Thư của cha Bề trên Cả Dòng Đa Minh vào dịp ĐGH Phaolo VI tôn phong Catarina lên bậc tiến sĩ

0

Tu sĩ Aniceto Fernandez
Bề Trên Cả Dòng Anh Em Thuyết Giáo

Kính gửi

Toàn thể anh chị em và các phần tử Gia đình Đa Minh
Lời chào thăm và sự thông hiểu giáo lý

Như ai nấy đã biết, ngày mồng 4 tháng 10 tới đây, Đức giáo hoàng Phaolô VI sẽ tuyên bố thánh nữ Catarina Siena là Tiến sĩ của Giáo Hội phổ thế, như Ngài đã bộc lộ từ ngày 15.10.1967 (Acta Apost. 1967 trg 1047).

Biến cố quan trọng này liên hệ đến Dòng Thuyết Giáo cách riêng vì, cùng với thánh Têrêsa Avila, Catarina Siena là thánh nữ tiên khởi được truy tặng tước hiệu ấy, cũng như thánh Thomas Aquino là thánh nam tiên khởi được Đức giáo hoàng ban sắc lệnh riêng biệt để liệt vào sổ các Tiến sĩ.

Ở đây, Ta không có ý nhắc lại những lý lẽ thần học và pháp lý của biến cố này (Anal. S.O.P. 1970, fasc. II), Ta chỉ muốn cùng anh chị em suy nghĩ đôi điều về thánh nữ Catarina, người mà hiện nay được suy tôn một cách đích đáng là vị tôn sư trong Giáo Hội và trong Dòng.

1. Những đặc điểm của Catarina

Trước hết, đặc điểm chính yếu của đạo lý thánh nữ là sự thông thái, phát sinh do đoàn sủng (charisme) của Chúa Thánh Thần. Lòng mến Chúa yêu người đã phát huy nơi trinh nữ này một cách cao cường và mạnh mẽ đến nỗi người đã đạt được ơn thông thái khác thường, tương ứng với đức ái. Vì thế, người đã thấu hiểu những mầu nhiệm của Chúa một cách cao siêu và có thể trình bày cho tha nhân. Lại có thể xét đoán về tất cả mọi sự một cách sâu xa ăn nhịp với những qui tắc của Chúa để có thể hướng dẫn chính mình và tha nhân trên con đường cứu độ (Th. Thomas, S.T. II-II q. 45 aa.1 và 5).

Đặc điểm thứ hai phát xuất bởi đức tin siêu nhiên, thứ đức tin “nương tựa trên chân lý của Chúa như nền tảng” (ibid. 1,1). Chính thế, vì mới đây có người đã quả quyết : “Ấn tín của cuốn Đối Thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại là chân lý, vì chân lý và cốt cách của cuốn sách ấy, là dấu riêng của tư tưởng và hành động cũng như của ngôn từ và văn thể của Catarina” (Dialogo, Roma 1968, tr. 19-23).

Đức bác ái và sự thông thái cao độ ấy đã dẫn người đến bậc chiêm niệm chân lý cao siêu đến nỗi có thể áp dụng vào chính mình điều mà Catarina đã biện luận về các Tiến sĩ khác : “Được lặn lội và đắm chìm trong Máu, nơi các ngài tìm thấy đức ái nồng nàn của Ta, đức ái này là lửa thu hút tâm trí họ, lửa ấy phát xuất bởi Ta khi Ta chấp nhận những nguyện vọng của họ như lễ hy sinh. Do đó, họ sẽ nâng con mắt trí khôn lên để suy niệm Thiên tính của Ta, do đó cảm tình sẽ được dinh dưỡng và liên kết với ta, vì theo gót trí khôn … Nhờ ánh sáng đã soi sáng con mắt trí khôn Thomas đã ngắm nhìn Ta và nhờ ánh sáng ấy người đã chinh phục được sự trong sáng muôn mặt của khoa học : Augustinô, Giêrônimô và những Tiến sĩ khác, những vị thánh của Ta được Chân lý của Ta soi sáng, đã lĩnh hội và nhận biết chân lý của Ta mặc dầu ở giữa nơi tối tăm” (Dialogo, BAC, 1955, trg. 341).

