Repentance – God’s greatest gift to us

0

Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo the Word Among us

Xin hãy làm mềm lòng chúng con; xin hãy làm cho chúng con nên giống Chúa!

Dường như chúng ta càng lớn tuổi, thì càng khó để tha thứ và xin ơn tha thứ.

Có lẽ chính vì chúng ta có thể nhận ra sự khác biệt giữa việc chỉ nói “tôi xin lỗi” và việc khiêm nhường xin một người tha thứ. Chúng ta biết rằng sự sám hối thật sự liên quan đến sự đau buồn chân thành về vết thương chúng ta đã gây ra và ý định muốn thay đổi. Điều này có vẻ đáng sợ biết bao! Không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy khó khăn. Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra một sự thật khác, tự do hơn: Trước hết và trên hết, ăn năn sám hối là công việc của Chúa Thánh Thần để làm mềm lòng chúng ta và làm cho chúng ta nên giống Chúa Giêsu.

Công Việc của Chúa Thánh Thần trong Sự Sám Hối. Chúng ta có thể không bao giờ nghe điều đó cho đủ: một trong những quà tặng lớn nhất mà Thiên Chúa ban cho chúng ta là Chúa Thánh Thần. Nhờ Thánh Thần, chúng ta lãnh nhận sức mạnh để sống như Chúa Giêsu đã sống. Và, nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta học sám hối về những tội lỗi của chúng ta và lãnh nhận tình yêu thanh tẩy của Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta.

Một nhân vật trong Kinh Thánh thường được gắn kết với việc sám hối là Vua Đavít. Đúng thật là câu chuyện về tội lỗi của Đavít với bà Bátsêva và hậu quả của nó nói rất ít về sự sám hối của Đavít (2 Sm 11-12). Tuy nhiên, Thánh vịnh 51 trình bày một bức tranh rất chi tiết về những điều có thể đã diễn ra trong tâm trí vua Đavít khi ông suy xét về những hậu quả hành động của mình và ông đã trình tội lỗi của mình lên trước Nhan Chúa để xin ơn tha thứ. Chúng ta hãy xem qua thánh vịnh này để thoáng nhìn vào tâm hồn của sự sám hối thật sự.

Lạy Chúa, Xin Thương Xót Con! Khi đối diện với tội lỗi mà ông đã phạm và những động lực nội tâm thúc đẩy mình phạm tội, Đavít đã kêu lên: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ” (Tv 51,12). Đavít đã nhận ra rằng tự sức mình ông không thể thay đổi tâm hồn. Điều tốt nhất ông có thể làm là cố che giấu những ham muốn và dục vọng. Chỉ duy Thiên Chúa mới có thể làm cho ông thành thọ tạo mới. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể giải thoát ông khỏi những ham muốn gây ra rất nhiều sự tàn phá. Chỉ xin lỗi thôi chưa đủ. Đavít cần được biến đổi sâu trong tâm hồn ông.

Ông Đavít cũng hiểu ra rằng tội lỗi ông đã phạm còn ghê gớm hơn cả sự tác động tàn phá của nó đối với bà Batsêva, ông Urigia và dân Ítraen (mà còn xúc phạm, làm đau lòng chính Thiên Chúa): “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử”. Cốt lõi tội lỗi của Đavít là nỗi đau buồn mà nó mang đến cho Thiên Chúa. Đôi khi, thật dễ dàng để thấy tội lỗi làm tổn thương đến những người thân yêu của chúng ta. Những lời nhức nhối và những lựa chọn ích kỷ có thể hủy hoại sự hiệp nhất của gia đình cách nhanh chóng. Nhưng chúng ta có thường xuyên xem xét cách mà tội lỗi làm ảnh hưởng đến mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa không? Khi chúng ta phạm tội, chúng ta dựng lên một rào cản giữa chúng ta và Chúa Cha đáng yêu mến của chúng ta. Chúng ta thưa với Người rằng Người không được đón tiếp vào tâm hồn chúng ta. Cuối cùng, tội lỗi thậm chí có thể cắt đứt dòng ân sủng và sự bảo vệ của Thiên Chúa trên cuộc đời của chúng ta. Không gì ngạc nhiên khi tất cả thiên đàng vui mừng mỗi lần một người trong chúng ta sám hối và đón tiếp Chúa Giêsu trở lại vào trong tâm hồn chúng ta (Lc 15,7).

