“Từ khi còn thơ bé tôi đã chẳng bao giờ muốn trở thành chính mình. Tôi muốn mình trở thành Marco Cancelli. Tôi bước đi như ông ấy, ăn nói như ông ấy và ghi danh vào trường ông đã học.
Nhưng rồi Marco Cancelli thay đổi. Ông bắt đầu giao du với Gianni Ferrari, ông bước đi giống như Gianni Ferrari, nói năng giống như Gianni Ferrari. Ông làm tôi bối rối hoang mang. Thế rồi tôi lại bắt đầu bước đi và nói năng giống như Marco Cancelli, người đang cố bắt chước Gianni Ferrari trong từng lối đi và cách phát biểu.
Nhưng tôi lại cảm thấy Gianni Ferrari bước đi và nói năng như Cario Alvoni. Mà Carlo Alvoni lại bước đi và nói năng giống như Alberto Sabina. Như thế, nghĩ cho đến cùng, khi tôi bước đi và nói năng giống Marco Cancelli, tôi đồng thời trở nên giống như Gianni Ferrari, Carlo Alvoni, và Alberto Sabina. Vậy thì cuối cùng, Alberto Sabina bước đi và nói năng giống ai nhỉ?”
Câu chuyện nhỏ đưa chúng ta vào vòng luẩn quẩn. Nhưng nhìn vào thực tế, cái vòng luẩn quẩn ấy lại rất thực. Trong nhận thức, chúng ta nhận ra cá nhân mình là độc sáng, là duy nhất, là khác biệt với người khác. Tuy nhiên để đón nhận bản thân như mỗi người chúng ta LÀ thì hoàn toàn không dễ dàng, cho dù ai cũng biết đây là một nhiệm vụ quan trọng cốt yếu trong ơn gọi làm người.
Học để biết đón nhận bản thân là bài học khó, không chỉ đối với trẻ nhỏ hay thanh thiếu niên nhưng với cả người lớn. Nhiều nhà tâm lý thừa nhận có nhiều căn bệnh tâm lý liên quan đến việc không đón nhận bản thân và những gì do hoàn cảnh sống đưa tới.
Bản thân là gì mà sao không dễ đón nhận?
Khái niệm về bản thân là cách mỗi cá nhân nhìn về chính mình. Nó không tự có từ bẩm sinh, nhưng được hình thành ngang qua những phản ứng, lối hành xử của người khác với mình, và đặc biệt qua những kinh nghiệm sống. Hình ảnh về bản thân này bắt đầu hình thành ngay từ những năm tháng đầu đời, tiếp tục phát triển và gắn bó với ta suốt cả hành trình đời người. Khái niệm mà mỗi người có về chính mình nhiều khi không luôn trùng khớp với con người thật của chúng ta. Nhiều lúc, nó còn giới hạn ta trong cái nhìn hạn hẹp về bản thân mình.
Chúng ta xây dựng được khái niệm về chính mình là nhờ tương quan với người khác. Nói đúng hơn, người khác giống như tấm gương phản chiếu để ta nhìn thấy nhân dạng của mình.
Chẳng hạn khi chúng ta nghĩ và cho rằng mình là một con người cởi mở và dễ thương, đó là bởi có nhiều người khác, bằng lời nói hay bằng thái độ đã tỏ lộ cho chúng ta điều ấy. Tương tự như thế, nếu ngay từ nhỏ, ta thường xuyên nghe người khác nhận xét ta là một đứa trẻ quậy phá và hư hỗn thì ta cũng khó lòng để mà xây dựng được một hình ảnh tích cực về bản thân.
Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng người khác không nắm vai trò quyết định hoàn toàn trong việc phát triển của cá nhân ta. Họ cũng không thể nhào nắn ta như họ muốn. Bên cạnh đó, chẳng ai có thể phủ nhận được chân lý rằng để trưởng thành như một con người và để nhận biết chính mình, chúng ta cần đến người khác. Chúng ta ít nhiều chịu ảnh hưởng từ người khác trong việc xây dựng và hình thành khái niệm về bản thân.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta nghe Joseph Luft và Harry Ingham giải thích về ‘cửa sổ Johari’. Cửa sổ Johari gồm 4 khung. Khung thứ nhất là khung mở công khai, trong đó những thông tin về bản thân ta mà chính ta và người khác đều biết. Khung thứ hai là khung “Mù”, tức là những điều mà người khác biết về ta mà ta không hề hay biết; chẳng hạn ta luôn cho rằng mình tốt lành và rộng lượng, trong khi người khác tiếp xúc với ta họ lại thấy rằng ta rất ngờ vực, ích kỷ và ganh tị. Khung thứ ba là ‘khung che giấu’, trong đó chỉ có ta biết rõ mà người khác không hay biết, đây là ‘mảnh trời riêng’ của mỗi người. Khung thứ tư là vô thức, tức là bản thân mình và cả người khác không hề biết đến khía cạnh này nơi con người chúng ta.
Chính vì người khác đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cá nhân hình thành khái niệm về bản thân, nên nhà giáo dục cần lưu tâm một số điều khi giúp con em đón nhận bản thân.
