Độc thân ngày nay

0

Xin gửi đến các bạn tập sách ĐỘC THÂN NGÀY NAY
Nguyên tác: Supplément à vie chrétienne,
Nov. 1972, No 151 Tác giả: Yves Raguin, SJ.
Chuyển ngữ: Lm. Đặng Xuân Thành

Dẫn nhập

Tựa đề cuốn sách này không phải là một câu hỏi, mà là một câu trả lời. Có một sự độc thân cho ngày hôm nay. Cuộc tranh luận hiện nay về vấn đề độc thân chính là chặng cuối cùng của một cuộc tìm hiểu không phải chỉ mới bắt đầu từ công đồng Vatican II mà ngay từ đầu lịch sử Kitô giáo hay trước nữa. Từ khi con người ý thức tới quan hệ của mình với Thiên Chúa, vấn đề ấy đã được đặt ra, chỉ cần nghiên cứu lịch sử các phong trào tôn giáo lớn sẽ thấy điều đó. Nội dung của vấn đề thật đơn giản : người ta có bao giờ đi tìm và gặp gỡ Thiên Chúa tới mức bị đòi hỏi phải từ khước hôn nhân hay không? Và xưa nay câu trả lời vẫn là ‘có’. Chính vì thế trong tôn giáo nào cũng có những người nam và người nữ đã từ khước chẳng những hôn nhân mà còn từ khước mọi quan hệ tính dục nữa để gặp được Thiên Chúa nhiều hơn. Nếu thời đại nào cũng có người nam và người nữ từ khước mọi sự kết hợp tính dục để gặp gỡ Thiên Chúa, thì hẳn thời đại chúng ta cũng có thể và phải có những con người đó. Vì vậy tôi mới đặt tên cho tác phẩm này là “Độc thân ngày nay”.

Độc thân và trinh khiết đang mặc lấy một ý nghĩa mới và đang mở ra cho con người những viễn tượng mới. Tuy nhiên vẫn có nhiều người nghĩ rằng khi khám phá lại sự cao cả của hôn nhân – hôn nhân là đường dẫn tới Thiên Chúa, người ta đã vô tình biến con đường trinh khiết thành dư thừa. Những ai nghĩ như thế là đã mang ảo tưởng trầm trọng. Quả vậy, hôn nhân được khám phá lại như thể phần lớn là nhờ ở sự ngưỡng vọng cao siêu của những người từ khước hôn nhân, đồng thời khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của sự kết hiệp vợ chồng mà các Kitô hữu thấy được ý nghĩa mới mẻ của sự trinh khiết.

Chúng ta đang sống trong lịch sử, và trong lịch sử không có giai đoạn nào là vĩnh viễn cả. Mỗi giai đoạn đều chờ bị vượt qua, chuẩn bị và đòi hỏi phải được vượt qua bởi giai đoạn kế tiếp. Chỉ có những gì siêu vượt lịch sử mới vĩnh viễn, và những gì xuất hiện trong lịch sử đều là hình ảnh tượng trưng, diễn tả và kêu gọi những gì ở bên kia lịch sử.. Độc thân và trinh khiết thuộc loại này. Độc thân và trinh khiết được thực hành trong lịch sử nhân loại, qua những thăng trầm và đau khổ của lịch sử ấy, y hệt như hôn nhân vậy, nhưng đồng thời chúng báo trước một tình trạng vượt lên trên lịch sử.

Vấn đề độc thân trở nên vấn đề thời sự sôi bỏng là do những cuộc tranh luận hiện nay về sự độc thân của linh mục. Trọng tâm của vấn đề này không phải là giá trị của sự độc thân và trinh khiết, nhưng là quan hệ độc thân với thừa tác vụ linh mục; Tôi không muốn đi vào cuộc tranh luận này. Rất có thể một ngày kia Giáo hội muốn có những linh mục lập gia đình như Giáo hội đã từng muốn thấy các linh mục không kết bạn. Quyết định của Giáo hội được hướng dẫn bởi những lý do thần học, tu đức cũng như những lý do tiện lợi, hợp thời.

Điều tôi thấy nguy hiểm nhất là cuộc tranh luận ấy đã được báo chí phóng đại, dàn dựng như một việc của mình. Hậu quả của việc làm này thường tai hại, vì những người nói nhiều nhất và được nghe nhiều nhất thường thường là những người không còn thấy sự độc thân là giá trị gì nữa. Ngược lại những người trung thành với sự độc thân lại ít nói nhất; họ là những người đã bị tình yêu Thiên Chúa nung đốt nhưng lại không nói một lời nào cả.