Trong nhân tính mà Người đã mặc lấy, Con Một Thiên Chúa đã liên kết và vạch ra con đường đức mến và chân lý ấy một cách hoàn bị, đối với chúng ta “Người đã trở nên như chiếc cầu bắc từ trời xuống đất … Nếu nói Người là Con đường, thì nói đúng : Quả như Cha đã dậy cho con hiểu con đường dưới hình thức chiếc cầu. Nếu nói Người là Chân lý, thì cũng đúng như vậy, vì Người đã liên kết với Cha là Chân lý tối cao. Ai theo Người thì đi trong chân lý … Trên con đường này cũng gặp khách sạn của vườn Giáo Hội, nơi dự trữ và cung cấp bánh sự sống và Máu, để những tạo vật của Cha, là những lữ khách đang đi đường mệt nhọc, khỏi kiệt sức. Chính vì mục đích đó mà lòng Bác Ái của Ta truyền trong Giáo Hội phải cung cấp Máu và Thịt Con Một Ta, là Thiên Chúa thật và là người thật” (Ibid. đoạn 115 BAC tr. 237-240).

Người đã để chìa khoá (ngân hàng) Máu này cho ai ? Cho vị Tông đồ hiển hách của Cha là Phêrô và cho những vị đã và sẽ kế vị người cho đến tận thế … Tất cả hàng tư giáo đều do người mà phát xuất, và người cắt đặt chức vụ cho mỗi người để phân phát Máu vinh hiển này” (Ibid. đoạn 115 BAC  401 và 402).

Nhờ hai đặc điểm là đức bác ái và chân lý mà giải thích được Kitô học và Giáo Hội học : và cũng như nơi Chúa Kitô, Máu là tang chứng chính của chân lý mặc xác và của đức ái, thì trong Giáo Hội, Đức giáo hoàng, Đại diện Chúa Kitô, cũng là đầu canh giữ và phân phát Máu này.

2. Tính cách thức thời của Catarina trong Giáo Hội

Nếu trinh nữ thành Siena, nhờ cuộc đời và các tác phẩm đã ảnh hưởng lớn đến Giáo Hội nhiều cách qua các thế hệ, thì ngày nay, người cũng mưu ích cho Giáo Hội hơn bao giờ hết.

Công Đồng Vaticanô II đã dậy : “Ngày nay, nhân loại đang sống trong một giai đoạn mới của lịch sử, đánh dấu bởi những thay đổi sâu xa và nhanh chóng, đang lan tràn dần dần trên thế giới … Sự thay đổi tâm trạng và cơ cấu thường bắt con người, nhất là giới trẻ, xét lại những giá trị đã công nhận. Giới trẻ thường không dễ chịu đựng, nên hoang mang, nổi loạn ; hơn nữa ý thức được vai trò quan trọng của mình trong xã hội, họ lại nóng lòng muốn lãnh nhận trách nhiệm” (Gaudium et Spes, 4 và 7).

Trong giai đoạn mệnh danh là chuyển tiếp này, thiếu nữ dũng cảm Catarina lại đến giúp đỡ mọi người, nhất là giới trẻ, để chỉ cho họ con đường canh tân đích thực và tiến bộ. Trong những việc đó, phải liên kết sự trung thành với sự can đảm, và những phong phú của truyền thống với những điều mà người ta mới hay sẽ khám phá ra. Quả thực, người đã sống trong một thời kỳ mà Giáo Hội bị nhiều xáo trộn và xã hội đang chuyển tiếp từ thời Trung cổ đến thời Phục hưng. Hơn nữa, người còn dậy ta luôn luôn tìm phương diện thiêng liêng trong những việc thế trần và chính trị, như Công Đồng Vaticanô II đã tuyên bố trong Hiến chế mục vụ về Vui Mừng và Hy Vọng.

Vả lại, sự suy tôn một nữ tiến sĩ tiên khởi này cũng đáp ứng với những điều kiện và những đòi hỏi của thời đại chúng ta, vì theo Đức Gioan XXIII, một trong ba đặc trưng của thời đại này là “sự tham gia của nữ giới vào đời sống công cộng, và có lẽ trong Kitô giáo, sự tham gia ấy thể hiện một cách mau lẹ hơn … Càng ngày người phụ nữ càng ý thức nhân phẩm của mình và không còn đành phận là một vật vô nhân cách hay một dụng cụ nữa ; người phụ nữ đòi hỏi được sử đối như nhân vị trong tổ ấm cũng như trong đời sống công cộng” (Pacem in terris và Nuntium ad mulieres, 08.12.1965).

