Đức Maria biểu tượng cánh chung của Giáo hội

0

(Bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong buổi tiếp kiến ngày Thứ Tư, 14 tháng 3 năm 2001: Maria icona escatologica della Chiesa, in: “Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, XXIV,1 (2001), Libreria Editrice Vaticana 2003, tr. 517-519). 

1. Bắt đầu cuộc gặp gỡ hôm nay, chúng ta đã lắng nghe một trong những trang nổi tiếng nhất của sách Khải Huyền của thánh Gioan. Trong bức tranh người phụ nữ mang thai và sinh hạ một con trai, đang khi một con rồng màu đỏ như máu nổi cơn thịnh nộ chống lại người phụ nữ và con trẻ do bà sinh ra, truyền thống phụng vụ và nghệ thuật Kitô giáo đã nhìn thấy trong đó hình ảnh của Đức Maria, Mẹ của Đức Kitô. Tuy nhiên theo chủ ý nguyên thủy của tác giả Sách Thánh, nếu việc ra đời của một đứa trẻ biểu trưng cho sự xuất hiện của Đấng Mêsia, thì người phụ nữ rõ ràng biểu trưng cho dân Thiên Chúa, hoặc là dân Israel, hoặc là Giáo hội. Tuy nhiên, việc giải thích theo nghĩa Thánh-mẫu-học không trái nghịch với nghĩa Giáo-hội-học, bởi vì Đức Maria là “hình ảnh của Giáo hội”[1].

Vì vậy, trên bức phông của cộng đoàn các tín hữu nổi bật lên hình dáng của Mẹ Đấng Thiên Sai. Chống lại Đức Maria và Giáo hội là con rồng, gợi lên hình ảnh của Satan và Sự Ác, như cách sử dụng biểu tượng của Cựu ước ngụ ý như thế. Màu đỏ là dấu hiệu của chiến tranh, của giết chóc và đổ máu. “Bảy đầu” đội triều thiên ám chỉ một quyền lực vô địch, trong khi đó “mười sừng” gợi lên sức mạnh hùng vĩ của con mãnh thú được mô tả trong sách ngôn sứ Đanien (x. Đn 7, 7), nó cũng là hình ảnh của quyền hành thao túng tung hoành trong lịch sử.

2. Như thế, thiện và ác đương đầu với nhau. Đức Maria, Người Con và Giáo Hội tượng trưng cho tình yêu, sự thật và công lý, mà bề ngoài xem ra yếu ớt và bé bỏng. Làn sóng tàn phá của bạo lực, gian dối và bất công đang tấn công chống lại các ngài. Nhưng bài ca kết thúc bản văn này nhắc nhớ chúng ta rằng phán quyết chung cục thuộc về “ơn cứu độ, uy lực, vương quyền của Thiên Chúa và quyền bính của Đức Kitô của Người” (Kh 12, 10).

Dĩ nhiên, trong thời gian của lịch sử, Giáo Hội có thể bị bó buộc phải ẩn trốn trong sa mạc giống như dân Israel xưa tiến về đất hứa. Sa mạc là nơi trú ẩn quen thuộc của những người bị bách hại, là môi trường bí ẩn và bình lặng, nơi Thiên Chúa chở che săn sóc (x. St 21,14-19; 1V 19,4-7). Tuy thế, trong nơi ẩn náu này như sách Khải Huyền nêu bật, người Phụ Nữ chỉ lưu lại trong một thời gian ngắn (x. 12,6.14). Do đó, thời kỳ của âu lo, bách hại, thử thách không phải là vô hạn định: sau cùng sự giải thoát và giờ của vinh quang sẽ đến.

Chiêm ngắm mầu nhiệm này trong viễn ảnh Đức Maria, chúng ta có thể khẳng định rằng “Đức Maria, ở bên cạnh Người Con, là biểu tượng hoàn hảo nhất của tự do, của sự giải thoát nhân loại và vũ trụ. Chính Người là Mẹ và Khuôn Mẫu mà Giáo Hội cần phải nhìn ngắm để hiểu trọn vẹn sứ mạng của mình”[2].

3. Vì thế chúng ta hãy nhìn lên Người, biểu tượng của Giáo Hội đang lữ hành giữa sa mạc của lịch sử, nhưng hướng tới đích điểm Giêrusalem trên trời, nơi Người sẽ trở nên lộng lẫy như Hiền Thê của Con Chiên Chúa Kitô. Như Giáo Hội Đông Phương tán dương, Mẹ Thiên Chúa là Odighitria, Người là “kẻ chỉ đường”, đó là Đức Kitô Đấng Trung gian duy nhất dẫn chúng ta đến gặp Chúa Cha cách viên mãn. Một thi sĩ người Pháp đã thấy Mẹ là “một thụ tạo trong vẻ huy hoàng đầu tiên và trong cái bừng nở cuối cùng, y như đã xuất hiện từ Thiên Chúa vào buổi bình minh của ánh sáng rạng ngời nguyên thủy”[3].