Có thể tôi đã lầm khi nghĩ mình có thể góp tiếng nói cho hàng ngàn người âm thầm sống độc thân cho Chúa và Nước Trời. Một số người chấp nhận bị hiểu lầm vì họ đã rút được sức mạnh từ chính sự hiểu lầm đó. Nhưng cũng còn biết bao nhiêu người phải chóng mặt hoang mang vì bị rót vào tai rằng họ không phải là những con người bình thường, họ không biết yêu là gì, họ bị ly gián với thế giới, họ không sống thân phận thật sự của con người, v…v…

Đôi khi tôi chợt nghĩ rằng những người công kích sự độc thân thường là những người không tìm được hạnh phúc, hoặc trong đời sống độc thân hay trong đời sống hôn nhân. Bởi vậy, họ tìm cách bào chữa cho những thất bại của mình. Còn những ai đang hạnh phúc trong cuộc sống của mình sẽ nghĩ rằng người khác cũng đang hạnh phúc trong cuộc sống của họ. Tôi muốn viết những trang này trong tinh thần của những con người đó.

Năm 1967, tôi đã biên soạn một cuốn mang tựa đề là “Giá trị hiện nay của sự độc thân và trinh khiết” (‘Valeur présente du célibat et de la) nhưng chưa xuất bản; Tác phẩm này là một bản sửa chữa lại tác phẩm đó. Từ năm 1967, tôi có rộng rãi thì giờ để suy nghĩ về vấn đề này và sống lời cam kết của mình một cách sáng suốt hơn, ý thức lại sự dấn thân của mình có ý nghĩa gì đối với bạn bè thân thiết của mình, nam cũng như nữ. Vì thế những gì viết ra ở đây không phải là một giấc mơ, mà là một sự thật đã được sống.

Điểm sáng chói trong đời sống độc thân và trinh khiết là nhờ đó tâm hồn ta được tự do. Đây là một trong nhiều điểm sẽ được nói tới sau đây. Khi tình yêu đối với Thiên Chúa tỏa sáng mạnh mẽ, những người độc thân và trinh khiết có điều kiện để làm triển nở những tình thân nhân loại rất cao cả, tới mức ít ai nghĩ là có thể được, độc thân và trinh khiết còn giúp họ sẵn sàng hơn đối với những công việc đòi hỏi một sự tận tụy toàn diện mà vàng bạc cũng không thể mua được. 

Tôi không thể đếm được bao nhiêu người đã đóng góp vào việc hình thành khảo luận này… Hàng trăm người đã tạo ra bầu khí cho tác phẩm. Một số ít hơn đã giúp tôi viết được những chương căn bản nhất. Cứ mỗi đoạn, mỗi câu trong tác phẩm lại gợi ra trước mắt tôi một khuôn mặt, làm vang dậy bên tai tôi một lời nói và nhắc tôi nhớ đến một lần gặp gỡ nào đó.

Như vậy, cuốn sách này không phải là gói ghém mơ ước của một người, nhưng là âm vang của những con người cụ thể đang sống khắp nơi trên thế giới này.

***

PHẦN I: ĐOÀN SỦNG ĐỘC THÂN

1. Chúng tôi đã tin vào tình yêu

Tại sao có những người nam người nữ từ khước hôn nhân? Nếu đặt câu hỏi này với những người ấy trong Kitô giáo ta sẽ nghe cùng một câu trả lời: “Vì Người, vì Đức Kitô”.

Như thế, chính vì muốn sử dụng cuộc sống của mình ở mức tốt nhất mà trong một giây phút chọn lựa quan trọng các thanh niên thiếu nữ ấy đã ngỏ ý muốn chọn Đấng quen gọi là Thiên Chúa hay cụ thể hơn Thiên Chúa nhập thể Đức Kitô làm đối tượng cụ thể trước mắt và công khai tình yêu. Làm sao chuyện ấy có thể được? Có thể hay không, điều ấy không quan trọng, vì đây là một sự thật. Nếu ta hỏi họ: ‘Ai sẽ là bạn đời của anh (chị)?’ Họ sẽ trả lời: “Đức Kitô. Đó chính là người tôi yêu, là người tôi muốn gởi gắm cuộc đời, là người ngày đêm sẽ là đối tượng suy tư tưởng nhớ thâm sâu nhất của tôi. Đang khi bạn có người yêu ở bên cạnh, thì tôi lại chẳng có ai ở bên cả. Tôi cô độc và vì thế bạn ái ngại cho tôi. Đừng thương tiếc cho tôi. Vì tôi đã gặp thấy Tình yêu nơi Người, nhờ Người và với Người. Tôi có thể nói như Thánh Gioan rằng tôi đã tin vào Tình yêu của bạn thì bạn hãy tin rằng cả tôi nữa, tôi cũng biết thế nào là Tình yêu chứ”.

