Chuyển ngữ: Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà
Nguồn: Nouwen, Henri JM. Spiritual direction: Wisdom for the long walk of faith.
Harper SanFrancisco, 2006, p. 38 – 51.
Chương 4: TÔI ĐÃ Ở ĐÂU VÀ SẼ ĐI ĐÂU?
Khi tôi dạy ở trường đại học về môn linh đạo, đôi lúc tôi vẽ lên bảng một đường thẳng chạy dài từ góc trái bên này đến góc phải bên kia. Sau đó tôi giải thích: “Đường kẻ này như một ngụ ý về đời sống vĩnh cửu của bạn trong Chúa. Từ đời đời bạn đã thuộc về Chúa. Chúa yêu thương bạn ngay cả trước khi bạn được sinh ra và Chúa cũng sẽ yêu thương bạn mãi mãi, ngay cả sau khi bạn qua đời.” Sau đó, tôi tô đậm một đoạn trên đường kẻ và nói: “Đây là quãng thời gian bạn sống trên trần gian. Quãng thời gian này chỉ là một phần trong toàn bộ chuỗi dài cuộc sống của bạn trong Chúa. Chúng ta sống ở trần gian chỉ trong một khoảng thời gian ngắn – có thể là hai mươi, bốn mươi, sáu mươi hoặc tám mươi năm. Đó là thời gian để bạn cảm nghiệm và xác tín rằng bạn là con yêu dấu của Chúa. Quãng thời gian này dài hay ngắn thì không quan trọng. Cuộc sống là món quà Chúa ban để bạn có cơ hội thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con cũng yêu mến Chúa.”
Tôi muốn kể cho bạn về một câu chuyện có thật của một người bạn trong cộng đoàn L’Arch của chúng tôi như một minh chứng cụ thể cho những điều trên đây. Người bạn đó tên là Adam.[1] Tôi muốn kể chuyện này từ một viễn cảnh thần linh như thể Thiên Chúa đang kể cho bạn. Từ nơi cung lòng và trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Chúa có chương trình và dệt câu chuyện cuộc đời cho Adam, câu chuyện đó chỉ có Chúa mới có thể kể hết mọi chi tiết. Nội dung của câu chuyện như sau:
CÂU CHUYỆN CỦA THIÊN CHÚA VỀ ADAM
Từ thuở xa xưa, cách đây rất lâu trước khi Ta cho Adam được thành hình trong dạ mẹ, trước khi Adam được sinh ra giữa muôn người, Ta đã biết Adam và yêu thương Adam. Adam thuộc về Ta, là con yêu dấu của Ta. Từ muôn thuở, Ta đã ôm ấp Adam trong trái tim và trong tâm trí như thể con ngươi trong mắt Ta. Rồi vào một ngày, Ta đã cho Adam được làm người như bao người khác. Vì Ađam là đứa con được Ta mời gọi lãnh lấy sứ mạng đau khổ nên Ta đã ban cho Adam một người mẹ yêu thương và một người cha cần mẫn, hết lòng bảo bọc chở che Adam. Ta gửi Adam đến trần gian như một nhân chứng thầm lặng để qua những sự giới hạn và những khiếm khuyết về mặt thể lý cũng như tinh thần của mình, Adam chuyển trao sứ điệp của Ta cho trần gian. Ta biết là ít người có thể hoàn toàn quảng đại đón nhận món quà được ẩn dấu trong sự bất toàn và khổ đau của phận người. Vì thế, Ta đã rất mực yêu thương và quan tâm đến những người đó, để họ có thể giúp Ta chuyển trao sứ điệp của Ta cho thế giới qua chính cuộc đời họ.
Trong quãng đời ba mươi tư năm Adam sống với anh chị em của mình, Adam không thể nói cũng chẳng thể tự mình bước đi, Ađam không thể đến trường như bao đứa trẻ bình thường. Adam cũng không thể tìm được một việc làm, không có thu nhập, cũng chẳng thể cưới vợ, sinh con cái. Adam cũng chẳng bao giờ phát biểu trước đám đông hay viết sách hoặc đoạt được một giải thưởng nào cả. Ađam chỉ đơn giản hiện diện giữa mọi người như một nhân chứng thầm lặng cho tình yêu của Ta.
