Cát bụi

0

 CÁT BỤI

Bài chia sẻ về hành trình ơn gọi của Maria Huyền Thê – Học Viện Dọn Khấn Trọn

NỘI DUNG

 I. CÁT BỤI

1. Đặt vấn đề: Cát bụi là gì?

2. Cát bụi theo ý nghĩa Kinh Thánh

  • Trong tạo dựng
  • Cát bụi biểu trưng của lòng sám hối.
  • Cát biển: Một lời hứa vững bền với Abraham.

3. Cát bụi trong văn chương

4. Cát bụi đời thường.

II. CHIA SẺ KINH NGHIỆM

Một hành trình và một chuỵên tình cát bụi.

BÀI CHIA SẺ

Kính thưa gia đình,

Chắc chắn trong chúng ta, ai cũng từng một lần nghe qua và cùng suy tư về phận người cát bụi qua bài hát rất quen thuộc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi trở về cát bụi. Ôi! Cát bụi miệt nhoài, mặt trời soi một kiếp rong chơi…” (Cát bụi – Trịnh Công Sơn)

Nhưng, cát bụi là gì?

Thưa gia đình,

Nếu tách riêng cát bụi thành hai từ cát và bụi thì chúng mang rất nhiều ý nghĩa. Cát theo tự điển Việt Nam có nghĩa là một loại đá vụn nhỏ như bột. Cát thì mịn màng và ấm áp. Vì thế danh thần Nguyễn Trãi trong những ngày cáo quan về ở ẩn, đã chọn Côn Sơn là nơi an dưỡng tuổi già, ông đã sống vô vi theo thuyết của Lão Tử để ngày ngày “nằm cồn cát trắng, ngủ cồn rêu xanh.”

Cát cũng có nghĩa là đất cát, là đường cát, là cát mịn, bãi cát và là nơi để người ta đãi cát tìm vàng.

Cát còn mang nhiều ý nghĩa khác nữa, tùy theo từ ghép đi kèm với nó. Ví dụ: Cát tường chỉ sự tốt lành, may mắn; Cát nhượng chỉ sự cắt chia; Cát đằng chỉ một loại cây có dây leo mà ý nghĩa của nó theo Linh Mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã viết: “Loài hoa dạy ta về tình yêu quảng đại. Hoa chẳng bao giờ dành một chút cho mình. Hoa chỉ sống để làm đẹp cho đời, tỏa hương cho người. Hoa chẳng bao giờ biết bất mãn, giận hờn, ghen tị… Hình như loài hoa ấy mời gọi chúng ta hãy tha thứ cho nhau những lỗi lầm thiếu sót và cởi bỏ những hành trang cồng kềnh để đủ sức đi trọn một con đường…” (Trích trong: Sứ điệp loài hoa, trang 43)

Cũng theo tự điển tiếng Việt thì bụi là những hạt bụi nhỏ của vật chất rắn (thường tính kích thước bằng micromét). Nguồn gốc của bụi rất phức tạp vì ngoài bụi hình thành trong tự nhiên, ngày càng có nhiều bụi tạo ra do sự phát triển của xã hội, cả trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất. Ngoài tác hại trực tiếp, bụi còn là phương tiện vận chuyển mầm bệnh vào cơ thể qua đường hô hấp. Bụi còn có nghĩa là bụi bặm, là tang chế. Vì thế, ai mang một miếng nhỏ vuông vuông, khác mầu trên ngực áo thì gọi là người có bụi. Bụi còn là bụi cây, bụi cỏ: “Lạy ông! Tôi ở bụi này.” Bụi cũng có thể là bụi nước, là mưa bụi, mưa phùn.

Ở đây, con chỉ xin được nói đến cát bụi theo nghĩa: đó là những hạt đất nhỏ chứa si-líc với công thức hóa học là Si02, được dùng trong xây dựng, trong sản xuất thủy tinh, bột mài xuất khẩu và trong cát ở Cam Ranh mà thôi.

Theo ý nghĩa Kinh Thánh

Thưa gia đình,

Chúng ta ai cũng hiểu rằng: Cát thì nhỏ xíu, tầm thường, là biểu tượng của sự đơn sơ, khiêm tốn và của sự mọn hèn. Cát bụi thì chẳng có chi là giá trị. Nhưng xét cho cùng thì  con người chúng ta, cho dù là tạo vật cao quí nhất, được Thiên Chúa rất mực yêu thương, được hân hạnh mang hình ảnh giống như Người, được trao quyền làm bá chủ muôn loài đi nữa thì cũng vẫn chỉ là bụi đất vì chúng ta được tạo thành từ đất (St 1,27). Và vì phạm tội, con người sẽ phải trở về bụi đất. Đó là lời quả quyết của Thiên Chúa trong Sách Sáng Thế 3,19: “Mồ hôi đẫm mặt, ngươi mới có bánh ăn cho đến khi ngươi lại về bụi đất vì từ đất ngươi đã được rút ra.”  Bụi đất là biểu tượng của sự mong manh và cái chết. Vì ý nghĩa đó, trong tang chế người ta tung bụi lên đầu, lên mặt. Trong Sách Gióp lại diễn tả rằng: Cát bụi là biểu trưng cho lòng sám hối. Khi ăn chay, người Do Thái đã mặc áo nhặm, không ăn uống, ngồi trên đống tro và rắc tro bụi lên đầu (G 3,8). Hoàng hậu Ette trước khi đến gặp vua Asuêrô để tìm cách cứu dân tộc mình khỏi bị tru diệt theo lời xúc xiểm của nịnh thần Aman cũng đã kêu gọi người Do thái ăn chay và chính bà cũng đã làm như thế. (Et 4,17k). Khi tiên tri Giona rao giảng: “Còn 40 ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ.” (Gn 3, 4), mọi người kể cả loài vật như dê, cừu cũng ăn chay (Gn 3, 7). Cử chỉ sám hối và chay tịnh này đã được Giáo Hội nhắc lại như một lời mời gọi con cái mình trong ngày khởi đầu mỗi mùa Chay thánh: “Hỡi người, hãy nhớ mình là bụi tro.”

Bụi là biểu tượng số lượng lớn vì bụi nhiều vô kể, nên trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa đã ký kết với Abraham “một dòng dõi đông đúc như sao trời và nhiều như bụi trên mặt đất.”(St 13,16).

Cát bụi trong văn chương

Cát bụi cũng được nói đến trong văn học. Truyện Kiều – một tác phẩm đặc sắc của thi hào Nguyễn Du cũng nói nhiều về cát. Nhưng vì được lồng vào tâm trạng khắc khoải của Vương Thúy Kiều trong những ngày dài ở lầu Ngưng Bích nên cũng mang một màu sắc bi ai:

“Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.” (Truyện Kiều– Nguyễn Du)

Và trong suốt kiệt tác văn chương này, cát được dùng để nói đến thân phận của một con người bị chà đạp, bị hành hạ khổ sở hoặc bị nhiều nỗi vất vả, gian truân:

“Vì ta nên lụy đến người,

Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh.”

“Đành thân cát dập sóng vùi

Cướp công cha mẹ, thiệt đời thông minh.” (Truyện Kiều– Nguyễn Du)

Rồi trong một bài thơ khác thì cát lại là nơi in đậm những dấu chân kỷ niệm của dòng sông tuổi thơ:

“Mùa hè nắng rất vàng

Bãi cát dài chói nắng

Con sông qua mùa cạn

Nước dềnh rộng thênh thang”. (Mùa hè)

Cát bụi đời thường.

Với riêng con, thì bãi cát vẫn hằn lên dấu ấn của cái thuở còn thơ chỉ ham chơi, bắt cá bắt còng, về bày trò bán hàng ăn uống. Mỗi chiều sau khi dắt bò đi ăn cỏ, con lại nô đùa, lại tập xây nhà trên bãi cát ven đê hoặc lắng nghe cảm giác của cát vàng làm mềm ấm những bước chân trần. Nếu xa biển, cát chẳng còn mếm ấm mà cũng sẽ khô cằn rồi dần dần trở thành sa mạc. Sa mạc thì chỉ toàn là cát. Cát mênh mông bất tận như muốn thách đố sự can đảm và kiên nhẫn của người khách lữ hành. Sa mạc cát dường như còn vọng mãi lời mời gọi thiết tha của Gioan Tẩy Giả: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng phải lấp cho đầy, đường lồi lõm phải san cho phẳng.” (Lc 3,4–5)