Họ sẽ không nói : ‘Tôi tận hiến cho Chúa vì tôi sợ hôn nhân, vì tôi muốn sống yên ổn trong một cộng đoàn”. Những lý do này có thể đã ảnh hưởng lên quyết định của họ nhưng đó chỉ là lý do hết sức thứ yếu ta có thể gom góp đủ mọi lý do nhưng không có lý do nào đáng để so sánh với lý do sâu xa trên đây. Chính vì Chúa, chính vì Người mà chị từ khước anh thanh niên hấp dẫn, cương nghị và nồng nàn kia. Chính vì Người mà anh từ khước cô thiếu nữ đáng yêu, thông minh và linh hoạt như hoa xuân nọ.

Khi quyết định, họ không chọn một điều gì chống lại tình yêu, nhưng chọn một tình yêu khác. Có thể nói những sự lựa chọn liên hệ đến cả cuộc đời tựu trưng là thế. Tuy nhiên, khi một thanh niên do dự giữa nhiều thiếu nữ, không hẳn là anh ta sẽ chọn người anh yêu thương nhất. Anh có thể cưới một cô anh yêu thương ít hơn, nhưng vì đã thiếu khôn ngoan với cô ta nên bị cô ta ràng buộc. Chúng ta không cần nhấn mạnh tới những rủi ro đó, vì nói chung cả lúc đó người ta cũng chọn lựa tình yêu chứ không chọn lựa một điều gì chống lại tình yêu. Thanh niên và thiêu nữ làm đủ cách để chọn người mình yêu. Nhưng không thể tránh được những trường hợp lấy nhau sai lầm, không hợp nhau, không ăn ý nhau, và vì thế không được yêu thương đủ. Cuộc sống con người cứ tàm tạm như thế. Phải đón nhận cuộc sống ấy đúng như vậy và cố gắng sử dụng nó một cách tốt nhất.

Người phụ nữ hiến thân cho người đàn ông khi chắc chắn rằng người đàn ông ấy yêu thương mình hay họ hiến thân để tìm được sự chắc chắn ấy. Thường thường người đàn bà trao thân vì sợ người đàn ông vượt khỏi tầm tay mình, hay giản dị hơn chỉ vì muốn làm mẹ. Đó là những thực tế trong cuộc sống và thật là ngây thơ nếu tin rằng trong một cuộc gặp gỡ nam nữ mọi sự đều là tình yêu.

Cũng chính vì thế trong đa số ơn gọi sống độc thân, ngoài tình yêu Thiên Chúa còn thấy có những nét quyến rũ và cả những thất bại của tình yêu chen vào. Không những nhờ cái đẹp nhưng còn nhờ những đau khổ của tình yêu con người mà ta mở mắt để nhìn ra thực tế độc đáo của Tình Yêu Thiên Chúa. Rất nhiều người chọn sống độc thân là những người rất nhạy cảm, rất sẵn sàng lao vào một tình yêu đẹp không tả xiết, nhưng họ lại sợ thân phận mỗi ngày của một con người. Đối với những người đó đi tìm sự giải thoát không phải là một tai hại lớn sao? Chẳng hạn như ở Nhật Bản, thân phận của người vợ khá cay nghiệt đã khiến một số đông phụ nữ hướng tới đời tu, dù rằng nếu ở trong một hoàn cảnh khác chắc chắn họ là những người vợ xuất sắc. Vì vậy sợ hãi thực tế và ao ước được giải thoát có thể là những yếu tố chen vào ơn gọi độc thân của nhiều người. Nhưng xét cho cùng lý do khiến họ quyết định lựa chọn độc thân chính là trong đời độc thân họ có thể yêu một người trung thành trong cuộc sống lẫn trong cái chết trung thành mãi mãi.

Chọn sống độc thân vì Đức Kitô và cả nước Trời không phải là từ chối tình yêu con người, càng không phải là từ chối những khốn khó không thể tránh được trong tình yêu con người nhưng là đáp lại một ” Tình Yêu vô biên”. Đó cũng là đáp lại một tình yêu nhân loại đã thoát ra khỏi mọi nét lôi cuốn của thể xác, có thể ban đầu còn đáp lại một cách nhút nhát nhưng cũng mãnh liệt không kém chi những tình yêu trọn vẹn nhất của con người. Quả thế, nhờ sự tự do trong tâm hồn do sự độc thân đem lại, sẽ có những chân trời bao la được mở ra. Tình yêu của Thiên Chúa dành cho ta và tình yêu của ta hiến dâng cho Người sẽ mở rộng tâm hồn ta cho lớn bằng con tim của Người để ta có thể yêu và được yêu như Người.

