết: “Tác vụ rao giảng không phải là phổ biến một giáo huấn về tín lý trong một hình thức trừu tượng hơn mà sẽ đi trước và tốt hơn nó. Trái lại, tác vụ rao giảng chính là việc giảng dạy đạo lý trong hình thức cao nhất của nó. Điều này đúng với lời rao giảng của các Kitô hữu đầu tiên, lời rao giảng của các Tông Đồ, và điều đó cũng đúng với lời rao giảng của những người kế vị các Tông đồ trong Giáo Hội: là các Giáo Phụ, các Tiến sĩ và các mục tử của chúng ta trong thời hiện tại”[16]. Đến lượt mình, H.U. von Balthasar nói về “sứ vụ rao giảng trong Giáo Hội, mà sứ vụ thần học tự nó phụ thuộc vào đó”[17].

4. “Hãy Can Đảm, Thầy Đây!”

 Để kết luận, chúng ta cùng quay lại thiên tính của Đức Kitô. Nó soi sáng, làm sáng tỏ toàn bộ đời sống Kitô hữu.

Nếu không có niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô:

Thiên Chúa ở rất xa,

Đức Kitô ở lại trong thời đại của Người, 

Tin Mừng là một trong nhiều cuốn sách tôn giáo của nhân loại, 

Giáo Hội đơn giản chỉ là một tổ chức, 

Việc loan báo Tin mừng chỉ là tuyên truyền,

Phụng vụ là tưởng nhớ một quá khứ không còn tồn tại, 

Đạo đức Kitô giáo là một gánh nặng chẳng có chi nhẹ nhàng,

và là một cái ách không có gì êm ái.

Tuy nhiên, với niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô:

Thiên Chúa là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, 

Đức Kitô là Đấng Phục Sinh đang sống trong Thánh Thần, 

Tin Mừng là lời cuối cùng của Thiên Chúa đối với toàn thể nhân loại, 

Giáo Hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ, 

Loan báo Tin Mừng là chia sẻ một quà tặng,

Phụng vụ là một cuộc gặp gỡ đầy hân hoan với Đấng Phục Sinh, 

Cuộc sống hiện tại là sự khởi đầu của vĩnh cửu …

Thật vậy như đã viết: “Ai tin vào Người Con thì có sự sống đời đời” (Ga 3,36).

Niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô vào thời điểm này cần thiết trên hết để bảo vệ niềm hy vọng sống động về tương lai của Giáo hội và của thế giới. Chống lại những người theo Ngộ giáo phủ nhận nhân tính thực sự của Đức Kitô, Giáo phụ Tertulianô đã cất lên tiếng nói trong thời của ngài: “Parce unicae spei Totius Orbis”, “Đừng lấy đi khỏi thế giới niềm hy vọng duy nhất!”[18]. Ngày nay, chúng ta phải nói điều này cho những người từ chối niềm tin vào thiên tính của Đức Kitô.

Đối với các Tông Đồ, sau khi dẹp yên cơn bão, Chúa Giêsu đã nói với các tông đồ một lời mà hôm nay Ngài cũng đang nhắc lại cho những người kế vị các ngài: “Hãy can đảm, Thầy đây, đừng sợ” (Mc 6,50).

 Ngô Liên và Ánh Sáng chuyển ngữ từ www.zenit.org

— — —

  1. Bernard of Chartres, in John of Salisbury, Metalogicon, III, 4 (Corpus Chr. Cont. Med., 98, p. 116).
  2. Athanasius, Historia Arianorum, 52, 3: “Hoàng đế phải làm gì với Giáo hội?
  3.  S. Kierkegaard,  Diary , II A 110 (Trans. Ital. by C. Fabro, Brescia, 1962, n. 196).
  4. Athanasius, De decretis Nicenae synodi, 31.
  5.  Cf. Athanasius, De incarnatione 54, cf. Irenaeus, Adv. Haer. V, praef.
  6. Gregory of Nazianzen, Letter to Cledonius (PG 37, 181).
  7. Athanasius, Contra Arianos II 69 and I 70.
  8. Antwort. Martin Heidegger im Gesprach, Pfullingen 1988.
  9. Athanasius, Contra gentes 41-42.
  10. I. Kant, Critique of Practical Reason, chapts. III,VI.
  11. J. P. Sartre, The Devil and the Good God, X, 4, Gallimard, Paris 1951, p. 267 f.
  12. Athanasius, Contra Arianos I, 17-18 (PG 26, 48).
  13. Augustine, Commentary on the Gospel of John, 26, 2 (PL 35, 1607).
  14. Evagrius, De oratione 61 (PG 79, 1165).
  15. H. von Campenhausen, The Greek Fathers, Brescia 1967, pp. 103-104.
  16. H. de Lubac, Medieval Exegesis, I, 2, Paris 1959, p. 670.
  17. H.U. von Balthasar, Contemplative Prayer, quoted Ibid. by de Lubac.
  18. Tertullian, De carne Christi, 5, 3, (CC 2, p. 881).

 


Comments are closed.

phone-icon