Những hạt cát đơn sơ, hèn mọn đó đã từng là chủ đề cho các tư tưởng danh ngôn. Thế nhưng cũng đã có những lần người ta nỡ hại nhau bằng cát. Chắc chúng ta cũng chưa quên vị hoàng đế cuối cùng bên Trung Quốc: Vua phổ Nghi khi bị quản chế đã làm cho bạn tù ganh ghét vì ông được hưởng một chế độ ưu tiên. Lát thịt chiên ai thấy cũng thèm nhưng trước khi chiên, nó đã được lăn vào cát. Lại có kẻ vì ham lợi nhuận đã trộn cát vào đường để bán cho dân và nạn nhân của trò lừa lọc nhẫn tâm này không ai khác ngoài những người chất phác, những người hiền lành một nắng hai sương, suốt cả đời quanh quẩn với ruộng nương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.

Trong thực tế, cũng có lúc, cát làm người ta phát sợ, phải bịt mũi tránh xa. Đó là thứ  cát chìm sâu trong cống rãnh và đang được các chú công nhân tìm cách hất lên. Nhưng với con, đáng sợ hơn vẫn là thứ cát hiện hữu đó mà lạc loài vô dụng. Chỉ một cơn gió thổi tung, cát sẽ bay vào mắt làm người ta nhức nhối rồi nhăn nhó: “Ngứa con mắt bên trái, đỏ con mắt bên phải.” Và biết đâu, khi đó thuốc nhỏ mắt Rohto cũng không còn là thần dược, hạt cát kia sẽ làm người ta khổ đau hoặc mất luôn sự sáng. Cũng có hạt cát lại bay vào mũi, làm người ta ngứa ngáy, bực bội và có nguy cơ phải sưng phổi, ho lao. May mà những sợi râu rồng trời cho đã ngăn nó lại, tạo ra những cục ghèn mà theo phép lịch sự, người ta phải vào phòng, đóng cửa lại mà ngoáy, mà đẩy nó ra ngoài.

Tuy nhiên, cái đáng sợ nhất đối với con vẫn là một thứ cát bụi vô hình đang lắng lại trong tim. Người ta vẫn ví trái tim là giác quan thứ sáu, là nơi phát xuất những tình cảm thiêng liêng và rất đáng trân trọng của con người. Thế nhưng khi cát bụi lọt vào tim sẽ làm người ta trở nên ích kỷ, ghen ghét, nhỏ nhen, hận thù, đưa điều đặt chuyện để làm khổ người khác và không còn biết đến yêu thương. Bụi rơi vào mũi, người ta có thể dùng khăn hay dùng đại ngón tay nào đó mà ngoáy cho sạch. Bụi rơi vào mắt, người ta có thể dùng thuốc nhỏ cho sạch hoặc ghé miệng thổi phù phù mấy cái là xong. Còn thứ bụi trong tim thì đành xin hết cách. Nhưng với Chúa, Ngài sẽ có con đường để chữa: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.” (Mt 19,26) Con tin là thế và cho dù hạt cát kia có vô hình hay ẩn sâu đến cỡ nào trong trái tim đi nữa thì Chúa vẫn sẽ có thể sử dụng nó, làm cho nó trở nên tốt đẹp. Trong sự quan phòng của Chúa thì một hạt cát biển thôi cũng sẽ trở thành viên ngọc trai óng ánh tinh khôi, khiến mọi người trầm trồ khen ngợi và trân trọng nâng niu. Rồi những hạt cát trắng ngoài vùng đất Cam Ranh kia, sau khi được  tinh lọc, nung nóng, đổ khuôn, cũng sẽ tạo nên những chiếc ly xinh xắn và những chiếc bình lóng lánh tựa pha lê.

Một hành trình và một chuyện tình cát bụi.

