Nguồn mạch và hứng khởi trong đời tu

0

Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, một tình yêu bao la không gì chứa đựng nổi. Người đã tuôn trào tình yêu ấy trên các thụ tạo mà đặc biệt là con người từ muôn thuở cho đến muôn đời. Người đã dựng nên con người giống hình ảnh mình để thông phần tình yêu của Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Ngài còn muốn thánh hiến con người để trở thành dân riêng, thành bạn hữu và thành hiền thê… của mình. Từ thời Cựu Ước đến nay, Ngài đã không ngừng kêu gọi các tổ phụ, các tiên tri để hình thành một dân tộc được thánh hiến, đến các Tông Đồ và Hội thánh. Lời mời gọi “Hãy theo Thầy” đến nay vẫn còn vang lên mãi, chứng tỏ Thiên Chúa vẫn luôn khao khát sự đáp trả của con người. Như vậy, ơn gọi đòi hỏi phải có hai chiều kích: lời mời gọi và sự đáp trả. Lời mời gọi phát xuất từ nguồn mạch là chính Thiên Chúa và sự đáp trả liên quan đến tự do và hứng khởi của con người. Vậy, nguồn mạch là gì? Hứng khởi là gì? Và tương quan giữa chúng thế nào?

Theo “Đại từ điển Tiếng Việt” thì “nguồn” chỉ nơi bắt đầu, nơi phát sinh, tạo ra, cung cấp. Còn “mạch” là đường dẫn, chỉ sự liên tục, không đứt đoạn. Như vậy, nguồn mạch theo từ điển Tiếng Việt thì có thể hiểu là nơi bắt đầu, nơi phát sinh ra một sự liên tục, không đứt đoạn. Vậy nguồn mạch trong đời tu là gì? Nguồn mạch trong đời tu là chính Thiên Chúa vì chỉ có Thiên Chúa, Đấng phát sinh mọi điều thiện hảo, Đấng phát sinh sự sống và tình yêu không bao giờ cạn, chẳng bao giờ hết mới có thể làm khỏa lấp khát vọng và tình yêu của con người để con người có thế bước theo tiếng gọi huyền nhiệm cùng với những thách thức trong ơn gọi (tu trì). Bằng chứng là từ thời Cựu Ước đến nay, đã có bao con người dám từ bỏ tất cả để bước theo lời mời gọi đầy huyền nhiệm của Thiên Chúa. Ví như Tổ phụ Apraham, đang sống yêu ổn trong gia đình, dòng tộc với nhiều của cải và sự phồn thịnh. Vậy mà ông nghe lời Chúa phán: “hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (x.St 12,1). Dù không biết sẽ đi về đâu, tương lai như thế nào… Nhưng ông đã cất bước lên đường với một lòng tin tưởng vào Thiên Chúa cùng với lời hứa “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn (x.St 12,2). Và như Đức Maria, một trinh nữ, cũng có những hoạch định tương lai cho mình, thế mà, Thiên Chúa lại mời gọi Mẹ bước vào kế hoạch của Ngài. Lời mời gọi nhiệm lạ khiến Mẹ không thể từ chối, để rồi Mẹ đành gác lại mọi hoạch định của mình, dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Hơn thế nữa, Thiên Chúa còn thể hiện tình yêu của Ngài trên loài người cách nhưng không. Ngài gọi một người như Môsê, một người vừa ngọng lại vừa đang “trốn chui trốn nhủi” vì sợ bị bắt sau khi giết chết một người Ai Cập – để trở thành một người dẫn đưa dân tộc Israel khỏi nô lệ tiến vào Đất Hứa. Ngài chọn một cậu bé như Đavit khi đang chăn chiên để đánh bại tên khổng lồ Gôliat và trở thành một vị vua vĩ đại. Và rồi, Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, “đã nhìn người thanh niên và đem lòng trìu mến” (x.Mc 10,2) và mời gọi anh “… hãy đến theo tôi” (x.Mt 19,21). Nguồn mạch ấy vẫn chảy tràn mãi đến muôn đời chỉ đơn giản vì Thiên Chúa yêu thương loài người, không bất kể con người yếu đuối, tội lỗi…

