“1 – 0”

0

1-0

Khôi ngồi ngây ra- chỉ ngày mai nữa thôi, cô sẽ hoàn toàn không còn sống cho mình. Lời khấn vĩnh viễn chính thức công nhận cô hiến trọn cuộc đời cho Chúa và cho Hội Dòng. Nhưng để có thể tiến lên trước mặt vị đại diện, đọc lời tuyên khấn mà ngày mai Khôi sẽ thực hiện, cô đã phải hiểu thế nào là “vì Thầy, người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau”.

– Mẹ ơi, sao con tên là Mai Khôi? Khôi vừa nhổ tóc sâu cho mẹ vừa hỏi.

– Vì con sinh ra nhỏ như con chuột nhắt, ai cũng nghĩ là con không sống nổi. Bố con lần hạt khấn Đức Mẹ, Đức Mẹ gìn giữ con nên bố đặt tên cho con là Mai Khôi.

Hèn gì mà Khôi cảm thấy mình cũng thích đọc kinh Kính Mừng, Thánh Ma như bố. Có những lần học tới khuya, Khôi vẫn sốt sắng đọc mười hai kinh Mân Côi rồi mới đặt lưng xuống ngủ.

– Khôi này, con thấy thằng Thiệu  thế nào? Mẹ chuyển hướng.

Thiệu là bạn cùng công ty với anh Hoàng, anh trai cô. Hôm 30- 4, anh Hoàng rủ anh về quê chơi trong những ngày nghỉ lễ. Khôi cũng chỉ gặp anh loáng thoáng vì một phần, cô đang bù đầu với kỳ thi cuối cấp. Phần khác, cô cũng cập rập lo cho buổi cắm trại truyền thống của lớp. Ngày đầu tiên gặp anh, Khôi cũng nhận thấy một ánh mắt trìu mến dành cho cô. Tuy nhiên, cô không có ấn tượng gì về anh ngoài cảm giác ngài ngại trong các bữa ăn khi có anh. Khôi thấy mình mất tự nhiên trong khi anh Hoàng tếu táo pha trò, làm cả nhà vừa ăn vừa cười ngặt nghẽo.

Những ngày nghỉ lễ trôi qua nhanh. Khôi ở trường học về thì hai anh đã trở về thành phố đi làm. Mẹ nhét vào tay Khôi tờ giấy: thằng Thiệu gửi cho con.

Một lời nhắn dễ thương khiến cô cảm động: “Khôi ơi, nhớ giữ gìn sức khoẻ. Chúc em đạt kết quả tốt trong các kỳ thi sắp tới. Cố lên nha!” Chỉ có thế.

Những ngày thi tốt nghiệp làm Khôi quên nhanh những cảm xúc đó. Không hiểu sao, giờ mẹ lại hỏi bóng gió, xa xôi vậy? Cô trả lời mẹ:

– Con không biết, anh ấy là bạn anh Hoàng mà, sao mẹ không hỏi anh Hoàng ?

– Con ngốc quá! Thằng Thiệu nó thích con. Nhà nó  được lắm, người Sài Gòn mà đạo nghĩa đàng hoàng. Anh con đưa nó về chơi là có ý…Mai mốt con đi học trên đấy, không dễ mà quen được người có đạo. Con Thy, con Dương nhà ông Nam toàn quen người không có đạo. Rồi mẹ nói trống không nhưng có ý đe cô: Nhà này thà lấy người có đạo, nghèo một tí còn hơn lấy người giàu có mà không có đạo.

Thấy mẹ nói chuyện đạo nghĩa, Khôi chớp cơ hội: Mẹ ơi, con nói mẹ nghe cái này, mẹ đừng la con nghen!

Cô nói một mạch như sợ không thể nói được lần thứ hai: Mẹ cho con đi tu nha mẹ!

Khôi đã phải suy nghĩ kĩ lắm mới dám nói với mẹ giấc mơ đã được cô ấp ủ từ ngày còn học trong nhà các Dì. Mẹ cô thì lại tưởng cô vì lo học mà chưa có bạn trai.

Khôi biết, dù nhà cô được tiếng là đạo đức, bố mẹ cô quí các Cha, các Dì nhưng chẳng bao giờ nghe mẹ gợi ý cho Khôi đi tu. Mẹ vẫn nặng tư tưởng phong kiến: “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Hôn nhân của chị Minh, anh Nguyên phần lớn do mẹ quyết định. Khôi nêu lên ý kiến của mình là làm sai sự sắp đặt của mẹ.

