Sư phạm môi trường

0

Đại đế Armenia sở hữu một cây hoa hồng thật quí giá, vì có lời tiên tri rằng khi nào cây hoa hồng  này trổ hoa, thì người chủ của nó sẽ trẻ mãi và bất tử.

Mỗi buổi sáng Hoàng đế đều cúi mình xăm soi xem có chồi non nào nhú ra không, nhưng tuyệt nhiên không có. Và thế là mỗi mùa xuân Hoàng đế lại thay người làm vườn và bỏ từ người làm vườn trước đó. Mười hai mùa xuân qua đi, mười hai người làm vườn trong tù. Người làm vườn mùa xuân năm thứ mười ba là một chàng trai trẻ, cường tráng, hiền lành và rất tự tin.

Ngày đầu làm vườn chàng tỉ mỉ quan sát khu vườn rộng được bao bọc bởi hàng rào kiên cố. Không có một cọng cỏ, không một tiếng chim. Giữa mảnh đất màu mỡ, duy nhất cành hồng vươn lên khô khẳng. Thế là chàng bắt đầu vào việc đào bới xung quanh gốc hồng, tưới nước và cắm vào đó nhiều cành cây khô. Ngày đêm chàng ở gần bên gốc hồng che chắn nó trước gió mạnh và sâu nấm, thì thàm nói chuyện với nó lâu giờ, dịu dàng ve vuốt cái cành khẳng khiu. Mùa đông đến, chàng phủ lên gốc hồng đám rạ mềm. Có thể nói chàng sống và hít thở cùng gốc hồng.

Khi mùa xuân vừa chớm, những mầm cây xanh mướt nẩy nở từ những gốc cây khô đã được cắm xuống, và cành hồng cũng đua chen nhú mầm. Những chiếc lá to dần, đầy sức sống. Chim chóc kéo về ríu rít hót.. Thời gian ngắn sau đó cả khu vườn bừng nở  với những bông hoa đầy mầu sắc, thơm lừng. Chàng trai làm vườn hồng dõi theo gốc hồng kỹ lưỡng, từng centimet. Và đây một nụ hồng chúm chím xuất hiện, từ từ mở ra những cành hồng e ấp vào buổi mai đẫm sương …

Câu chuyện tiếp tục với tiếng reo của Đại đế ‘Ta bất tử, hahaha…’ và phần thưởng cho chàng trai, nhưng chúng ta dừng lại ở đây để khám phá bí quyết làm  cho cây hồng nở hoa.

Bí quyết của người làm vườn thứ mười ba.

‘Cái khác’ làm nên thành công của chàng trai làm vườn thứ mười ba không hệ tại ở việc chăm sóc nhiều chất tốt cho cây, hay giữ nó cách xa mọi mối nguy, nhưng là đặt nó vào một ‘môi trường’. Thực sự hữu lý khi chàng trai tạo thêm chất lượng tự nhiên cho khu vườn bởi những cây khô cắm vào. Việc chăm sóc được nâng lên hàng nghệ thuật với những cái vuốt ve, những lời thì thầm và những quan tâm nâng niu, tạo nên mối tương quan thân thiện giữa các hiện hữu trong môi trường.

Như thế, bí quyết thành công của người làm vườn thứ mười ba là chính khả năng tạo nên một môi trường, biết làm tăng thêm chất lượng cho những mối tương quan trong môi trường sống, bởi lẽ, ‘sống là tương quan’.

Nếu cỏ cây vô hồn sống còn ‘cần có nhau’ thì huống hồ gì là con người, vốn được sinh ra để cùng chung sống’….

Sư phạm môi trường.

Trong nền giáo dục hiện nay, người ta bắt đầu quan tâm tới môi trường như yếu tố quyết định cho thành công giáo dục. Thế mà cách đây gần hai thế kỷ, Don Bosco nhà giáo dục đại tài, đã ý thức được tầm quan trọng của yếu tố môi trường trong việc giáo dục. Như một người lăn xả vào  hoạt động giáo dục trong xã hội thời hậu chiến của nước Ý vào những năm cuối thế kỷ 19, Don Bosco thu nhận những thanh thiếu niên nghèo khổ, mồ côi, vô gia cư vào nhà của Ngài, với mục đích nhằm giáo dục các em thành những công  dân lương thiện cho xã hội và ‘Kitô hữu tốt’ cho Giáo Hội. Don Bosco khẳng định ‘Ngài muốn tạo lập một gia đình chứ không phải nhà trọ’. Chính định hướng này đã thúc đẩy Ngài  vun trồng một bầu khí gia đình trong lưu xá.

Trong phương pháp giáo dục của Don Bosco, môi trường không nhắm đến điều kiện sống, nhưng nói đến ‘cái âm vang’ hay bầu khí được kiến tạo, ngang qua một hệ thống nhân sự gồm nhiều con người thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau. Sự đa dạng các thế hệ giống như một ‘hệ sinh thái’ của rừng nguyên sinh, trong đó, người lớn như những cây to vững chãi làm chỗ dựa cho những cây nhỏ hơn, đồng thời nó cũng nhận sự tươi mát từ khả năng giữ ẩm của tầng lá mục. Tựu trung đó là tương tác qua lại giữa các thế hệ, tất cả đều nhằm tới mục đích giáo dục người trẻ, giúp các em lớn lên cách vững chãi nhờ những hướng dẫn và học hỏi lẫn nhau giữa nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng môi trường giáo dục không chỉ là sự chung sống, nhưng còn là phòng thí nghiệm về sư phạm, Don Bosco đã kiến tạo lưu xá của Ngài thành một môi trường giàu giá trị nhân bản, văn hóa và Kito giáo, khích kệ các trẻ hướng đến điều thiện, làm tăng gia niềm vui,, đầy gia đình tính và sự hiệp thông trong khả năng đón nhận lẫn nhau. Bên cạnh đó, bầu khi gia đình còn được hòa trộn bởi bầu khí linh thánh của sự hiện diện của một Thiên Chúa, giúp các em hướng thượng, vươn tới tầm mức cao của các giá trị nhân bản, đúng như phẩm giá cao cả của con người.

Sống trong môi trường tốt đẹp này, người trẻ bị chất vấn bởi những ‘lấn cấn’ bên trong bản thân để điều chỉnh lại chính mình, để lớn lên nhờ kinh nghiệm chung sống và trải nghiệm về hạnh phúc được ở với nhau ngang qua những mối tương quan tốt đẹp.

Có cần không một môi trường sư phạm trong gia đình ?

Quan tâm đến tính  sư phạm của môi trường, nhà giáo dục giải quyết được khó khăn nghiêm trọng người trẻ đang gặp phải, đó là cảm giác bị bỏ mặc, không có người hướng dẫn để khích lệ và nâng đỡ không có những người lớn dám bỏ ‘thời gian’ để sống với các em. Bởi chính bầu khí im lặng, dửng dưng trong gia đình đã làm cho tính hung hăng của các em ngày càng gia tăng.

Hiện  trạng phức tạp của xã hội hiện nay, trong đó người trẻ đang gặp nhiều khủng hoảng về gia đình, số trẻ em đường phố, thiếu niên phạm pháp gia tăng, bộc lộ nhu cầu lớn lao về khoa sư phạm môi trường, nơi đó người trẻ cảm nghiệm được tinh thần gia đình đúng nghĩa.

Khoa sư phạm môi trường mời gọi ta quan tâm đến một số nguyên tắc sau :

Sự đồng qui của các giá trị. Trong thực tế, chúng ta bắt gặp một sự phân tán các quy chuẩn về nấc thang giá trị giữa gia đình, xã hội và tôn giáo. Chẳng hạn ta khổ công dậy con cái về ‘tiên học lễ, hậu học văn’ thì trẻ sửa lại theo như những gì chúng trải nghiệm, đó là ‘tiên học phí, hậu học văn’ và còn nhiều những câu phát biểu ‘xanh  rờn’ của một số người tạo scandal trong giới showbiz, những lèo lái của truyền thông khiến cho người trẻ chao đảo giữa những giá trị thật và ảo. Vì thế cộng đoàn những nhà giáo dục cần lưu tâm đến tính thống nhất  trong những nấc thang giá trị này.

Thống nhất trong mục tiêu giáo dục, vì lợi ích của con trẻ. Trong khoa sư phạm môi trường, sự hiện diện của từng thành viên đều góp phần vào việc hình thành nhân cách của trẻ. Do đó, dù chỉ là người bán  căng tin, anh lao công, hay thày cô, cha mẹ … đều phải thấu hiểu một cách rõ ràng về đường hướng, phương pháp, nhất là mục tiêu muốn đạt đến, để có thể tập trung mọi nguồn lực giúp các em phát triển và hoàn thiện bản thân cách tốt nhất. Don Bosco đã khôn ngoan dùng hình ảnh tổ chức của loài ong để phát biểu về nguyên tắc này : Mỗi con ong được phân công rõ ràng và hoàn thành nhiệm vụ của mình cách ‘chuyên nghiệp’ và trách nhiệm nhất.