Giáo dục khả năng đón nhận bản thân
Triết gia Socrate của Hy Lạp đã luôn đưa người tiếp xúc đến một chân lý nền tảng: “Anh hãy tự biết anh”. Biết mình là tiền đề cho việc đón nhận bản thân và là khởi điểm cho hành trình phát triển nhân vị. Để giáo dục trẻ đến khả năng đón nhận bản thân, chúng ta cần lưu ý:
Giúp trẻ có một cái nhìn đúng về mình
Làm thế nào? Trước hết, em cần biết điểm mạnh hay yếu nơi bản thân. Điểm mạnh là những năng khiếu, khả năng còn gọi là sở trường. Trong khi điểm yếu là những khuyết điểm, những sở đoản nơi cá nhân. Phụ huynh và những nhà giáo dục cần khám phá ra những điểm tốt nơi em, khích lệ và giúp em phát triển, đồng thời cùng em nhìn nhận ra điểm yếu nơi mình, và thanh thản chấp nhận.
Trong thực tế giáo dục, phụ huynh cần lưu ý là có một số lối hành xử của cha mẹ đã hình thành lề thói xấu trong nhận thức của trẻ. Ví dụ Bin, một cậu bé rất hiếu động. Khi tập đi và té, Bin đều lăn ra khóc đợi cho đến lúc mẹ chạy lại đỡ lên mới thôi. Mẹ Bin thưởng đập tay xuống nền nhà, miệng nói: “Chừa cái đất này, ai bảo làm cho Bin ngã!!!”. Bin không hiểu nhưng bé cảm thấy hài lòng và được an ủi. Lối cư xử thế này của mẹ đã in sâu trong tâm trí Bin một khái niệm rằng bé không bao giờ có lỗi. Tất cả là người khác hay sự vật xung quanh em. Vì thế, khi đến trường em trở nên hung hăng và khó chịu mỗi khi ai đó sửa lỗi. Để Bin hạ mình xin lỗi người khác thì thật không dễ chút nào.
Tập cho trẻ có ánh nhìn tích cực
Nơi mỗi người luôn có những mặt tốt và mặt xấu. Người lạc quan và có tầm nhìn rộng sẽ có khả năng chấp nhận sự tương đối hơn. Do vậy, để có mối tương quan tốt với bản thân và người khác, trẻ cần có những kinh nghiệm sống tích cực, biết khám phá ra cái đẹp và ngưỡng mộ cái đẹp. Phụ huynh không nên bao biện lỗi lầm cho trẻ, nhưng cũng lưu ý để đừng quá cứng nhắc với trẻ. Cần biết là trái với trường hợp bên trên, có những cha mẹ và thầy cô lại không bao giờ hài lòng với những cố gắng của con em mình. Nơi họ: “Lời khen thì rất đắn đo, lời chê thì có cả kho dư tràn”. Hãy nhớ, ánh nhìn tích cực giúp trẻ dễ tìm thấy nguồn hứng khởi để vươn lên và ít cắt nghĩa xấu về người khác.
Trẻ trải nghiệm về vai trò cá nhân trong xã hội
Hãy luôn cho trẻ thấy chúng thật hữu ích. Cha mẹ đừng quên đề ra cho trẻ những công việc phù hợp với tuổi các em, đồng hành nhắc nhở các em trung thành, và luôn khích lệ trước mỗi thành công dù nhỏ của các em. Hãy cho trẻ thấy em thật đáng giá mỗi khi hết lòng trong bổn phận. Cha mẹ tạo điều kiện để con cái có cơ hội tham gia nhóm, các cuộc dã ngoại… vì đây là những môi trường để em tỏ lộ bản thân cách rõ nhất, đồng thời em biết mình rõ hơn ngang qua sự tương tác với bạn bè, người khác.
Những điều dành cho phụ huynh
Không chỉ giáo dục trẻ, mà các phụ huynh cũng cần phải điều chỉnh bản thân để giúp con trẻ có cái nhìn đúng đắn và thanh thản về bản thân họ. Trách nhiệm này đòi hỏi hy sinh và năng lực nhiều hơn việc luyện văn hay chữ đẹp cho các em.
Do vậy, trước tiên, chính phụ huynh phải kiềm chế để lối ứng xử của mình không thất thường, không thái quá. Cũng đừng để cảm xúc làm chủ để đôi lúc vô cớ trút giận lên con em mình.
Điều quan trọng không kém là phụ huynh cần nhìn lại xem bản thân mình quan niệm thế nào về giá trị của con người, và điều chỉnh cho đúng chuẩn. Lý do là nếu phụ huynh coi giá trị con người hệ tại ở tài năng, thì sẽ dễ dàng chê bai, trách móc khi con cái không đạt chuẩn điểm mình đề ra, đôi khi còn làm cho trẻ yên trí rằng nó dốt nát, bất tài. Rồi điều gì xảy ra nếu các giá trị được đề cao là vẻ đẹp bên ngoài, sự giầu có, học vị … Vâng, phụ huynh cần đánh giá lại và cần có những quan điểm đúng đắn về giá trị, bởi chính những quan điểm này sẽ trở thành tiêu chuẩn để chúng ta đánh giá các em, hoặc hình thành nơi các em về giá trị bản thân.
Nhật Tâm
Chuyên đề Don Bosco số 34