Nhưng phụ nữ nào đã nâng cao địa vị nữ giới, và làm cho họ được danh dự và vinh quang một cách thích ứng trong xã hội và Giáo Hội cho bằng Catarina ? Đàng khác, những điều mà thánh nữ đã chu toàn một cách thánh thiện như thế có thể là gương mẫu để hiểu giáo lý về tông đồ giáo dân, như Công Đồng Vaticanô đã trình bày trong Sắc lệnh về Hoạt động tông đồ giáo dân.

Điểm thứ ba trong đạo lý của vị tôn sư Catarina phải lưu ý và phải giải thích một cách chính xác và đem ra thực hành một cách đúng đắn ấy là dấu chỉ rõ rệt của thời đại chúng ta, quen gọi là “đối thoại” và “chống đối”.

Trót cuộc đời của người là một cuộc đối thoại, nhưng là cuộc đối thoại theo gương thánh Đa Minh, “chỉ nói với Chúa hay nói về Chúa” để sinh ích cho các linh hồn. Tất cả những bút tích của người cũng là một cuộc đối thoại : với Đấng hằng có trong cuốn sách chính nhan đề là Đối Thoại hoặc trong những lời kinh rất sốt sắng của người ; với nhân loại khắp nơi và thuộc mọi địa vị trong các lá thư của người. Việc tông đồ đa phương đa diện của Catarina cũng là một cuộc chống đối, nhưng trước hết là chống đối tội lỗi : tội phản nghịch với Thiên Chúa nên ta phải chống đối nó cho hết sức và kiên trì nhờ sức mạnh và nhân danh Thiên Chúa. Và chỉ vì tội mới được phép đưa ra những chống đối khác.

Cũng một lẽ, đường lối đối thoại và chống đối nữ tiến sĩ Catarina dậy phát sinh do đức bác ái và được duy trì trong phạm vi bác ái, được kiện cường bằng lời cầu nguyện và qui về lợi ích siêu nhiên của Giáo Hội. Lại được thực thi một cách kính cẩn, khiêm nhường và tùng phục, vì người nhắn nhủ rằng, khi khuyên dậy và sửa bảo, chúng ta không bao giờ được thay thế địa vị của người khác, không bao giờ được từ kiêu. Hạn từ “mẹ muốn”, với một tổng hợp đặc biệt, giãi bày cả nhân cách, tài trí và nghị lực của Catarina, đồng thời cũng tỏ ra sự khiêm nhường và vâng lời của người. Chẳng hạn, biết bao lần người viết cho Đức giáo hoàng, người đều xin Đức thánh cha miễn thứ cho người vì sự dốt nát, lại khẩn khoản xin đừng chấp sự kiêu căng của người. Khi bàn về sự chấn hưng hàng đạc đức theo mệnh lệnh của Chúa Cha hằng có, người nói rằng : “Vì người (Đức giáo hoàng) đã đặt họ làm tùy viên của mình, nên người cũng có quyền sửa phạt những khuyết điểm của họ … Họ là những đấng đã được xức dầu của Cha, vì thế trong Kinh Thánh đã chép : ‘Đứng đả động đến những đấng đã được xức dầu’ (Tv 104,15 ; 2 V 1,14). Do đó, không có điều tai hại nào lớn lao hơn sự tự tiện sửa dậy họ” (Dialogo c. 115).

Catarina đã nhắn nhủ mọi người một cách thẳng thắn : “Nguyện vọng đối thoại mà ta ước ao thực hiện để tìm chân lý do sự thúc đẩy của nguyên đức ái cũng phải luôn luôn đi kèm với đức khôn ngoan … Thiên Chúa Cha là thuỷ chung mọi sự. Vì thế, mọi người chúng ta được kêu gọi làm anh em … Giáo Hội, vì danh nghĩa của sứ mạng … trở nên dấu hiệu của tình huynh đệ, thứ huynh đệ cho phép và củng cố cuộc đối thoại chân thành (Gaudium et Spes, số 92).

