Các môn đệ đầu tiên

0

CÁC MÔN ĐỆ ĐẦU TIÊN

Ga 1, 35-42

I. Phân đoạn

Có thể phân đoạn như sau:

  • 35-39: Làm thế nào mà hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đã bỏ Thầy mà theo Chúa Giêsu.
  • 40-42: Làm thế nào mà Simon đã đi theo Chúa Giê su và Người đặt tên lại.

II. Tìm hiểu bản văn

1/ Nghe lời mà đi theo: cc. 35-37

Đức Giêsu đi ngang qua. Chúa Giêsu đi ngang qua cuộc sống của người Chúa muốn gọi. Chúa xuất hiện một cách bất ngờ, không báo trước, cũng không dừng lại lâu, không nài nỉ. Ngài đi ngang qua và kêu gọi. Chúa đến tìm các môn đệ, nhưng một cách bất ngờ, không hẹn trước. Do đó, giây phút Chúa đến kêu gọi phải là giây phút quí giá, ngắn ngủi, cần phải mau mắn quyết định vì cơ hội qua rồi không trở lại nữa.

Hai môn đệ theo Chúa Giêsu là ai?

Bản văn xác định một trong hai môn đệ là Anrê, anh của ông Simon (c. 41), còn thứ hai thì vô danh. Ở đây, có thể là Gioan vì là tác giả nên ông không muốn xưng danh hay cũng có thể là mỗi người chúng ta, độc giả khi đọc Tin Mừng.

Gioan Tẩy Gỉa giới thiệu Đức Giêsu như thế nào mà hai môn đệ nghe lời ông mà lật đật đi theo? Ông cho họ biết Đức Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa. Gioan Tẩy Giả muốn cho hai môn đệ mình biết rõ sứ mệnh cứu rỗi của Đức Giêsu, Ngài là Chiên hiến tế. Hình ảnh chiên hiến tế mang 3 nghĩa :

  • Chiên: tôi tớ thống khổ
  • Chiên vượt qua: máu bôi cửa, xương không gãy.
  • Messia: đây là điểm mà hai môn đệ hiểu

Nhưng nguyên nghe như vậy có đủ để họ theo Chúa Giêsu không? Tại sao hôm trước Gioan Tẩy Gỉả cũng nói như thế mà họ không theo? Tại sao nhiều người cũng nghe lời giới thiệu ấy mà không theo Đức Giêsu?

Ngoài lời giới thiệu của Gioan có lẽ hai môn đệ có một lòng khao khát đặc biệt đã manh nha từ khi nghe Gioan giới thiệu lần đầu tiên cc. 29-30.

2/ Cuộc đối thoại: cc. 38-39

Đặc điểm của cuộc đối thoại có quá sơ lược không? Tại sao? Quá sơ lược đối với một cuộc gặp gỡ quan trọng như vậy. Vì thánh sử Gioan muốn độc giả phải để ý đến cái chính yếu mà không mất công bận tâm vào cái phụ thuộc.

Các ngươi tìm gì? Đức Giêsu vẫn thường hỏi như thế: với Maria Madalena, với những người đến bắt Ngài. Động từ “tìm” xuất hiện 34 lần trong Tin Mừng Gioan. Trong ngôn ngữ Hy lạp, đây là từ ngữ chuyên môn để nói về việc đi tìm Thiên Chúa, đặc biệt tìm sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Câu hỏi của Đức Giêsu đưa các môn đệ trở lại với chính mình, với những khao khát và ước mơ của mình trong kiếp nhân sinh. Đức Giêsu hỏi các môn đệ, để giúp các ông chất vấn lại lương tâm của các ông và ý thức về nỗi khát khao đang chi phối mình. Các ông có thật sự muốn tìm Đấng Messia hay muốn tìm địa vị như trường hợp của hai ông Gioan và Giacôbê.

Hai môn đệ không trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, mà lại hỏi “Thưa Thầy, Thầy ở đâu? ”. Câu hỏi này tương đương với một câu trả lời. Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn đến thăm Thầy. Hai ông không chỉ muốn biết Ðức Giêsu qua lời Gioan Tẩy giả mà còn muốn đích thân gặp gỡ Ngài. Các ông không muốn biết Ngài bằng lý thuyết mà bằng tương quan hiện sinh. Điều này cho thấy việc muốn biết về con người Giêsu thì phải trực tiếp ra đi, phải đến chứ không ai làm thay được.

Thay vì cung cấp một câu trả lời trực tiếp, Đức Giêsu mời hai người đến và xem nơi Người ở. Đức Giêsu nói một câu rất ngắn gọn, Ngài mời gọi hai môn đệ “đến mà xem”, đến sống với Ngài. Cuộc sống là bằng chứng sống động nhất, qua cuộc sống sẽ biết được con người mình muốn tìm hiểu. Chúa Giêsu không rậm lời giới thiệu. Đây là nét độc đáo mà người môn đệ cần học hỏi: con người ngày nay cần nhân chứng hơn thầy dạy. Đây không phải là một vấn đề nhìn xem bằng cặp mắt thể lý, mà là một nhận thức nhờ đức tin.

Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Hai ông đã nhận lời mời ngay lập tức. Không có khoảng cách giữa ước muốn và thực hành. Hai môn đệ rời bỏ vị trí, quan điểm, lập trường của họ để đi vào vị trí, quan điểm, lập trường của Đức Giêsu. Qua việc lưu lại với Đức Giêsu, hai môn đệ thực sự biết Ngài là ai. Hai ông “bước theo” Đức Giêsu, hai ông đi “đàng sau” nghĩa là “trở thành môn đệ”.

Trong Kinh Thánh, động từ “ở lại” nói lên một sự gần gũi chia sẻ, cảm thông bênh đỡ, tham dự, nhập cuộc, liên đới và trở thành. Trong Tin Mừng Gioan, động từ này được lập đi lập lại nhiều lần và là một động từ rất quan trọng. “Ở lại” không chỉ là “ở với”, mà còn có nghĩa là “ở trong”. Trong thực tế, có một sự ở lại trong nhau giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Họ ở lại trong Người và Người ở lại trong họ (Ga 15,4.5.7). Đây là chặng đầu của một cuộc chung sống đưa tới sự hiệp thông sâu xa nhất.

Đức Giêsu mời gọi hai môn đệ đến xem và ở với Người. Không phải là Người muốn họ đến thăm một cái lều của người Ả-rập du cư, hoặc một quán trọ nào bên đường. Người mời họ đến mà nhận thấy rằng Người đang ở với Chúa Cha và Chúa Cha đang ở với Người. Họ đến mà trải nghiệm rằng sống chung với Người chính là điều quan trọng của đời sống người môn đệ.

Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười : Giờ thứ mười là giờ của biến đổi, giờ của sự trọn vẹn theo nghĩa của Thánh Kinh. Vâng, khi tìm kiếm Đức Giêsu, thì chính chúng ta sẽ được biến đổi và cuộc đời chúng ta sẽ trở nên trọn vẹn. Trọn vẹn nhờ chính tình yêu của Chúa, nhờ chính hồng ân nhưng không của Người.

Hai môn đệ nhận ra Đức Giêsu là Đấng Messia, điều này có làm cho bạn ngạc nhiên không? Họ làm cách nào mà nhận ra Đức Giêsu lẹ như vậy?

  • Có lòng khao khát đặc biệt
  • Được Gioan Tẩy giả chỉ dẫn cặn kẽ
  • Được Đức Giêsu cật vấn kỹ về ý hướng theo Ngài
  • Được tiếp xúc với Chúa Giêsu

3/ Làm thế nào Simon đã đến theo Chúa Giêsu? cc. 40-42

Điều gì đã xảy ra sau cuộc gặp gỡ này ? Chính cuộc gặp gỡ này đã làm cho hai môn đệ rất phấn khởi, vì thế mà Anrê reo lên khi gặp Simon : “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Rõ ràng là các ông đang ngóng chờ Thiên Chúa. Một niềm vui thiêng liêng bùng ra, đây là niềm vui được ban cho những tâm hồn, mà theo Tin Mừng Nhất Lãm, khám phá ra viên ngọc quý và kho tàng trên trời (Mt 13, 44).

Cuộc gặp gỡ giữa Simon và Chúa Giêsu diễn ra thế nào? Có giống cuộc gặp gỡ trước không?

Câu giới thiệu của Anrê: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”, giả định rằng Simon cũng rất ao ước được gặp Đấng Messia. Ở đây Chúa Giêsu không cật vấn Simon nhưng cũng chủ động bằng việc đặt tên cho ông.

Việc đặt tên cho Simon ngay từ đầu có ý nghĩa gì? Gioan khác Nhất Lãm như thế nào?

Theo Tin Mừng Nhất lãm, Đức Giêsu đặt tên cho Simon sau khi ông tuyên tín. Phong tục Do thái, đặt tên cho ai là có quyền trên người ấy, Chúa Giêsu hoàn toàn làm chủ cuộc đời Simon, cả con người Simon: xác hồn. Khi đổi tên cho Simon, Chúa Giêsu muốn ban cho ông một căn tính và một chức vụ mới. Ông được gọi là Kêpha, là đá tảng, cứng chắc và bền vững, góp phần củng cố cho công cuộc xây dựng Giáo hội của Chúa Giêsu.

Suy thêm

1/ Để gặp gỡ được Đức Giêsu, tôi phải cầu nguyện thế nào và tiếp cận với Lời Chúa ra sao?

2/ Chúa Giêsu cũng mời gọi tôi đến ở lại với Ngài, hiểu Ngài, yêu Ngài, để Ngài biến đổi và làm chứng nhân cho Ngài ở ngay trong chính cuộc sống của tôi, thế nhưng tôi có thường xuyên ở lại với Ngài không ?

3/ Tôi đã gặp Chúa chưa ? Nếu gặp rồi, chắc chắn sẽ có một niềm vui và mong muốn được chia sẻ cho người khác, khao khát người khác cũng được gặp Ngài. Nếu gặp rồi, tại sao cuộc đời tôi chưa được biến đổi bao nhiêu?

 Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

 

Comments are closed.

phone-icon