(Bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong buổi Tiếp kiến vào ngày Thư Tư, 21 tháng 3 năm 2001: Maria pellegrina nella fede, Stella del terzo millennio, in : “Insegnamenti di Giovanni Paolo II”, XXIV,1 (2001), Libreria Editrice Vaticana 2003, tr. 557-560)
1. Bài Tin mừng Luca mà chúng ta vừa nghe (Lc 1, 39-56) giới thiệu Đức Maria là người lữ hành của tình yêu. Nhưng mà bà Êlisabet chú ý đến đức tin của Người và đã công bố mối phúc đầu tiên của Tin mừng liên quan đến Người: “Phúc cho kẻ có lòng tin”. Lời nói này hầu như là “chìa khoá mở cho chúng ta thấy thực tại thâm sâu của Đức Maria”[1]. Vì thế để kết thúc các bài huấn giáo của Đại Năm Thánh 2000, chúng tôi muốn trình bày Mẹ của Chúa như người lữ hành trong đức tin. Như Thiếu nữ Sion, Đức Maria dõi theo dấn chân ông Ápraham, một người vì đức tin đã vâng phục, “ra đi để đến một nơi mà ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11, 8).
Biểu tượng này của cuộc lữ hành trong đức tin làm sáng lên câu chuyện nội tâm của Đức Maria, người có đức tin trổi vượt nhất, như công đồng Vatican II đã đề xướng: “Đức Trinh Nữ đã tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin và trung thành duy trì sự kết hiệp với Con cho đến Thập Giá”[2]. Biến cố Truyền Tin là “điểm khởi hành của cuộc hành trình của Đức Maria tiến về Thiên Chúa”[3] : một cuộc hành trình đức tin mà Người đã được tiên báo như là lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn (x. Lc 2, 35), băng qua những con đường khúc khuỷu của cuộc lưu đày sang Ai Cập và của đêm tối tâm hồn, khi Đức Maria “không hiểu” (Lc 2, 50) thái độ của Con trẻ Giêsu mười hai tuổi ở trong đền thờ, tuy Người vẫn giữ tất cả những điều này trong lòng” (Lc 2, 51).
2. Cuộc đời ẩn dật của Đức Giêsu cũng trải qua trong bóng tối, lúc mà Đức Maria phải làm vang dội nơi lòng mình lời chúc phúc của bà Êlisabet, bằng chính sự “vất vả thực sự của con tim”[4]. Dĩ nhiên, cuộc đời của Đức Maria không thiếu những vệt sáng, như tại tiệc cưới Cana, nơi mà dù bên ngoài xem ra tình mẹ con xa cách, nhưng Đức Kitô đã đón nhận lời khẩn cầu của Mẹ và hoàn thành dấu chỉ mặc khải đầu tiên, khơi dậy niềm tin nơi các môn đệ (x. Ga 2, 1-12).
Chính ngay tại giao điểm giữa bóng tối và ánh sáng, giữa mặc khải và bí nhiệm, mà thánh Luca phân bố hai mối phúc: mối phúc dành cho Mẹ của Đức Kitô do một phụ nữ từ giữa đám đông phát biểu, và mối phúc Đức Giêsu dành cho “những ai lắng nghe và tuân giữ lời Chúa” (Lc 11, 28).
Tột đỉnh của cuộc lữ hành đức tin tại dương thế là Golgotha, nơi đó Đức Maria đã sống đậm tình mầu nhiệm Vượt qua của Con mình: Mẹ đã chết đi, trong một nghĩa nào đó như người mẹ trong cái chết của Con, và khai mở sự “phục sinh” với tình mẫu tử mới đối với Giáo hội (x. Ga 19, 25-27). Ở đó, trên đồi Sọ, Đức Maria đã cảm nghiệm đêm tối đức tin, giống như ông Ápraham trên núi Môria, và sau khi lãnh được ánh sáng của lễ Ngũ Tuần, Người vẫn tiếp tục cuộc lữ hành đức tin cho đến ngày Người được rước về trời, được Con đón nhận vào hạnh phúc vĩnh cửu.
3. Đức Trinh Nữ Maria tiếp tục đi trước Dân Chúa. “Cuộc lữ hành trong đức tin cách siêu vượt của Người là điểm quy chiếu liên lỷ cho Giáo hội, cho mỗi cá nhân và cộng đoàn, cho các dân tộc và quốc gia, và có thể nói, cho toàn thể nhân loại”[5]. Chính Người là vì sao của thiên niên kỷ thứ ba, cũng tương tự như vào thuở sơ khai của kỷ nguyên Kitô giáo, Người đã là hừng đông đi trước Đức Giêsu trên chân trời của lịch sử. Thật vậy, Đức Maria đã ra đời trước Đức Giêsu tính theo thời gian, đã sinh hạ ra Người và đặt Người vào trong những biến cố của nhân loại chúng ta.
