Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (7,31-37)
Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Effetha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”
***
Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa cho một người câm điếc. Bối cảnh diễn ra ở một miền ngoại giáo có tên Thập Tỉnh, nghĩa là mười thành phố nằm ở phía đông biển hồ Galilê.
Khi nghe thánh Máccô tường thuật về phép lạ Chúa Giêsu chữa người câm điếc, hẳn chúng ta không khỏi ngạc nhiên về cách Chúa làm: Người đem anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, và thay vì nói “anh đã được chữa lành”, Người lại nói “Ép-pha-tha!”, nghĩa là “Hãy mở ra!”.
Trước hết, phép lạ này tỏ cho thấy Chúa Giêsu là ai: Người là Đấng Mêsia, Đấng đến loan báo sự xuất hiện của một thế giới mới, được tái tạo và phục hồi, nơi mọi người có thể sống trọn vẹn các khả năng của mình để bước vào mối tương quan chân chính và sung mãn với Thiên Chúa, với tha nhân và tất cả tạo vật.
Trình thuật về việc chữa lành cho người câm điếc trong Tin Mừng hôm nay là một minh chứng tuyệt vời cho lời loan báo của ngôn sứ Isaia trong chương 35, mà chúng ta nghe một đoạn trích trong bài đọc I. Isaia công bố ngày phục thù, “ngày báo phục” của Thiên Chúa. Về mặt lịch sử, Isaia loan báo sự giải phóng, sự trở về của những người Do Thái bị lưu đày và bị giam cầm ở Babylon. Nhưng toàn bộ truyền thống đã đọc bản văn này như một lời tiên báo về buổi bình minh của một thế giới mới, ngày Thiên Chúa giải thoát dân người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự dữ.
Thiên Chúa phục thù, báo phục. Đúng vậy! Nhưng sự báo phục của Thiên Chúa không giáng xuống trên con người như một số người đã giải thích, mà là trên sự dữ. Đây là những dấu hiệu của sự báo phục này: “Mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”.
Ở trong tù, ông Gioan Tẩy Giả đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu liệu Ngài có phải là Đấng Mêsia phải đến hay không. Chúa Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5). Như vậy Chúa Giêsu khẳng định Người chính là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã loan báo. Nơi Chúa Giêsu, một thế giới mới đã bắt đầu. Thế giới mới này không chỉ dành riêng cho dân Israel mà thôi nhưng cho toàn nhân loại. Một thế giới mà trong đó con người không còn bị thống trị bởi sự dữ và sự chết. Vì Con Thiên Chúa đã đến để thiết lập với con người một tương giao của tình yêu và sự sống.
Chúng ta biết rằng những phép lạ của Chúa Giêsu trước tiên là những dấu chỉ. Người câm điếc này là hiện thân của những người Do Thái. Họ “điếc” vì không muốn nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu, và sự câm nín nói đến sự nghi ngờ, thiếu đức tin, như ông Dacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, ông bị câm vì nghi ngờ lời sứ thần của Chúa (Lc 1,20).
Nhưng nếu nhìn một cách tích cực hơn, thì người câm điếc này lại là hiện thân của những người ngoại giáo đã đến với đức tin, những người mà Chúa Giêsu ban cho sự hiểu biết từ trái tim. Tin Mừng theo Thánh Máccô được viết cho những người ngoại giáo gia nhập Giáo Hội, những người đã nhận ra mình trong hình ảnh người câm điếc đã được chữa lành này, những người mà bí tích Thánh Tẩy đã mở tai để họ được nghe Lời Chúa, và mở lưỡi để họ có thể ngợi khen Thiên Chúa và công bố Tin Mừng của Người.
Mỗi người chúng ta có lẽ cũng cần hỏi xem, liệu mình có đang “câm điếc” không? Có rất nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống mà chúng ta thực sự là những người câm và điếc, như việc chúng ta im lặng trước bất công, trước sự dối trá,…; giả điếc làm ngơ trước những lời kêu xin giúp đỡ của người khác, hoặc đóng tai lại trước những lời khuyên đưa chúng ta về lại nẻo chính đường ngay…
Như trong trường hợp được chữa lành của người bại liệt, người câm điếc này không tự mình đến với Chúa Giêsu. Anh ta được người khác đem đến với Người, và xin Người đặt tay trên anh. Cũng vậy, đời sống đức tin của chúng ta luôn cần đến người khác, nhất là những khi chúng ta sa sút hoặc sống trong tình trạng tội lỗi. Chúng ta cần khiêm tốn để người khác đem chúng ta đến với Chúa để được chữa lành. Và đến lượt mình, chúng ta cũng cần quan tâm đến đời sống đức tin của anh chị em của mình. Chúng ta có thể đưa người khác đến với Chúa bằng lời khuyên nhủ, nhưng quan trọng hơn là bằng chính đời sống chứng tá. Vì thế, chứng tá đức tin là rất cần thiết. Sống chứng tá và sẵn sàng chia sẻ niềm tin của mình đó là cách để chúng ta xây dựng cộng đoàn đức tin vậy.
Là Kitô hữu, vai trò của chúng ta là xây dựng với tất cả những người xung quanh một sự hiệp thông cởi mở và niềm nở với những người khác, như Chúa Giêsu đã luôn cởi mở và niềm nở với tất cả những ai mà Người đã gặp. Chúng ta hãy đặc biệt quan tâm đến những người bị tổn thương trong cuộc sống, những người không bao giờ được nói và không được ai lắng nghe, nhưng Thiên Chúa nhìn thấy họ và lắng nghe họ. Ước gì khi nhìn vào đời sống của các Kitô hữu chúng ta, người khác cũng lòng đầy thán phục mà nói rằng “họ làm việc gì cũng tốt đẹp cả”.