Mẹ cô im lặng đứng lên. Cả buổi chiều hôm ấy, mẹ chẳng nói gì. Khôi linh cảm mối quan hệ giữa mẹ và cô đang  có sự thay đổi không mấy tốt đẹp. Đến tối, mẹ bảo bố: Con Khôi nó muốn đi tu. Bố nói: Chúa muốn vậy thì bà cứ cho nó đi.

– Tôi nghĩ kĩ rồi, không tu tác gì hết. Ông không thấy nhiều người đi tu trong xứ mình, khấn rồi còn về kìa! Con Xuân nó chịu cực khổ quen rồi mà còn về, huống hồ nó. Cái ngữ này bảy ba hai mốt ngày là về, mang tiếng ra. Ông muốn nó bôi tro trét trấu lên mặt ông với tôi à?

– Nhưng ngày trước bà bảo bà dâng nó cho Đức Mẹ đó.

– Tôi đã chuộc nó rồi. Tôi nói không là không. Mẹ nói chắc như đinh đóng cột.

Thì ra, mẹ Khôi sợ tiếng cười chê. Nhà nào có con đi tu mà về thì  như mắc tội nặng lắm vậy, bố mẹ ra đường không dám nhìn mặt ai. Đã thế, bác Hai ở bên kia viết thư về còn nói: hình như dòng họ nhà mình không đi tu được. Bác nói vậy vì chị Lan, con gái bác đi tu được mấy tháng rồi cũng về.

Cả đêm Khôi thao thức không thể chợp mắt được. Từ trước đến giờ, có lo lắng cho bài vở thi cử đến mấy, cứ nằm xuống là cô ngủ khoèo. Người lớn mới mất ngủ như vậy. Mình là người lớn rồi ư? Cô tự hỏi và tự trả lời: Mình phải là người lớn. Khôi tự nhủ: cái gì cũng phải có bắt đầu chứ. Cô sẽ là người bắt đầu. Không thể có chuyện như bác Hai nói được.

Nhờ dì Sương chỉ vẽ, cô vào cha xứ xin giấy giới thiệu.

Mọi việc diễn ra đối với Khôi vừa gấp gáp, vừa bí mật. Nhưng cha xứ lại bảo: Con chưa đủ trí khôn.

– Con mười tám tuổi rồi!

– Cũng phải có bố mẹ.

Trong đầu cô lúc này chỉ dám nghĩ đến bố. Buổi sáng đi lễ, bố vào cha. Mọi thủ tục ban đầu tạm ổn.

Khôi nhanh chóng gấp một vài bộ đồ “hợp với nhà tu”  nhét vào giỏ.

Mẹ chì chiết : Mày đi luôn đi, tu không được thì đừng có về, khổ cực ráng mà chịu, đừng có than với tao. Đồ con bất hiếu!

Mẹ lại tru tréo: Trời ơi! Sao tôi lại bất hạnh thế này!

Mọi lần nghe mẹ nói nặng một chút là nước mắt cô đã lăn dài. Hôm nay Khôi thấy mình không khóc được. Sự  nhu mì như con thỏ ngoan ngoãn với bố mẹ tạm nhường chỗ cho một ý chí mạnh mẽ mà mẹ cho là ngang ngạnh, ương bướng. Chị Minh thương, lén dúi tiền vào giỏ cho cô. Chị cũng khóc rồi dặn: Em đi mạnh khoẻ.

Vào tu, Khôi thấy lời mẹ nói có phần nào đúng. Cô chỉ phỏng trước được tu là ăn kham khổ, mặc nghèo khó, lúc nào cũng chăm chú cầu nguyện…Cô không lường được rằng, cô sẽ gặp phải những khó khăn ngay trong những điều nho nhỏ: cắt vát rau như thế nào? Thái thịt thớ dọc, thớ ngang ra sao? Rồi những vạc cơm, canh chưa bao giờ cô nhìn thấy nó nhiều đến vậy. Lâu lâu lại thấy người nọ người kia lên xin lỗi trước cả nhà vì cơm khê, cơm nhão…và cộng thêm bao nhiêu thứ mới mẻ khác. Cô mất hết tự tin, nỗi sợ hãi xâm chiếm đến cả xương cốt. Khôi lúng túng như người trong mớ bòng bong. Còn mối quan hệ với chị em nữa. Thỉnh thoảng “cơm không lành canh không ngọt ”vẫn xảy ra. Khôi lảo đảo, lòng chùng xuống…

Nhưng mọi sự đều trôi qua. Những điều có khi tưởng chừng như một thử thách ghê gớm, với thời gian, nó trở nên bình thường. Thời gian dạy cho người ta nhiều bài học. Khôi không còn lóng ngóng trong công việc thường ngày. Những va chạm chị em làm cô trưởng thành hơn. Người ta còn bảo, thời gian là phương thuốc hữu hiệu chữa lành vết thương. Nhưng với mẹ, phương thuốc ấy xem ra kém hiệu nghiệm.

