Chúng ta sẽ làm gì khi cầm trong tay sách Thánh Vịnh? Chúng ta sẽ đọc. Nhưng, trả lời như thế vẫn chưa hoàn toàn đúng với thực tế ; bởi lẽ, chúng ta đã không đọc các Thánh Vịnh như các bản văn Kinh Thánh khác. Thực vậy, hằng ngày, chúng ta còn “đọc” các Thánh Vịnh như một lời nguyện ngỏ với Thiên Chúa ; ngoài ra, chúng ta không chỉ đọc Thánh Vịnh một cách bình thường, nhưng còn hát theo một cung điệu hay đọc cao giọng nữa ! Hơn thế nữa, theo sự sắp xếp của sách Các Giờ Kinh Phụng Vụ, chúng ta còn đọc đi đọc lại theo một chu kỳ nhất định, đến độ thuộc lòng một cách tự nhiên.
“Đọc thuộc lòng”, chúng ta hãy tạm bỏ qua ý nghĩa không hay của hành vi này, diễn tả điều tôi đang đọc không thuộc về tôi và tôi tỏ lòng kính trọng ; ngoài ra, “đọc thuộc lòng” còn muốn nói rằng tôi nhận làm của mình một cách nội tâm điều tôi đọc. “Đọc” Thánh Vịnh được hiểu như trên, có nghĩa là chính mình trở thành thời sự của một sứ điệp vốn không có nguồn gốc nơi chúng ta. Nói cách khác, “đọc” Thánh Vịnh là một hành vi được đảm nhận bởi những “diễn viên” ; “diễn viên” là những người diễn tả vai trò của một người khác.
Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mặc lấy Đức Chúa Giêsu-Kitô”(Rm 13, 14), như mặc lấy chiếc áo. “Chiếc Áo Giê-su” vốn không phải là chính chúng ta, nhưng là quà tặng tuyệt vời mà Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta. Như khi chúng ta nhận được chiếc áo mơ ước (chẳng hạn áo dòng), chúng ta mặc vào, chiếc áo đã không phải là của chúng ta, nhưng nay là thành phần làm nên chúng ta, là một với chúng ta suốt đời.
Cũng vậy, đối với những lời nguyện của các Thánh Vịnh, một khi chúng ta đặt mình vào chủ thể của lời nguyện TV, chúng ta như mặc lấy “Chiếc Áo Thánh Vịnh”. Thế mà, ĐKT đã trở nên một với lời nguyện Thánh Vịnh. Vì thế, khi chúng ta “mặc lấy”lời nguyện Thánh Vịnh, chúng ta sẽ “mặc lấy” chính Đức Ki-tô. Hiển nhiên, “Mặc lấy Đức Kitô” không nhất thiết đòi hỏi chúng ta phải mang vào mình “Chiếc Áo Thánh Vịnh”. Tuy nhiên, Truyền Thống Giáo Hội dạy và làm chứng rằng, để mặc lấy Đức Kitô, Thánh Vịnh là một “linh đạo” thích hợp nhất.
* * *
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu phục sinh nói : “Phải được hoàn tất tất cả những gì đã được viết về Thầy trong Luật Mô-sê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh” (Lc 24, 44). Như thế, Đức Giêsu mặc lấy toàn bộ Sách Thánh và khi chúng ta nói về tương quan mà Đức Giêsu đã có đối với các Thánh Vịnh, thì đó là các Thánh Vịnh được hiểu như một thành phần chính yếu của tổng thể Sách Thánh.
Vị trí của các Thánh Vịnh được xác định bởi một đặc điểm rất rõ: khi mà Luật và các Ngôn Sứ nói “Ngươi” với con người, các Thánh Vịnh nói “Con” với Thiên Chúa. Như thế, các Thánh Vịnh chỉ ra vị trí của người đọc hay hát, vốn đã là vị trí của Đức Giêsu. Ngoài ra, theo thánh Luca, các Thánh Vịnh còn được nêu ở vị trí thứ ba trong danh sách các bản văn lớn của Kinh Thánh, sau Luật và các Ngôn Sứ. Điều này có nghĩa là các Thánh Vịnh là những thành phần không thể thiếu để hiểu vận mệnh và căn tính của Đức Giêsu-Kitô[1].
