Câm, Điếc – Suy niệm Chúa Nhật 23 TN, Năm B

0

Câm – Điếc

Suy niệmMc 7, 31-37

Flor McCarthy nói: “Nghe và nói là món quà cao quí Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta” để chúng ta sống với nhau. Ngay cả loài vật Thiên Chúa cũng ban cho nó có ngôn ngữ riêng để chúng nói chuyện với nhau và trao đổi thông tin. Loài mối khi gặp nguy hiểm đập cơ thể xuống đất để cảnh báo cho nhau. Loài ong nói chuyện với nhau thông qua điệu nhảy. Cá voi tạo ra âm thanh qua những giai điệu đặc biệt có thể nghe được từ 5.000km. Loài voi cũng gửi cho nhau những tín hiệu âm thanh rất đa dạng. Loài cá có tiếng kêu khác nhau để chuyện trò với nhau theo từng loại. Tất cả các loài động vật trên thế giới đều có ngôn ngữ giao tiếp của riêng chúng mà con người chỉ hiểu đơn giản đó là tiếng kêu, tiếng hót, tiếng hú…  để hiểu nhau và sinh tồn.  Như thế thì việc nghe và nói rất cần thiết để hiểu, để thông cảm, để yêu thương, và để sống cùng và sống với nhau. Hiểu được nỗi khổ của người mất hai khả năng này nên hôm nay Chúa Giê-su không trì hoãn, Người kéo anh vừa câm vừa ngọng ra khỏi đám đông và phục hồi cho anh .

Có thể nói mọi âm thanh của con người cũng như động vật phát ra đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Nó là thứ ngôn ngữ để giao dịch, để thông báo cho đồng loại một điều gì đó liên quan đến cuộc sống. Nhưng người điếc thường bất lực trong khả năng này. Không giống như người cận đeo kính cận, người bị mất thính lực không thể nghe bình thường nhờ đeo thiết bị trợ thính hoặc cấy ốc tai. Các thiết bị trợ thính làm tăng âm lượng nhưng không cải thiện mức độ rõ ràng của âm thanh một cách đáng kể hoặc mang âm thanh đến gần với người nghe hơn. Như thế chúng ta mới thông cảm được với những người bị mất ân huệ này.

Để có thể sống hiệp thông chúng ta phải dùng lời nói để diễn tả suy tư, cảm xúc trong lòng hay nghe được tâm sự của người khác. Nếu không nghe, không nói chúng ta sẽ bị tách biệt khỏi thế giới bình thường của con người. Chính như thế đó mà William Barclay đã đặt mình vào tâm trạng người điếc trong lời nguyện: “Lạy Chúa, nỗi đau khổ mà người điếc phải gánh chịu là đa số thiên hạ xem họ như những người chuyên làm phiền người khác. Người ta thường thiện cảm với người mù, người què, nhưng lại thường nổi xung và bực bội với người điếc. Kết quả là người điếc thường phải trốn lánh bạn bè và càng ngày càng trở nên khép kín.”

Đúng thế, người điếc thường sống trong sự mặc cảm vì không thể hòa chung với cộng đoàn. Và những người khác cũng rất khó chịu khi có sự hiện diện của họ. Sự có mặt của họ thêm phần huyên náo, ồn ào…Điển hình là các chị hưu dưỡng trong Dòng chúng tôi, các chị rất hiền hòa, dễ thương, đạo đức, nhưng cái điếc, cái lẫn đã làm cho cộng đoàn nhà Hưu chúng tôi luôn dạy sóng vì nó. Sáng sớm cả nhà chưa thức thì các chị đã lớn tiếng đánh thức nhau dạy đi lễ. Trong nhà nguyện lúc có linh mục cũng như không có, các chị tự do hỏi nhau cách mở sách nguyện. Tiếng thì thầm đối với các chị là tiếng hô lớn đối với chúng tôi. Đôi lúc trong giây phút thinh lặng tuyệt đối của Thánh lễ có những giây phút xuất thần của các chị, các chị nói như không nói, nghe như không nghe. Tôi có ông bác điếc, bác rất siêng đi lễ nhưng bác cũng thường là trò cười cho những người dự lễ. Thỉnh thoảng trong lúc linh mục truyền phép, bác cất kinh lạy Cha và cứ thế tự biên tự diễn một mình. Mới đầu mọi người khó chịu nhưng sau quen dần.

