Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us
Thiên Chúa nghe lời cầu nguyện của chúng ta.
Ngay từ thời tổ phụ Ápraham, việc chuyển cầu – cầu xin cho người khác – đã là đặc điểm của một tâm hồn hòa nhịp với lòng từ bi xót thương của Thiên Chúa.
Trong thời của Hội Thánh, lời chuyển cầu của Kitô hữu tham dự vào lời chuyển cầu của Đức Kitô, là sự diễn tả mầu nhiệm các Thánh thông công. Trong lời chuyển cầu, người cầu nguyện “đừng chỉ tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,4), thậm chí họ cầu nguyện cả cho những người làm hại họ (x. Cv 7,60). (GLHTCG, số 2635).
Lời cầu nguyện chuyển cầu – cầu nguyện cho những người khác – nên là trọng tâm tất cả mọi nỗ lực của chúng ta để yêu thương người lân cận. Cầu nguyện là sức mạnh mạnh mẽ nhất được nhân loại biết đến và Cựu Ước cung cấp những bức chân dung về những con người chuyển cầu mà tấm gương của họ có thể dạy và khuyến khích chúng ta. Những con người chuyển cầu này trước hết và trên hết cố gắng tìm cách hiểu tâm ý và ý muốn của Thiên Chúa. Họ chờ đợi Thánh Thần và suy gẫm lời Thiên Chúa cho đến khi họ biết cách cầu nguyện thế nào và cầu nguyện xin điều gì.
Những người nam nữ anh hùng của Ítraen này đã phó thác ý kiến và khát vọng riêng của mình cho mục đích của Thiên Chúa. Họ tin tưởng vào lời Thiên Chúa hơn là vào ý kiến của chính họ hay của những người khác. Họ khiêm nhường tìm cách vâng phục Thiên Chúa, thường phải đối diện với sự chế nhạo và chống đối. Cuối cùng, họ làm chứng cho sự thật rằng lời cầu nguyện của người công chính thì mạnh mẽ và hiệu quả (x. Gc 5,16-18). Chúng ta hãy xem xét sơ qua hai vị chuyển cầu – Étte và Nơkhêmia – và sau đó hãy tập trung trực tiếp hơn vào vị thứ ba, ngôn sứ ít được biết đến là Khabacúc.
Étte: Người Phụ Nữ Cầu Nguyện Can Trường. Trong câu chuyện về Étte, chúng ta đọc ra cách Thiên Chúa ca ngợi một người phụ nữ Do Thái xinh đẹp, bị lưu đày trở thành vợ của Vua xứ Ba Tư. Được đặt vào một địa vị có ảnh hưởng quan trọng, Étte đã có thể cầu xin cùng chồng cho dân của bà. Trong câu chuyện, ông Haman, một trong những vị quan được tin tưởng nhất của nhà vua, đã kích động một cuộc bách hại có quy mô lớn chống lại người Do Thái. Étte có thể phớt lờ không biết đến hoàn cảnh khó khăn của dân tộc bà và cứ sống thoải mái, xa hoa. Thay vào đó, bà đã yêu cầu mọi người cầu nguyện cho bà khi bà chuẩn bị vạch trần con người Haman trước mặt vua (x. Étte 4,16). Yêu cầu của bà quá cảm động đến nỗi nhà vua không chỉ tha cho người Do Thái mà còn xử tử ông Haman và các hầu cận của ông. Một trong những cảnh cảm động nhất trong câu chuyện này là lời cầu nguyện của Étte trước khi bà vào chầu vua (x. Et 4,14-30; Chương C,14-30 trong một số phiên bản). Chính trong lời cầu nguyện này mà chúng ta thấy được tâm hồn của một người chuyển cầu – khiêm nhường, thống hối, phó thác cho Chúa, và cam kết với các mục đích của Người.
Nơkhêmia: Khiêm Tốn và Kiên Định. Trong những ngày tháng bị lưu đày, khi Giêrusalem bị phá hủy hoàn toàn, đã xuất hiện một người tên là Nơkhêmia ao ước nhìn thấy thành thánh trở nên nơi cư ngụ cho dân đã hơn một lần được Thiên Chúa tuyển chọn. Khi nghe tin về tình trạng bi đát của Giêrusalem và hoàn cảnh đáng thương của một số người Do Thái ở lại trong thành, Nơkhêmia đã tan nát cõi lòng. Ông đã ăn chay vì lợi ích của những người đồng bào Ítraen và chuyển cầu trước Chúa cho thành (x. Nkm 1,4-11). Trong lời cầu nguyện của ông, ông đã thú nhận tội lỗi của chính mình cũng như tội lỗi của dân tộc ông. Ông đã hiệp nhất lời cầu nguyện của ông với tất cả các tôi tớ Chúa và nhắc lại các lời hứa của Người. Cuối cùng, ông đã cầu xin Chúa ban cho ông được đẹp lòng vua Babylon để ông được phép trở về Giêrusalem và xây dựng lại thành. Khi về đến Giêrusalem, Nơkhêmia phải đối diện với nghịch cảnh ghê gớm. Tuy vậy, lòng nhiệt thành với dân, cùng với ơn huệ của lời nguyện chuyển cầu, đã dọn đường cho Thiên Chúa dùng ông cách hiệu quả trong việc phục hồi dân tộc Do Thái.
Khabacúc: Mang Lấy “Gánh Nặng”. Mặc dù chỉ dài ba chương, sách Khabacúc trình bày một chân dung rõ ràng tuyệt vời về người đã học cách cầu thay nguyện giúp. Cuốn sách đủ ngắn để đọc trong một lần, có lẽ là cách tốt nhất để hiểu được lời nguyện chuyển cầu của Khabacúc. Chúng ta sẽ chỉ tập trung vào một vài đoạn trích giúp bạn có một cái nhìn thoáng về lòng nhiệt thành của Khabacúc trong việc tìm kiếm và cầu nguyện theo ý muốn của Thiên Chúa.
“Lời sấm ngôn sứ Khabacúc đã nhận được qua thị kiến” (Kb 1,1)
Ngay câu đầu tiên chỉ ra rằng một người chuyển cầu là người mang lấy một gánh nặng vượt quá những nhu cầu và ý định riêng của chính mình. Khabacúc sống giữa cuối thế kỷ thứ bảy và đầu thế kỷ thứ sáu trước Chúa Kitô (trước Công Nguyên), thời kỳ suy thoái tinh thần, đạo đức và chính trị của Giêrusalem. Vị ngôn sứ vị bị tổn thương sâu sắc trong ý thức bởi bạo lực và sự áp bức bao vây ông – những người Ítraen đồng bào của ông dường như hoàn toàn coi thường Chúa và các giới răn của Người. Trong sự đau đớn về hoàn cảnh của dân, Khabacúc đã kêu cầu lên Chúa, giãi bày mọi than phiền của mình trước Chúa – chứ không phải trước mặt con người – trong cuộc trò chuyện từ trái tim tới trái tim với Đấng Toàn Năng.
Trong lời cầu nguyện của mình, Khabacúc cảm thấy đủ tự do để phàn nàn với Thiên Chúa, nhưng ông đã cẩn thận không thưa với Người những gì phải làm. Chúng ta thường nhận ra vấn đề và ngay sau đó xin Chúa giải quyết vấn đề theo một cách nào đó như thế nào? Là những người chuyển cầu, Thiên Chúa muốn chúng ta trở nên giống như Khabacúc, người mà sau khi thưa chuyện với Chúa về một vấn đề, thì không chỉ chờ đợi Chúa trả lời, nhưng còn sẵn sàng lắng nghe một câu trả lời mà ông không thích. Thiên Chúa nói Khabacúc rằng thay vì giải cứu Giêrusalem, Người đang vực dậy dân Babylon để thực hiện phán quyết của Người trên dân:
“Này Ta khiến cho dân Canđê nổi lên, một dân hung hăng tàn bạo; nó rảo khắp miền đất rộng mênh mông để chiếm đoạt nhà cửa không phải của mình. Nó thật là đáng kinh đáng sợ nó dùng sức mạnh mà áp đặt công lý và oai phong. Ngựa chiến của nó chạy nhanh hơn loài báo, chúng nhanh nhẹn hơn sói ban chiều; kỵ mã của nó từ xa phóng tới, bay nhanh như phượng hoàng lao xuống bắt mồi. Chúng kéo đến cùng nhau cướp phá, mặt hầm hầm như thể gió đông, gom tù binh tựa hồ đống cát. Đám dân ấy chế nhạo các vua, biến các thủ lãnh nên trò cười. Nó coi thường mọi thành trì kiên cố và đắp ụ đánh chiếm các thành. Bấy giờ, tựa như cơn gió, nó ùa đến và bay đi. Tội của nó là coi sức mạnh của mình như thần như thánh” (Kb 1,6-11).
Ngạc nhiên, Khabacúc lại thốt ra lời phàn nàn thứ hai với Chúa. Ông thừa nhận rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa thánh thiện và vĩnh cửu, Người có mọi quyền để hành động như Người phán. Sau đó, ông đảm nhận vai trò cầu nguyện và dõi theo cho đến khi ông nghe được câu trả lời. Giống như một người lính khiêm nhường và kiên trì, ông sẵn sàng chiến đấu trong cầu nguyện, chìm sâu vào đêm tối, nếu cần, để nhận được câu trả lời của Chúa.
“Tôi sẽ ra đứng ở chòi canh, đứng gác trên tường lũy canh chừng xem Người nói với tôi điều gì và đáp lại nỗi bất bình của tôi ra sao!” (Kb 2,1).
Sự Hợp Nhất của Ý Chí. Khabacúc đã chờ đợi cách kiên nhẫn, và cuối cùng đã nhận được câu trả lời. Thiên Chúa không chỉ trả lời những câu hỏi của ông, Người còn truyền cho ngôn sứ viết lại mặc khải và công bố cho mọi người biết. Bởi vì đã chuyển cầu bằng sự chờ đợi Chúa cách khiêm nhường, Khabacúc đã trở thành một người cha tinh thần cho dân Giêrusalem, đưa ra những lời tiên tri cảnh cáo và khuyến khích con cái Thiên Chúa. Câu trả lời Khabacúc đã nhận được là gì?
“Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục, còn người công chính thì sẽ được sống, nhờ lòng thành tín của mình” (Kb 2,4).
Khabacúc hiểu rằng dân của ông sắp trải qua thảm họa về sự chiếm đóng của kẻ thù, sự phá hủy đền thờ và cảnh lưu đày. Ông nhận ra rằng Thiên Chúa sắp đưa dân của Người vào trong một cảnh quá đau thương đến nỗi họ không thể suy nghĩ, thao túng hoặc hách dịch để thoát khỏi đó. Họ sẽ khiêm nhường đến mức mà nguồn mạch duy nhất của họ chính là lòng tin – sự tín thác vào Thiên Chúa và sự vâng phục các mệnh lệnh của Người mà họ đã từ bỏ. Họ sẽ học ra rằng Giavê, Thiên Chúa của họ, luôn luôn gần gũi với nhưng ai kêu cầu Người. Họ sẽ học ra rằng, ngay cả giữa những phán quyết của mình, Thiên Chúa luôn làm tất cả những điều tốt đẹp cho những ai yêu mến Người (x. Rm 8,28; Dt 12,5-11).
Chia Sẻ Sự Đau Khổ và Niềm Hy Vọng của Thiên Chúa. Những người đón nhận lời kêu gọi cầu nguyện chuyển cầu sẽ học ra rằng những đau khổ của thời điểm hiện tại không thể so sánh với niềm vui sẽ đến khi các mục đích của Thiên Chúa được biểu lộ. Họ học biết tín thác vào Chúa bởi vì trong lời cầu nguyện của mình họ đã trải nghiệm Thiên Chúa từ bi vô cùng vô tận như thế nào – Người là kẻ đau khổ nhất trong vũ trụ này! Những người chuyển cầu đạt được sự hiểu biết sâu sắc đặc biệt vào kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa để nâng nhân loại lên chia sẻ vào sự sống thần linh. Sự hiểu biết sâu sắc này thôi thúc họ tham gia vào một loại cuộc chiến thiêng liêng chống lại các thế lực đang tìm cách hủy diệt các kế hoạch của Thiên Chúa.
Chương cuối cùng trong cuốn sách Khabacúc cho chúng ta một cái nhìn thoáng vào tâm hồn của người chuyển cầu – cả trong lời cầu nguyện xin ơn tuôn đổ mạnh mẽ và trong sự từ bỏ và tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy lấy lời cầu nguyện của Khabacúc làm của riêng mình khi chúng ta chuyển cầu cho nhiều nhu cầu của Giáo Hội và thế giới:
“Lạy Đức Chúa, con đã nghe truyền tụng về Ngài, công trình Ngài, lạy Đức Chúa, lòng con kính sợ! Qua mọi thời, xin cho tái diễn công trình ấy. Qua mọi thời, xin làm cho thiên hạ được tường! Trong cơn thịnh nộ, xin Ngài nhớ xót thương.” (Kb 3,2, NIV)