Chầu Thánh Thể – Khánh nhật Truyền giáo

0

Lm. Giuse Vũ Đức Hiệp

I. KHAI MẠC

– Kinh Chúa Thánh Thần, Tin, Cậy, Mến, Ăn năn tội
Hát: Thờ Lạy Chúa

II. TÔN VINH THÁNH THỂ

Lạy Chúa Giêsu, bởi cảm nghiệm Thánh Thể là nguồn suối trong mát, an hòa, Thánh Thể là đại dương yêu thương không thể vơi cạn. Thánh Thể là lương thần kỳ diệu làm no thỏa tâm linh, Thánh Thể là bóng mát, là chốn nghỉ ngơi cho những ai lao đao sầu khổ, nên dẫu cuộc sống chúng con còn nhiều vất vả, ê chề, còn nhiều gian nan thiếu thốn, thay cho mải mê chạy theo những bon chen xô bồ cuộc sống, thì chúng con lại cùng về trước tôn nhan thánh thiện Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa. Sự hiện diện của Chúa đong đầy trong chúng con niềm hạnh phúc, vì có Chúa yêu thương gần kề, quan tâm chia sẻ và dạy dỗ nhiều điều. Sự hiện diện của Chúa, một lần nữa làm sống lại trong chúng con, lời vọng tha thiết của Chúa trên thập giá năm xưa: “Ta khát”. Chúa khát nỗi khát của một vị Thiên Chúa trong ý định cứu rỗi con người. Nỗi khát đó đã thôi thúc Chúa đi bước trước, bằng cách từ bỏ trời cao xuống trần gian, mặc lấy phận người, ở giữa chúng con, Chúa không chỉ chia sẻ phận người chúng con, nhưng còn hiến thân trên thập giá, để chuộc lại sự sống đời đời mà do tội nguyên tổ, tội mình làm chúng con đã đánh mất. Sự hiện diện của Chúa từ nhiệm tích Thánh Thể, còn mời gọi chúng con đi sâu vào tâm tình của Chúa, để chia sẻ hoài bão, ý định cứu rỗi của Chúa.

Được nhận biết tin yêu là một hồng ân vô cùng lớn lao, mà Chúa đã ban nhưng không cho chúng con. Ý thức này nung nấu trong chúng con lòng cảm mến tri ân. Hôm qua, hôm nay và mãi mãi chúng con hết lòng tạ ơn Chúa. Khởi đi từ Bí Tích Thánh Tẩy là chúng con được bước vào sống trong vương quốc Chúa, mà cụ thể đó là được sống trong đại gia đình Giáo Hội, chúng con là thần dân trong triều đại Chúa Kitô, cũng chính là chi thể sống động trong nhiệm thể Chúa. Chúng con được Chúa tín nhiệm trao cho sứ mệnh phải tỏa sáng, phải phản chiếu ánh vinh quang của Chúa cho mọi người, chúng con có phận sự phải góp phần làm cho thân thể Chúa Kitô được lớn lên, được phát triển. Nói cách khác chúng con phải phân phát Tin Mừng Cứu Độ cho những ai chưa có, cho những ai chưa cần. Ôi! Trọng trách lớn lao biết bao. Ôi! Vinh dự dường nào. Nhưng chúng con đã sống ơn gọi truyền giáo ra sao?

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, nhân khánh nhật truyền giáo, cùng toàn Giáo Hội chúng hiệp thông nguyện cầu cho công cuộc truyền giáo của thế giới, của Giáo phận, giáo xứ chúng con. Xin ánh sáng lời Chúa soi dọi, làm bừng cháy lên trong chúng con lửa mến yêu, và Thần Khí Chúa nung nấu thôi thúc chúng con đem lửa mến Chúa, ánh sáng cứu độ thiêu đốt, thắp sáng muôn nơi, muôn người.

III. ĐỌC LỜI CHÚA (Mt 28, 16-20)

IV. SUY NIỆM (mời cộng đoàn ngồi)

Tội lỗi đã làm cho con người càng lún sâu trong lầm lạc, địa cầu ngày càng chìm ngập trong tối tăm xa đọa và chết chóc. Vốn hằng yêu thương đến mọi sự đã tác thành, mà đặt biệt là con người được mang hình ảnh của chính Ngài, thế nên Thiên Chúa quyết định sẽ phục hồi cho con người, phẩm giá cao quý của những kẻ làm con, nhờ Đức Giêsu Kitô qua hiến tế thập tự.