1. Đức Kitô hát Thánh Vịnh
Chính Đức Giêsu đã đọc Thánh Vịnh : “Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát” (Lc 4, 16). Những chỉ dẫn như thế này có khá nhiều trong các Tin Mừng và làm cho chúng ta hiểu rằng, nếu Đức Giêsu thuần thục với những thực hành tôn giáo của dân tộc Ngài, thì lời nguyện Thánh Vịnh phải là lời nguyện của Ngài.
Ngoài ra, một chỉ dẫn khác đến từ bản văn của chính Tân Ước : tất cả các tác giả Tân Ước đều tỏ ra rất gần gũi với các bản văn Cựu Ước đến độ họ sử dụng như tiếng mẹ đẻ. Họ thường xuyên dùng lại các câu của Sách Thánh, và đặc biệt với một lượng lớn phát xuất từ sách Thánh Vịnh, và thường không cho người đọc biết mình đã trích dẫn, vì họ trích dẫn Kinh Thánh một cách tự nhiên và rất thích hợp đến độ chẳng cần suy nghĩ. Vậy, nếu các tác giả Tân Ước mang trong mình đầy tràn các bản văn của Sách Thánh và và đặc biệt của sách Thánh Vịnh, thì thật là phi lý khi nghĩ rằng, về phương diện này, Đức Giêsu đã thua kém họ !
Ở trên là những dẫn chứng gián tiếp. Nhưng chúng ta cũng có những khẳng định trực tiếp. Thật vậy, theo các tác giả Tin Mừng, chính Đức Giêsu đã đọc Thánh Vịnh. Chẳng hạn, trước cuộc Thương Khó, Đức Giêsu đã cùng với các môn đệ cử hành nghi thức lễ Vượt Qua trong bữa Tiệc Ly, và nghi thức này bao gồm việc hát Thánh Vịnh : “Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ ra núi Ô-liu” (Mt 26, 30). Trên thập giá, Đức Giêsu kêu lên: “Eli, Eli, lemâh sabachthani” (Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?), và đó là câu đầu tiên của Tv 22 (Mc 15, 34). Sau biến cố phục sinh, Đức Giêsu tỏ mình ra cho nhóm Mười Một và nói với họ rằng Ngài đã hoàn tất Luật, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh (Lc 24, 44) ; chúng ta đã trích dẫn câu này ở trên. Theo thánh Matthêu, câu nói đầu tiên của Đức Giêsu phục sinh dành cho hai bà đều mang tên Maria, là một câu nói có nguồn từ một Thánh Vịnh: “Hãy đi loan báo cho các anh em của Thầy…” (Mt 28, 10). Đó chính là Tv 22, trong đó lời kêu than “tại sao Ngài đã bỏ rơi con?” được chuyển thành lời ca tụng khởi đi từ câu 23: “Và con công bố danh Ngài trước mặt anh em của con”. Trường hợp sau cùng này là một ví dụ về sự kiện các Thánh Vịnh tràn ngập trong các Tin Mừng và trên môi của Đức Giêsu, nhưng lại không được nêu ra như là nguồn.
Như thế, có một tương quan gần gũi và phong phú giữa các Thánh Vịnh và ngôi vị của Đức Giêsu. Nhưng vấn đề là phải hiểu được điều hiện diện ở bên trong mối tương quan này, và chúng ta sẽ khám ra rằng điều mà mối tương quan này bày tỏ cho chúng ta, là điều thiết yếu. Thực vậy, mối tương quan của Đức Giêsu với các Thánh Vịnh trình bày cho chúng ta một hiểu biết về Đức Kitô ở mức độ nền tảng[2]. Một sự hiểu biết có thể được so sánh với chính sự hiểu biết mà thánh Phaolô đã có kinh nghiệm thiết thân : “Tôi coi mọi sự là thua thiệt, đối với điều tốt đẹp tối thượng, là hiểu biết Đức Kitô Giêsu, Đức Chúa của tôi” (Phl 3, 8). Thế nhưng, nếu chúng ta có thể hiểu biết Đức Kitô qua các Thánh Vịnh, thì chúng ta phải thú nhận rằng điều này thật là lạ lùng và nghịch lý; bởi lẽ chúng ta biết một người qua điều vốn không đến từ người này. Tìm được trong Sách Thánh Cựu Ước bầu khí của cuộc đời Đức Kitô và những dấu ấn sẽ đi qua cuộc đời của Ngài, đó đã là điều rất đáng kể, nhưng xét cho cùng vẫn không chắc chắn và vẫn bất ổn. Đó chưa phải là đá tảng cho sự hiểu biết Đức Giêsu-Kitô. Điều chúng ta sẽ khám phá ra thì tận căn hơn nhiều.