Người ta khổ vì người điếc nhưng chính bản thân họ cũng mặc cảm không ít. Chính Helen Keller vừa bị mù lẫn điếc thì cho rằng “ bị điếc không nghe được, thì quả là phần lớn những cánh cửa trong cuộc đời ta đã bị khép chặt lại, chẳng hạn: mở radio thì chả hiểu gì, xem truyền hình cũng chả thú vị gì mà còn phát chán, và hầu như không thể trò chuyện với ai được cả. Vì thế, sau một thời gian chúng ta sẽ cảm thấy cô đơn như bị bỏ rơi”. Ngày nay có máy trợ giúp để nghe nhưng cũng không thể làm giảm nỗi đau hoàn toàn. Khi con người mất khả năng nghe và nói, họ sẽ là đối tượng trò đùa cho người khác. Hiểu được nỗi đau  của người này, Chúa Giê-su đưa anh ra khỏi đám đông để Người có thể gặp gỡ anh cách riêng tư và giúp anh tập trung vào điều Ngài muốn chuyển trao.  Ngài đưa anh ra khỏi thế giới mặc cảm để anh được tự do hơn. Ngài đụng đến tai anh và lưỡi anh. Rồi Ngài ngước mắt lên trời để cho anh biết từ Thiên Chúa mà phép lạ đã xảy ra. Rồi Ngài nói: “ Hãy mở ra!” Lập tức tai anh mở ra và lưỡi anh được tháo cởi. Anh đã được chữa lành.

Ngài căn dặn anh không được loan truyền hồng ân anh vừa  nhận. Nhưng anh không thể giữ im lặng vì quá sung sướng. Trước đây anh phải câm lặng vì lưỡi anh bị trói buộc nay nó được giải thoát. Anh phải mở miệng vì có nhiều người qua lại xung quanh anh buộc anh phải chào hỏi họ. Anh phải nói một lời để an ủi những người đau khổ. Anh buộc phải tố cáo sự bất chính trong xã hội đảo điên này.

Anh phải nói và lắng nghe những con người đáng thương đang rên rỉ nỗi đau của mình. Những trẻ mồ côi cần sự nâng đỡ, những kẻ cô đơn cần sự tương quan, những người bệnh cần được chữa lành. Bây giờ anh đã được chữa lành để có thể thông cảm, yêu thương và giúp đỡ.

Tất cả chúng ta đều rơi vào trường hợp câm điếc này. Chúng ta không muốn nghe những lời làm cho chúng ta trở nên phong phú. Lời đến từ Thiên Chúa. Chúng ta cần Thiên Chúa mở tai vì chúng ta luôn muốn lái Lời theo ý mình hay trốn tránh Lời. Chúng ta điếc nặng với Lời Chúa vì Chúa vẫn đang nói trong chúng ta nhưng chúng ta không nghe. Dấu chỉ thiên nhiên hằng ngày diễn ra trước mắt nhưng chúng ta mù lòa không thấy. Âm thanh tình yêu Chúa vang dội mọi nơi nhưng chúng ta không nghe.

Hãy để Lời vang lên ở chiều sâu của lòng chúng ta, để Lời thâm nhập và biến đổi chúng ta. Phải lắng nghe với tất cả hữu thể chúng ta. Tất cả lịch sử của Israel là lịch sử của việc lắng nghe màu nhiệm của Thiên Chúa này. Thánh Kinh dạy chúng ta lắng nghe và chờ đợi. Hãy noi gương Elia chờ đợi làn gió hiu hiu, còn chúng ta lắng nghe tiếng thì thầm của Thiên Chúa ở đáy lòng chúng ta, để Người tự bộc lộ trong chúng ta, để cho Thánh Thần mở lòng chúng ta ra trước những đòi hỏi của Thiên Chúa.

Sau khi đã lắng nghe, chúng ta phải nói, phải loan báo Lời, phải nói với anh em bài thánh ca bình an, niềm vui mà Chúa gợi lên nơi chúng ta. Phải nói chứ đừng câm lặng. Câm lặng tức là không nói Lời, Lời đến từ Thiên Chúa để phục vụ và giải thoát anh em. Ngày chịu phép rửa Thiên Chúa đã mở tai chúng ta, nhưng chúng ta phải không mở nó. Đó là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe những gì anh em chúng ta nói. Lắng nghe là đón nhận anh em với lòng bác ái, cởi mở, khoan dung và tha thứ để họ có thể sống như chính họ là. Và chúng ta cũng cần mở lòng ra với những chứng từ của anh em.

Nhiều lúc chúng ta bị Chúa khiển trách: “ Các anh có mắt mà như mù, có tai mà như điếc”. Có thể thay vì chúng ta dùng cái tai và lời nói để kiến tạo sự hiệp thông thì trái lại lại gây chia rẽ. Lời nói của chúng ta thay vì xây dựng bình an thì ngược lại gây sự oán thù.

Xin Chúa giúp chúng ta biết nói lời yêu thương để đem bình an vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn ưu sầu. Xin cho con biết mở tai để nghe tiếng rên siết của những người đau khổ tinh thần cũng như thể xác. Xin cho con có được trái tim biết rung động trước những nghịch cảnh của anh em, để từ đó, con biết sống vì anh em và cho anh em. Xin hãy dùng con như khí cụ của Chúa để con là lỗ tai cho người điếc, là miệng lưỡi cho người câm và là tiếng kêu cho những người bị áp bức. Amen!

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon