Sr. Teresa Hiền Phụng
Mỗi năm vào đầu tháng 8, lòng tôi rộn ràng chứng kiến lớp lớp chị em tuyên lời vĩnh thệ. Đẹp biết bao những con người mỏng dòn dễ vỡ ấy đã dám tuyên tín với Đấng Vô Biên. Một đời chị sẽ dấn thân theo lời nguyện thề hôm ấy. Chị song hành với Đấng chịu treo thân trên thập giá. Có người bảo rằng: thương quá những thiếu nữ thanh xuân, tự trói đời mình vào 3 lời tuyên thệ! Chị gác bỏ gác tía lầu son, quần là áo lượt, chỉ vui nhận màu trắng tinh khôi của chiếc Áo Dòng đơn sơ. Thế nhưng sự lựa chọn của chị tạo nên hai điều tuyệt diệu là minh chứng nét thánh thiện của Giáo Hội và mầu nhiệm cánh chung.
1. Nét thánh thiện của Giáo Hội
Hiến chế Lumen Gentium xác định: “Sự thánh thiện của Giáo Hội luôn được biểu lộ và phải được biểu lộ qua những hoa trái ân sủng mà Thánh Thần đã kết sinh nơi các tín hữu. Sự thánh thiện ấy được diễn tả tỏ lộ cách đặc biệt qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm”[1]. Theo bước Chúa Giêsu trong 3 lời khuyên Phúc Âm bằng một bậc sống được Giáo Hội nhìn nhận, người nữ tu chứng tỏ tình yêu toàn vẹn của mình vào Thiên Chúa. Bởi vì “nhờ việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm giúp thoát ly khỏi những ngăn trở có thể trì hoãn nhiệt tâm đức ái, tôn thờ Thiên Chúa cách hoàn hảo và tận hiến để phụng sự Thiên Chúa cách thân tình hơn”[2]. Các nghị phụ trong Công đồng Vatican II còn xác định: “Những lời khuyên Phúc Âm đưa đến đức ái, và nhờ đức ái, chúng kết hợp các tu sĩ cách đặc biệt với Giáo Hội và mầu nhiệm Giáo Hội”[3]. Và như thế qua việc tuyên khấn của mình, chị nữ tu góp phần làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện và Đức Kitô tiếp tục sống trong thế giới.
Hơn nữa việc khấn giữ ba lời khuyên Phúc Âm còn cho thấy tính khả dĩ của một cuộc sống hiến thân cho Chúa Kitô. Trong Tin Mừng Thánh Matthêu có nhắc đến người thanh niên giàu có đã khước từ sự khó nghèo mà Đức Giêsu đòi hỏi[4]; các môn đệ cũng đã phân vân: “làm sao có thể sống khiết tịnh vì Nước Trời”[5]. Thế nhưng, mọi sự đều có thể nếu Thiên Chúa muốn.
Việc tuyên khấn rõ ràng nói lên sự can đảm, tính trưởng thành và tự do của một nhân vị với Đấng Tạo Thành. Chị hiểu rõ những đòi buộc của lời khấn và chị tuyên khấn để vinh danh Chúa, để mưu ích cho phần rỗi của anh em và điểm tô gương mặt Giáo hội. Và sự thánh hiến ấy thuộc về đặc sủng Giáo hội. Chị tuyên khấn vì chị muốn minh chứng một tình yêu vô biên, rộng lớn hơn với Thiên Chúa chị tôn thờ. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu đã trở nên một con người – con người Giêsu ấy đã ngỏ lời với chị.
2. Dấu chỉ mầu nhiệm cánh chung
“Kho tàng của bạn ở đâu, thì lòng bạn ở đó” (Mt 6, 21). Tông huấn Vita Consecrata cho thấy “kho tàng duy nhất là Nước Trời gợi lên nguyện ước, chờ mong, dấn thân và chứng tá… Và sự thánh hiến tiên báo cuộc phục sinh tương lai và vinh quang của Nước Trời”[6].
Như thế, ơn gọi thánh hiến cao quý vì nó là đặc sủng Thiên Chúa ban cho Giáo Hội qua việc tuyển chọn một số người sống gắn kết mật thiết hơn với Đấng Cứu Độ. Lời tuyên khấn của chị nữ tu hôm nay không phải do sức riêng chị nhưng là sự hợp nhất của ơn Thiên Chúa chọn gọi và sự tự do đáp trả tình Ngài. Chị tuyên khấn vì chị nghe một tiếng gọi cao cả hơn: trở nên khí cụ của tình yêu. Chị muốn hiến dâng năng lực của mình để trải rộng tình yêu, để biết yêu nhiều hơn và yêu đến tầm mức vô biên. Như ngọn nến tiêu hao trên Bàn Thờ, mỗi ngày chị cũng được chết đi cho ý riêng của bản thân để Chúa Kitô lớn lên trong chị và để chị hoàn tất sứ mạng cuộc đời.
Chính khi tuyên thệ lời khấn dòng, chị chính thức bước vào hành trình thanh luyện để nên giống Đức Kitô hơn, cùng vác thánh giá mỗi ngày theo sát Ngài. Cụ thể, qua hiến tế Thánh Thể mỗi ngày, chị được tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Chị được mời gọi xóa mình ra không hầu phản ảnh ngày một rõ nét hơn bản thể Thiên Chúa. Nơi chị, Chúa Kitô đã dùng Máu Thánh mình để tẩy rửa hầu tạo nên “một Hội Thánh thánh thiện và tinh tuyền”[7].
Một lần ký giao ước, chị được chung hàng với những người được thánh hiến để sống gắn kết với Thiên Chúa và với Giáo hội. Cuộc hành trình trong tin yêu phó thác, cuộc hành trình “đi tìm và cứu những gì đã mất”. Ánh sáng nơi chị đẹp biết bao. Hành trình chị đi thật là hành trình của một con người quả cảm vì chị đã dám sống chết cho lý tưởng cao vời. Thế nhưng, chị vẫn cảm thấy nơi mình là “phận bình sành đễ vỡ”[8]. Do đó, chị tìm tựa nương vào Đấng là đá tảng[9] – Đấng đã thương xót chị, lòng thương xót đã dẫn đưa chị vào cõi sống.
Hôm nay dệt khúc hoan ca, chị như muốn tạ ơn Thiên Chúa về công trình cứu độ Chúa đã thực hiện qua chị. Chúa đã gọi chị đích danh để chị được thuộc về Ngài ngày một bền chặt và mật thiết hơn. Xin tri ân Mẹ Hội Dòng và chị em đã đón nhận và đồng hành cùng con trong ơn gọi Đa Minh. Con xin dâng Chúa lễ tế mỗi ngày, để được ôm trọn thập giá cùng Đấng chịu khổ đau. Cuộc sống con xin nối liền hai thế giới – vô hình và thực tại hữu hình nơi bản thể theo Chúa đến vô biên.
_________________
[1] CĐ Vaticanô II, Lumen Gentium (LG), số 39.
[2] LG, số 44a.
[3] LG, số 44b
[4] Mt 19,16-22.
[5] Mt 19,10.
[6] Gioan Phaolô II, Vita Consecrata, số 26.
[7] Ep 5,27.
[8] 2Cr 4,7.
[9] Cv 4,11.