Niềm tin bảo đảm hạnh phúc hôn nhân

0

Niềm tin bảo đảm hạnh phúc hôn nhân

 Trong các nghi thức hôn nhân, bao giờ cũng thấy xuất hiện bóng dáng của tôn giáo. Do đó, có thể khẳng định rằng tôn giáo là sức mạnh, là lẽ thật mà con người nhắm tới khi nhân danh niềm tin để cử hành các nghi thức hôn nhân.

 Trong niềm tin tôn giáo, người Công Giáo coi hôn nhân là một Bí Tích, theo đó, lời thề hứa giữa 2 người yêu nhau không chỉ mang ý nghĩa của một khế ước, một giao kèo giữa một người nam và một người nữ trước pháp luật. Nhưng mang ý nghĩa của một ơn gọi, một bậc sống mà sự gắn bó bền chặt của nó vượt qua mọi giới hạn của khế ước và giao kèo do con người có thể đặt ra. Nó chính là hình ảnh giao ước giữa Thiên Chúa với con người. Và trên tất cả, đó là một giao ước tình yêu, thánh thiện, vĩnh viễn mà hai người trao nhau trước mặt Thiên Chúa, đại diện Giáo Hội và cộng đồng dân Chúa. Có lẽ vì điểm này mà Hôn Nhân Công Giáo đang phải đối đầu với những chỉ trích và phê bình về tính cách bền bỉ cũng như sự thánh thiện của Bí Tích. Nhiều người thắc mắc nếu, “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Máccô 10:9), thì tại sao con số ly dị của người Công Giáo ngày càng tăng?!!! Phải chăng những người này coi thường Bí Tích, hoặc giá trị của nó không bảo đảm, cũng như không đem lại những gì mà họ vẫn hằng tin tưởng.

Câu trả lời là, thật ra không phải Bí Tích Hôn Nhân ngày nay không còn giá trị nữa, nhưng như lời Chúa Giêsu đã trả lời bọn Pharisiêu lúc đó hỏi Ngài về vấn đề ly dị, thì chính là vì lòng dạ con người đã không còn mềm mại để đón nhận luật lệ của Thiên Chúa. Ngài đã bảo họ: “Vì lòng các ngươi chai đá” (Máccô 10:5), nên mới có chuyện đó xảy ra. Bản thân Ngài, Ngài đã mở màn cho sứ vụ rao truyền Tin Mừng bằng việc cùng với thân mẫu và các môn đệ công khai xuất hiện giữa một tiệc cưới. Ở đó, Ngài đã thực hiện phép lạ đầu tiên nhân danh tình yêu của đôi tân hôn đã mời Ngài.

Một chi tiết tuy rất nhỏ mà Thánh sử đã ghi lại về bữa tiệc hôm đó, nhưng đã trở thành lý do khiến nhiều cặp vợ chồng sau này phải suy nghĩ; đặc biệt khi họ gặp thử thách và hôn nhân của họ đi đến chỗ đổ vỡ. Ðó là, đôi tân hôn hôm đó không hề biết tiệc cưới của họ thiếu rượu, và ai là người đã cứu nguy cho họ.

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chữa lành nhiều bệnh tật, xua đuổi ma quỉ, cho người chết sống lại, què đi được, mù xem thấy, điếc nghe được, cùi hủi được lành sạch… Tuy vậy, Ngài lại không thực hiện một phép lạ nào để chữa lành trong phạm vi tâm lý như cho người này, người khác khỏi nóng nảy, giận hờn, bẳn gắt, tham lam, ghen tương, hoặc đưa một đứa trẻ hư hỏng, mất dạy trở về.

Dĩ nhiên, Chúa Giêsu có lý do để làm phép lạ Ngài muốn, cũng như lý do để không làm điều con người muốn. Ngài cho người què đi, điếc nghe, mù thấy, phong cùi lành sạch, người chết sống lại, xua đuổi ma quỉ… Tất cả những việc làm này để minh chứng một điều là Thiên Chúa muốn làm gì cũng được. Ngài quyền năng và tuyệt đối. Ngược lại, Ngài không làm cho con người hết nóng nảy, giận hờn, ghen tương, tham lam, đố kỵ, khắc khẩu; hoặc Ngài không đem đứa con hư hỏng trở về với bố mẹ nó vì Ngài muốn con người phải làm việc ấy bằng tinh thần trách nhiệm, bổn phận và ý thức trưởng thành. Con người phải cộng tác với ơn Ngài ban để tự lo liệu và thăng hoa đời sống của mình. Ðây không phải là một thử thách hay trói buộc, nhưng là một vinh dự của đời sống hôn nhân. Thánh Âugustinô nói: “Khi Chúa dựng nên tôi, Ngài không cần hỏi ý kiến tôi. Nhưng khi Ngài muốn cứu độ tôi, Ngài cần sự cộng tác của tôi.” Theo đó, khi Ngài để hai người nam nữ lại gần nhau, tạo cơ hội cho họ tìm hiểu, và yêu thương nhau, là Ngài tôn trọng sự lựa chọn và ý thức trách nhiệm của họ. Họ phải làm chủ hành động của mình, và dĩ nhiên, bằng sự cộng tác với ơn Ngài ban. Phần Ngài, Chúa Giêsu sẵn sàng ở đó để nâng đỡ, và giúp đỡ con người ngay cả khi họ không biết điều này, hoặc lơ là không biết như đôi vợ chồng trong tiệc cưới Canna.

