Tình cho không – Suy niệm CN XXII TN, năm C

0

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, NĂM C

28

LỜI CHÚA: 14, 1.7 – 14

Hồi học lớp 7, tôi đã có cái kinh nghiệm đau đớn về việc chọn chỗ nhất. Cái gai đầu đời tu đã làm cho tôi đau điếng một thời vì ham ngồi chỗ cao. Chả là cha linh hướng của Hội dòng chúng tôi thời đó muốn tập cho chúng tôi ăn nói bạo dạn và lưu loát trước công chúng, nên Ngài lên chương trình đăng đàn  vào mỗi tối thứ tư hằng tuần. Chương trình này dành cho mọi thành viên trong Hội Dòng không phân biệt chức vị, tuổi tác, văn hoá; hết mọi người đều được mời tham gia. Cha khuyến khích: Đây là chương trình đóng cửa bảo nhau nên chị em đừng e dè.

Tôi là cô bé đệ tử lớp 7 đã từng được nghe các Mẹ, các dì, các chị lần lượt lên diễn đàn. Tôi rất khâm phục các thuyết trình viên và nghĩ với tính nhút nhát của mình  không biết bao giờ mình mới dám bước lên diễn đàn. Trong khi đó, cha linh hướng tuần nào Ngài cũng kêu gọi và nhiệt tình khuyến khích đến độ đá cũng phải đổ mồ hôi. Máu anh hùng rơm của tôi nổi lên, tôi quyết một phen mạo hiểm xem sao!

Một buổi chiều đẹp trời, tôi gác tất cả các bài học lại rồi quyết viết một bài diễn thuyết thật hoành tráng để trình làng. Tôi xuống thư viện lục lọi tư tưởng rồi bắt đầu hạ bút viết đề tài thật kêu : “ Tiếng lương tâm”. Một đề tài thật vĩ đại đối với trình độ của tôi hồi đó. Tôi nộp cho chị giáo và đề tài của tôi được chọn nói trong tuần tới. Vừa mừng vừa lo, mừng vì tôi được xuất hiện giữa bá quan văn võ, lo vì làm sao nuốt được một bài sáu trang giấy thếp kia. Nhìn vào giấy để đọc thì không khó đối với tôi,  nhưng nói buông, lại thêm cái nỗi nhát như cáy của tôi thì thật là tới số. Đã  thế, tôi lại muốn giương oai, muốn chiếm chỗ nhất, muốn cho mọi người khen mình giỏi giang. Với quyết tâm chiếm chỗ danh dự này mà tôi quyết tâm học thuộc lòng và dọn lời mở đầu thật hay để chị em nể phục mình.

Giờ đã điểm, tôi bắt đầu xuất hiện giữa Mẹ Bề Trên, các chị Tổng cố vấn, các chị khấn, các chị nhà tập và các chị em đệ tử của tôi. Cha linh hướng ngồi bên tay phải tôi cầm bút ghi những vụng về thiếu sót để giúp tôi học ăn, học nói, học gói, học mở. Cả hội trường im phắt để cho tôi cao giọng, tôi lấy hết bình tĩnh để mở đầu cho buổi nói chuyện: Kính thưa cha, thưa Mẹ, thưa quí dì, quí chị em, hôm nay con được hân hạnh đứng lên đây để trình bày với gia đình về đề tài “ tiếng lương tâm”. Mặc dù con còn nhỏ,  nhưng con thấy mẫu gương của Mẹ, các dì, các chị tuy mắt mờ, chân chậm đã can đảm đứng lên đây để chia sẻ cho con những bài học hay và ý nghĩa… Đến đây tôi quên khuấy câu kế tiếp, tôi đứng im lặng mấy giây cũng không nghĩ ra. Tôi bắt đầu xin lỗi và nói lại từ đầu điệp khúc trên. Nhưng khốn cho tôi cứ đến đó là tôi lại quên. Quá tam ba bận, tôi lại xin lỗi và bắt đầu nói lại, nhưng thảm thay cũng không tiến bộ hơn trước. Tôi đứng dựng như cây chuối chừng một phút rồi đành phải bịa ra câu nói khác để đi tiếp chương trình.