Chúng ta hãy hướng về Người để xin Người tiếp tục hướng dẫn chúng ta tới Đức Kitô và Chúa Cha, kể cả trong đêm tối của sự dữ, trong những giây phút nghi nan, khủng hoảng, thinh lặng và khổ đau. Chúng ta hãy dâng lên Người bài Thánh ca Acatisto mà Giáo Hội Đông Phương rất yêu chuộng. Bài ca dài 24 phiên khúc tán tụng hình ảnh của Người thật là trữ tình. Phiên khúc thứ V dành cho cuộc thăm viếng người chị Êlisabet hát lên như sau:
Mừng vui lên, hỡi cây xanh không khi nào héo hắt.
Mừng vui lên, hỡi chủ quyền của trái ngọt vẹn nguyên.
Mừng vui lên, hỡi kẻ thu hoạch, bạn của muôn miền.
Mừng vui lên, người sinh hạ Đấng tác thành trái đất.
Mừng vui lên, đất đai phì nhiêu sinh lòng lân tuất.
Mừng vui lên, hỡi bàn tiệc chất ngất ngàn tình thương.
Mừng vui lên, bạn đơm cánh đồng hương ngọt lịm.
Mừng vui lên, bến tàu rộng mở đón các tâm hồn.
Mừng vui lên, hỡi nhánh hương thưởng thức lời cầu khẩn.
Mừng vui lên, ơn tha thứ cho thế giới nhân trần,
Mừng vui lên, lòng thiện nguyện Chúa cho kẻ đáng diệt vong,
Mừng vui lên, lời can đảm giúp tội nhân thưa cùng Chúa nỗi lòng.
Mừng vui lên, hỡi Trinh nữ Hiền thê, người diễm phúc !
4. Cuộc thăm viếng bà Êlisabet được ghi dấu bằng bài thánh ca Magnificat, một khúc hát như giai điệu trường canh du dương trải qua mọi thế kỷ của Kitô giáo: một bài ca nối kết các tâm hồn của những môn đệ Chúa Kitô vượt lên trên những chia rẽ lịch sử mà chúng ta đã gắng công khắc phục, hầu hướng tới sự hiệp thông trọn tình. Trong bầu khí đại kết này, thật là tốt đẹp khi nhớ lại ông Martin Luther vào năm 1521 đã viết ra một bài “Thánh ca của Mẹ Thiên Chúa diễm phúc” – như ông đã diễn tả – một bài chú giải nổi tiếng. Ông khẳng định rằng bài thánh thi “phải được mọi người học hỏi và ghi nhớ kỹ”, bởi vì “trong bài Magnificat, Đức Maria dạy chúng ta cách thức yêu mến và ca ngợi Chúa. Người muốn trở thành mẫu gương vĩ đại nhất của hồng ân Thiên Chúa, phấn khích mọi người hãy tín thác và ca ngợi ân sủng của Ngài”[6].
Đức Maria tôn vinh vị trí tối cao và ân huệ của Thiên Chúa, Đấng đã chọn những người bé mọn và bị khinh chê những “người nghèo của Chúa” mà Cựu ước đã nói tới; Ngài đã lật ngược thân phận hèn hạ của họ, và giao cho họ giữ vai trò chính yếu trong lịch sử cứu độ.
5. Từ khi được Chúa đoái thương nhìn đến, Đức Maria trở thành dấu chỉ của ơn cứu độ cho lũ cơ bần, những kẻ rốt hết từ đất đen trở thành người đầu tiên của Nước Thiên Chúa. Mẹ trung thành hoạ lại sự lựa chọn của Đức Kitô Con Mẹ, Đấng đã lặp lại với tất cả những người sầu khổ của lịch sử, rằng: “Hãy đến với Tôi, hỡi tất cả những ai đang mang gánh nặng nề, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28). Theo dấu chân của Đức Maria và Chúa Giêsu, Giáo Hội bước đi trên những con đường lịch sử gập ghềnh, để nâng đỡ, thăng tiến và tôn trọng đoàn người rộng lớn đang tiến bước gồm những người nam người nữ nghèo khổ và đói rách, bị hạ nhục và bị áp bức (x. Lc 1, 52-53). Như thánh Ambrôsiô nhận định, Trinh nữ khiêm hạ làng Nadaret không phải là “Thiên Chúa của đền thờ nhưng là đền thờ của Thiên Chúa”[7]. Với cương vị như thế, Mẹ dẫn đưa hết những ai kêu cầu Mẹ đến gặp gỡ Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần”.
Sr. Maria Đinh Thị Sáng O.P.
chuyển ngữ
[1] Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, (25-03-1987), số 19.
[2]Lumen Gentium, số 58
[3] Redemptoris Mater, số 14
[4] Redemptoris Mater, số 17
[5]Redemptoris Mater, số 6
[6] Martin Luther, Scritti religiosi, a cura di V. Vinay, Torino 1967, pp. 431-512
[7] S. Ambrosius, De Spiritu Sancto, III, 11, 80