3. Sự hiện diện sống động của Catarina trong Dòng

Trước hết, vị tân tiến sĩ này quả đã soi sáng và giải thích “sự phục vụ Giáo Hội và nhân loại về phương diện đạo lý” (Hiến pháp số 77, II), được công nhận là nhiệm vụ chính của Dòng, sứ vụ phải thực thi bằng sự học hỏi và giảng giải. Điểm truyền thống về con đường thiêng liêng của Dòng Đa Minh đã được bộc lộ một cách rộng rãi nơi Catarina, vì tình yêu rất nồng nàn của người đối với sự thông thái muôn thuở của Thiên Chúa mặc xác là Chúa Giêsu thập giá. Cần nhắc lại đây xem người đã nói về thánh phụ Đa Minh một cách cao đẹp như thế nào : “Người (thánh Đa Minh) đã lãnh nhận nhiệm vụ của Ngôi Hai. Con Một Cha, người thực giống một vị tông đồ gieo vãi trong thế gian chân lý và ánh sáng lời Cha” (Dialogo c. 158). Lại cũng phải nhắc lại cách người đề cao thánh Thomas : “Hiển thánh Thomas … đã soi sáng Dòng và toàn thể Thân Mình mầu nhiệm Giáo Hội, bằng cách phá tan những tối tăm của ngụy thuyết” (ibid.). Đồng thời, cũng phải biết Catarina đã nổi bật như một tiến sĩ về quyền tối thượng của Đức giáo hoàng, về sự tùng phục Giáo Hội và về sự thống nhất của Giáo Hội, người đã hiến cả cuộc đời cho Giáo Hội.

Vị tân tiến sĩ đã củng cố một cách thuận tiện lời của Đức Benedictô XV : “Trong lối giảng thuyết của Dòng Đa Minh, nổi bật ba đặc điểm riêng này : sự rất chắc chắn về đạo lý, sự hoàn toàn trung thành với Toà Thánh và sự thành thực sùng kính Đức Mẹ đồng trinh” (Thông điệp Fausto apetente die, thất bách chu niên ngày tạ thế của thánh Đa Minh). Riêng đối với Dòng Ba mà người là bổn mạng, Catarina đã nên gương rất cao sang về việc tông đồ, thúc đẩy các Chị Em và những phần tử của Dòng Ba phải hoạt động (HP số 144, 147, 149).

Cũng vậy, vì một lý do thứ hai và mạnh lực hơn năm nay trinh nữ Catarina sẽ ảnh hưởng lớn lao trong cả Dòng, vì năm nay Dòng kỷ niệm tám trăm năm sinh nhật thánh phụ Đa Minh, và là năm có thể được coi là năm sinh nhật của Dòng.

Thánh nữ Catarina không những là trưởng nữ của Dòng, nhưng còn có thể gọi là kế mẫu và sáng lập Dòng, vì “trót linh hồn của Đa Minh” đã chuyển sang người cũng như sang linh hồn chân phưởc Jordano Saxonia (Mortier Hist. des Maitres Gen. I, trg. 139). Lịch sử đã minh chứng điều quyết đoán ấy; chỉ cần nhắc lại thư luân lưu của Bề Trên Cả Michael Browne, viết trong dịp ngũ bách chu niên phong thánh cho Catarina (Anal. 1961 trg. 167-178).

Tuy nhiên, còn một điều chúng ta phải ghi lòng tạc dạ trong dịp này, khi mà người ta nhấn mạnh vào việc canh tân và bước tiến của Dòng, là yêu mến Dòng một cách xâu xa để được kiên trì trong ơn thiên triệu riêng biệt của chúng ta, ơn kêu gọi ấy, mặc dầu phải chú ý đến những hoàn cảnh của mỗi thời đại, nhưng vẫn sinh tồn trong mọi thời đại, vì là giảng “Lời Chúa tồn tại đến muôn đời” (Is 40,8). Không ai không biết rằng gương sáng và giáo huấn của chị Catarina có hiệu lực trong vấn đề này như thế nào. 