Sống kiếp người, Chúa Giêsu luôn thi hành sứ mạng ngôn sứ bằng lời nói, việc làm, toàn bộ cuộc sống. Ba năm cuối đời, Đức Giêsu đã sống ơn gọi truyền giáo một cách cụ thể thiết thực hơn. Bước chân Ngài rảo khắp đó đây rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Ngài rao giảng cho mọi người biết triều đại cứu thế đã khai mở, mời gọi mọi người ăn năn sám hối, tin vào Ngài, vâng phục, thực thi ý Ngài để được sống. Ở đâu lúc nào, trái tim của Đấng Cứu Thế cũng rung lên nhịp đập bồi hồi, xúc động, đầy thổn thức thương cảm. Ngài ưu tư vì có nhiều đoàn chiên bơ vơ vất vưởng không người chăn giữ. Lòng mục tử Giêsu đầy xót xa. Ngài khao khát không một con chiên nào phải ốm đau, đói khát, phải sống lìa đàn. Ngài ước ao được vác từng con trên vai, được giang rộng đôi tay để ôm ấp mọi con chiên vào lồng ngực yêu thương của Ngài. Một lần kia, khi băng qua một cánh đồng lúa chín vàng óng ánh, cảm thấy đây là cơ hội thuận tiện để nói lên những trăn trở, những suy tư đã chín mùi từ lâu trong tâm khảm, Đức Giêsu đã thổ lộ mối bận tâm của mình “Lúa chín đầy đồng, thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến”. Chúa khao khát mọi người được cứu độ không loại trừ một ai. Chúa đã biến nỗi khao khát đó thành hành động cụ thể: không chỉ loan báo Tin Mừng Cứu độ, mà với những ai đã ngã quỵ, Ngài vội vàng nâng dậy; với những ai đang đứng trước ngõ cụt, Ngài khai thông, dẫn về chính lộ; với những ai đang dấn sâu trong tăm tối, Ngài là ánh sáng soi đường. Ngài chấp nhận thái độ thống hối khiêm nhường của người phụ nữ tội lỗi qua việc xức dầu thơm, lấy mái tóc đẹp mà lau, ôm hôn chân Ngài. Ngài kêu gọi Lêvi, đồng bàn với ông, tại nhà Giakêu, mở cho người phụ nữ ngoại tình một cơ hội để nhìn ra lòng thương xót của Chúa và quay trở về, làm lại cuộc đời. Nơi Đức Giêsu chỉ có một hoài bão duy nhất: cứu thế. Hoài bão đó cứ lớn dần, lớn dần… Ngài đã nhìn về tương lai đã chuẩn bị những cánh tay yêu thương nối dài của Ngài giữa lòng nhân loại, qua việc kêu gọi, đào luyện, và sai các tông đồ đi. Ngài đã thành lập Giáo hội, ủy thác cho Giáo hội tiếp tục sứ mệnh cứu rỗi nhân loại của Ngài: “Các con hãy đi giảng muôn dân”. Chúa muốn mỗi tông đồ, mỗi môn đệ, cụ thể hơn: từng Kitô hữu, là nhiệm thể Chúa Kitô phải là những nhà truyền giáo, những thừa sai, những sứ giả của Ngài. “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”. Đáp lại lệnh truyền này, các tông đồ đã đem hết nhiệt tâm, nhiệt huyết để chuyển thông Tin Mừng cứu rỗi, để họ cũng được trở nên đồng thừa tự, đồng thân thể, và đồng thông phần vào lời hứa của Ngài.

“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”. Giáo hội, hiền thê của Đức Kitô, suốt hơn 20 thế kỷ qua, lúc nào cũng tận tâm tận lực phục vụ Tin Mừng, phân phát ơn cứu độ cho muôn dân. Giáo hội cũng không ngừng nhắc nhở con cái mình về trách nhiệm đó qua mọi hình thức, mà đặc biệt là qua các sứ điệp truyền giáo, Mẹ Giáo Hội mong mỏi con cái mình hãy chia sẻ những trăn trở băn khoăn của Đấng Cứu Thế, cũng là của Mẹ Giáo hội. Hãy coi đó cũng chính là trách nhiệm của mình. Lần đọc lại sứ điệp truyền giáo, hẳn chúng ta sẽ được nhắc nhở: bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Công cuộc rao giảng Tin Mừng hay sứ mạng truyền giáo không phải là một cái gì phụ thuộc bên lề. Nhưng Giáo hội được khai sinh, được hiện hữu để truyền giáo. Truyền giáo là luật sống của Giáo hội. Mà Giáo hội là ai vậy? Mỗi Kitô hữu không phải chỉ là một phần tử của Giáo Hội mà chính là Giáo hội. Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội là chúng ta khởi đầu cho ơn gọi truyền giáo. Phải sống chứng tá Kitô giáo bằng niềm tin, cậy, mến. Tìm dịp để loan truyền Chúa Kitô bằng lời nói, để dẫn đưa nhiều người đến với đức tin. Truyền giáo bằng chu toàn bổn phận trần thế, cộng tác kiến tạo hạnh phúc gia đình, xã hội, chấp nhận đau khổ hy sinh, cầu nguyện, đóng góp của cải vật chất, tham gia công tác từ thiện, quảng đại dâng mình phục vụ Chúa qua ơn gọi thánh hiến, cộng tác vâng phục chủ chăn. Nói tóm lại: là Kitô hữu chúng con phải mở mang xây dựng nước Chúa.

Lạy Chúa, biết thì nhiều, nhưng chúng con sống chẳng được bao nhiêu, đã bước vào ngưỡng cửa của ngàn năm thứ ba, mà số người tin vào Chúa còn quá ít. Quả thật chúng con chưa phải là một cộng sự viên đắc lực của Chúa. Xin hãy tha thứ cho chúng con. Xin luôn làm sống lại trong chúng con lời thánh Phaolo: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”, để từ nay, chúng con tích cực hơn trong việc đem tình yêu của Chúa đến cho mọi người. (mời cộng đoàn đứng)

Hát: Hãy ra đi rao giảng Tin Mừng

V. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lạy Chúa Giêsu, tình yêu cứu độ đã đưa Chúa vào đời. Tình yêu cứu độ thôi thúc Chúa hiến thân trên thập giá, đổ máu hòa giải thứ tha cho chúng con, làm cho chúng con được vinh dự thưa lên cùng thiên Chúa Cha: “Abba – Lạy Cha”.

Lạy Đức Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh, xin cảm tạ Ngài đã đến để rao giảng Tin Mừng tình yêu, và đã chết để cứu muôn người khỏi tội. Xin cảm tạ Ngài đã tử nạn phục sinh để nên căn nguyên phần rỗi đời đời cho chúng con. Xin niềm tri ân cảm tạ đó thắm sâu trong chúng con, và biến thành hành động. Xin cho mỗi chúng con ý thức về nhiệm vụ truyền giáo của mình, bằng cách mở rộng lòng đón nhận Tin Mừng. Rồi cũng như thánh Phaolô chúng con ý thức rằng: chúng con được mời gọi để trở nên người phục vụ Tin Mừng, để mang Tin Mừng đến cho người khác. Ước chi mọi người chúng con đều biết dùng lời nói, đời sống để loan báo cho mọi người rằng: có một vị Thiên Chúa hằng yêu thương muốn cứu độ muôn người. Ước chi qua chúng con Tin Mừng tình yêu cứu độ của Đức Kitô tử nạn phục sinh được nhiều người biết đến, để họ cũng được nên con cái Chúa, được niềm hy vọng hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa.

“Các con hãy đi giảng dạy muôn dân”. Lạy Chúa, đó là một sứ mạng quá cao cả, mà chúng con đầy giới hạn khó chu toàn. Tuy nhiên, Chúa đã dạy thì chúng con dám xin “Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện”. Xin cho vương quốc Chúa ngày càng rộng mở. Nguyện xin Chúa thương ban nhiều thợ gặt lành nghề đến trên cánh đồng truyền giáo. Phần chúng con sẽ sống cầu nguyện, hy sinh chịu đau khổ, sẽ sống bác ái, công bằng, chân thật, khi có cơ hội sẽ tìm cách giúp đỡ những Kitô hữu đang sống lơ là, được củng cố niềm tin yêu mến Chúa hơn. Còn với những người ngoài Kitô giáo, chúng con cũng dùng đời sống gương mẫu, để dẫn đưa lôi kéo họ đến với niềm tin Kitô giáo. Như thế là chúng con đang góp phần làm cho thân thể Đức kitô ngày càng phát triển sung mãn.

Lạy Mẹ Maria, xin hãy đốt cháy trong chúng con lửa mến yêu Chúa. Xin nhờ Mẹ chúng con dâng mình cho Chúa, để Chúa biến chúng con nên khí cụ chuyển tải tình yêu cứu độ đến cho mọi người. Và xin cùng Mẹ chúng con dấn bước vào môi trường sống để thắp sáng, để ướp mặn đời, để làm dậy men yêu thương, để Kitô hóa thế gian. Amen

Hát: Lời nguyện truyền giáo.

Comments are closed.

phone-icon