Con đường trọn lành

0

Bài 06 trong loạt 19 bài Huấn giáo về Đời sống Thánh hiến của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.

1. Con đường của các lời khuyên Phúc Âm thường được gọi là “con đường trọn lành” và hàng ngũ sống đời thánh thiện là “hàng ngũ trọn lành”. Những từ ngữ này cũng được tìm thấy trong Hiến chế của Công Đồng Lumen Gentium (số 45), còn Sắc lệnh về canh tân thích nghi dòng tu mang tựa đề Perfectae Caritatis với đối tượng là “theo đuổi đức ái trọn hảo qua các lời khuyên Phúc Âm” (DT 1). Dĩ nhiên con đường trọn lành được hiểu về sự trọn lành cần phải đạt tới, chứ không hiểu về sự trọn lành đã đạt được rồi, như thánh Tôma Aquinô giải thích cách rõ ràng (1). Những ai cam kết thực hành các lời khuyên Phúc Âm thì không hề tự hào rằng mình đã chiếm hữu sự trọn lành rồi. Họ nhận biết mình là những tội nhân, giống như mọi người, những tội nhân được cứu độ. Nhưng họ cảm nhận và được kêu gọi cách rõ ràng hơn phải tiến tới sự trọn lành, và sự trọn lành cốt yếu hệ tại đức ái (2).

2. Chắc chắn không thể quên rằng tất cả mọi Kitô hữu đều được kêu gọi tới sự trọn lành. Lời kêu gọi này được chính Chúa Giêsu nhắc đến : “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,48). Khi bàn về ơn gọi nên thánh chung cho toàn thể Giáo Hội, Công Đồng Vaticanô II nói rằng sự thánh thiện ấy “được diễn tả nơi từng người dưới nhiều hình thức khác biệt, và mỗi người cố đạt tới đức ái trọn hảo và xây dựng tha nhân tùy bậc sống của mình” (LG 39 ; x. LG 40). Tuy nhiên ơn gọi chung cho tất cả mọi người không loại trừ việc kêu gọi riêng một số người vào con đường trọn lành. Theo trình thuật của Matthêu, Chúa Giêsu kêu gọi người thanh niên giàu sang bằng những lời : “Nếu anh muốn nên trọn lành” (Mt 19,21). Đây là nguồn gốc Tin Mừng của quan niệm “đường trọn lành” : người thanh niên giàu sang đã hỏi Chúa Giêsu về “điều gì là tốt lành”, và trong câu trả lời anh đã nhận được bản liệt kê các giới răn ; nhưng, vào lúc được kêu gọi, anh được mời tới một sự trọn lành xa hơn những giới răn : anh được kêu gọi từ bỏ tất cả để đi theo Đức Giêsu. Sự trọn lành hệ tại việc dâng hiến trọn vẹn bản thân mình cho Đức Kitô. Chính theo nghĩa này mà con đường của các lời khuyên Phúc Âm là “con đường trọn lành” đối với những ai được gọi bước vào.

3. Cần ghi nhận rằng sự trọn lành mà Đức Giêsu đề nghị cho người thanh niên giàu sang không đem lại sự mất mát nhưng là làm giàu thêm cho bản ngã của anh. Đức Giêsu kêu mời người đang đối thoại với mình hãy từ bỏ một nếp sống trong đó mối lo lắng chiếm đoạt đang choán một chỗ lớn, để làm cho anh khám phá ra giá trị thực sự của bản ngã ở tại chỗ trao ban chính mình cho người khác, và đặc biệt trong sự gắn bó quảng đại với Đấng cứu độ. Như thế chúng ta có thể nói rằng những sự từ bỏ thực sự và đáng kể do các lời khuyên Phúc Âm đòi hỏi, thì không mang hậu quả là “huỷ diệt bản ngã” nhưng chúng giúp cho cuộc sống bản thân được nên trọn hảo, nhờ hậu quả của ơn thánh siêu nhiên, đáp ứng những khát vọng cao cả và thâm sâu nhất của con người. Về phương diện này thánh Tôma nói tới “spiritualis libertas” và “augmentum spirituale” : giải thoát và tăng trưởng của tinh thần (3).

4. Đâu là những yếu tố chính của sự giải thoát và tăng trưởng mà các lời khuyên Phúc Âm mang lại cho người tuyên khấn ?

Trước hết là khuynh hướng có ý thức về đức tin trọn hảo. Việc đáp trả lời kêu gọi : “Hãy theo Ta” cùng với sự từ bỏ xuất phát từ mệnh lệnh đó, đòi hỏi một đức tin hăng nồng vào thiên tính của Đức Kitô và một sự phó thác tuyệt đối cho tình yêu của Người : cả hai (đức tin và lòng tín thác) cần phải tăng trưởng và trở nên cứng cáp trong suốt cuộc hành trình để khỏi bị đè bẹp trước những khó khăn. Cũng không thể nào thiếu khuynh hướng có ý thức về đức cậy trọn hảo. Đòi hỏi của Đức Kitô đặt ở trong viễn tượng của sự sống đời đời. Những người cam kết cho cuộc sống này được kêu gọi tiến tới một niềm hy vọng vững vàng và chắc chắn, vừa trong lúc tuyên khấn vừa trong suốt cuộc sống tiếp theo đó. Điều ấy sẽ giúp họ làm chứng cho giá trị vững bền của những tài sản trên trời, ở giữa những của cải tương đối và chóng tàn của thế gian này.