Thực vậy, Thiên Chúa chẳng luôn luôn thực hiện những phép lạ lớn lao trong cuộc sống những đôi vợ chồng có lòng tin tưởng và phó thác nơi Ngài đó sao. Niềm tin khẳng định được điều ấy, đó là với ơn Chúa phù giúp, với thiện chí, và bằng nghị lực, mỗi người đều có thể kiềm chế để bớt nóng nảy, bớt giận hờn, bớt lắm điều, bớt nghiện ngập, bớt cộc cằn, bớt thói trăng hoa để vợ chồng hiểu nhau, chấp nhận nhau, tha thứ cho nhau, chia sẻ trách nhiệm và bổn phận của nhau để cùng đồng hành trên con đường hôn nhân hạnh phúc. Và đó chẳng phải là những phép lạ lớn lao và đặc biệt Thiên Chúa thực hiện trong tâm hồn và cuộc đời những kẻ tin nhận Ngài đó sao. Một phép lạ biến ta thành người vợ, người chồng, người cha, người mẹ hiền từ, ôn hòa, yêu thương, tha thứ, trung thành và thánh thiện. Phép lạ này còn cao cả hơn phép lạ Ngài cho một người mù được thấy, một người què được đi, một người điếc được nghe, và một người cùi hủi được lành sạch. Bởi vì giá trị tinh thần thì quí trọng hơn giá trị vật chất. Do đó, khi làm cho một người biến đổi từ nóng nảy ra hiền từ, từ bất trung ra trung thành, từ ghen tương thành hiểu biết hẳn là còn cao cả hơn nhiều.

“Ðức tin con cứu con” (Matthêu 9:22), Chúa Giêsu đã nói điều này với người đàn bà mang bệnh loạn huyết. Ngài cũng nói tương tự với ông đại đội trưởng người Rôma khi ông này kêu cầu Ngài đến cứu người đầy tớ của ông: “Hãy về đi, ông tin thế nào thì được như vậy”  (Matthêu, 8:13). Nếu đức tin đã giúp con người làm nên phép lạ như vậy, thì ta không nghi ngờ gì, cũng đức tin ấy sẽ giúp con người loại trừ, hoặc sửa sang lại những bệnh tật tâm lý là những cái thường đưa đến đổ vỡ, mất hạnh phúc và làm tan nát đời sống hôn nhân của nhiều người.

Tóm lại, hạnh phúc hôn nhân nếu nhìn theo khía cạnh tôn giáo thì niềm tin chính là nền tảng vững chắc để đôi vợ chồng xây dựng hạnh phúc của họ. Và niềm tin cũng chính là sức mạnh giúp họ vượt thắng những yếu đuối cá nhân để cùng nhau cộng tác với ơn Chúa và với nhau xây dựng hạnh phúc hôn nhân. Nhưng như Thánh Giacôbê đã nói: “Ðức tin không việc làm là đức tin chết” (Giacôbê 2:17). Và một trong việc làm cần thiết ấy, đối với những ai sống trong đời sống hôn nhân, là sự học hỏi, tìm kiếm hiểu biết để sống với ơn gọi của mình; đặc biệt, học hỏi về bổn phận, trách nhiệm người chồng, người vợ, người cha, người mẹ. Những điều này chúng ta có thể học hỏi nơi học đường, trong sách vở, tại những khóa hội thảo, những buổi tĩnh tâm, những người đạo hạnh và kinh nghiệm, cũng như tại các văn phòng tư vấn chuyên môn. Bỏ qua hoặc coi thường những phương tiện hiểu biết này; hoặc ngược lại, tự cho mình là biết tất cả hay không biết gì vẫn không tránh khỏi trách nhiệm. Hơn thế nữa, nó càng chứng tỏ thái độ thiếu thiện chí và cố gắng của chính mình.

Trần Mỹ Duyệt

Comments are closed.

phone-icon