CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM B
DỌN ĐƯỜNG
LỜI CHÚA: Mc 1,1-8
Khi đón một khách vị vọng, chúng ta chuẩn bị mọi sự cho tươm tất, cho đẹp mắt. Điều chúng ta nghĩ đến trước hết là đường xá. Đường xá phải sạch sẽ, phải bằng phẳng để cuộc đón tiếp được diễn ra cách dễ dàng và thuận tiện. Ngày lễ Giáng Sinh là ngày đến của vua trên hết các vua nên hôm nay Gioan Tẩy Giả nói với mỗi người chúng ta: “ Hãy sửa đường lối cho Chúa.”Thánh Gioan cũng cho chúng ta biết phải sửa đường Chúa đến như thế nào? Và phải sống trong tư thế nào để có thể đón nhận ơn Cứu Độ. Trong mùa vọng Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Gioan là luôn sống trong tư thế sẵn sàng để chờ đón Con Thiên Chúa đến.
Giáo Hội dùng bài Tin Mừng này để nhắc nhở chúng ta: Chúa đã đến rồi và chúng ta chờ đợi Ngài đến lần thứ hai. Qua lời rao giảng của Gioan, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta phải sửa lại đời sống bằng cách chỉnh đốn lại tâm tình, cách ăn ở của chúng ta sao cho phù hợp với ý Chúa. Phải sống khiêm tốn tự hạ là bạt những núi đồi kiêu căng, tự mãn,tham vọng trần tục. Nó là những chướng ngại vật ngăn chặn chúng ta đến với Chúa, Đấng khiêm hạ và triệt hạ kẻ kiêu căng. Phải uốn lại những con đường quanh qoeo bằng cách chết cho những đăm mê và những sự xấu xa là lối sống gian dối, ích kỷ để sống bác ái yêu thương. Hãy lấp đầy những hố sâu của những bê trễ, lười biếng, khô khan, hững hờ, nhút nhát, thiếu sót đối với Chúa và với anh em. Nếu những thung lũng không được lấp đầy nó sẽ đưa con người đến chỗ thất vọng.
Trước khi trở thành tiếng hô của Chúa, trở thành người dọn đường thì Gioan đã lui vào trong sa mạc để gột rửa mình. Sa mạc là nơi thường diễn ra những trận chiến khốc liệt. Ở đó con người phải vật lộn với thú dữ, phải đối đầu với những thử thách của sinh tồn, phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thời tiết, phải chịu đói chịu khát…Nhưng trong thử thách đó con người được thanh luyện để sống thân tình với Chúa. Ở đây Gioan đã sống cuộc sống với tất cả ý nghĩa đó: Ông mặc áo lông lạc đà, thắt giây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Ông đã sống tinh thần khổ chế này để tỏ lòng thống hối và sống phó thác cho tình yêu của Thiên Chúa. Từ lối sống nhiệm nhặt để thanh luyện mình, ông đã nghe được tiếng hô của mình trong sa mạc. Từ kinh nghiệm cuộc sống, ông sẽ biết phải hô thế nào để dân chúng nghe được tiếng hô của mình. Bình thường trong sa mạc hoang vắng ít người lui tới nên Gioan đã hô cho chính mình trước để từ mình tiếng hô vang xa.
Muốn nghe được tiếng Chúa người ta phải vào sa mạc để tránh những tiếng động làm nhiễu nhương tiếng gọi từ bên trong: truyền hình, truyền thanh, điên thoại, Fax, internet, tạp chí và những tiếng ồn ào bên trong…Trong đó có những lời mời gọi đầy quyến rũ của thế tục làm chúng ta xao lãng. Có những tiếng nói của đăm mê phát xuất từ bên trong rất to, rất mạnh mẽ, rất kiên trì để lừa lọc chúng ta. Trái lại, trong những ồn ào mãnh liệt đó tiếng Chúa rất nhỏ, rất đơn điệu, rất dễ bị cuốn trôi trong thác lũ của thế gian và chìm trong tiếng hỗn độn của đời sống hằng ngày. Chúng ta sẽ không nghe được tiếng Chúa giữa những tiếng sóng ầm vang dội đó. Vì tiếng âm thầm nhẹ nhàng của Ngài chỉ được lắng nghe trong cô tịch, trong thinh lặng, trong nơi thanh vắng. Và chỉ những người mong mỏi sống với Chúa, kiếm tìm Ngài mới có thể nghe tiếng Ngài. Ngài có thể đến gặp gỡ con người cách rất bất ngờ để hoàn tất dự phóng của Ngài, nhưng biến cố này vẫn diễn ra cách rất âm thầm và lắng đọng với những con người luôn trong tư thế sẵn sàng thực hiện thánh ý Ngài.
Tiếng kêu của Gioan trong sa mạc là tiếng vọng lại lời loan báo của các ngôn sứ là khiêm tốn xưng thú tội mình, bằng cách lãnh nhận phép rửa, dìm mình xuống dòng sông, dấu chỉ nhấn chìm mọi tội lỗi, mọi nhơ nhớp, để khi bước ra khỏi nước, bắt đầu một cuộc sống mới, cuộc sống được Chúa thứ tha mọi lỗi lầm va được giao hòa với Thiên Chúa.