Nhất là việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc Âm triển khai khuynh hướng có ý thức về đức ái đối với Chúa. Công Đồng Vaticanô II nói về sự thánh hiến được tác động bởi các lời khuyên Phúc Âm, giống như sự dâng hiến bản thân Chúa “Đấng được yêu mến trên hết mọi sự” (GH 44). Đó là hoàn thành giới răn thứ nhất : “Hãy yêu mến Đức Chúa của ngươi hết lòng, hết tâm trí và hết sức lực ngươi” (Đnl 6,5 ; x. Mc 12,30 và song song). Đời sống thánh hiến được phát triển đích thực bằng việc đào sâu liên tục việc trao ban này đã khởi đầu, và bằng một tình yêu luôn chân thành và mạnh mẽ hơn đối với Thiên Chúa Ba Ngôi : tình yêu đối với Đức Kitô, Đấng đã kêu gọi tới sự kết hiệp thân tình với Ngài, đối với Chúa Thánh Thần, Đấng yêu cầu và giúp đỡ thực hiện sự cởi mở trọn vẹn với những hứng khởi của Ngài, đối với Chúa Cha, Đấng là nguồn gốc và mục tiêu tối thượng của đời thánh hiến. Điều ấy diễn ra cách đặc biệt lúc cầu nguyện, cũng như trong suốt cả cuộc sống, được duy trì chiều kích hướng thượng nhờ nhân đức thờ phượng được phú bẩm.

Dĩ nhiên đức tin, đức cậy và đức mến thúc đẩy và tăng khuynh hướng vươn tới đức ái trọn hảo đối với tha nhân, như là một sự mở rộng tình yêu đối với Thiên Chúa. Việc “trao hiến bản thân cho Thiên Chúa, Đấng đáng được yêu mến trên hết mọi sự” cũng hàm chứa một tình yêu mạnh mẽ đối với tha nhân : một tình yêu hướng tới chỗ hoàn hảo nhất có thể, mô phỏng tình yêu của Đấng Cứu Độ.

5. Chân lý về đời thánh hiến như sự kết hợp với Đức Kitô trong tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ bằng một số thái độ sâu xa cần được tăng trưởng trong suốt đời. Những thái độ ấy có thể mô tả với vài nét chính như sau : khao khát chuyển trao cho mọi người tình yêu đến từ Thiên Chúa qua trái tim của Đức Kitô, và như vậy tình yêu phổ quát không chịu dừng lại vì những bức tường ngăn cách do sự ích kỷ của con người tạo ra nhân danh chủng tộc, quốc gia, truyền thống văn hoá, điều kiện xã hội hoặc tôn giáo, vv… ; nỗ lực bày tỏ lòng hào hiệp và trân trọng với hết mọi người, cách riêng đối với những kẻ mà thường tình dễ bị bỏ quên và khinh miệt ; biểu lộ tình liên đới đặc biệt đối với những người nghèo và những người bị bách hại, hay những nạn nhân của sự bất công ; quan tâm đến việc hỗ trợ những người đau khổ nhiều hơn, tựa như ngày nay với vô số người khuyết tật, những người bị bỏ rơi, những kẻ tha hương vv…; chứng tá cho của một tấm lòng khiêm nhường và hiền hậu, tránh xa thái độ lên án, từ bỏ mọi vũ lực, mọi thù hận, và tha thứ với niềm vui ; ước muốn cổ vũ công cuộc hoà giải ở khắp mọi nơi và tiếp nhận hồng ân Tin Mừng hoà bình ; dấn thân quảng đại cho mọi sáng kiến hoạt động tông đồ nhắm tỏa lan ánh sáng Đức Kitô và mang lại ơn cứu độ cho nhân loại ; cầu nguyện chuyên chăm theo những ý chỉ của Đức Thánh Cha và của Giáo Hội.

6. Ngày hôm nay hơn lúc nào hết, rất nhiều lãnh vực bao la đang đón chờ hoạt động của “những người được thánh hiến”, như cách diễn tả tình yêu Thiên Chúa ra những hình thức cụ thể của tình liên đới con người. Có thể trong nhiều trường hợp họ chỉ thực hiện được một vài chuyện hoặc, dưới cái nhìn phàm trần, những việc rất tầm thường, hay ít ra là chẳng có gì loè loẹt, chẳng có gì ồn ào. Nhưng những đóng góp nhỏ bé này cũng rất hữu hiệu nếu chan chứa tình yêu chân thật (là “việc” thực sự lớn lao và hùng mạnh), nhất là nếu đó là tình yêu của chính Ba Ngôi tuôn đổ trên Giáo Hội và thế giới. “Những người được thánh hiến” được kêu gọi trở nên những cộng tác viên khiêm tốn và trung thành cho cuộc bành trường của Giáo Hội trong thế giới trên con đường đức ái.

Sr. Maria Đinh Thị Sáng chuyển ngữ từ nguyên bản Tiếng Ý.
Trích từ Theo Chúa Kitô II, Học viện Đa Minh, 2006

————–
[1] x. Thánh Tôma, Summa theologiae, II-II, q. 184, aa. 5,7.

[2] x. Thánh Tôma, Summa theologiae, II-II, q. 184, aa. 1,3.
[3] Thánh Tôma, Summa theologiae, II-II, q. 184, a. 4.

Comments are closed.

phone-icon