Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Một câu nói rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Thế nhưng trên đời chúng ta lại thấy rất nhiều những điều ngược lại, người ở hiền thì không gặp lành, còn người ở ác lại hay gặp những điều may mắn. Có một người đã nói vơi tôi: “Cha ơi, sao con ở hiền mà con chẳng bao giờ gặp chuyện lành cả, toàn những chuyện tai ương hay khó khăn chồng chất thôi!”
Thực ra, ở hiền không phải là tránh được mọi tai ương. Sự dữ vẫn có thể đến với chúng ta. Sự dữ chính là tên quỷ dữ luôn tìm cách làm hại người lành. Nó có thể dùng linh hồn tha nhân để làm hại chúng ta. Hay như Jean–Paul Sartre đã từng nói: “con người là chó sói của con người”. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta hành động “ăn miếng trả miếng” theo kiểu thế gian. Người ky-tô hữu chúng ta phải làm chứng cho sự thiện bằng sự hiền lành và khiêm nhường, cho dẫu có vì đó mà chúng ta chịu trăm ngàn khổ đau.
Hôm nay Chúa nói : “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Sự hiền lành của Chúa không phải là đi tìm sự thỏa hiệp với thế gian. Chúa không im lặng trước sự dữ. Chúa đã từng lên án gắt gao thói giả hình và gian tà của những kẻ biệt phái. Chúa đã từng xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ. Chính vì những điều Chúa làm, những lời Chúa nói đã ảnh hưởng đến miếng cơm chén gạo của các biệt phái mà người ta tìm cách giết Chúa. Sự hiền lành của Chúa là vì công lý mà chịu nhiều thiệt thòi. Vì sự thật mà phải chết nhục nhã trên cây thập giá, nhưng Ngài không chống cự, và còn xin cùng Chúa Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Chúa đấu tranh nhưng bất bạo động, vì “ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”, “oán báo oán, oán chập chùng” và còn tha thứ cho xúc phạm của tha nhân không chỉ “7 lần mà là 70 lần bảy”, nghĩa là mãi mãi. . .
Trong tám mối phúc, có mối phúc Chúa chúc phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nườc Trời là của họ. Như thế hiền lành ở đây là sống thật và làm chứng cho sự thật. Không nhượng bộ, thỏa hiệp với dối gian. Cho dù vì lẽ công chính đó mà mình bị bách hại, bị thiệt thòi vẫn chấp nhận, vì phần thưởng của chúng ta là Nước Trời.
Sự hiền lành của Chúa còn hệ tại ở sự cảm thông với lỗi lầm của người khác. Không thành kiến đối với những người bị xã hội ruồng bỏ. Ngài yêu thương họ. Ngài đến để đối thoại với họ. Ngài mở cho họ một con đường mới. Ngài giúp họ làm lại cuộc đời như Madalena, như Giakêu, như người thiếu phụ bên bờ giếng Giacóp.
Sự hiền lành thường đi song song với khiêm tốn. Hiền lành để tha nhân dễ gần chúng ta và khiêm tốn để ta dễ hòa đồng với tha nhân. Tuy hai nhưng là một mục đích. Tạo cơ hội cho chúng ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Kẻ kiêu căng thường phân loại để chơi. Người khiêm nhường thì đối xử mọi người như nhau. Người hiền lành ai cũng muốn tới gần. Kẻ gian ác ai cũng chạy xa. Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài luôn có thể gặp gỡ trao đổi với mọi người từ em bé đến người già. Từ người giầu có đến kẻ hèn. Từ người công chính đến tội lỗi.
Chân Phước Clément Hofbauer đã nêu cao gương hiền lành và khiêm nhường ấy một cách tuyệt vời. Vào khoảng năm 1800, ngài đi vào một quán ăn tại Varsovia để xin những thực khách tại đây giúp cho các trẻ mồ côi mà ngài đang coi sóc. Một thực khách, đang chơi bài, nhổ nước miếng vào mặt ngài. Vị linh mục thánh thiện nầy vừa chùi má, vừa nói:
“Thưa ông, đây là phần ông cho tôi; bây giờ, xin ông cho các em mồ côi một chút gì đi.”
Ông đánh bạc nầy quá xúc động, lấy tất cả tiền đánh bạc của mình ra và cho ngài. Vài ngày sau, ông nầy tìm đến ngài để xin xưng thú tội lỗi.
Hóa ra sự hiền lành có thể hóa giải lòng người. Sự hiền lành thể hiện sự bản lĩnh của kẻ mạnh. Sự hiền lành giúp cho con người sống nhường nhịn lẫn nhau, tha thứ cho nhau và cùng nhau xây dựng một xã hội đầy yêu thương.
Ước gì sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giê-su luôn là mẫu mực để chúng ta noi theo. Xin cho chúng ta luôn là chứng nhân cho lòng nhân hậu của Chúa giữa một thề giới đầy thù hận hôm nay. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền