Cuộc đời ký sinh hay …

0

Tuổi trẻ luôn mơ ước và ôm ấp những hoài bão tương lai, thế nhưng vẫn không tránh khỏi những băn khoăn lo lắng trong hiện tại. Chợt thấy mình lớn, chẳng ai  lại không một lần thao thức mình sẽ làm gì mai sau ? sẽ sống thế nào, hay sẽ thành gì ? Từ đó tuơng lai như vén lên với biết bao ngỡ ngàng: Thành cầu thủ nhà nghề, một ca sĩ chuyên nghiệp, một Bác sĩ, hay nha sĩ, một văn sĩ v.v.. Thế nhưng, nếu suy nghĩ cho kỹ, chợt ta ngộ ra rằng điều quan trọng lại không nằm ở đấy, song hệ tại ở cái lý lẽ ta chọn. Không thiếu người nhận ra rằng đằng sau cái nghiệp vụ họ chọn sống, lại phản ảnh cả một sự thật đau buồn : ‘Cuộc đời chẳng có ý nghĩa gì hết, trừ vẻ phức tạp của nó” như Somerset miêu tả trong tác phẩm ‘thân phận làm người’.

Có những chọn lựa như thể do ngẫu nhiên, như thể ‘Hòn đá rớt xuống cành mai, rụng cánh hoa mai gầy’.

Tuy nhiên, giữa những chọn lựa của con người, ít nhất có một chọn lựa mà không thể đến từ sự ‘dun dủi’, từ ‘mặc chăng hay chớ’ Chọn để là một Tu sĩ hay linh mục hẳn không thể do may mắn, bởi lẽ tính chất rất ‘khác thuờng’ của nó. Quả thế, so với dân số thế giới, mấy ai là linh mục, tu sĩ đâu. Giữa các tín hữu, linh mục, tu sĩ chẳng đuợc đến một nửa. Chọn một lối sống không phải của đa số hẳn nhiên không thể không suy nghĩ. Chẳng lạ gì Don Bosco đã phải dùng mình khi nghĩ đến mình sẽ phải gắn bó suốt đời với bậc sống đó. Don  Rua Đấng kế vị đầu tiên của Don Bosco cũng không phải là luật trừ. Ngài đã phải thức cả đêm để cầu nguyện trước khi bước vào đời sống linh mục.

Ấy thế mà trước mặt nhiều người, đời sống ấy duờng như chẳng giúp ích cho xã hội : Ăn xong rồi lại đóng mình trong 4 bức tường, chằng làm gì cho những người chung quanh. Không thiếu kẻ nghĩ đời sống ấy dành cho những kẻ uơn lười, không dám phấn đấu trong xã hội. Họ nghĩ, tu sĩ linh mục không hơn một kẻ ăn bám, một thứ ký sinh trùng của nhân loại. Nghĩ suy đó đúng hay không, tôi không muốn mất giờ tranh luận. Tôi chỉ minh hoạ câu giải đáp bằng một giai thoại nhỏ sau.

Một ngày kia, một người giàu kếch xù nhìn thấy Mẹ Têrêsa Calcutta săn sóc một bệnh nhân, liền hỏi xem người ta trả cho bà bao nhiêu. Bà ôn tồn trả lời : Cho dù có trả cho tôi đến một triệu đô-la tôi cũngchẳng làm. Phải chăng đó là khuôn mẫu sống như ký sinh trùng của nhân loại ? Hay chính người thích thủ lợi trên những đau khổ và nghèo túng của người khác mới đúng là ký sinh trùng ?

Vậy lý lẽ gì ần sâu dưới bề mặt của một cuộc sống ‘không giống ai’. Tôi muốn tìm câu trả lời của một giai thoại khác cũng của Mẹ Têrêsa thành Calcutta.

“Ở Úc có một người thổ dân Aborigines từng sống trong hoàn cảnh thật đau thương. Ông là đấng bậc cao niên, nhưng vẫn sống trong túp lều xiêu vẹo. Tôi đến thăm ông và bắt chuyện :

– Hãy để tôi dọn dẹp đồ đạc và quét dọn cho sạch căn nhà  này giùm ông.

Ông trả lời cách hững hờ :

Tôi quen sống vậy rồi, không cần thế đâu.

Nhưng tôi nghĩ, ông sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, nếu nhà mình sạch sẽ ngăn nắp hơn chứ ?

Sau cùng, ông bằng lòng để tôi dọn dẹp lại cho ông. Khi quét dọn, tôi phát hiện ra cây đèn cũ, tuy rất đẹp, nhưng phủ đầy bụi bặm, bò hóng. Tôi mới hỏi :

– Có khi nào ông thắp cây đèn này lên không ?

Ông trả lời với vẻ bất cần đời:

– Thắp đèn để làm gì ?  Có ai thèm bước vào túp lều này đâu mà thắp nó ? Đã lâu, tôi đã  quen sống như thế rồi.

Tôi hỏi tiếp :

– Nếu Nữ tu của tôi thuờng xuyên đến thăm ông, ông có vui lòng để họ thắp đèn lên không ?

– Dĩ nhiên rồi, ai mà chẳng thích như thế.

Từ ngày đó các nữ tu quyết định mỗi chiều sẽ ghé thăm nhà ông. Và cũng từ đó ông bắt đầu thắp đèn lên và dọn dẹp nhà cửa, trông sạch sẽ hơn. Ông còn sống thêm hai năm nữa mới qua đời. Trước khi chết, ông có nhờ các nữ tu nhắn với tôi rằng : ‘Xin nhắn với Mẹ Têrêsa, người bạn yêu quí của tôi rằng : ‘Ngọn đèn mà bà thắp lên trong đời tôi vẫn còn chiếu sáng đấy. Dù chỉ là một việc nhỏ, nhưng trong bóng đêm cô đơn của đời tôi đã bừng lên một tia sáng hy vọng vào giờ cuối. Và nó sẽ còn tiếp tục chiếu sáng mãi’.

Đời Tu chẳng thể là một đời hy sinh. Nó là một đời  tự nguyện để phục vụ, bất chấp những khước từ ban đầu. Đó là một lối sống mang đến những hiệu quả không ngờ, vuợt qua mọi thứ kiểm chứng của khoa học. Nó vuợt xa vùng phủ sóng của kỹ thuật ‘hi-tech’. Đó là thứ hiệu quả của thứ ‘tình yêu lớn nhất’. Nếu có cuộc đời khởi sự từ lợi nhuận, thì cũng có cuộc đời khởi sự từ tình bạn, từ một tình yêu rất mới. Mà lợi nhuận thì sẽ biến tan y như tiền bạc và danh vọng đuợc sang tay cho kẻ khác. Nhưng tình yêu sẽ còn mãi, không hề mai một, song tăng trưởng liên tục. Và đời tu là tình yêu như vậy đó. Nó là cuộc đời khởi từ tình bạn mật thiết với Đức Kitô hằng sống. Nó là một cuộc đời được hứng khởi từ tình yêu đối với những con người vốn là bạn thân thiết của Đức Giêsu. Mà tôi tin chắc đó quả cuộc đời đáng chọn, đáng cho ta sống.

Văn Am SDB 

Comments are closed.

phone-icon