2. Ý muốn của Chúa Cha về Đức Kitô.
a. Kinh Thánh được hoàn tất
Đức Giêsu-Kitô tự coi mình như người thực hiện ý muốn của một Đấng Khác, nghĩa là như người vâng phục. Vì thế, chúng ta được mời gọi đi tìm kiếm, phỏng đoán, khôi phục lại những cách thức qua đó Ngài đã nhận ra điều mà Ngài gọi là ý muốn của Cha Ngài. Trong cuộc tìm kiếm này, chúng ta có được một điều rất chắc chắn, đó là các chứng nhân, khi loan báo Đức Kitô trong Tân Ước, tất cả đều nói rằng ý muốn của Chúa Cha về Đức Giêsu được ghi khắc trong Kinh Thánh :
Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh. (1Cr 15, 3-4)
Người ta có thể giả định rằng Đức Giêsu đã biết ý muốn của Chúa Cha và con đường mình phải đi chỉ ở trong những lúc Ngài tách riêng ra để cầu nguyện[3]. Nhưng đối với chúng ta, chúng ta có thể biết được ý muốn của Chúa Cha về Đức Giêsu chỉ ngang qua điều đối với Ngài là Sách Thánh, nghĩa là ngang qua Luật, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh. Các Tin Mừng đã chỉ ra cho chúng ta kế hoạch của Thiên Chúa trong Cựu Ước, vốn được viết về Đức Giêsu Kitô; tuy nhiên, công việc này vẫn phải được tiếp tục. Luật, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh vẫn còn được ban tặng cho chúng ta để đồng hành với Tin Mừng, soi sáng Tin Mừng và để hòa tấu với Tin Mừng, hay nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh, để “tôn vinh” Tin Mừng. Chính vì thế, thật là có ý nghĩa khi nói rằng chúng ta biết Đức Kitô bằng cách biết điều không đến từ Ngài, nghĩa là bằng cách biết con đường đã được vạch ra cho Ngài. Ngài đã nhận ra ở đó ý muốn của Cha, Đấng từ đó trọn vẹn ngôi vị của Ngài xuất phát. Con đường này đã không đến “từ Ngài”, nhưng lại là chính “Ngài” !
Tất cả các sách Tin Mừng được viết ra để chứng tỏ cho chúng ta rằng Đức Giêsu hoàn tất một kế hoạch, và nhờ đó Ngài được nhận biết là Đức Kitô. Thế mà, một kế hoạch bao giờ cũng mang một tầm mức rộng lớn, điều này càng đúng khi đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta không được nghĩ rằng Đức Giêsu chỉ hoàn tất một vài câu đơn lẻ, được lọc lựa ở trong Kinh Thánh ; vì suy nghĩ theo kiểu cứng nhắc này, Kinh Thánh sẽ trở nên vô ích hay “cũ rích” để hiểu biết Đức Kitô. Thế mà, chúng ta lại hay rơi vào kiểu suy nghĩ này, bởi vì các tác giả Tin Mừng thường hay trích một câu riêng lẻ của Cựu Ước, để đặt nền tảng cho trình thuật liên quan đến một hành vi của Đức Kitô. Nhưng các tác giả làm như thế, bởi vì một câu Kinh Thánh, đối với họ, gợi ra cả một thế giới, còn đối với chúng ta thì không.
Cách tiến hành của các tác giả Tin Mừng cũng rất lạ lùng và chúng ta có thể thấy rõ điều này trong Tin Mừng Luca, chính xác là trong trình thuật Emmau. Theo trình thuật này, chính Đức Giêsu phục sinh đã “đọc Tin Mừng” cho hai môn đệ: “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các Ngôn Sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 27). Câu này phát biểu hai lần ý tưởng “tất cả”; và cái “tất cả” này chứa đựng một sứ điệp: “Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?” (Lc 24, 26). Và khi hiểu được Kinh Thánh, các môn đệ tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh. Bằng những kinh nghiệm tương tự, nhiều môn đệ khác cũng đã tin bằng con đường đọc lại toàn bộ Sách Thánh. Tuy nhiên, chúng ta thiếu mất một điều, đó là lời giải thích Sách Thánh của chính Đức Giêsu : thánh Luca đã chẳng kể lại gì cả !