Khi một thanh niên hay một thiếu nữ bày tỏ cho cha mẹ biết quyết định của mình muốn tận hiến cho Chúa, gia đình thường tỏ ra lúng túng khi cho bạn bè biết tin ấy. Các ngài chỉ nói giản dị rằng: “Anh chị biết đấy, đó là ý nghĩ của nó”. Dĩ nhiên, chàng trai đó hay cô gái kia không trình bày cho cha mẹ những gì đã diễn ra trong tâm hồn họ. Họ sợ không được thông cảm và bị chế nhạo. Nhưng với những ai được họ tín nhiệm, họ sẽ trình bày hết.

Năm này qua năm khác dần dần họ khám phá ra có người nào đó đã yêu họ, người đó chính là Đức Kitô. Đức Kitô đã lôi kéo họ vào chỗ thân mật với Người, như Người đã từng lôi kéo Gioan, Anrê, Phêrô và nhiều người khác. Giữa hai bên có một sự đối thọai. Một tình bạn nảy sinh và dần dần tỏ ra giống như một tình yêu sâu xa thắm thiết. Có khi cuộc gặp gỡ đó xuất hiện đột ngột như một tia chớp, nhưng cũng có khi đó là một sự khám phá từ từ. Nhưng dù sao lúc nào Đức Kitô cũng vẫn hoạt động, Người đòi có thời gian, đòi sự chú ý, đòi cuộc sống và chính con người của họ… Nhiều năm sau, khi nhìn lại, họ vẫn nói : “Chúng tôi đã tin vào Tình Yêu”.

2. Đáp lại tình yêu

Người ta sống tình yêu có thể một cách tình yêu ngoại diện, có thể một cách rất thâm trầm sâu sắc. Có những tình yêu chỉ là những cuộc vui bên ngoài da thịt, nhưng cũng có những mối tình thu hút hết cả con người và trở thành linh hồn của ta. Tình yêu được đo lường theo mức độ dấn thân sâu xa của ta trong đó. Bởi vậy cần phải mất một thời gian dài mới đạt được một tình yêu chân thực, tình yêu ấy chỉ triển nở được khi ta đã chết cho chính mình. Đáp lại một tình yêu hời hợt bên ngoài thật là dễ, nhưng đáp lại một tình yêu trao ban tất cả và đòi hỏi hết là một việc vượt quá khả năng của nhiều người.

Khi đáp lại ta mặc nhiên cho thấy rằng mình đã chắc chắn về tình yêu. Nhưng tình yêu giống như một vực thẳm mà ta không thấy được đâu là đáy. Yêu tức là cảm nếm một niềm vui vô hạn nhưng đồng thời đau khổ cũng không kém: đau khổ về chính mình, đau khổ về người kia, hay đau khổ về cả hai. Yêu thương là cảm nhận một niềm vui được trao đổi, được nhân lên không ngừng, vì đã nhận được một sự hiến dâng liên tục cho tới khi nơi đáy sâu con người ta không còn gì nữa ngoài cái khoảng không bao la và đó cũng chính là sự viên mãn trọn vẹn nhất mà loài người có thể đạt được.

Yêu là đáp lại người khác, đáp lại không chỉ trên đầu môi hay trong tim mà với toàn diện con người mình. Người ta trả lời với tình yêu trước khi trao hiến trọn vẹn. Nhưng chính khi trả lời như vậy người ta đã nắm chắc tình yêu. Hai thân xác quyện chặt với nhau, đó sẽ là cuộc hành trình mới kết thúc mối tình đã bắt đầu khi hai bên trả lời nhau. Hành vi ấy mà một âm hưởng mới của tình yêu. Mọi cảm tính sẽ được dựa vào đó, bản nhạc tình yêu sẽ được chơi trên chiếc đàn thân xác trong sự hòa điệu của thân xác, và những dấu nhạc sẽ vang vọng tới tận cốt tủy của hữu thể mà lâu nay đã mở toang ra, sẵn sàng trao hiến, kể từ khi hai bên trả lời nhau. Khi toàn vẹn hữu thể con người, từng thớ thịt một, khi toàn bộ cuộc sống, con người, từng giờ một được dựa vào tình yêu, đó chính là lúc tình yêu đạt tới mức trọn vẹn hơn cả.