Thái độ sám hối mà thánh Gioan mời gọi chúng ta là can đảm đi ngược giòng đời, khước từ tội lỗi và từ bỏ tất cả những gì lôi kéo chúng ta vào đường tội lỗi. Người Ki-Tô Hữu phải can đảm không chạy theo tâm thức tôn thờ vật chất, khoái lạc, dễ dãi, để không bị sa lày.
Ở đây Gioan chỉ cho chúng ta cách dọn đường bằng một kỹ năng sống: “ Hãy sám hối để được ơn tha tội.” Sám hối mà Gioan đề cập ở đây là giã từ một quá khứ hay một lối sống lầm lạc, để mở ra một lối sống mới. Hoán cải là cảm nhận được lòng yêu thương vô cùng của Chúa đã tha thứ cho chúng ta vô điều kiện. Từ đó nẩy sinh tình yêu và biết ơn vô cùng đối với Đấng thương xót, tha thứ và cứu độ. Đây là một cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa, vì khi sám hối thực, chúng ta muốn giã từ những điều sai trái, muốn đền bù, muốn chia sẻ và muốn đề đáp tình yêu bị xúc phạm bao nhiêu có thể. Chúng ta sẽ hi sinh đến độ anh hùng để chuộc lại lầm lỗi. Nên thống hối là quyết định cần thiết dẫu phải mất mát, phải đổi đời, phải lột xác. Không một cuộc lột xác nào mà không phải đau đớn. Một thanh sắt bị bẻ cong muốn thẳng lại phải chịu đi qua lửa. Một con sâu ghê gớm muốn trở thành con bướm bay lược trên không khí trong lành cũng phải trải qua thời kỳ lột xác. Con người muốn được đổi mới cũng phải trải qua thời gian thanh luyện.
Do đó mà hoán cải theo ngôn sứ Ezekiel là biến đổi tận gốc, là sự tái sinh, là đổi mới trái tim (x. Ed 36, 25-29).Khi tâm hồn không trong sạch, trái tim chưa được biến đổi, thì những việc tốt đẹp bên ngoài chỉ là giả hình, chỉ là mặt nổi để khoe khoang, để tự đắc vì được thực hiện bởi động lực xấu.
Như thế thời gian mùa vọng này không phải là thời gian buồn nhưng là thời gian vui mừng, dẫn đến một ngày lễ đầy hồng phúc, ngày Chúa Ki-tô trở lại trong ánh sáng hạnh phúc viên mãn của tình yêu. Niềm vui này phải sống động, vì hoán cải và niềm vui luôn song hành với nhau. Lời mời gọi sám hối là lời mời gọi trả lời cho hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa. Vì nếu tất cả được Thiên Chúa cho chúng ta cách kỳ diệu thì Ngài cũng xin chúng ta dấn thân vào màu nhiệm của Ngài.
Trong mùa vọng này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hướng về ngày Chúa đến trong tâm tình sám hối. Ngày Chúa đến với mỗi người đã gần kề. Với sự khẩn cấp như thế thì tất cả mọi chi tiết trong cuộc sống phải mang một giá trị mới. Mỗi chi tiết phải có ý nghĩa. Phải tỉnh thức như Gioan ở trong sa mạc, nơi lưu đày, nơi nô lệ.
Để thức tỉnh lòng dân Gioan đã làm phép rửa trong sông Giodan, nơi biểu tượng cuộc chiến chống lại sự chết. Và chỉ có Chúa Giê-su mới giải thoát chúng ta khỏi sự chết. Chúng ta thấy Gioan ăn mặc như nhà khổ hạnh dấu chỉ của sự sám hối. Thức ăn của Ngài là châu chấu để nhớ lại những đau khổ thời lưu đày( Xh 10,1-20), và mật ong để nhớ lại thời hạnh phúc khi vào đất hứa( Xh 3,8). Ngài là gạch nối giữa quá khứ và tương lai của dân thánh. Chính Ngài chỉ Đấng sẽ đến như mặt trời làm lu mờ mọi ánh sáng, như chủ thật sự. Đấng ấy không đề nghị một phép rửa thuần túy nhưng là một sự tái sinh mới( Ga 3,5). Vì với Ngài nước trở thành lửa( Ga 7, 37-38). Tất cả chi tiết đời sống chúng ta phải đi theo sứ điệp này để dọn đường cho Chúa đến.
Thánh Phanxico de Sale dạy chúng ta: Chúa chúng ta đã đến gần nên phải sửa sang đường lối cho Ngài.
Sống mùa vọng là hướng về việc Chúa trở lại bằng tinh thần sám hối ăn năn của người đã có kinh nghiệm về lòng nhân hậu của Thiên Chúa và kế hoạch yêu thương của Ngài trên cuộc đời mình, qua những hoàn cảnh và biến cố của cuộc đời, để có thể nhìn thẳng vào những thiếu sót, những khuyết điểm và những nết xấu của mình, để khẩn khoản van nài Chúa đến giải thoát. Ý thức thân phận yếu đuối dòn mỏng của mình chúng ta khát khao mong chờ Chúa đến. Chúa sẽ giúp chúng ta sống khiêm nhu, nghèo khó để có thể trở thành tiếng kêu cho chính mình và cho anh em của chúng ta trong mùa hồng phúc này.
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu