Khiêm Nhường… Con Người và Bụi Đất

0

Trong một cuốn sách tu đức mà tôi từng đọc, cũng có thể do quá lâu, cũng có thể do trí nhớ kém nên không nhớ rõ tên, nhưng tôi ấn tượng và cảm thấy thấm với câu nói của tác giả, “khiêm nhường là nhìn nhận đúng về bản thân”, cũng có nghĩa là hiểu rõ về chính mình. Chính vì thế, trong bài viết ngắn này, người viết cố gắng hiểu hơn về “khiêm nhường” qua câu nói trên dưới khía cạnh con người và bùn đất.

Trong tiếng Do Thái, Adam có nghĩa là con người. Tên ấy không chỉ xác định danh tính mà cả nguồn gốc. Theo Sáng thế ký, “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất mà nặn ra con người”. Có mối liên hệ đặc biệt khăng khít giữa con người và đất. Con người (Adam) được hình thành từ đất (Adamah).

Bụi thì nhẹ nên dễ bị gió cuốn đi, len lỏi đến mọi ngõ ngách. Con người mong manh, vô thường, một cơn gió đủ làm nó biến đi. Tuy vậy, Thiên Chúa lại muốn con người sinh sôi cho đầy mặt đất (x.St 1,27). Và khi đến thời đến buổi, con người trở về nơi mình phát xuất.

Thân phận bụi đất vốn thấp kém nhưng Thiên Chúa đã làm cho phận mong manh ấy trở nên cao quý hơn mọi loài qua việc thổi sinh khí, trao quyền làm chủ, và chính Ngôi Hai đã xuống thế trở nên giống con người mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi.

“Khiêm nhường là nhìn nhận đúng về bản thân”  là nhận ra thân phận vừa thấp kém vừa cao quý của mình để sống công bằng, tôn trọng, yêu mến anh em hơn từ đó cải thiện các mối tương quan, biết trân quý và gìn giữ thiên nhiên; để biết cúi mình trước quyền năng và cảm tạ tình thương của Đấng Tác Tạo; để nhận ra rằng con người cần có một cùng đích để vươn tới khi đang trong và sau những tháng ngày sống tạm là chính Đấng siêu việt. Khiêm nhường để biết chính mình như lời của triết gia Socrates: “Hãy tự biết mình”; để hiểu rõ những sở đoản, sở trường không rơi vào hố tự ti hay leo lên dốc cao của kiêu ngạo.

Khi nghe sứ thần truyền tin, Đức Maria đã đáp lời: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa…”. Mẹ biết mình “bất lực” trước ý định cứu độ của Đấng toàn năng. Mẹ biết mình mọn hèn trước sự cao cả của Đấng hằng hữu. Mẹ biết mình cần phải sẻ chia niềm vui lớn lao trước tình thương của Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ vội vã lên miền non cao thăm bà Elisabeth.

Khiêm nhường không chỉ là thói quen tốt được lặp đi lặp lại. Khiêm nhường cũng không là từ dành cho người cô thế cô thân, thấp cổ bé họng, yếu đuối hay nhút nhát. Nhưng nó dành cho mọi người và nhờ có nó mà mọi người cùng làm cho cuộc sống trở nên thi vị hơn, đáng sống hơn và ý nghĩa hơn.

Tu xá Rosa Lima

Comments are closed.

phone-icon