Có những lúc, đối với hai người yêu nhau, không còn gì nữa, không còn thể xác, tinh thần, con tim, trí óc nữa, mà chỉ còn một sự thật kỳ diệu là hai bên đối diện nhau, ở bên nhau, ở trong nhau. Những giây phút này rất hiếm hoi trong cuộc sống. Nhưng có đôi lần như thế cũng đủ để ta hiểu thế nào là yêu và được yêu… cả hai chỉ là một. Câu trả lời cho tình yêu nay đã trở thành một sự thật trong cuộc sống hằng ngày.

Cảm động trước tình yêu và trả lời, đó chưa phải là sự đáp trả hiến dâng và bỏ mình, đó mới chỉ là một sự ưng thuận còn rụt rè với hy vọng là sẽ gặp gỡ nhau thân mật hơn. Chặng đường này sẽ chậm, đôi khi cam go nữa, vì ta chỉ đáp lại khi chắc chắn về tình yêu. Thế nhưng ta lại không bao giờ có thể chắc chắn về người khác như trong trường hợp của bản thân mình, ta chỉ biết người khác qua ấn tượng họ để lại cho ta. Đó là lý do tại sao tình yêu luôn diễn tiến trong lo ngại, sợ sệt rằng mình phải hiến thân cho một người không đáng.

Vậy thì cần phải có thời gian ta mới biến sự tín nhiệm hoàn toàn của ta với người khác thành sự thật trong cuộc sống của ta được. Khi đáp lại, là một cái gì đó liền thay đổi. Cánh cửa liền mở ra. ‘Cánh cửa lòng tôi đã mở ra, cánh cửa xưa nay chỉ mình tôi đi qua. Nhưng nay có một người khác đã đi qua đó cùng với tôi hay một mình không có tôi. Đôi khi tôi đi theo và dẫn người ấy vào. Nhưng cũng có lúc, những lúc tôi ít ngờ nhất, người ấy chợt đến, đột ngột đi vào không gõ cửa… Người ấy đứng đó, làm tôi giật mình, vì lúc này tôi không nghĩ tới người ấy. Quả thật là tôi không nghĩ tới người ấy. Đúng ra tôi không nghĩ tới nhưng lòng tôi thì vẫn tỉnh thức chờ đợi. Người ấy đã đi vào qua ngã của lòng tôi, đã lấy tay chạm nhẹ đến người tôi khi tôi ngủ, và tôi đã giật mình tỉnh dậy… tôi biết rằng mình đã yêu người ấy. Lúc ấy không cần phải suy nghĩ, vì không còn gì để suy nghĩ nữa, tôi nói lên hai tiếng ưng thuận trước tình yêu của người ấy và tôi yêu người ấy”.

Sách Diễm ca đã ca ngợi tình yêu như thế, ca ngợi tình yêu Thiên Chúa bằng ngôn ngữ con người. Có người ngạc nhiên khi thấy bài ngợi ca nay được đưa vào Sách Lời Chúa, tôi cùng chỉ bắt gặp được nếu nó làm rung động được con tim khỗn khó của tôi. Thiên Chúa chơi bài ca yêu thương trên dây đàn ghi-ta của con người, những dây đàn tinh thần đang được căng trên những sợi thần kinh, dây gân và xương cốt của con người.

Để hiểu hết tình yêu của Thiên Chúa, ta chỉ cần đọc những mạc khải rất đẹp của Đức Kitô hay của Thánh Gioan như: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một mình cho thế gian” (Ga 3,16). “Vì yêu thương các môn đệ, Người đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1), “Thiên Chúa là Tình Yêu…” (lGa 4,3). Nhưng chừng đó thôi chưa đủ để khiến con người quyết định đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng cách sống độc thân. Điểm quan trọng khiến những thanh niên thiếu nữ ấy sông độc thân, đó la có một ngày nọ Thiên Chúa đã đích thân bày tỏ cho họ thấy một tình yêu sâu đậm tới mức họ chỉ có thể gật đầu ưng thuận bằng cách cùng lúc phải khước từ tình yêu trong hôn nhân.