Nhưng thật ra chúng ta đâu có thiếu ! Chúng ta hãy đọc lại Tin Mừng Luca: chính tác giả đã chỉ ra trong từng trường hợp những đoạn Kinh Thánh để chứng tỏ rằng sự hoàn tất được thực hiện nơi Đức Giêsu-Kitô. Trình thuật Emmau có thể được coi như một chữ ký cho toàn bộ Tin Mừng Luca hoặc như giấy khai sinh của trình thuật Tin Mừng, được dựa trên Kinh Thánh vốn có trước Tin Mừng. Chính qua con đường Sách Thánh mà các Tin Mừng đã cho cuộc đời của Đức Giêsu một khởi đầu, khởi đầu của Người Con duy nhất, hằng ở trong cung lòng của Cha (Ga 1, 18), và làm cho chúng ta nhận ra rằng Ngài trở về cùng Cha bằng sự dâng hiến chính mình như là các Thánh Vịnh mô tả:
Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật,
nhưng đã mở tai con ;
lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi,
con liền thưa : “Này con xin đến !
Trong sách có lời chép về con
rằng : con thích làm theo thánh ý,
và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.”
(Tv 40, 7-9)
2. Kinh nghiệm “con tim bừng cháy”
Vẫn còn một điều khác nữa trong trình thuật Emmau: “Dọc đường, khi người nói chuyện và cởi mở Kinh Thánh cho chúng ta, con tim chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao ?” (Lc 24, 32). Như thế, kinh nghiệm của các môn đệ, kinh nghiệm về sự tương hợp giữa Đức Giêsu và Sách Thánh mà các Thánh Vịnh là thành phần, không chỉ là một suy luận. Bởi vì hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu, điều này đi ngang qua tầng nền của hữu thể và làm cho sinh động mọi gốc rễ của hữu thể. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Kitô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa. Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài.
Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. “Kế hoạch của Chúa Cha” được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Như thế, sách Thánh Vịnh có hẳn vị trí của mình, bởi vì những con người, vốn nói “Tôi” hay “Con”, đã phải đối đầu với sự sống và sự chết và đã kể lại cuộc thương khó của riêng mình trong các Thánh Vịnh.
Trong các chương trước, chúng ta đã nghiệm ra rằng các Thánh Vịnh đã là tiếng kêu của cả một dân tộc vô danh trong thử thách, trong lúc không còn những kỳ công, trong khủng khoảng tột cùng, trong những lời tố cáo mà kẻ thù bên ngoài và bên trong dành cho những người bất hạnh và những người nghèo của Yahvê. Việc ghi khắc hành trình này nơi cả một dân tộc, đó là công trình của Thánh Linh, được Chúa Cha sai đến trong một dân tộc nhằm qui tụ họ chung quanh Người Con duy nhất. Giữa Chúa Cha và Chúa Con, có công trình của Thánh Linh trong một dân tộc. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi chính mình cuộc vượt qua, không phải của một mình Đức Giêsu, vì Ngài “không một mình” (x. Ga 8, 16.29; 16, 32), nhưng của Đức Giêsu cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh.
Khi chúng ta “đọc” Thánh Vịnh, chúng ta “mặc lấy” Đức Kitô. Nhưng điều đó chỉ có thể được, bởi vì Ngài đã “mặc lấy” chính chúng ta. Biết Đức Kitô bằng cách biết chính chúng ta, đó là con đường duy nhất và không có con đường nào khác. Nhưng, con đường này cũng dẫn đến kinh nghiệm chúng ta hiểu ra chính mình ở chỗ mà chúng ta không muốn biết, thậm chí chê bỏ hay lên án, đến kinh nghiệm hiểu biết chúng ta ở chiều sâu. Đôi khi Thánh Vịnh đối với chúng ta có vẻ ít đẹp so với lý tưởng của chúng ta và hầu như không đủ cao siêu đối với chúng ta[4]. Nhưng khi đặt lời Thánh Vịnh vào miệng của Đức Kitô, chúng ta sẽ hiểu được điều mà thánh Phaolô muốn nói, khi viết: “Ngài đã mang lấy thân xác giống như thân xác của tội” (Rm 8, 3) !