Gương sáng và sự hiện diện nâng đỡ, hướng dẫn của những người lớn. Hành trình nên người của các  thanh thiếu niên đang còn trong giai đoạn hình thành, rất cần sự nâng đỡ người lớn nhiều kinh nghiệm. Tuy đôi khi các em có những phản ứng như những cây non uốn mình vùng vẫy trước cái cọc người làm vườn cột vào để uốn thẳng nó, vì thế các nhà giáo dục được mời để làm cho cuộc sống mình trở nên nhất quán giữa điều mình giảng dạy và cách sống, như minh họa cho  điều có thể vươn tới mục tiêu cho các em. Đồng thời họ hãy dám đưa tay dẫn con em mình tiến về phía trước với con tim hy vọng.

Gia tăng chất lượng cuộc sống. Không phải với những món quà hàng hiệu hay vật chất, nhưng với gia vị  nồng ấm của tình gia đình, tình người, như tình thương mến, lòng nhân ái, niềm tin tưởng, tín nhiệm, niềm vui và sự tha thứ.

 Coi chừng có một ngọn lửa đang lụi tàn.

Khoa sư phạm  môi trường là một mô hình hấp dẫn và là sự can thiệp giáo dục hiệuquả, nhưng nó cũng luôn là thách đố lớn  cho những ai dấn thân vì lợi ích của thế hệ tương lai.

‘Có 6 người kia đi lạc trong đêm lạnh lẽo của vùng biển hoang phía bắc. Trên tay mỗi người cầm một thanh củi. Họ quần tụ chung quanh đống lửa nhỏ đang dần tàn vì thiếu nhiên liệu. Cơn giá lạnh ngày càng trở nên không thể chịu nổi.

Người thứ nhất trong nhóm là người phụ nữ, trong ánh lửa nhóe lên, bà ta thấy bên cạnh là khuôn mặt một phụ nữ da màu. Giữ chặt thanh củi, bà ta nghĩ vì sao lại phải hoang phí thanh củi của mình để sưởi ấm cho con người đến để giành giật miếng ăn và công việc của mình. ?

Người thứ hai nhìn thấy bên cạnh mình là người không cùng đảng phái. Không và sẽ không bao giờ ông chịu tiêu hao thanh củi cho phe  đối lập.

Người thứ ba mặc bộ đồ rách nát, lão cố dấu kỹ thanh củi vào chiếc áo khoác xỉn mầu với ý nghĩ ‘tại sao mình lại phải  dùng cành củi của mình cho lão nhà giàu lười nhác thế nhỉ ?

Còn lão nhà giàu ngồi tính toán về những bất động sản, những chiếc xe hơi, số tiền kếch xù trong nhà băng ‘Chà, lão nghĩ bao công khó mình mới có khối tài sản ấy. Mình phải giữ lấy thanh củi bằng mọi giá để còn có cơ hội trở về nữa chứ ?’

Dưới đốm lửa tàn, khuôn mặt một đàn bà da màu thoáng hằn lên nét trả thù. Nắm chặt thanh củi bà nhớ lại sự khinh thị của những người da trắng, không khi nào bà đốt cháy thanh củi. Đây là lúc phải trả thù.

Người cuối cùng trong nhóm là một kẻ hẹp hòi và dửng dưng. Anh ta chẳng đụng tay vào việc gì nếu không có lợi cho bản thân. Châm ngôn của anh là ‘chỉ cho những ai đã cho anh trước’. Thế thì cớ gì phải mất đi thanh củi này ?

Cứ thế, cả 6 người ngồi im bất động, họ chết cóng đang khi ôm chặt thanh củi trong lòng. Họ đã không chết vì cái lạnh bên ngoài, nhưng đã chết vì sự lạnh lẽo bên trong cõi lòng’.

Đây không là một giả thiết mà có thể là thực trạng đang xảy ra  trong môi trường giáo dục của bạn. Là nhà giáo dục, bạn chọn lối cư xử nào ?

Ngọc Yến, FMA

Comments are closed.

phone-icon