Thưa gia đình,

Bản thân con, con đã nhiều lần suy tư về cát. Tự bản chất, cát vẫn là nhỏ bé, momg manh. Phận con thì dưới cả cái mong manh hèn mọn ấy nữa. Trong con: tài năng, học hành, sự thông minh và khéo léo … đều chỉ là con số âm lặng thầm buồn thảm. Đời tu của con cũng âm thầm như một chuyện tình cát biển mà thôi. Chuyện chỉ là một hành trình đơn giản thế này: Một hạt cát kia  đang yên ấm trong nôi là lòng đất mẹ và đang say sưa trong nghề nghiệp trồng người; chợt đêm kia nghe biển thức vọng về lời mời gọi tình yêu huyền diệu. Thế là nó ra đi, nó hoà mình trong dòng nước chảy mong tìm về nơi phát  ra tiếng gọi thì thầm bất tận của tình yêu. Con đã theo một dòng sông có ánh chiều xanh biếc, nước gương trong soi tóc những hàng tre và những buổi trưa hè chim bay về ríu rít. Con đã thật sự vui mừng và hạnh phúc. Nhưng một ngày kia, dòng nước bỗng xôn xao và cuồn cuộn dâng trào vì lòng sông dốc đứng, vì dòng chảy uốn khúc quanh co. Con đã buồn so khi bước vào tuần tĩnh tâm, Người vì yêu con nên bảo: “Con lùi lại để nhập vào lớp tiền tập năm sau vậy nhé!” Con xin vâng mà nghe lòng tê tái, nhưng cũng sớm an bình trở lại khi lời Ngài như gió thoảng bên tai: Trong đời tu, đừng nản trước chông gai, an tâm nhé. “Có Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14,17)

Có những lúc con thấy đời như tươi nở khi những bài học có số điểm khá cao thì Ngài lại bảo: “Nào, đã đủ! Hãy ngưng học để làm người tông đồ truyền giáo đi con!”. Con ngỡ ngàng và rất hoang mang khi nhìn lại mớ hành trang rỗng tuyếch: không thần học, không biết đàn, không có giọng hát, không biết cả phất nhịp, không có chút kinh nghiệm nào để hướng dẫn hội đoàn, ngay cả đến tay nghề mẫu giáo cũng không. Còn cái bằng Cao đẳng ngày nào, thì vì đã gần 10 năm bỏ xó nên đã mốc trắng, mốc đen đến thảm hại. Nhưng tiếng Ngài lại vang lên dịu dàng như gió nhẹ: “Thầy ở đây, con sợ hãi làm chi! Con tay trắng ư? Sao không nhớ đi, đã có lần ta dùng tay viết hững hờ những điều gì trên cát, khiến cho những người đang hung hăng kết án một người đàn bà đã phải vội vã rút lui. (Ga 8, 1-11). Hay lúc chiều buông người lữ khách rã rời thì trên cát đã hằn in những bước chân ta song hành với họ. Con là cát thì có gì lo sợ vì trong giông tố, con sẽ tìm về với biển cả nhanh hơn. Con vâng nghe nhưng dạ vẫn bồn chồn vì con dốt nát, kém tài trong ứng xử. Sự hiện diện của con sẽ có thể là tai họa, làm mọi người chán nản, không vui. Ngài mỉm cười: đừng nản chí, thối lui, ta sẽ đưa con đến một bờ cát trắng. Và tại đó, con đã có những ngày vui trong cuộc sống, khi thấy việc tông đồ không đến nỗi khó gớm khó ghê và bàn tay chai sần cuả nhà quê vốn mấy đời quen cầm cuốc cũng không đến nỗi quá vụng về như con vẫn tưởng.

Có những lúc con chợt buồn và thấm mệt, muốn tìm tựa nương nơi kẹt đá, hốc cây, hoặc một đáy ao nước tù cho an phận. Lại có khi con choáng váng mịt mù, mất hướng vì dòng chảy đời con đã cuốn theo những đợt sóng ngầu bùn. Nhưng với thời gian, nó đã trở lại yên hàn và trong sạch vì vừa chảy, nước vừa khơi nguồn để tìm tấm đá Chân Lý vững bền muôn thuở. Nhưng vì sự vô tình, con cũng đã không ít lần bước hụt, trượt chân và vấp ngã quá là thê thảm. Nhưng chính nỗi đau ấy đã làm con can đảm đứng dậy để tiếp tục hành trình; Vì con tin rằng: mỗi lần vấp ngã là một lần bớt dại, và cũng không ai ngã mãi bao giờ. Có những chiều con đã thật xót xa khi phải chấp nhận những hiểu lầm vô cớ; Con lặng im mà chẳng thanh minh vì muốn học nơi Thánh nữ Têrêsa một con đường thơ ấu thật tầm thường: Vì yêu mà xin chọn cho mình tất cả, để lúc đêm về lòng con lại vang lên những tiếng ca rộn rã vì thấy mình được đắm chìm trong tình yêu nhiệm lạ, được thấm đượm chút hương hoa dịu ngọt từ Thập giá và chút vị mặn mà nơi biển ca bao la. Và bởi vì con vẫn là một hạt cát mong manh nên vì một chút vô tình, con có thể sẽ vướng vào những vinh hoa hoặc gắn bó với những gì là chóng qua, giả dối. Con có thể sẽ gây phồng rộp, đớn đau và thương tích cho những gót sen hồng hoặc có thể sẽ mắc kẹt trong gót giầy lữ khách để rồi trước khi vào nhà, họ phải giũ cho sạch nơi tấm thảm chùi chân. Rồi con sẽ một mình lăn lóc ở ngoài sân, phải chấp nhận dầm mưa dãi nắng. Lời Ngài lại như khẽ bảo con trong một đêm hè vắng: “Sao con không hòa mình vào lớp đất ngoài kia và hãy mang chút muối biển mặn mà để giúp cho cây đức tin của những kẻ nghèo hèn được đơm hoa kết trái?”