3.Những bước đi trước của Thiên Chúa

Từ khi con người hiện hữu, Thiên Chúa luôn bước những bước trước để mời gọi con người yêu thương Người. Toàn thể tạo vật đều là tiếng gọi yêu thương. Con người thừa biết rằng không ai nhìn tạo vật mà không nghĩ đến người đã dựng ra nó, ít là phải như vậy. Đoạn sách Sáng Thê Ký kể lại việc Adam nhận vợ mình từ tay Thiên Chúa là một đoạn tuyệt đẹp. Giavê tạo dựng một phụ nữ rồi đưa đến với người đàn ông. Ông ta lập tức thốt lên: “Bây giờ đúng là xương tự xương tôi, thịt bởi thịt tôi!” (St 2,23). Khi nhìn thấy người phụ nữ. Adam cũng khám phá ra mình. Ông ý thức mình là gì ngay khi ngắm nhìn nhân vật rất giống mình nhưng đồng thời rất khác mình.
Chính vì thế, cứ bình thường, người nam cần đến người nữ thì mới hiểu được mình và thực hiện được chính mình. Khi thấy người bạn đường trước mắt mình, ông cũng khám phá thấy người bạn ấy ngay tận thâm tâm ông. Tương tự như người phụ nữ ấy thấy mình được hiểu biết và yêu thương tận nơi sâu xa con người mình, và cứ thế cho tới khi hai bên đạt đến chỗ tương giao thân thiết nhất.

Ta phải đọc thuật trình của sách Sáng Thế này trong toàn bộ của nó. Quan hệ giữa người với người có thể trở nên khiếp khủng nếu vì đó mà cắt đứt một quan hệ căn bản hơn nhiều giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa tỏ mình cho con người bằng cách gợi dậy tình yêu nơi những con người đã được thông chia sự sống ấy. Thiên Chúa yêu thương con người là một đề tài lớn trong Thánh Kinh. Trong Cựu ước, Thiên Chúa không ngừng xác nhận và tái xác nhận tình yêu của Người đối với dân đã được chọn, Người đã coi dân ấy là người vợ yêu dấu của mình dù rằng trong thực tế người vợ ấy thường bội phản tình yêu. Chúng ta đang hình dung tình yêu của Thiên Chúa một cách hết sức là con người, nhưng chúng ta không thể làm khác hơn được. Vả lại chưa hẳn suy tư thuần lý sẽ giải quyết được vấn đề. Thiên Chúa nói thế nào để toàn thể nhân loại có thể hiểu được Người. Ban đầu Người nói qua bản tính của nhân loại, rồi qua các ngôn sứ, sau cùng Người sai Con mình đến mạc khải cho ta biết rằng mọi sự đều được thực hiện bởi tình yêu.
Dù đã đòi hỏi ta phải hoàn hảo như Cha trên trời của Người là Đấng thập toàn, nhưng Đức Kitô không có ý thành lập một Giáo hội chỉ gồm những người trong sạch, một câu lạc bộ chỉ gồm những người thập toàn, một nhóm nhỏ chỉ gồm những người siêu thoát. Người không dạy con người phải trốn khỏi thân phận của mình. Bởi thế người không coi việc từ khước hôn nhân, việc khiết tịnh tận hiến là một điều kiện thiết yếu để trở nên môn đệ Người. Người ta vẫn có thể làm môn đệ Đức Kitô trong đời sống hôn nhân. Phải coi sự có mặt của Đức Giêsu tại tiệc cưới Cana cũng như phép lạ Người thực hiện tại đó như một cách chúc lành cho thân phận bình thường của con người. Vào một dịp khác, Đức Giêsu còn nhắc nhở rằng chồng và vợ phải làm nên một thân thể duy nhất (Mt 19,5-6). Như thế, sự hoàn thiện theo quan điểm của Đức Kitô không phải là từ khước những khía cạnh thể xác trong cuộc sống, nhưng cốt ở tinh thần mà chúng ta có khi sống những thực tại đó. Đó cũng là điều thánh Phaolô muốn nói khi bảo rằng không được bắt tinh thần lệ thuộc thân xác.

Tuy vậy, Đức Giêsu cũng mạnh dạn đề ra một sự hoàn thiện khác nữa… “Nếu ai có vợ, hãy để vợ lại”. Trong một lần khác, có lẽ để trả lời cho những người chỉ trích sự độc thân của Người và của các tông đồ. Người đã nói thẳng: “Vâng, có những người tự hoạn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hãy hiểu” (Mt 19,12). Như vậy Đức Kitô đã tìm cách khơi gợi nơi con người lòng ao ước đáp trả tình yêu Thiên Chúa một cách trực tiếp hơn. Những ai sống đời hôn nhân trong một viễn tượng tôn giáo thật sự sẽ ý thức rằng tình yêu của mình là dấu chỉ về một tình yêu cao hơn. Đôi khi, trong một phút kết hiệp ngây ngất, đôi bạn cảm thấy như đã đụng tới nguồn cội của tình yêu, một tình yêu vượt lên trên chính tình yêu của họ. Trong giây phút hăm hở đó họ quên hẳn nhau và như biến mất trong một Tình Yêu vốn là nguồn cội của mọi tình yêu. Tình yêu này chính là mạc khải tối hậu mà Đức Ki tô muốn mang lại.