Còn hứng khởi là gì? Theo Đại từ điển Tiếng Việt thì hứng khởi là phấn khởi, náo nức trong lòng, là cảm giác thích thú, thôi thúc ta làm một việc gì đó. Vậy, hứng khởi trong đời tu là gì? Theo con, hứng khởi trong đời tu là một cảm giác, một động lực thôi thúc ta sống đời tu. Hay có thể hiểu là sự đáp trả trong ơn gọi tu trì. Tổ phụ Apraham khi nghe Chúa gọi, ông đã ra đi vì ông tin vào lời chúc phúc của Thiên Chúa (x.St 12,1-5). Có thể nói việc ông tin vào lời chúc phúc của Thiên Chúa chính là sự hứng khởi để ông ra đi. Hay như bốn vị Tông đồ đầu tiên (Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan) Chúa gọi “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (x.Mt 4,19) và các ông đã bỏ mọi sự mà đi theo Người (x.Mt 4,18-22). Có thể lúc đó các môn đệ chưa hiểu gì về lời Chúa nói. Nhưng chính lừoi mời gọi đầy uy quyền của Chúa Giêsu đã thôi thúc và là sự hứng khởi để các ông bỏ mọi sự mà đi theo Người. Sự hứng khởi trong ơn gọi đôi lúc không đến ngay từ lần mời gọi đầu tiên như đối với ơn gọi của tổ phụ Apraham hay bốn vị Tông đồ đầu tiên này nhưng là qua nhiều lần thoái thác, thắc mắc như ơn gọi của Môsê, dù đã nhiều lần từ chối “con là ai mà dám đến với Pharaô” (x.Xh 3,11) hay “con không phải là kẻ có tài ăn nói…” (x.Xh 4,10)… nhưng cuối cùng Thiên Chúa đã tháo gỡ mọi mối bận tâm cho ông và ông đã trở thành vị “sứ giả” cho Chúa. Hay như tiên tri Giôna, ông đã trốn đi vì không dám lãnh sứ mạng Chúa trao và rồi qua nhiều dấu lạ và khi ông ở trong bụng cá, ông đã nhận ra bàn tay Chúa và ông đã đến với dân thành Ninivê, kêu gọi họ sám hối như lời Đức Chúa truyền cho ông (x.Gn 1-3,3). Và còn rất nhiều ơn gọi khác từ Cựu Ước đến nay, mỗi ơn gọi đều có một huyền nhiệm rất riêng, mỗi ơn gọi đều có một sự đáp trả đầy cá vị theo sự hứng khởi riêng.

Bản thân con, trước khi bước theo ơn gọi tu trì, con cũng đã nhiều lần thoái thác, chần chừ, chưa dứt khoát… Nhưng rồi, một khi lời mời gọi của Chúa đủ mạnh, thôi thúc con bước theo qua các dấu chỉ của đời mình… rồi con đã quyết định bước theo Ngài trong ơn gọi này. Sự nồng nhiệt của đầu đời ơn gọi mới cháy bỏng làm sao. Nó nói lên một niềm hứng khởi muốn dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Trải qua một năm, hai năm và rồi năm năm trong ơn gọi chưa phải là nhiều nhưng cũng có lúc “thăng trầm”. Mỗi “bước chân nhanh” hay “những bước chân mệt mỏi” thì bằng cách này hay cách khác Chúa luôn hỗ trợ… Điều đó nói lên giữa nguồn mạch và hứng khởi có tác động tương hỗ với nhau.

Sẽ không có hứng khởi  nếu không có nguồn mạch. (Thực vậy làm sao tôi đi nếu tôi không được gọi!) Và nguồn mạch chẳng có ý nghĩa cho tôi nếu tôi không tiếp nhận, không có hứng khởi trong lòng, cũng như ơn gọi trở nên èo uột hay cây cối không hấp thụ chất dinh dưỡng dù nguồn vẫn luôn tuôn chảy cho nó. Cũng như anh thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng sẽ chẳng đón nhận nguồn mạch vì anh ta không thể làm theo lời mời gọi của Chúa để bỏ mọi sự theo Người. Anh “ỉu xìu” bỏ đi, không có hứng khởi, không có đáp trả và không có niềm vui trọn vẹn.

Như cây cần nước, con cũng cần Chúa. Chúa luôn đổ tràn tình yêu cho con nhưng làm sao con có thể cảm nhận nếu con không mở lòng để cho đi, cho đi, dâng hiến chính mình con cho Ngài? Ơn gọi của con cũng sẽ chỉ èo uột nếu con không sẵn sàng đón nhận những gì chính Chúa là nguồn trao ban…

Maria Cẩm Chi (Tập sinh)

 

Comments are closed.

phone-icon