Lời Ngài vẫn thì thầm bên con mãi: Nếu Ta cứ để con hoài trên bãi cát ngoài kia thì con cũng đâu phải con sẽ lạc loài vô dụng. Vì với những du khách mà cả đời chỉ được một, hai lần đến biển thì con sẽ là một hạt cát mịn màng, sẽ mang lại chút thư thái nhẹ nhàng, làm ấm mềm những gót chân chai sần của họ. Với những người ngư dân nghèo khó đang vẫy vùng trong giống tố giưã biển khơi, con há không làm cho họ bớt chơi vơi. Hoặc chẳng là một dấu chỉ nhạt nhòa để họ vợi bớt nỗi lo về bão tố ?

Câu chuyện tình và hành trình về cát của dòng sông xin được dừng ở đó. Và dù Lời Ngài chỉ thoảng qua như gió thì con đã tin Ngài mà không chút tính toán so đo. Vì như hạt cát kia dẫu thô nhám vụng về nhưng với bàn tay nhà nghề của anh thợ nề là Giêsu kiên trì, khéo léo, nó vẫn có thể cùng xi-măng kết dính lại thành hồ, thành vữa để xây nên những biệt thự sang trọng và những ngôi đển rực rỡ uy nghiêm.

Con đã tự ví mình như hạt cát. Cát thì có khả năng hút ẩm, có khả năng thấm nước rất nhanh; nhưng chỉ cần trời nắng hanh hanh, nó sẽ mất nước, sẽ khô cằn thật sớm. Con sẽ có thể vô tình như cánh bướm hoặc se khô khan, lạnh lùng, không chút cảm tình hay sẽ trỏ lì, cứng cỏi như cát bụi đấy thôi. Ngài vẫn kiên trì gọi con mãi không thôi, nhưng con sẽ chỉ làm Ngài tổn thất. Con vốn dĩ là kẻ vô duyên nhất trên đời nên con sẽ là một đầy tớ bất tài vô dụng. (Lc 17,7-9). Con sẽ tồi đến nỗi không làm gì nên chuyện. Ngài cười bảo: “Con thì mong phải làm cho nhiều chuyện. Còn Ta, Ta chỉ cần lòng mến cộng với chút chân thành, khiêm tốn mà thôi. Vững tin đi, Ta đã biết con rồi, biết cả khi con đứng, con ngồi, và khi con nghĩ tưởng xa xôi cũng vậy.” (Tv 39).

Cuộc sống quanh con vẫn ba chìm, bảy nổi; Nhưng con tin rằng: Chính Ngài chứ không ai khác đã thương chọn và giữ con lại trong cuộc sống này. Vì thế, con đã vâng nghe, đã tín thác cả đời con cho Ngài trong tình mến, để cho dù con có yếu mềm hay có là một hạt cát cằn khô, dại khờ nằm chơ vơ trên bãi biển, thì những đợt mưa nguồn ân phúc sẽ không ngừng đổ xuống trên con. Và dẫu quanh con giông tố có ngập tràn và dù lòng không muốn thì con cũng xin sẵn sàng đón nhận để ơn Chúa sẽ không trở thành vô dụng trong con.

http//:daminhtamhiep.net

Comments are closed.

phone-icon