Bài diễn thuyết vừa kết thúc, cha linh hướng tưởng lệ: Đây là một bài học cho các chị các em: mỗi khi quên, chị em phải nghĩ ra một câu khác để nói, đừng căn cứ vào những câu mình soạn trước…

Tôi xấu hổ không dám nhìn ai. Quả bong bóng tự kiêu của tôi đã nổ tan tành. Sự hãnh diện cho mọi người biết mình đã chìm trong bóng tối vì bây giờ tôi còn ẩn hơn trước nữa. Tôi mong mọi người không nhìn mình để quên đi khuyết điểm  kia. Cái chỗ nhất mà tôi muốn chọn đã để lại nơi tôi một sự xấu hổ, Ông chủ nói với tôi:  Xin con nhường chỗ cho chị này. Cái mà tôi muốn giương oai lại đẩy tôi xuống chỗ cuối.

Cái bận tâm tìm chỗ nhất đã chi phối tôi như xưa nó đã làm cho các môn đệ bận tâm: Ai là người lớn nhất trong Nước Thiên Chúa? Ai là người sẽ đứng đầu anh em?

Câu trả lời của Chúa làm các Ngài và tôi chưng hửng: “ Người làm lớn thì làm đầy tớ mọi người”( Lc 22, 24-27).

Thiên Chúa là Thiên Chúa thực tại, Ngài không muốn tôi mơ mộng hão huyền. Tôi chỉ là hư vô và tôi có được gì là do tình thương của Ngài đổ trên tôi. Ngài luôn đưa tôi vào tiến trình sư phạm của Ngài và ngài luôn mời tôi hoán cải không ngừng để trở nên bé nhỏ, yếu đuối trước mặt Thiên Chúa và anh em mình: “ Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, không làm gì hơn là bổn phận phải làm”(Lc 17,10).

Thiên Chúa tìm tôi trong nỗi tang thương của tôi. Người nói với tôi trong ngọn gió hiu hiu chứ  không phải trong sấm chớp. Người đã cúi xuống rửa chân cho tôi để dạy tôi bài học khiêm tốn phục vụ và yêu thương. Chính trong tinh thần khiêm tốn phục vụ này mà Chúa dạy tôi phải yêu thương mọi người cách vô vị lợi nhất là những người bé nhỏ của Tin Mừng. Đặc điểm của tình yêu này là cho đi mà không cần đền đáp: “ Khi đãi tiệc hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Những người này không có gì để đáp lễ chúng ta. Như thế anh em thật có phúc”. Đây là mối phúc của Chúa: Phúc cho những người biết đem niềm vui cho anh em mình.

Cho đi là tâm diểm của Tin mừng và yêu thương là đểm chính yếu trong các giới luật của Chúa. Đặc điểm của tình yêu là cho đi không cần đền đáp.

Chúa dùng hình ảnh bữa tiệc để dạy tôi bài học khiêm tốn và yêu thương. Bữa tiệc tượng trưng cho sự gặp gỡ của tình bằng hữu, bữa tiệc cũng là lúc nghỉ ngơi để tôi nghĩ đến anh em, phục vụ anh em trong tinh thần yêu thương. Ở đó không còn rào cản trên dưới , chúng tôi quây quần bên nhau, chia sẻ những câu truyện tâm tình. Vì là anh em con cùng một Cha nên không còn phân cách giầu nghèo sang hèn, địa vị, học vị… Vì là một đại gia đình nên những phần tử bé nhỏ nhất phải được lưu tâm hơn.

Tương quan thế gian có thể ngăn cản tôi, cám dỗ tôi không yêu anh em như chính mình nhưng trong thế giới Phục sinh, Thiên Chúa có thể làm cho tôi thực hiện được những điều không thể ngay ở thế gian này. Ngày đó tôi và anh em bé nhỏ của tôi, ngay cả những địch thù của tôi cùng quây quần bên bàn tiệc Nước  của Cha chúng tôi.

Nữ tu Faustina Lý thị Báu

Comments are closed.

phone-icon