Như vậy, giữa Thiên Chúa và con người có một tình yêu không đi qua tình yêu hôn nhân nhưng nối kết con người trực tiếp với Thiên Chúa qua đời sống độc thân và trinh khiết. Nhiều người cảm thấy khó nghĩ rằng đó là điều có thể thực hiện được. Nhưng điều đó hẳn phải là điều có thể thực hiện được chỉ vì nó đã có trong thực tế. Thiên Chúa được nhìn nhận là đối tượng duy nhất của tình yêu đối với những người đó. Để được thế, Người thường tỏ ra cho họ thấy Người là nguồn cội cuốỉ cùng của mọi tình yêu. Trong kinh nghiệm này, họ không phủ nhận sự cao cả của tình yêu nhân loại, nhưng họ nhận ra được nguồn cội của tình yêu không phải là cái gì xa lạ, mà là chính con người đang yêu họ và là con người họ phải yêu thương.

Đó chính là điều Gioan – môn đệ chí ái của Đức Giêsu đã hiểu được. Đó chính là điều Maria Mađalêna – người yêu say đắm – đã bắt được sau khi tỏ lòng tha thiết đối với con người Giêsu.

Đức Kitô tỏ ra rất kín đáo khi mời gọi con người sống trinh khiết, đến nỗi Phao lô dám nói rằng ngài không nhận một giáo huấn rõ rệt nào của Chúa Giê su về điểm này. Nhưng Phaolô ước ao người khác hãy sống giống như mình (1Cr 7,28). Từng ấy chi tiết đủ để chứng tỏ rằng Đức Kitô và Phao lô rất ung dung thoải mái đối với tiếng gọi sống trinh khiết trọn vẹn. Trong hôn nhân, tình yêu Thiên Chúa được triển nở ngay trong tình yêu của đôi bạn, nhưng đồng thời tình yêu của Thiên Chúa cũng tỏ cho ta thấy nó vượt ẳn lên tình yêu vợ chồng. Thế mà chính tình yêu vượt trên tình yêu vợ chồng ấy lại là cái duy nhất có thể đòi phải được yêu mến chỉ vì nó, trong nó thôi. Đây chính là khởi điểm mở ra con đường độc thân và trinh khiết.

4. Tại sao phải độc thân?

Nếu đã có thể tìm gặp Chúa trong hôn nhân, thì còn nghĩ đến chuyện độc thân làm gì nữa? Đây chính là những câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra cho mình và cho người khác. Quả vậy, họ nghĩ rằng sở dĩ độc thân trở thành một định chế trong Giáo hội, đó là vì người ta khinh miệt hôn nhân. Người ta tố cáo ai đã chia rẽ con người đặt thể xác đối chọi với tinh thần.

Họ cho rằng một khi đã tìm lại được ý nghĩa đích thực của con người, một khi đã phục hồi cho tình yêu nhân loại sự quý trọng mà nó xứng đáng được hưởng, một khi đã nhận ra tình yêu nhân loại là một con đường đích thật dẫn con người tới Chúa, thì sự độc thân không còn lý do gì để tồn tại nữa. Hôn nhân là bậc sống bình thường của con người và để yêu mến Thiên Chúa không cần phải làm những người ‘trọn lành’ trong bậc sống độc thân.
Nhưng nếu ta có thể tìm gặp Chúa trong hôn nhân thì ta cũng có thể tìm gặp Người trong đời sống độc thân… Mỗi người phải được tự do đi theo con đường nào hợp ý mình. Tôi lập gia đình vì tôi thấy rằng chính trong hôn nhân tôi có thể thực hiện lý tưởng của tôi nhiều hơn hết, tôi từ khước hôn nhân vì tôi đã khám phá thấy một thứ tình yêu mà tôi chỉ có thể thực hiện được trong đời sống độc thân thôi.

Bao lâu Kitô giáo vẫn còn là Kitô giáo, thì ta không được bỏ qua sự kiện này là Đức Giêsu đã không lập gia đình và mẹ Người đã sống trinh khiết. Trong vòng những người thân cận nhất, có ‘người môn đệ Chúa yêu’ cũng sống trinh khiết, Giuse và Gioan Tẩy giả cũng vậy. Nếu theo tâm thức của người Do Thái, làm cha làm mẹ vẫn được coi là một lý tưởng, thì cũng có một truyền thống rất mạnh ủng hộ việc sống độc thân, như nơi cộng đoàn Etxênoi. Đàng khác, Đức Kitô đã đến giới thiệu lý tưởng độc thân tận hiến cho những ai ‘có thể hiểu được’.

Trong tất cả các tôn giáo lớn ta đều thấy có hai truyền thống. Một truyền thống được tượng trưng qua hàng giáo sĩ có kết hôn, trong trường hợp này người ta nhấn mạnh hơn đến công việc, chức vụ. Còn truyền thống thứ hai được tượng trưng qua những nhà tu hành không kết hôn, và ở đâv họ nhắm tới việc tìm kiếm Thượng Đế bằng chiêm niệm. Điều này cũng đúng đối với Kitô giáo, kể luôn truyền thống Đông phương và truvền thống Tin Lành. Ngoài ra nên lưu ý là dù trong thực tế có những kỹ thuật kết hợp với Thiên Chúa qua nhu cầu quan hệ dục tính, nhưng thường thường con đường tiến gần lại Thiên Chúa (dưới hình thức của một nghi thức hay không) thường gắn liền với đời sống độc thân và trinh khiết, hoặc ít ra đi đối với sự tiết dục ta chỉ có thể hiểu được những điều này nếu ở tận cùng ý thức của ta, ta tín xác rằng tiến sát gần Thiên Chúa là điều cao quí hơn những quan hệ nam nữ – đây chỉ là những quan hệ thiếu sót không dẫn ta tới mút cùng được. Quan hệ nam nữ ấy phải chết đi để con người có thể đạt tới mức kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa.

Cũng có thể giải thích điều này một cách khác, như nói rằng quan hệ cao nhất giữa con người với Thiên Chúa mà con người có thể làm được chính là sống trinh khiết, là gặp gỡ Người trực tiếp, là kết hợp với Người không qua một trung gian nào. Đây là một cách đáp lại hành vi đầu tiên của Thiên Chúa đối với con người, đưa con người vào hiện hữu và không ngừng thông ban sự sống cũng như tinh thần của mình cho con người, thông ban một cách trực tiếp không qua trung gian một tạo vật nào.

May mắn thay, những suy nghĩ có tính cách siêu hình đó đã kinh nghiệm được Thiên Chúa một cách trực tiếp, vượt xa sự kết tinh giữa họ với nhau và đã đem lại cho sự kết hợp của họ thêm chiều sâu. Càng mật thiết với nhau, càng đi sâu vào nhau, càng thấy rõ nguồn cội cũng như ý nghĩa cuối cùng của tình yêu họ. Họ thấy như mình được đưa lên cao khỏi chính mình, và mỗi người một cách riêng rẽ hay cả hai người khi kết hợp mật thiết với nhau đều phải há miệng sửng sốt khi đứng trước Thiên Chúa, nguồn cội của sự sống và lý tưởng của tình yêu mà họ đang có.

Nhờ vậy họ khám phá ra rằng họ chỉ có thể đến với Tình Yêu Tối Hậu bằng một hành vi trinh khiết hoàn toàn. Tại sao ta không hiểu lời nói sau đây của Đức Kitô theo chiều hướng đó: “Lúc sống lại người ta không gả vợ, lấy chồng nữa” (Mt 23,30). Việc kết hợp tính dục thuộc về thân phận con người ở thế giới này. Còn trong thế giới bên kia việc kết hợp ấy sẽ bị bỏ xa. Những ai sẽ kết hợp với nhau trong thế giới này cũng sẽ tiếp tục kết hợp trong thế giới kia, nhưng một cách hoàn toàn khác mà ta không mô tả được. Tuy nhiên kinh nghiệm con người có thể cho ta thoáng thấy sự kết hợp ấy sẽ như thế nào trong ngày phục sinh.

Mỗi người sẽ kết hợp một cách trọn vẹn với những người mình đã yêu thương ở thế giới này. Nhưng đồng thời giữa mỗi người với Thiên Chúa sẽ có một quan hệ trực tiếp, độc đáo toàn vẹn hết sức có thể. Chính khi đó các cặp vợ chồng mới hiểu rằng sở dĩ những người kia muốn sống trinh khiết trọn vẹn là vì họ muốn đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, và muốn làm những chứng nhân đặc biệt cho vĩnh cửu ngay trong cuộc sống trần gian này.

Tuy nhiên không được coi độc thân chỉ có giá trị như một dấu chỉ của thời vị lai. Thời vị lai ấy sẽ đến trong lịch sử. Cánh chung sẽ tới ‘sau này’ vào lúc tận thế, nhưng cánh chung đó đã có mặt ngay trong dòng thời gian và nơi đáy sâu của mọi hữu thể

Muội Muội sưu tầm

(Còn nữa)

Comments are closed.

phone-icon