Mỗi lần về nhà trong các dịp nghỉ, mẹ không còn nặng nhẹ nhưng rất ít nói chuyện với Khôi. Khôi đi đàng này, mẹ đi đàng khác. Trong các bữa cơm là Khôi khổ tâm nhất. Mẹ cứ vờ dọn dẹp hay như  đang còn bận việc gì để không lên ăn cơm chung. Mẹ vẫn còn giận cô. Anh Hoàng tỏ ra hờ hững hơn nữa từ sau chuyện mai mối không thành. Khôi thấy sự trở về của mình làm cho bầu khí gia đình nặng nề, mất vui, lúc nào cũng chia hai trường phái: chống đối- ủng hộ.

Lần Tiên Khấn, chỉ có trường phái ủng hộ mừng cô. Trường phái kia im lặng, lạnh lùng …

Rồi thời gian trôi, cô chuẩn bị Khấn trọn đời.

Tối nay, Khôi thấy mình hồi hộp lạ. Nhớ ngày chị Minh đi lấy chồng, Khôi cũng thấy chị cứ lục tục suốt đêm. Sao người lớn rắc rối vậy? Giờ thì cô đã hiểu.

Khôi  trằn trọc suốt đêm. Lời cha cố dặn một linh mục trước khi được thánh hiến: “Anh chỉ còn một đêm sống không có chức thánh” vang lên trong đầu làm cô vừa mừng vừa lo, dù lời khấn của cô chẳng cao trọng như đời thánh hiến của linh mục. Hình ảnh bố mẹ và gia đình cũng bao trùm lấy tâm trí cô: Ngày mai, mẹ có đi dự lễ không, còn anh Hoàng nữa? Khôi chợt thấy buồn buồn.

…..

Các chị em cùng lớp đã xúng xính trong chiếc áo dòng mới. Sân nhà Dòng hôm nay rộn rã hơn, hoa lá rung rinh hoà điệu cùng niềm vui. Bố mẹ các chị đã đến đầy đủ, ai cũng tíu tít bên người thân. Khôi chạnh lòng: chẳng lẽ nhà mình…? Hồi tiên khấn, bố với chị Minh, anh Nguyên đến rất sớm, từ chiều hôm trước. Mọi người thân đều bỏ Khôi rồi sao? Giọt nước mắt chực rơi xuống nhưng Khôi đã kịp nhắm mắt đưa nó vào trong. Chắc Chúa muốn mình hy sinh hơn nữa. Nghĩ vậy, chân cô bước lên bậc thềm tiến vào nhà thờ. Nhưng vừa bước lên bậc thềm thứ nhất, cô đã nghe tiếng gọi: Dì Khôi, Dì Khôi kìa! Khôi quay lại, thấy bác tài xế đang mở cửa xe. Bố, chị Minh, anh Nguyên ra khỏi xe. Mấy đứa cháu chạy lon ton đến bên dì. Người xuống xe sau cùng là anh Hoàng và mẹ. Khôi bước nhanh xuống sân, tiến thẳng đến ôm mẹ. Cô để mặc cho nước mắt rơi lã chã rồi nói trong tiếng nấc: Con xin lỗi mẹ, con đã làm cho mẹ phải buồn nhiều! Mẹ cô cũng nức nở: Không, con không có lỗi gì hết! Mẹ thua Đức Mẹ rồi.

Mẹ bề ngoài cứng là vậy nhưng trong lòng thương con vô hạn. Từ ngày Khôi đi tu, mẹ trở nên trầm lặng. Mẹ cầu nguyện cho con nhiều hơn dù chẳng bao giờ nói ra, thậm chí còn luôn tỏ vẻ ơ hờ với cô.

Khôi thấy mình vẫn là cô bé như ngày nào, ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ và nũng nịu sà vào lòng mẹ. Cô cứ ngỡ mình chẳng bao giờ tìm lại được hình ảnh đó khi cô bước chân ra khỏi nhà để đi tu.

Anh Hoàng háy háy mắt nhìn Khôi. Đó là lời xin lỗi đặc trưng theo kiểu của anh.

Khôi đọc lời khấn cách tin tưởng vì cô biết bên cạnh cô lúc nào cũng có Đức Mẹ và không thiếu những lời cầu nguyện từ người thân dành cho cô.

M. Nữ Huyện  

Comments are closed.

phone-icon