Dòng Thuyết Giáo đã được Catarina định nghĩa là : “Dòng rộng rãi, vui tươi, đầy hương vị, là vườn nho rất thanh tú. Nhưng những người tội nghiệp này thay vì giữ kỷ luật thì lại vi phạm, và biến Dòng thành một vườn bỏ hoang man rợ, không còn thấy hương thơm nhân đức, ánh sáng khoa học, đó là tội của những người được nuôi dưỡng trong Dòng. Ta không nói “do tội của Dòng” vì Dòng vốn đầy mọi cực lạc. Kỳ đầu, khi mà Dòng là một bông hoa thì không thế. Hồi đó trong Dòng có những tu sĩ rất trọn lành. Giống như thánh Phaolô: Với những con mắt đầy ánh sáng, không có sự tối tăm của lầm lạc nào xuất hiện trước mặt họ mà không bị tiêu tan ngay” (Dialogo c. 158, BAC trg. 528).

Và Catarina dậy rằng, lý do sâu xa và khôn tả của sự bền chí và canh tân ấy sẽ “tìm thấy trong phòng biết Chúa và biết mình”, ăn nhịp với châm ngôn cổ điển của người, là nền tảng của đời sống thiêng liêng cần được canh tân.

Những đặc điểm của đạo lý Catarina, gồm cả bác ái lẫn chân lý cũng thấy trong Gia Đình Đa Minh, đó là những đặc điểm cần phải duy trì nguyên tuyền và phải cổ võ một cách trung thành: “Người đã thốt lên: không phải là giờ ngủ một là giờ phải ân cần cầu xin cùng người Tây ban nha dịu hiền để người đừng ngủ với Dòng, một Dòng đã phục vụ để nâng cao đức tin, nhưng nay bị nhuốm độc. Vì thế, tôi đau khổ đến chết được”

4. Việc tuyên phong tiến sĩ sắp tới

Cử chỉ trang trọng của Quyền giáo huấn của Đức Phaolô VI sẽ được cử hành tại Đền thờ Vaticanô, vào ngày 04.10 như đã nói trên. Việc chỉ định thời gian này khiến Ta suy nghĩ đôi điều :

Vậy việc tuyên phong ấy nhằm vào ngày Chúa nhật đầu tháng mười là ngày từ bốn thế kỷ nay vẫn mừng lễ Mân Côi trong Giáo Hội và trong Dòng. Hãy chú nhận rằng sự mừng kính thánh nữ Catarina vẫn đi đôi với sự sùng kính Kinh Mân Côi, vì ảnh tượng truyền thống vẫn trình bày thánh nữ Catarina làm một với thánh Đa Minh quì dưới chân Đức Mẹ Chúa Trời đang ban tràng hoa mầu nhiệm. Vậy đó là Nữ Vương Dòng Giảng Thuyết với hai vị đại thánh của Dòng ở giữa anh chị em.

Đối với nước Italia nên chú ý rằng, việc tuyên phong vị tân tiến sĩ nhằm vào ngày lễ thánh Phanxicô Khó Khăn, trong ngày ấy, theo dân luật, nước Italia kính hai vị bổn mạng chính của quốc gia là Phanxicô và Catarina.

Sau hết, sự tuyên phong này thể hiện vào đúng ngày bách chu niên Công Đồng Vaticanô I, trong Công Đồng này đã ấn định quyền tối thượng và ơn vô ngộ của Đức giáo hoàng, những điều phù hợp một cách sâu xa với đạo lý của Catarina về Đấng Kitô dịu hiền trên trần gian.

Vì thế, tất cả Dòng phải tham gia trong ngày đáng ghi nhớ này, hoặc bằng cuộc hành hương đến Roma và Siena, hoặc phổ biến đạo lý của thánh nữ bằng lời nói hay bằng sách báo, xuất bản những tác phẩm hay tiểu sự của người hay những bài nghiên cứu khác. Theo tinh thần của thánh nữ, ai nấy phải lĩnh hội rõ rệt ý nghĩa Giáo Hội và Đa Minh của cuộc tuyên phong này.

Trong khi tha thiết báo trước những điều đó, Ta ban phép lành cho toàn thể Anh Chị Em yêu dấu, trong năm mừng sinh nhật thánh phụ Đa Minh và nữ tiến sĩ Catarina, với đức ái tràn trề nhân danh hai thánh nhân. Xin kính chào Anh Chị Em trong Chúa Kitô.

Rôma, ngày 29.4.1970, lễ thánh nữ Catarina Siena

Fr. Aniceto Fernandez, O.P.

Bề Trên Cả 

Comments are closed.

phone-icon