Khi chúng ta nhận ra và thừa nhận tội lỗi của mình, chúng ta có thể chắc chắn rằng Chúa Thánh Thần làm việc trong chúng ta. Hằng ngày, Thiên Chúa mời gọi chúng ta kiểm tra những suy nghĩ và hành động của chúng ta và xin Thần Khí của Người tiết lộ tội lỗi của chúng ta. Đó không phải vì Người muốn làm cho chúng ta cảm thấy mặc cảm tội lỗi, nhưng bởi vì Người muốn chúng ta lãnh nhận sự chữa lành và thanh tẩy của Người. Như Đavít thừa nhận, chỉ duy mình Thiên Chúa mới có thể cất đi mặc cảm tội lỗi và xấu hổ (x. Tv 51,4), Người thuyết phục chúng ta không tái phạm tội nữa (x. Tv 51,14), và quan trọng nhất, là làm cho chúng ta trở thành những con người yêu thương, cảm thông hơn (x. Tv 51,15).

Như Bạn Đã Lãnh Nhận, Vậy Hãy Cho Đi. Anh chị em thân mến, đừng bao giờ đánh mất niềm hy vọng! Thánh Thần Chúa luôn luôn đang thôi thúc bạn sám hối, luôn luôn sẵn sàng tỏ lộ Chúa Giêsu yêu bạn biết chừng nào. Mỗi ngày, Thánh Thần muốn đối chiếu sự tự mãn và sự yếu đuối của bạn để bạn có thể tự do cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa. Mỗi ngày, Thánh Thần muốn chỉ cho bạn thấy Thiên Chúa vui thích ở trong bạn nhiều thế nào.

Đây là bảy bước đơn giản bạn có thể dùng để giúp bạn chấp nhận quà tặng của ơn sám hối mà Thiên Chúa ban cho bạn trong mùa Chay này và sự tự do để biết Người vui thích ở trong bạn.

  1. Mỗi buổi tối hay buổi sáng, bạn hãy dành chút thời gian để nhìn lại ngày hôm trước. Hãy bắt đầu bằng cách làm cho tâm trí tĩnh lặng để bạn có thể nghe được Chúa Thánh Thần đang nói với lương tâm của bạn.
  2. Hãy xin Chúa Thánh Thần chỉ cho bạn bất cứ việc làm nào sai trái – trong tư tưởng và ước muốn của bạn, trong lời nói và các mối tương quan và trong hành động của bạn.
  3. Hãy suy nghĩ về cách mà bạn thấy tội lỗi đã che mờ kinh nghiệm của bạn và lòng tin tưởng của bạn vào tình yêu của Chúa.
  4. Hãy kiểm tra, dò xét tâm hồn bạn: Bạn có dễ uốn nắn và sẵn sàng thay đổi tâm trí bạn về những tội lỗi này không? Bạn có cảm thấy không sẵn sàng để thay đổi? Bạn có bất cứ cảm nhận rằng có cố gắng cũng vô vọng?
  5. Hãy gắn bó với Thiên Chúa: Hãy thừa nhận rằng Người là sức mạnh của bạn và thưa với Người rằng bạn muốn Người định hình lại tâm trí của bạn để bạn suy nghĩ như Người muốn bạn suy nghĩ và chọn như Người muốn bạn chọn. Hãy từ bỏ bất cứ động lực nào trong bạn muốn duy trì sự độc lập với Chúa.
  6. Hãy đặt mình trong bàn tay Thiên Chúa và vâng theo bất cứ điều gì bạn nghĩ Người đang muốn bạn làm. Khi bạn thực hiện, tiếng Chúa sẽ trở nên rõ ràng hơn.
  7. Hãy chắn chắn chuyển suy nghĩ thành hành động. Hãy quyết định thực hiện một hoặc hai bước cụ thể để vượt qua hay tránh xa lĩnh vực tội lỗi ngày hôm sau. Hãy nhớ rằng: Chúa Giêsu đang ở với bạn trên mọi bước đường!

Comments are closed.

phone-icon