Tất cả mọi người phải tỉnh thức

0

I. LỜI CHÚA: Mt 13,33-37

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.34 Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức.35 Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng.36 Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ.37 Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức! “

II. SỐNG LỜI CHÚA

Mùa vọng là thời gian chuẩn bị đón mừng lễ Sinh Nhật Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Để hiểu được sứ điệp của lịch sử cứu độ, phụng vụ Mùa Vọng nhắc lại cho người Kitô hữu biết rằng: toàn bộ lịch sử dân Israel đều dẫn đến Đức Giêsu; và tất cả mọi lời tiên tri đều ứng nghiệm nơi Người. Do đó, sứ điệp tỉnh thức của Đức Giêsu được Giáo Hội đề cập đến ngay trong Chủ Nhật thứ nhất Mùa Vọng vì Đức Giêsu là tất cả trong mọi sự, là nguồn sống và nguồn ơn cứu độ của mọi người. Vì thế, tất cả mọi người đều phải tỉnh thức để đón chờ ngày Người hiện đến trong vinh quang khi tận thế; và đón chờ Người đến bất cứ lúc nào trong giờ sau hết của cuộc đời mình.

Trong niềm tin vào tình yêu của Đức Kitô, chúng ta hãy đón chờ Người trong hy vọng, cầu nguyện và trong những việc tốt lành chúng ta phục vụ tha nhân mỗi ngày.

1. Tỉnh thức trong hy vọng

Mùa vọng là thời gian hy vọng. Hy vọng như lính gác mong trời hừng đông, như dân Israel mong chờ Chúa Cứu Thế. Hy vọng như Mẹ Maria tiếp nhận lời thiên sứ Gabriel truyền tin cưu mang Chúa Giêsu, Đấng giải thoát muôn dân khỏi tội lỗi. Quả thực, trong niềm hy vọng người ta luôn tỉnh thức để chờ mong cho dẫu hiện tại là đêm đen mịt mù hay gian khổ giăng đầy. Biết sống tỉnh thức trong hy vọng, chúng ta sẽ luôn an bình và hạnh phúc ngay cả khi cảm nhận được sự chết cận kề; hay chúng ta không biết mình sẽ chết lúc nào và trong tình trạng nào.

Trong kinh  nghiệm bản thân sau hai lần phẫu thuật, tôi cảm thấy sự sống của con người rất mong manh và rất sợ phải chịu đau đớn quá sức trong những giây phút cuối cùng. Nhưng khi nghĩ đến Chúa Giêsu và đặt niềm tin trong tình yêu của Người, Đấng đã chịu chết để cứu độ tôi, tức khắc mọi sợ hãi trong tôi biến tan, nhường chỗ cho niềm hy vọng và bình an tràn đầy như cô dâu trong hôn lễ với người mình yêu thương nhất trong cuộc đời.

Vì thế, trong mỗi giây phút sống của một ngày mới, một năm phụng vụ mới, chúng ta hãy tỉnh thức trong niềm hy vọng nơi Đức Kitô, Đấng Emmanuel luôn ở giữa chúng ta. Người luôn lắng nghe, an ủi, ban nước hằng sống và bánh trường sinh, làm mới lại tâm hồn và niềm tin của chúng ta. Đặc biệt trong năm nay, chúng ta hãy siêng năng đọc, suy niệm và sống Lời Chúa. Chính Lời Chúa sẽ khơi dậy niềm hy vọng cho chúng ta vào Đức Kitô trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày. 

2. Tỉnh thức trong cầu nguyện

Theo sách Giáo Lý Công Giáo, cầu nguyện là ở trong tương quan sống động và thân tình với Thiên Chúa. Như thế, tỉnh thức trong cầu nguyện có nghĩa là luôn hướng về Chúa, nâng tâm hồn lên với Chúa. Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ được ban cho chúng ta, Người như nguồn nước sự sống làm mới lại hồn xác chúng ta và khơi lên trong chúng ta lòng khao khát Chúa Giêsu và tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.