Với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria là khuôn mẫu trọn hảo của mọi sinh linh, một người ngay từ giây phút đầu tiên đã được đầy tràn ơn Chúa nâng đỡ và biến đổi (x. Lc. 1,28) để luôn luôn tự do lựa chọn đường lối của Chúa. Trong đặc ân Hồn Xác Lên Trời, Người là hình ảnh của thọ tạo được Đức Kitô phục sinh mời gọi tiến tới sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa trong sự phục sinh để được hạnh phúc muôn đời. Đối với Giáo hội thường bị sức nặng của lich sử đè bẹp và sự ác vây hãm, thì Mẹ của Đức Kitô là biểu hiệu rực sáng của một nhân loại được cứu chuộc và được ân sủng bao bọc và cứu vớt.

4.  Lịch sử nhân loại sẽ đạt đến đích điểm khi “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1 Cr 15, 28) – và như sách Khải Huyền loan báo – “biển sẽ không còn nữa” (Kh 21,1), nghĩa là dấu hiệu của hỗn độn tàn phá và của sự dữ sẽ bị loại trừ vĩnh viễn. Lúc đó Hội Thánh sẽ ra trình diện trước mặt Đức Kitô như “Tân Nương trang điểm để đón Tân Lang của mình” (Kh 21, 2). Lúc đó sẽ là giây phút của sự thân mật và tình yêu không vết nhơ. Nhưng ngay bây giờ, khi nhìn ngắm Đức Nữ Trinh hưởng phúc trên Trời, Giáo hội nếm trước vinh quang sẽ được tặng ban một cách viên mãn vào thời kỳ cuối cùng. Trong cuộc lữ hành đức tin suốt dòng lịch sử, Đức Maria đồng hành với Giáo hội với tư cách là “khuôn mẫu của sự thông hiệp Hội Thánh trong đức tin, trong đức ái và trong sự kết hiệp với Đức Kitô. Vốn hiện diện mãi mãi trong mầu nhiệm Đức Kitô, Mẹ ở giữa các tông đồ, giữa lòng Giáo Hội thuở khai sinh cũng như Giáo Hội thuộc mọi thời đại. Thực vậy, Giáo Hội đã được quy tụ trên tầng lầu nhà tiệc ly với Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu và với các anh em của Chúa. Vì thế không thể nói về Giáo Hội nếu không có sự hiện diện của Đức Maria, Mẹ của Chúa, cùng với các anh em Người”[4].

5. Nào chúng ta hãy hát lên khúc nhạc ca mừng Đức Maria, hình ảnh của nhân loại đã được cứu chuộc, dấu chỉ của Giáo Hội đang sống trong đức tin và tình yêu, tiên báo sự viên mãn của Giêrusalem thiên quốc. “Nhà thơ lỗi lạc thánh Ephrem Siro được gán biệt hiệu là đàn cầm của Chúa Thánh Thần’, đã hát mừng Người không mệt mỏi và để lại dấu ấn vẫn còn sống động trong tất cả truyền thống của Giáo hội Syria”[5]. Chính ông đã phác hoạ Đức Maria như bức chân dung mỹ miều: “Người là Đấng Thánh trong thân xác, diễm lệ trong tinh thần, thanh tịnh trong tư tưởng, chân thành trong trí tuệ, hoàn hảo trong tình cảm, trinh khiết, vững vàng trong ý định, vô nhiễm trong tâm hồn, nổi bật và đầy ắp mọi nhân đức”[6]. Mong sao hình ảnh này rực sáng giữa lòng của mọi cộng đoàn Hội Thánh như phản ánh trọn hảo của Đức Kitô, và mong sao nó trở nên dấu chỉ được giương cao giữa các dân tộc, như “thành phố được xây trên đỉnh núi” và “đèn được đặt trên giá để chiếu sáng tất cả mọi người” (x. Mt 5, 14-15).

 

Sr. Maria Đinh Thị Sáng O.P.
chuyển ngữ

 

[1] Lumen Gentium  số 63; x. S. Ambrosius, Expositio Evangelii secundum Lucam, II, 7.

[2] Bộ Giáo Lý Đức Tin, Libertatis conscientia, 22-3-1986, n. 97; x. Gioan Phaolô II, Redemptoris Mater, số 37.

[3] Paul Claudel, La Vierge à midi, ed. Pléiade, tr. 540.

[4] Bộ Giáo lý Đức tin, Communionis Notio,  28-3-1992, số 19. X. Chromatius Aquileia, Sermo 30, 1.

[5] Redemptoris Mater, số 31

[6] Hymni in Virginis Maria honorem 1, 4; ed. Th. J. Lamy, Hymni de B. Maria, Malines 1886, t. 2, col. 520

Comments are closed.

phone-icon