Và rồi, vào ngày 13 tháng 2 năm 1996, khi Ta thấy Ađam đã hoàn thành sứ vụ của mình, Ta đã gọi Adam về nhà với Ta. Ta đã ban cho Adam giọng nói để Adam kể cho Ta tất cả những gì Adam đã cảm nghiệm khi sống trên trần gian. Ta cũng đã ban cho Adam một thân thể khỏe mạnh để Adam có thể đi, có thể chạy và nhảy múa trước mặt Ta, mang lại niềm vui cho mọi người. Ta rất vui khi đưa Adam về với Ta và Ta cũng biết rằng khi còn ở trần gian, Adam đã rất biết ơn những người đã yêu thương, đã quan tâm chăm sóc cho Adam. Bên cạnh đó, Adam cũng quan tâm, yêu thương và chia sẻ với nỗi khổ đau, những yếu đuối, bất lực của tất cả những anh chị em có cùng cảnh ngộ với Adam.[2]
Chúng ta đã sẵn sàng nghe câu chuyện này từ trên, từ viễn cảnh thần linh chưa? Phải chăng câu chuyện này gợi lại cho chúng ta câu chuyện của Chúa Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha? Phải chăng đây cũng là câu chuyển của bạn và tôi? Bạn có thể hình dung được rằng Chúa đang mỉm cười khi nhận ra điều bí ẩn nơi câu chuyện của Adam, của bạn, của tôi và của Chúa Giêsu? Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương với một tình yêu muôn thuở, trước cả khi chúng ta được sinh ra trên trần gian. Lời khẳng định đó được ngôn sứ Giêrêmia nhắc lại: “Ta đã yêu con bằng một tình yêu muôn thuở.” (Gr 31,3). Và như lời của Vịnh gia đã thốt lên: “Tạng phủ con, chính Ngài cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con” (Tv 139,13). Tuy nhiên, để có thể nghe và tin vào câu chuyện của Chúa dành cho mỗi người chúng ta đòi một thời gian dài, đôi khi phải mất cả đời.
HAI TIẾNG NÓI
Từ lúc lọt lòng mẹ, tôi luôn nghe hai tiếng nói từ bên trong, một tiếng bảo tôi rằng: “Henri, nhớ là hãy tự quyết định cho cuộc đời của mình, hãy trở thành một người tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình”. Cùng lúc tiếng nói khác lại lên tiếng bảo tôi: “Henri, bất cứ điều gì bạn định làm, cho dù việc đó dường như cả thế giới chẳng ai thích cả, nhưng điều quan trọng là bạn phải luôn ở gần bên trái tim của Chúa và hãy luôn ở trong tình yêu của Chúa”.
Tôi dám can đoan rằng, tất cả chúng ta, bằng cách này hay cách khác, đều nghe những tiếng nói tương tự như thế trong tâm trí của mình – một tiếng nói thì bảo, hãy làm điều bạn muốn, hãy tìm một ngành nghề tốt; tiếng nói khác lại bảo, hãy nhớ là đừng bao giờ rời xa nguồn sống và ơn gọi mà Chúa ban cho bạn. Hai tiếng nói này dường như luôn trái ngược nhau, làm cho chúng ta phải chiến đấu, phải giằng co trong mọi lựa chọn.
Để đỡ phải giằng con nội tâm, tôi đã quyết định trở thành vừa là một linh mục tâm lý, có nghĩa là vừa là linh mục, vừa là một nhà tâm lý. Để nếu mọi người nói: “Ở đây chúng tôi thực sự không cần linh mục” thì tôi sẽ trả lời họ rằng, “Tôi không chỉ là linh mục, nhưng tôi còn là một nhà tâm lý. Tôi có thể nhìn thấy, nhận định và phân tích những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Vì vậy, mọi người đừng khinh thường hay cười nhạo tôi.”
Khi còn trẻ, tôi cố gắng làm hài lòng cha mẹ bằng cách chăm chỉ học hành, lớn lên thì đi dạy học và trở nên nổi tiếng, làm giáo sư của những trường đại học nổi tiếng như: Notre Dame, Yale và Harvard. Tôi không những làm cho nhiều người ngưỡng mộ, mà chính bản thân tôi cũng cảm thấy tự hào về mình. Tuy nhiên, ở đâu đó trên nấc thang danh vọng, tôi tự hỏi tôi có còn nối kết với căn tính và ơn gọi đích thực của mình nữa hay không. Tôi bắt đầu nhận ra rằng, ngay khi tôi đang chia sẻ về chủ đề sống khiêm tốn cho hàng nghìn người nghe, thì trong trí tôi lại không ngừng tự hỏi không biết những người nghe đang nghĩ gì về tôi.
Tôi thật sự chẳng biết mình thuộc về đâu, cảm thấy lạc lõng và bất an. Trên giảng đường đại học hay trước một cử tọa đông người, tôi trình bày vấn đề rất tốt, nhưng khi đối diện với mình, tôi lại cảm thấy rất khó để có thể kết nối với cõi lòng. Tôi bắt đầu suy nghĩ, phải chăng nghề nghiệp của tôi chẳng giúp tôi sống đúng ơn gọi của mình. Vì thế tôi bắt đầu cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, Ngài biết rõ con và Ngài đã yêu con bằng một tình yêu muôn thuở, xin Ngài cho con biết đâu là nơi Chúa muốn con đi và con sẽ đi theo Ngài tới đó. Lạy Chúa, xin Ngài đừng mập mờ với con nhưng xin tỏ rõ cho con điều Ngài muốn nơi con.” Tôi đã cầu xin Chúa về điều này rất nhiều.
Một buổi sáng nọ, vào lúc 9g00, tôi nghe có người nhấn chuông. Ra mở cửa, tôi thấy một phụ nữ trẻ đứng trước cửa.
“Ông có phải là Henri Nouwen không?”, phụ nữ ấy hỏi.
“Vâng, đúng ạ” tôi đáp.
“Con đến để chuyển lời hỏi thăm của ông Jean Vanier cho cha,” người phụ nữ nói.
Lúc đó, với tôi, Jean Vanier cũng giống như bao người khác, chẳng có gì đặc biệt cả. Tôi nghe nói ông ấy là người sáng lập cộng đoàn L’Arche dành cho những người khuyết tật về trí tuệ, nhưng đó là tất cả những gì tôi biết về ông ấy.
“Ồ, ông ấy thật tử tế. Cảm ơn chị. Tôi có thể làm gì cho chị?” Tôi hỏi.
“Không, không, không, con đến là để chuyển lời chào của ông Jean Vanier cho cha thôi.” Chị ấy vội vàng trả lời.
“Tốt lắm, cảm ơn chị. Vậy chị muốn tôi chia sẻ ở đâu hay viết về đề tài gì hoặc giảng thuyết ở đâu?” Tôi hỏi lại.
Chị ấy nói lại cách xác quyết, ““Không, không, con chỉ muốn đến nói cho cha biết là ông Jean Vanier gửi lời chào thăm cha.”
Khi chị ấy đi rồi, tôi ngồi xuống ghế và bắt đầu suy nghĩ: Phải chăng có điều gì đặc biệt ở đây? Hình như Chúa đang nhậm lời cầu nguyện của tôi nên Ngài đã gửi sứ điệp của Ngài đến cho tôi và mời gọi tôi vào một sứ vụ mới? Tôi không được yêu cầu để làm một công việc hay một dự án mới. Tôi cũng không được mời để giúp cho ai cả. Nhưng đơn giản tôi được mời đến để biết thêm một nhóm người hoàn toàn khác với những người tôi vẫn thường gặp. Tuy nhiên, nhóm người này đã cho tôi một sứ điệp.
Cuối cùng tôi đã gặp ông Jean Vanier ba năm sau đó, trong một kỳ tĩnh tâm, nơi đó mọi người giữ im lặng tuyệt đối, không ai nói với ai điều gì cả. Cuối kỳ tĩnh tâm, ông Jean nói với tôi: “Cha Henri, cộng đoàn L’Arche có thể dành cho cha một mái ấm, nơi mà cha thực sự cảm thấy an toàn, nơi đó cha có thể gặp gỡ Chúa trong một cách thức hoàn toàn mới.” Ông Jean Vanier đã không nhờ tôi giúp đỡ; ông ấy cũng không mời tôi làm việc giúp cho anh chị em khuyết tật; ông cũng không nói là ông cần thêm một linh mục. Ông chỉ nói: “Chúng tôi có thể tặng cho cha một mái ấm.”
Dần dần tôi bị thôi thúc phải đáp lại lời mời gọi này một cách nghiêm túc. Tôi rời trường đại học Harvard và đến với cộng đoàn L’Arche tại Trosly-Breuil ở Pháp. Sau một năm sống trong cộng đoàn với anh chị em khuyết tật về trí não và các nhân viên phục vụ – những người đã sống tinh thần Tám Mối Phúc, tôi đã đáp lại tiếng gọi trở thành linh mục cho cộng đoàn Daybreak – một cộng đoàn của L’Arche ở Toronto – Canada, nơi có khoảng 150 anh chị em khuyết tật và 50 nhân viên phục vụ.
Đây là cách tôi kể về câu chuyện của mình, nhưng Thiên Chúa cũng có câu chuyện riêng của Ngài về tôi, một câu chuyện mà tôi phải cố gắng để nghe cho được. Trong trường học của môn lịch sử thánh – câu chuyện của Thiên Chúa dành cho tôi, tôi có một người thầy, đó là Adam, một trong 150 thành viên của cộng đoàn Daybreak.
CUỘC SỐNG CỦA TÔI VỚI ADAM
Khi tôi vừa đến cộng đoàn L’Arche, công việc đầu tiên của tôi là giúp Adam với những việc thường nhật vào buổi sáng. (Cái tên Adam nghe như thể tôi đang làm với toàn thể nhân loại). Adam, một thanh niên hai mươi bốn tuổi bị khuyết tật về trí não. Adam không thể nói cũng không đi được, không thể tự mình thay quần áo. Mặc dù ánh mắt của Adam vẫn luôn chăm chú dõi theo tôi nhưng rất khó để nói là Adam có thực sự biết tôi hay không. Adam không những bị dị tật về thể xác và trí não nhưng còn bị căn bệnh động kinh liên tục hoành hành.
Mới đầu, công việc giúp đỡ Adam thật không dễ đối với tôi vì tôi cảm thấy sợ và ngại ngùng khi ở với Adam. Lúc đó, tôi lại cảm thấy công việc dạy học tại đại học phù hợp với tôi hơn vì tôi biết rất rõ tôi phải làm gì! Tôi chẳng có một chút kinh nghiệm gì về sự chăm sóc cách ân cần, gần gũi thể xác với ai bao giờ. Một trợ lý động viên: “Cha đừng lo, khi gặp Adam, cha sẽ biết cách chăm sóc anh ấy.”
Tôi đến phòng Adam vào lúc 7g00 sáng. Tôi nhẹ nhàng đánh thức Adam và giúp anh ấy ngồi dậy. Tôi đỡ Adam dậy, dìu anh vào nhà vệ sinh vì tôi sợ anh ấy sẽ lên cơn động kinh. Khi tôi cởi quần áo cho Adam, tôi không biết phải đưa Adam vào bồn tắm thế nào vì Adam rất nặng. Tôi bắt đầu dội nước lên người Adam, tắm và gội đầu cho anh ấy. Sau đó tôi đưa Adam ra ngoài để đánh răng, chải đầu cho anh ấy, rồi giúp anh ấy về giường. Tôi mặc quần áo cho Adam và dìu Adam đến nhà bếp.
Khi Adam đã ngồi xuống ghế an toàn, tôi dọn bữa sáng cho anh ấy. Adam có thể tự cầm muỗng để đưa đồ ăn vào miệng. Chúng tôi ngồi ăn với nhau. Tôi cặn kẽ quan sát Adam ăn. Adam rất thích ăn và thường ăn một đĩa thật đầy. Sau một thời gian ngắn, tôi nhận ra rằng, để ngồi yên nhìn một người, nhất là người đó phải mất cả tiếng đồng hồ mới ăn xong bữa sáng, điều đó thật khó đối với tôi.
Sau hai tuần đồng hành với Adam, tôi cảm nhận trong tôi đã có sự thay đổi, tôi ít sợ hơn. Rồi ba hoặc bốn tuần sau, một điều làm tôi rất ngạc nhiên, đó là tâm trí tôi luôn nghĩ về Adam và mong cho đến giờ gặp Adam. Tôi cảm nhận có điều gì đó đang xảy ra giữa hai chúng tôi, điều mà tôi chẳng thể nào diễn tả được, nhưng lại rất đẹp và gần gũi, đó chính là sự hiện diện của Chúa.
Qua Adam – một người khuyết tật, Chúa đang ngỏ lời với tôi một cách rất khác. Dần dần tôi khám phá ra một điều rất ấn tượng và ý nghĩa đối với tôi, đó là xác tín rằng Adam và tôi thuộc về nhau. Trong thinh lặng nhưng lại rất mạnh mẽ và đầy tính thuyết phục, Adam nói với tôi về Thiên Chúa và về tình bạn của Ngài.
Trước hết, Adam giúp tôi hiểu rằng hiện diện thì quan trọng hơn là làm. Chúa muốn tôi ở với Adam chứ không phải là cố gắng làm hết mọi thứ để chứng tỏ rằng mình quan trọng hoặc có giá trị. Cuộc sống của tôi luôn quay cuồng với công việc, làm, làm, làm. Tôi là người có nhiều tham vọng, muốn làm cả hàng trăm ngàn thứ như là cách để tôi chứng tỏ cho mọi người thấy tôi là người có giá trị.
Trước đây, nhiều người thường bảo tôi: “Henri, cha thật tuyệt.” Nhưng giờ đây, khi ở với Adam, trong tôi lại vọng lên tiếng nói: “Tôi chẳng quan tâm bạn làm gì miễn là bạn ở với tôi.” Chỉ để ở với Adam thật là không dễ và cũng không dễ khi hiện diện ở đó với một người mà không làm gì nhiều, hoặc có khi chẳng làm gì cả.
Adam đã dạy tôi khác với những điều tôi đã từng học và từng biết, đó là: con tim thì quan trọng hơn cái đầu. Điều này thật khó để học cho một người đã quen với văn hóa của môi trường hàn lâm viện, nơi mà mọi suy nghĩ đều đến từ cái đầu, khối óc, nơi đó mọi người luôn tìm mọi lý lẽ để tranh luận, bàn cãi, viết lách và làm việc. Tranh luận, suy tư, đàm phán, tất cả được mặc định như điều kiện tất yếu của con người. Thánh Thomas Aquinas đã chẳng nói: con người là con vật biết suy nghĩ hay sao? Trước đây, tôi rất chú tâm và đặt ưu tiên số một cho việc tiếp cận tri thức cũng như phát triển trí tuệ, vì điều đó làm tôi cảm thấy mình có giá trị.
Cho dù tôi thực sự không chắc về việc Adam nghĩ thế nào nhưng tôi tin rằng Adam cũng có một trái tim, trái tim của một người thật. Và rồi tôi nhận ra rằng, điều làm cho một con người trở thành người thật chính là con tim, một con tim biết trao ban và đón nhận tình thương. Khi phó mình hoàn toàn trong tay tôi và với một thái độ hoàn toàn tin tưởng, phó thác, Adam đã giúp tôi nhận ra tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa. Để đáp lại, tôi đã trao tặng tình thương của tôi cho Adam. Tương quan thân mật, gần gũi giữa tôi và Adam vượt trên mọi ngôn từ và hành động.
Một khi đời sống thể lý, tình cảm, trí thức hoặc luân lý chi phối toàn bộ tâm trí, chúng ta có nguy cơ bỏ quên điều chính yếu đó là con tim. Con tim là món quà Chúa ban giúp chúng ta sống niềm tin, không chỉ tin vào Thiên Chúa, nhưng còn tin tưởng ở ba mẹ, gia đình, chính mình và thế giới. Trẻ thơ thường được phú bẩm bởi một cảm nhận rất sâu sắc về Thiên Chúa, một sự cảm nhận của con tim. Nhưng thật là buồn khi sự cảm nhận đó thường bị lu mờ và bóp nghẹt bởi các hệ tư tưởng mà chúng ta đã và đang được tiếp thu. Những người khuyết tật về thể lý và trí tuệ rất dễ để trái tim họ lên tiếng và biểu lộ một đời sống bí nhiệm mà nhiều người trí thức, thông thái khó có thể chạm tới được. Bởi vì đời sống thần bí, một đời sống luôn thôi thúc bởi con tim, đã được Thiên Chúa ban cho chúng ta ngay khi chúng ta chào đời. Chúng ta được sinh ra trong tương quan mật thiết với Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta trong tình thương. Và chúng ta sẽ chết trong vòng tay yêu thương của Chúa, Đấng vẫn hằng yêu chúng ta bằng một mối tình muôn thuở.
Tôi cảm thấy thật xấu hổ vì đã mất một khoảng thời gian dài để có thể thay đổi suy nghĩ, từ việc nhìn Adam như một người khuyết tật, một người thua kém mình, đến việc đón nhận Adam như là một người anh em. Adam là một người hoàn toàn trọn vẹn, trọn vẹn đến nỗi Thiên Chúa đã chọn Adam làm khí cụ cho tình yêu của Chúa. Sự bất toàn và dễ bị tổn thương của Adam đã kiến tạo một không gian cho trái tim. Đối với tôi, Adam trở nên trái tim nơi đó Thiên Chúa đã chọn để cắm lều, nơi đó Adam muốn chuyển trao sứ điệp yêu thương cho những ai ở gần Adam.
Cuối cùng, Adam dạy tôi về đời sống cộng đoàn. Cùng nhau làm thì tốt hơn làm một mình. Tôi đến từ một thế giới luôn quan tâm đến việc tự tập, tự mình làm mọi thứ. Nhưng đối với Adam, một người rất yếu đuối, bất lực và dễ bị tổn thương, Adam luôn phải lệ thuộc vào người khác. Và có nhiều thứ, một mình tôi cũng chẳng thể nào giúp Adam được. Cả hai chúng tôi đều cần đến sự giúp đỡ của người khác. Tại cộng đoàn Daybreak, chúng tôi có những người đến từ Brazil, Hoa Kỳ, Canada và Hòa Lan. Chúng tôi thuộc mọi tầng lớp, mọi thành phần, già trẻ khác nhau, nhưng chúng tôi sống chung với nhau trong một nhà với Adam và những người khuyết tật khác. Như một gạch nối mong manh nhất, Adam đã góp phần tạo nên cộng đoàn. Adam đã nối kết chúng tôi với nhau; những nhu cầu và sự dễ bị tổn thương của Adam đã giúp chúng tôi xây dựng một cộng đoàn chân thành và yêu thương. Với tất cả sự khác biệt của nhau, chúng tôi chẳng thể nào xây dựng một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương nếu Adam không hiện diện ở đó. Sự yếu đuối của Adam đã trở thành sức mạnh cho chúng tôi, thành điểm nối kết giữa chúng tôi với nhau.
Đó là điều tôi học từ Adam – người con yêu dấu của Chúa. Tôi sống tại cộng đoàn Daybreak được mười năm thì Adam qua đời. Câu chuyện của Adam cũng là câu chuyện của tôi về những yếu đuối, sự dễ bị tổn tương và sự lệ thuộc; Mặt khác, đó cũng là câu chuyện về những tài năng, điểm mạnh và sự chân thực.
Bạn có dám tin rằng câu chuyện của Chúa về bạn được đặt trong viễn cảnh thần linh không? Cách giúp bạn đọc lại câu chuyện đời mình, đó là bạn hãy viết xuống câu chuyện của bạn. Bạn viết một cách tự nhiên mà không cần phải chỉnh sửa về những yếu đuối và những đổ vỡ của bạn, đồng thời sẵn sàng kể cho người khác nghe về câu chuyện của bạn. Đây là kỷ luật của những chứng nhân trong thế giới. Dưới đây là cách tôi kể câu chuyện thánh của tôi như một xác tín vào sự thật trong câu chuyện của Chúa về tôi.
LỊCH SỬ ĐỜI TÔI VỚI CHÚA
Cốt lõi của niềm tin chính là sự xác tín rằng chúng ta là con yêu dấu của Chúa. Nếu tôi vẽ một đường thẳng trên biểu bảng, tôi cũng có thể nói: “Đó là cuộc sống của tôi, niên đại hoặc chuỗi thời gian ngắn ngủi của tôi. Tôi sinh năm 1932. Tôi tự hỏi đâu là điểm cuối của mình? Có thể năm 2010 hay cũng có thể là sớm hơn. Cuộc sống trôi đi rất nhanh. Tôi chỉ còn một vài năm nữa để sống.[3]
Hai mươi bốn năm đầu của tôi là quãng thời gian tôi được học hành, tu luyện để chuẩn bị cho ơn gọi linh mục. Tôi được sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo, được đào tạo tại trường Công giáo. Cuộc sống của tôi được bao quanh bởi một môi trường hầu như toàn tòng Công giáo. Lúc bấy giờ, mọi ranh giới và phạm vi tôn giáo đều được phân biệt rạch ròi. Tôi là người Giáo chứ không phải là Tin Lành; tôi là một Kitô hữu, không phải là Hồi giáo, Phật giáo hay Ấn giáo; Tôi là người có đức tin chứ không phải người ngoại đạo; là đàn ông chứ không phải đàn bà; Là người Hà Lan chứ không phải người Đức hay người Pháp, người Anh; tôi là người da trắng chứ không phải da đen, … Những ranh giới rõ ràng và chắc chắn đó cho tôi một cảm giác an toàn, được bảo vệ vì mình ở nơi thuộc về mình. Vào thời điểm đó, tôi chưa bao giờ thấy một ai li dị vợ hoặc chồng, cũng không thấy ai rời bỏ thiên chức linh mục và cũng chưa bao giờ gặp một ai đồng tính cả. Tôi xác định rất rõ về sứ vụ linh mục của. Tôi có khả năng giảng dạy, nắm bắt phương pháp truyền đạt và cũng nhận thức rõ về đời sống luân lý. Sáu năm trong chủng viện đã trang bị cho tôi những chỉ dẫn rõ ràng về đời sống và sứ vụ của một linh mục. Những người chung sống với tôi trong chủng viện cũng được đào luyện theo những nguyên tắc và chỉ dẫn như tôi. Công bố Tin Mừng và cử hành các Bí tích là những sứ vụ đòi tôi phải cố gắng nhưng không mấy phức tạp, vì đó là điều mà tôi thực sự cảm thấy mình được mời gọi để thi hành. Tôi là một người vui vẻ, hạnh phúc và cảm thấy rất gần với Thiên Chúa. Tôi có kỷ luật bản thân cao, luôn trung thành với đời sống cầu nguyện và một xác tín rất rõ về ơn gọi của mình. Tôi được thụ phong linh mục vào tháng 7 năm 1957.
Sau khi thụ phong linh mục, tôi được cử đi học tâm lý tại trường đại học Công giáo Nijmegen ở Hòa Lan, đến thăm Công đồng Vatican, làm tuyên úy cho công ty du lịch Holland America Line và được đào tạo trở thành tuyên úy dự bị cho quân đội. Tôi dành ra vài năm để học và nghiên cứu về mối liên hệ giữa tôn giáo và tâm lý tại phòng khám Menninger, đi dạy hai năm tại trường đại học Notre Dame, mười năm tại trường đại học Yale và ba năm tại trường Harvard, tình nguyện đến phục vụ tại chây Mỹ La Tinh. Trong những năm đó, tôi nhận ra rằng, tâm lý con người thì đa dạng. Tôi cũng nhận ra nơi thần học, tâm lý học và xã hội học có nhiều điểm chung. Các tín hữu Tin Lành cũng thuộc về Giáo hội như anh chị em Công giáo, anh chị em Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo cũng tin vào Thiên Chúa như những Kitô hữu, người ngoại đạo cũng yêu thương nhau như những người có niềm tin. Những năm đó cũng giúp tôi nhìn nhận và trân trọng quyền nữ giới. Tôi ý thức rằng, chị em phụ nữ cũng được mời gọi tham gia vào sứ vụ của Giáo hội, những người đồng tính cũng có một ơn gọi đặc biệt trong cộng đoàn Kitô hữu và người nghèo thuộc về trái tim của Gáo Hội. Chúa Thánh Thần thổi vào những nơi Ngài muốn. Tất cả những khám phá này dần dần giúp tôi gỡ bỏ những hàng rào mà trước đây đã che chắn, bao bọc và cho tôi một vùng trời an toàn. Sự nhận biết này cũng giúp tôi ý thức rằng giao ước của Chúa được ký kết với dân Chúa, bao hàm tất cả mọi người. Với tôi, tôi thấy thời gian đó như một thời gian của sự tìm kiếm, chất vấn, thắc mắc và cả những đau khổ phiền muộn nữa. Đó là một thời gian rất cô đơn. Bản thân tôi phải đối diện với nhiều nghi vấn và mập mờ của đời sống nội tâm. Đức Giêsu, Đấng mà tôi biết trong thời trai trẻ của mình nay đã chết.
Khi tôi gia nhập cộng đoàn Daybreak ở Toronto, Canada vào năm 1986, lúc đó tôi đang loay hoay đi tim một mái ấm, một nơi để thuộc về. Tôi không biết ngôi nhà mới sẽ ra sao nhưng tôi biết chắc rằng nó không phải là ngôi nhà cũ từ đó tôi đã ra đi. Trong vài năm gần đây, khi được sống gần gũi với anh chị em khuyết tật và những người phục vụ trong cộng đoàn mà các thành viên đến từ nhiều môi trường, tầng lớp, tôn giáo và phong cách sống khác nhau, tâm hồn tôi bắt đầu bừng cháy. Và tôi nhận ra Chúa Giêsu hiện diện trong một cách thức hoàn toàn mới. Trong thời gian đó, một đàng thì tôi cảm thấy rất cô đơn, bối rối và bất an, nhưng đàng khác tôi lại nhận thấy rằng, tất cả những phiền toái khi sống với những anh chị em khuyết tật, những người mà sự đơn sơ và cởi mở của họ đã cho tôi một không gian mà ngày qua ngày đã trở thành ngôi nhà mới của tôi. Từ khi đến sống với cộng đoàn, hành trình thiêng liêng của tôi trở nên rất sâu sắc đến nỗi tôi không thể diễn tả hết mọi chiều sâu rộng của nó. Tuy nhiên, sống với anh chị em trong cộng đoàn mời gọi tôi trở nên chứng nhân của Chúa trong một cách thức mà trước đây tôi chẳng bao giờ tưởng tượng nổi. Chỉ khi hồi tưởng lại những gì đã xảy ra, tôi mới bắt đầu có thể nối những chấm nhỏ trên mốc độ thời gian cuộc đời và tôi cũng bắt đầu nhận ra lịch sử thánh từ viễn tượng của Chúa như câu chuyện của Chúa dành cho tôi.
Bây giờ, bạn hãy vẽ đường kẻ đời bạn lên biểu bảng hướng về bên phải đường kẻ của tôi và nói: “Tôi đến đây.” Và bạn có thể vẽ chấm cuối của bạn gần với điểm bên phải của đường kẻ của tôi và nói: “Tôi chỉ có vài năm nữa để sống.” Và trong khi bạn bắt đầu kể câu chuyện của bạn với những chấm nối kết giữa các mốc điểm thời gian. Thật là tuyệt vời khi bạn nhận ra rằng, mặc dù cuộc sống ở trần gian có ngắn ngủ, những cũng đủ để giúp chúng ta nhận biết mình đã, đang ở đâu và sẽ đi đâu.
Từ thuở đời đời, bạn đã thuộc về Thiên Chúa. Đây là điều quan trọng bạn cần phải ghi nhớ luôn luôn. Thiên Chúa yêu thương bạn trước khi bạn được sinh ra và Thiên Chúa vẫn còn yêu thương bạn ngay cả sau khi bạn từ giã cuộc đời. Thời gian bạn sống trên trần gian, dù ngắn hay dài, cũng chỉ có một phần của toàn bộ cuộc đời của bạn trong Chúa. Độ dài thời gian không quan trọng vì cuộc sống nơi dương thế vốn chỉ là một thời gian ngắn ngủi, là cơ hội để bạn có thể thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con cũng yêu Chúa.”
NHỮNG THỰC HÀNH CHO ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Tất cả chúng ta đều có một lịch sử với Chúa, cho dù chúng ta có ý thức về điều đó hay không. Lịch sử của chúng ta với Chúa sẽ chi phối cách chúng ta nói, cách chúng ta đọc, cách chúng ta lắng nghe, lối suy nghĩ và tâm tình cầu nguyện của chúng ta. Mặc dù câu chuyện của mỗi người là một câu chuyện cá vị nhưng nó lại là một phần trong câu chuyện vĩ đại – câu chuyện của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Khi chúng ta nhìn nhận và chia sẻ lịch sử thánh của mình, đó là lúc chúng ta làm chứng cho người khác thấy rằng Thiên Chúa có một câu chuyện vĩ đại về mỗi người.
Tôi mời bạn hãy đi sâu vào đời sống thiêng liêng và nhìn nhận câu chuyện đời bạn như một lịch sử thánh được diễn ra trong chuỗi thời gian của bạn. Những câu hỏi sau đây có thể rất hữu ích để gợi hứng cho bạn viết và trình bày lịch sử thánh của mình với một nhóm nhỏ hoặc với vị linh hướng:
Trong hành trình thiêng liêng, đâu là những thời khắc quan trọng và chủ chốt giữa bạn với Chúa? Hãy mô tả cách ngắn gọn, xúc tích về những thời khắc đó và chỉ ra những tác động quan trọng đối với đời sống trí thức, tình cảm và thiêng liêng của bạn.
Khi bạn suy nghĩ về ba nguyên tác chủ chốt trong việc thực hành đời sống thiêng liêng, đó là tìm gặp chính mình trong nội tâm của mình, tìm gặp Chúa trong Sách Thánh và tìm gặp anh chị em trong cộng đoàn, đâu là những ân ban và nhu cầu thiết thực của bạn?
Hãy nhớ lại và gọi tên những người, những cuốn sách, những phong trào, những tư tưởng, … đã góp phần quan trọng giúp bạn lớn lên trong đời sống thiêng liêng?
Dựa vào các câu hỏi trên đây, bạn hãy đọc lại lịch sử thánh đời bạn và ghi lại những điểm bạn được đánh động. Sau đó, hãy chia sẻ với vị linh hướng, hoặc người bạn tâm giao hay với một nhóm cầu nguyện.
Suy gẫm và viết nhật ký
Những khi bạn buồn phiền, bất đồng ý kiến hoặc khó chịu với một ai đó, hay khi bạn gặp một người nào đó rất đặc biệt và ấn tượng, những lúc đó tâm trạng của bạn thế nào? Cuộc sống của bạn thay đổi ra sao? Thách đố mà bạn gặp trong hoàn cảnh đó là gì?
—————————————–
[1] L’Arche trong tiếng Pháp có nghĩa là “Con tàu Noah” và cũng là tên của một hệ thống quốc tế gồm các cộng đoàn trong đó các thành viên là những người khuyết tật, các trợ lý và những người phục vục. Từ năm 1986 đến năm 1996, cha Henri mục vụ tại cộng đoàn Daybreak, một cộng đoàncủa L’Arch ở Richmond Hills, Ontario. Tại cộng đoàn đó, cha Henri đã giúp đỡ cho Adam. Toàn bộ câu chuyện của Adam được cha Henri viết lại trong cuốn sách với tựa đề: Adam: Người con yêu dấu của Chúa (1996).
[2] “Câu chuyện của Thiên Chúa về Adam,” là phần mở đầu chưa in của cuốn sách Adam: Người con yêu dấu của Chúa (Orbis Books, 1996).
[3] Cha Henri qua đời ngày 21/9/1996 do bị nhồi máu cơ tim trong khi cha đang đi thăm Netherlands và trên đường đến St. Petersburg để làm bộ phim tài liệu về bức tranh Người Con Hoang Đàng Trở Về của Rembrant.