Khi bước sang tuổi 50 tôi nhớ câu nói của cha ông: “Ngũ thập tri thiên mệnh” và cảm thấy rất đúng nơi cuộc đời mình. Hơn lúc nào hết tôi ý thức được thân phận cô đơn của người lữ hành đức tin và nhận thấy cầu nguyện là phương thế tốt nhất để hiệp thông với Chúa, lắng nghe lời Chúa, cảm được sự hiện diện yêu thương của Chúa, được Chúa ban bình an và niềm vui trong từng giây phút hiện tại. Cầu nguyện cũng giúp tôi mở lòng ra đón nhận tình yêu của tha nhân, tạo mối tương quan huynh đệ và chia sẻ buồn vui với những người chung quanh trong đời sống hằng ngày. Tất cả đều giúp tôi biết trân quí từng giây phút sống và luôn sẵn sàng chờ đón giờ Chúa đến.

3. Tỉnh thức khi làm việc tốt

 Sống niềm hy vọng trong niềm tin vào Đức Kitô luôn thúc đẩy chúng ta chia sẻ niềm hy vọng cho người khác bằng những việc tốt lành chúng ta thể hiện trong tương quan với những người thân yêu trong gia đình cũng như anh em khác ngoài xã hội. Như vậy, tỉnh thức còn có nghĩa là nhận ra hình ảnh của Chúa nơi tha nhân, và đón nhận những món quà Chúa Giêsu ban tặng trong những tình huống cụ thể như khi thăm hỏi một gia đình nghèo hay tình nguyện phục vụ bữa ăn tối cho một cụ già neo đơn. Khi đó, trong đức tin, chúng ta sẽ cảm thấy Chúa Giêsu nhìn chúng ta mỉm cười hạnh phúc; rồi chúng ta mang niềm vui về cho gia đình.

Tỉnh thức chính là chu toàn bổn phận hằng ngày như quét nhà, rửa chén, ủi quần áo, mua sắm đồ dùng cho những thành viên trong gia đình, hay sửa chữa những vật dụng hư hỏng trong nhà với tình yêu thương. Điều hạnh phúc nhất là chúng ta nhận ra Chúa Giêsu rất hài lòng và nhìn chúng ta với ánh mắt sung sướng và biết ơn. Như thế, qua tất cả những công việc xem ra rất bình thường này, chúng ta đang yêu thương trao tặng cho những người thân yêu của chúng ta một món quà Noel thật ý nghĩa đem lại niềm vui và sự bình an đích thực cho cả người trao lẫn người nhận. 

Tóm lại, tỉnh thức trong niềm hy vọng là sứ điệp của Mùa Vọng, mùa nao nức chờ đợi một niềm vui sắp đến. Tùy theo hoàn cảnh, mỗi người hãy ý thức mình đang chờ đợi cái gì? Hay chờ đợi ai? Khi đó, chúng ta sẽ biết thế nào là tỉnh thức. Đối với tôi, đó là sự chờ đợi một vị cứu tinh, đến giải thoát tôi khỏi nô lệ, chữa lành tôi khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền và phục hồi nhân phẩm cho tôi, đưa tôi vào nguồn sống mới! Hơn thế nữa, Vị cứu tinh đó chính là người yêu của tôi, Người mà tôi tin cậy và yêu mến trót cả cuộc đời. Vì thế, tỉnh thức đối với tôi là một niềm vui và hy vọng, hy vọng được gặp gỡ, giao hòa, tha thứ và đổi mới. Với tâm tình đó, tôi rất bình an để đón chờ Chúa đến bất cứ lúc nào.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con. Trong niềm tin vào tình yêu của Chúa, chúng con sẽ biết tỉnh thức để đón chờ Chúa trong hy vọng, cầu nguyện và trong mọi công việc bổn phận nhỏ bé chúng con làm hằng ngày để yêu thương phục vụ Chúa nơi tha nhân. Amen.

Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP

 

Comments are closed.

phone-icon