Các Thánh Vịnh không được đọc “một cách đơn thuần” như là dân tộc Do Thái nói trong các Thánh Vịnh, cũng không được đọc “một cách đơn thuần” như là Đức Kitô nói ở trong các Thánh Vịnh, và cũng không được đọc “một cách đơn thuần” như là các Thánh Vịnh nói lên đời sống của riêng tôi, đời sống của cộng đoàn, của Giáo Hội hay của toàn nhân loại. Không có chuyện “một cách đơn thuần”. Các Thánh Vịnh thuộc về cả ba chủ thể chúng ta vừa nêu và có thể được ví như ba “chiếc nhẫn”, chiếc nhẫn này được lồng vào chiếc nhẫn kia, đi từ chiếc nhẫn này vào chiếc nhẫn kia. Khi đọc hay hát Thánh Vịnh, chúng ta có thể thay nhẫn mỗi ngày, và như thế chúng ta thực tập hành trình vượt qua từ chiếc nhẫn này sang chiếc nhân kia một cách thuần thục.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
————-
[1] Như vậy, tương quan mà Đức Kitô có với các Thánh Vịnh vừa cụ thể (nghĩa là Ngài đã hát Thánh Vịnh) và vừa siêu vượt (Đức Kitô hoàn tất Kinh Thánh, mà các Thánh Vịnh là một thành phần cấu thành, qua đó, Ngài bày tỏ căn tính thần linh của mình). Về vấn đề này, tác giả Matthieu Collin nhận định rất đúng khi viết: “Hoàn toàn không phải là chuyện gán Đức Kitô cho các Thánh Vịnh, nhưng đơn giản là nhận ra ý nghĩa sâu sa ẩn dấu trong bề dày của lớp vải Kinh Thánh của các Thánh Vịnh. Theo nghĩa chặt, nếu được thấu hiểu và khai triển trong tất cả sự phong phú Kinh Thánh của nó, thì toàn bộ sách Thánh Vịnh kể lại mầu nhiệm Đức Kitô ở giữa chúng ta” (Matthieu Collin, Le livre des Psaumes, « Cahiers Evangile », No 92, Paris, Editions du Cerf, 19795, tr. 62). Do đó, khái niệm “Ki-tô hóa” các Thánh Vịnh, mà một số tác giả sử dụng, chỉ diễn tả một tương quan ngoại tại giữa các Thánh Vịnh và Đức Kitô (đọc Hoàng Đắc Ánh và Trần Phúc Nhân, Như Hương Trầm. Học hỏi Thánh Vịnh và Thánh Ca Cựu Ước Tân Ước, T.P. Hồ Chí Minh, Tủ Sách Đại Kết, 1992, tr 17-19; và NGUYỄN Thế Thủ, Giờ Kinh Phụng Vụ, T.P. Hồ Chí Minh, 2002, trang 150).
[2] Hiểu biết nền tảng, nghĩa là dựa vào đó chúng ta đưa ra những nhận định về các cách trình bày khác về Đức Kitô, chẳng hạn những suy tư Kitô học đương thời tại các châu lục khác nhau (về vấn đề này có thể đọc Michel Fedou, s.j., Regards asiatiques sur le Christ, Paris, Desclée, 1998), và trên đó chúng ta xây dựng hiểu biết của mình về Đức Kitô.
[3] Đọc Lc 6, 12. Nhưng chúng ta phải nói rằng giả định này có lẽ không hợp lý, bởi vì sẽ làm cho thời gian 30 năm sống ẩn dật của Đức Giêsu hóa ra vô ích và vì giả định này, theo các Tin Mừng, không phù hợp với cách Đức Giêsu hiểu về con đường của mình.
[4] Đó là điều mà một số tác giả gọi là “mặc khải bất toàn”, khi gặp thấy những điều không thật đẹp và không thật cao trong sách Thánh Vịnh (đọc HOÀNG Đắc Ánh và TRẦN Phúc Nhân, Như Hương Trầm. Học hỏi Thánh Vịnh và Thánh Ca Cựu Ước Tân Ước, TP. Hồ Chí Minh, Tủ Sách Đại Kết, 1992, trang 15-16; 157-158).