Mỗi ngôi nhà dù lớn hay nhỏ thì phần nền móng vẫn là phần quan trọng nhất, là yếu tố quyết định sự bền vững và chắc chắn của ngôi nhà. Thật vậy, khi xây dựng nhà, móng nhà mang trong đó nhiều ý nghĩa, không chỉ về mặt kết cấu mà cả về mặt tâm linh. Chủ nhà thường xin lễ cầu bình an, người không tin Chúa thì cúng thổ địa, xem phong thủy…Tất cả đều với một mong muốn cho ngôi nhà được xây lên hoàn hảo, đảm bảo cho một cuộc sống tốt đẹp cho gia chủ.
Ngôi nhà của Hội dòng được Thiên Chúa thiết kế, chọn cho ngày giờ, địa điểm… và xây dựng đến nay đã 63 năm. Bên cạnh ngôi nhà vật chất, Thiên Chúa còn xây dựng cho Hội dòng một ngôi nhà tinh thần mang một giá trị vô giá mà tiền vàng không thể mua được. Chất liệu nền móng của ngôi nhà này không phải là xi măng cốt thép mà chính bằng cuộc sống của những con người đã gắn bó với Hội dòng từ phôi thai, khi thành lập cho đến nay.
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày giỗ vị Bề trên Cả thứ II của Hội Dòng. Xin thắp nén nhang và bao tâm tình biết ơn để ghi nhớ công ơn và cầu nguyện cho Mẹ Agnès Đỗ Thị Tươi (Sâm). Mẹ là người đã góp phần đặt nền móng tinh thần vững chắc cho tòa nhà Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp, trong việc gầy dựng, chuẩn bị và dẫn dắt Hội dòng bước sang một khúc ngoặt mới của lịch sử, bằng tất cả tình yêu, sự hy sinh quên mình cho thế hệ tương lai.
1. Đôi nét về cuộc đời của Mẹ Agnès
– Mẹ Agnès Đỗ Thị Sâm cất tiếng khóc chào đời tại Trung Lễ, Bùi Chu vào ngày 12/6/1905.
– Năm 1925 Mẹ gia nhập Nhà Phước Bùi Chu, cùng với chị em sống một cuộc đời nhiệm nhặt theo Lề luật Nhà Phước.
– Ngày 21/3/1951, Tòa thánh ban phép cho Dòng được cải tổ. Ngày 3 tháng 8 năm 1951, Mẹ vào Nhà Tập và ngày 4 tháng 8 năm 1952 khấn lần đầu tại Nhà Mẹ Bùi Chu.
– Sau khi khấn, Mẹ được chỉ định làm Bề trên Nhà Bùi Chu và phụ trách các em cô nhi tại Nhà “Thương Xót” Bùi Chu.
– Ngày 6 tháng 6 năm 1954, tại Nhà Mẹ Bùi Chu, dưới sự chủ tọa của Đức Giám mục Giáo phận Bùi Chu Phêrô Phạm Ngọc Chi, để bầu Ban Tổng Điều Hành nhiệm kỳ là 6 năm, Mẹ đã đắc cử với chức vụ Tổng Cố vấn II.
– Cuối tháng 6 năm 1954 xảy ra một biến cố lịch sử cho toàn đất nước. Theo quyết định của Đức Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, Mẹ Agnès cùng với Mẹ Bề trên Cả Emilia Nguyễn Thị Sê, đã đưa hầu hết chị em và Nhà Tập di cư vào Nam Việt Nam. Đến Sài Gòn, chị em được chia thành 3 nhóm, một nhóm ở Trung tâm cư trú Biên Hòa (bệnh viện tâm thần); một nhóm ở Mỹ Hảo; một nhóm ở Hàng Xanh do Mẹ phụ trách.
– Sau khi nhà cửa tại trụ sở Nhà Mẹ Tam Hiệp ổn định, Mẹ Agnès và các chị em ở Hàng Xanh – Sài Gòn trở về trụ sở chính năm 1955. Cũng trong năm này, Mẹ Agnès được chỉ định làm Bề trên Nhà huấn luyện chung tại Hố Nai, Biên Hòa của 5 giáo phận di cư là Bùi Chu, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và Lạng Sơn. Đến năm 1958, Hội dòng Đa Minh Việt Nam (Tên thường gọi hiện nay là Hội Dòng Đa Minh Thánh Tâm), được thành lập gồm các chị thuộc ba địa phận Bắc Ninh, Hải Phòng và Thái Bình, trụ sở chính đặt tại Trung tâm huấn luyện chung của 5 địa phận di cư. Chính vì vậy, Hội dòng Đa Minh Bùi Chu (Tam Hiệp) rút nhà Tập về lại Tam Hiệp. Trở về trụ sở nhà Mẹ, Mẹ Agnès được trao công tác làm Giám đốc Đệ Tử.
– Từ năm 1963 đến năm 1966, Mẹ làm Bề trên Tu viện Gò Vấp, Sài Gòn.
– Từ 1966 – 1969, Mẹ lãnh trách nhiệm Bề trên Cả của Hội dòng.
– Từ năm 1969 đến năm 1971, Mẹ Agnès phục vụ tại Tu xá Kiến Thiết – Sài Gòn trong trách vụ Bề trên.
– Năm 1971 đến năm 1980, Mẹ tiếp tục lãnh trách nhiệm làm Bề trên Tu viện Thánh Giuse – Tân Mai.
– Từ năm 1980 – 1986, Mẹ Agnès phục vụ tại Tu viện Thánh Giuse – Tân Mai trong công tác thường nhật như bao chị em khác.
– Từ năm 1986 Mẹ Agnès về nghỉ dưỡng tại Nhà Mẹ Tam Hiệp vì sức khỏe ngày một suy yếu và bị bệnh mất trí nhớ. Sau bao ngày tháng vất vả lao nhọc, Mẹ đã được Chúa gọi về, vào lúc 19g30 ngày 26 tháng 5 năm 1989, hưởng thọ 84 tuổi.
2. Người Mẹ khổ công đặt nền móng cho một cơ đồ
Ngày 6/1/1966, Mẹ đắc cử Bề trên Cả của Hội dòng, Mẹ trở thành người chủ gia đình Hội dòng. Trong những năm giữ vai trò là Mẹ tinh thần cho tất cả chị em, Mẹ đã thể hiện thật rõ những đặc tính của một người Mẹ, đó là sự hiền hòa, bao dung, yêu thương, chăm lo và hy sinh cho con cái. Đồng thời nơi Mẹ cũng thể hiện sự nỗ lực, nhiệt thành và quả cảm trong việc xây dựng nhà Chúa.
Trong nội san Ánh Sáng số 213/2012 Tri ân Mẹ cựu Bề trên Agnès Đỗ Thị Sâm, một chị đã ghi lại dòng cảm nghiệm của mình:
“Vào năm 1967, lúc đó nhà Đệ Tử nằm trên mảnh đất trạm xá bây giờ không đủ chỗ dung nạp vì Đệ Tử quá đông. Mẹ đã cấp tốc xây dãy nhà Đệ Tử mới (nằm trên đất Thỉnh viện bây giờ) cho chúng con. Chỉ trong vòng mấy tháng dãy nhà mới cao ráo thoáng mát đã hoàn thành. Dãy nhà gồm 1 phòng hội lớn, 1 phòng ngủ lớn, 3 lớp học, 2 phòng đồ, 1 phòng chơi, 2 dãy nhà tắm, khu vực vệ sinh, sân phơi quần áo rộng lớn. Trước dãy nhà có sân cỏ đáp ứng nhu cầu tập thể dục, sinh hoạt và vui chơi.
Việc xây dựng một dãy nhà như vậy thời bấy giờ là một công trình hoành tráng, là tất cả kinh tế của Dòng dồn vào đấy, không kể Mẹ phải đi vay mượn thêm. Chính Mẹ hiểu hơn chúng con, mỗi viên gạch xây dựng là từng nỗi nhọc nhằn vất vả của mỗi chị em gom góp lại. Khó khăn và khổ công lắm mới thực hiện được công trình như thế.”[1]
Không chỉ lo về việc xây dựng vật chất mà trên hết Mẹ nhắc nhở chị em hãy xây dựng cho mình một đời sống nội tâm vững chắc, Mẹ luôn nhắc nhở chị em thể hiện tình yêu với Chúa qua cuộc sống trung thành với Quy luật, Hiến pháp và Lời khấn Dòng. Khuyến khích chị em học hỏi về Chúa, Mẹ nói: “Chị em hãy coi việc học về Chúa, về đường trọn lành là một bổn phận chính yếu và quan hệ, phải làm, không thể bỏ qua được. Vì không gì đẹp lòng Chúa bằng học để biết đường thờ phượng yêu mến Chúa, để biết thi hành thánh ý Chúa như Chúa muốn”[2].
Đối với Mẹ, đời sống cộng đoàn không hệ ở chị em phải làm được nhiều việc mà là làm công việc bổn phận với lòng yêu mến và đức vâng lời. “Đối với Chúa và vì đức vâng lời, công việc nào cũng trọng, không có việc nào là việc hèn, chỉ có việc làm theo ý riêng, trái với ý Bề trên mới là việc đáng sợ. Nên xin hết thảy chị em hãy hết sức chăm lo vào phần vụ Bề trên chỉ, để được đẹp lòng Chúa.[3] Trong đời sống cộng đoàn Mẹ cũng khuyên chị em hãy vì Chúa, hãy sẵn sàng tha thứ cho nhau mỗi khi trong chị em có điều gì đáng tiếc xảy ra. Hãy cố gắng tìm cách để chị em thông cảm với nhau ngay, để chúng ta đáng được Chúa tha cho, vì “các con không tha cho người ta, thì cha các con ở trên trời cũng chẳng tha lỗi cho các con” (Mc 11, 26)[4].
3. Một Bề trên Cả quên mình vì hướng tới công cuộc canh tân
Trong những năm này, tình hình xã hội Việt Nam cũng như thế giới có nhiều biến chuyển, đặc biệt trong Giáo hội Công giáo, vừa diễn ra một biến cố lịch sử đó là Công đồng Vaticanô II. Công đồng Vaticanô II bế mạc ngày 8/12/1965 mở ra cho cuộc canh tân vĩ đại trong lịch sử Giáo hội. Và đời sống tu trì – một bộ phận thiết yếu của đời sống Giáo hội – cũng phải được canh tân để trở nên mới mẻ trong nhiệm thể Chúa Kitô. Vì vậy, ngay những ngày đầu thi hành nhiệm vụ điều hành Hội dòng (tháng 1/1966), Mẹ đã nghĩ đến cuộc canh tân Hội dòng theo làn gió mới của công đồng Vaticanô II. Bởi không muốn Hội dòng chậm đi một bước sau, Mẹ đã đặt mối bận tâm của mình vào việc chuẩn bị một Đại Hội Đồng canh tân Hội dòng. Và vì thế, với sự đồng ý của Ban Tổng Điều Hành, Mẹ can đảm rút ngắn nhiệm kỳ của mình, từ 6 năm xuống còn 3 năm!
Trong 30 Huấn lệnh Mẹ ban hành từ năm 1966 đến 1969, dường như Huấn lệnh nào Mẹ cũng đề cập đến việc Canh tân Dòng theo đường hướng của Công đồng Vaticanô II. Mẹ quan tâm đến việc cho chị em học hỏi giáo huấn của Công đồng, hầu có thể thực hiện việc canh tân Dòng một cách tốt nhất. Mẹ nói: “Không phải chúng ta chỉ học vụ tại, mà chúng ta chú ý học để được thấm nhuần tinh thần tu đức như Công đồng Vaticanô II đã kêu gọi các tu sĩ chúng ta phải trở về nguồn. Nhờ sự học biết thánh thiện này, chúng ta sẽ có thể tránh được cái thảm họa khốc liệt do sự không học gây nên và sẽ được sự khôn ngoan thông sáng của Chúa Thánh Thần tiềm ẩn ở trong các môn học thánh ấy”[5], “ước gì tất cả và từng người chúng ta, ai cũng ý thức rõ được trách nhiệm của mình, mà lo lắng hy sinh cầu nguyện, học hỏi, nghiên cứu, rồi góp ý xây dựng vào Đại hội đồng Canh tân…”[6].
Và ngày 2/2/1969, Đại Hội Đồng Canh Tân của Dòng được khai mạc. Đây là Đại hội đồng được thực hiện với thời gian dài nhất trong lịch sử Dòng, với hơn 2 năm cho việc chuẩn bị (từ ngày 01/10/1966 – 01/02/1969), 2 tháng nhóm họp gián đoạn (nhóm họp từ ngày 02/02/1969- 03/3/1969 và từ 17/5/1969 – 13/6/1969) và gần một tuần tái nhóm họp (ngày 17/5/1970 – 21/5/1970 và ngày 29/11/1970). Điều này cho thấy việc canh tân Hội dòng đã được thực hiện với sự chuẩn bị thật kĩ càng.
Trong buổi mừng kết thúc Đại Hội Đồng Canh Tân ngày 13/6/1969, các Đại biểu đã nói về những gì Mẹ Agnès đã làm cho Dòng cùng những tâm tình tri ân như sau: “Mẹ và Ban Tổng đã tận tụy hy sinh cho Dòng trong nhiệm kỳ 1966 – 1969 nói chung và cách riêng trong việc thực hiện Đại Hội Đồng Canh Tân cho Dòng. Các quyết định của Đại Hội Đồng Canh Tân là hướng đường mới sẽ dẫn đưa Dòng đến một tương lai xán lạn, đến một chân trời bao la đầy ánh sáng huy hoàng của Nước Trời.
Để chuẩn bị cho Dòng có một hướng đi vững vàng chắc chắn, … Chúa đã dùng Mẹ như một cộng sự viên cần mẫn, trung thành và ngoan thảo, để Mẹ chăm sóc Dòng lớn lên theo tinh thần Phúc Âm, Hiến Pháp, Giáo Luật, các Văn kiện Công Đồng Vaticanô II… làm cho Dòng hiểu biết và quý trọng ơn thiên triệu đặc biệt của mình. Thật Chúa quan phòng đã ưu tiên Mẹ, như dồn cả những việc vĩ đại vào nhiệm kỳ của Mẹ, để rồi quyền lực và ân phúc dư đầy của Người lại cũng đổ tràn trên Mẹ, giúp Mẹ chu toàn sứ mạng Chúa trao phó.
Đúng thế, còn việc nào quan trọng bằng việc Mẹ lo công bố, phổ biến để thi hành nghiêm chỉnh các quyết định Đại Hội Đồng Tam Hiệp III, hầu phục hồi kỷ luật, trật tự thánh thiện cho Dòng?
Còn việc nào khó khăn đại hệ, cấp bách, phức tạp và tế nhị, liên quan mật thiết đến sự mất còn của Hội dòng, bằng việc chuẩn bị để thực hiện kịp thời Đại Hội Đồng Canh Tân Dòng? Đã vậy ma quỷ còn xui lên những trở ngại, để ngăn chặn, để phá hoại tan hoang, để lung lạc và làm đảo lộn tất cả bậc thang giá trị của tinh thần Phúc Âm mà Dòng đã bao năm xây dựng bằng mồ hôi nước mắt….
Việc chuẩn bị Đại Hội Đồng tuy có gấp rút nhưng rất đầy đủ, quy củ. Tâm lý và tinh thần của chị em được chuẩn bị ráo riết. Ba giai đoạn của Đại Hội Đồng Canh Tân nói lên công việc làm có phương pháp và khoa học…”[7]
4. Một người Chị, một Bà Nhất tần tảo hy sinh
Năm 20 tuổi chị Agnès gia nhập nhà Phước, bắt đầu một cuộc sống cho Chúa và vì Chúa, theo đuổi lý tưởng cao đẹp là thánh hóa bản thân và cứu rỗi các linh hồn. Chị thể hiện tình yêu của mình với Chúa qua cuộc sống thường nhật trong âm thầm với những công việc nhỏ bé như làm thuốc viên, thêu áo lễ, đan ren, may áo, dệt vải, dệt chiếu, chăn nuôi, làm ruộng, chăm sóc trẻ mồ côi…
Nạn đói năm 1945 cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đó là hậu quả của chiến tranh, mất mùa. Vùng đồng bằng sông Hồng năm ấy, nhất là địa phận Bùi Chu – Nam Định, rất nhiều người chết đói mà đa số là trẻ em[8]. Lúc bấy giờ với tư cách là Bà Nhất trong Nhà Phước Đa Minh, Mẹ đã khích lệ chị em làm công việc bác ái cứu trợ. Mẹ cùng với chị em thổi cơm, nắm lại từng nắm rồi gánh đi khắp mọi nẻo đường làng, gặp ai đói lả thì phát cho họ ăn, gặp trẻ con chết đói, các chị mang về chôn cất trong nghĩa trang của Cô Nhi Viện[9]. Còn những đứa trẻ nào còn sống thì đưa về nuôi. Chị em nấu từng bát cháo, chắt từng muỗng hồ cùng với tình thương yêu nuôi các bé khôn lớn. Trong biến cố di cư năm 1954, Mẹ không chỉ di cư một mình mà di cư cả nhà Thiên Thần nữa (cô nhi viện Tân Mai trước 1975 tại tu xá Mẫu Tâm)[10].
Tình yêu Chúa trong Mẹ lớn dần theo năm tháng, những trọng trách Mẹ lãnh nhận cũng mỗi lúc một nặng hơn. Những ai đã từng được sống với Mẹ đều nhận thấy nơi Mẹ là một con người sống hết mình với cộng đoàn và sống hết tình với chị em.
Tại Tu viện Thánh Giuse Tân Mai, trong vai trò Bề trên nhà, thế mà, hàng ngày với trang phục đơn giản nhất là chiếc áo dòng cũ, trên đầu đội một chiếc khăn nhỏ, Mẹ đứng bán bánh cho các em nội trú khi Trường Trung Tiểu Học Thánh Giuse còn hoạt động (1747)[11] …chẳng vắng mặt ngày nào, chẳng bỏ sót ngày nào. Tần tảo, nhẫn nại, tận tụy, hy sinh…từng lúc, từng ngày. Cứ như thế, Mẹ đã gom góp đủ kinh phí dựng xây tường rào bao quanh Tu viện dài cả đến gần hai cây số để chị em được an toàn, nội vi Dòng được tuân thủ[12]. Mẹ là người Bề trên khoan dung, nhẫn nại lắng nghe và thông cảm[13]. Mẹ khiêm tốn quên mình phục vụ, yêu thương chị em, bác ái với mọi người, lo xây cất nhà cửa, sửa sang vườn tược, làm cho khuôn viên tu xá mỗi ngày một khang trang, rộng rãi, đẹp đẽ. Còn chị em luôn sống trong bầu khí vui vẻ [14]. Thật là: Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, chị em được sống vui vầy bên nhau (Tv 132,1).
Mẹ sống với chị em trong cộng đoàn là thế, chị em ngoài cộng đoàn Mẹ cũng một mực yêu thương như vậy. Thời gian sau 1975, các chị em ở sở Phú Sơn lúc ấy, vườn rẫy rộng nhưng đất đai khô cằn nên cuộc sống của chị em rất khó khăn. Mỗi lần chị em ghé thăm Mẹ và cộng đoàn Thánh Giuse Tân Mai, Mẹ không bao giờ để chị em ra về tay không, khi thì Mẹ cho mấy quả dừa khô, khi thì chai nước mắm, ít cá khô hoặc vài bơ gạo, bó rau…[15].
Dù phải lãnh nhiều trách nhiệm trong Dòng, đối nội đối ngoại với không ít khó khăn, nhưng Mẹ vẫn giữ được tác phong dịu dàng của một hiền mẫu, một nữ tu giản dị, khiêm nhường, đầy tâm lực và nhiệt huyết xây dựng Hội dòng.
Mẹ đã chu toàn bổn phận Chúa trao trong tinh thần vâng lời, hy sinh với một đức tin mạnh mẽ và tình yêu thẳm sâu đối với Chúa. Tình yêu Chúa nơi Mẹ không chỉ thể hiện trong một hạn định thời gian nào đó mà kéo dài trong suốt cuộc đời Mẹ. Thật vậy, dù khi Mẹ còn ở miền Bắc hay sau khi đã vào Nam, khi là Bề trên Cả hay khi trở về với hàng ngũ chị em, tinh thần sống ấy mãi bền bỉ nơi Mẹ.
Kết luận
Trong 63 năm lịch sử Dòng, Mẹ Agnès Đỗ Thị Sâm là người giữ vai trò hướng dẫn Hội dòng với thời gian ngắn nhất (3 năm), nhưng Mẹ đã chu toàn thật tốt bổn phận của người thay mặt Chúa để là cha là mẹ của toàn thể chị em trong Dòng. Tình yêu của người cha, của người mẹ đối với con cái được thể hiện với nhiều cách thức khác nhau, có khi được con cái đón nhận, đáp trả, có khi bị con cái hiểu lầm không đón nhận. Song tình yêu thương nơi Mẹ Agnès dành cho chị em trong Dòng luôn luôn tràn đầy, vì tình yêu thương ấy được khơi nguồn từ đời sống cầu nguyện tâm giao với Chúa.
Mẹ đã đi hết cuộc đời của mình khởi đi từ “Đức Vâng Lời là tất cả” và Tình yêu tín thác. Vì vậy mà “Mẹ dù thâm niên trong lãnh đạo, khôn ngoan trong việc hướng dẫn cộng đoàn, nhưng cuộc sống của Mẹ cứ vẫn mãi đơn sơ, cứ mãi giản dị…cái đơn sơ và giản dị của người chỉ biết sống cho Chúa và từng ngày kiên trung thực thi thánh ý Ngài” [16].
Hôm nay, nhìn lại cuộc đời của Mẹ nhân ngày lễ giỗ, mỗi chị em trong Hội dòng thêm một lần nữa được mời gọi cùng đóng góp phần mình để xây dựng Hội dòng mỗi ngày một phát triển hơn, vững chắc hơn trong tình yêu Chúa, chan hòa tình yêu thương giữa chị em và với mọi người.
Giờ đây, có lẽ Mẹ đang hưởng phúc bên Chúa từ nhân, xin Mẹ thương cầu bầu cho chúng con luôn sống đẹp lòng Chúa và sống xứng danh người được Chúa yêu thương chọn gọi sống đời Thánh hiến trong Hội Dòng mã Mẹ đã dày công xây đắp.
Ban Văn hóa Hội dòng
———-
[1] Nt. Maria Lý Thị Vy, Tâm tình gửi Mẹ, Ánh Sáng 213 (2012), tr. 51
[2] Huấn lệnh 40 – 01/3/1968
[3] Huấn lệnh 26 – 01/11/1966
[4] Huấn lệnh 23 – 01/8/1966
[5] Huấn lệnh 22 – 01/7/1966
[6] Huấn lệnh 39 – 01/02/1968
[7] Trích trong tập “Cảm Tưởng về Đại Hội Đồng Tam Hiệp III và Đại Hội Đồng Canh Tân 1969”, Văn khố Hội Dòng.
[8] Nt. Rosa Đinh Thị Ngọc Hương, Thư gửi Mẹ, Ánh Sáng số 213, tr. 280
[9] Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Khánh, Tri ân Mẹ Agnès, Ánh Sáng số 213, tr. 283
[10] Nt. Maria Cao Thị Nhiệm, Nhớ về Mẹ Agnès, Ánh Sáng số 213, tr.27
[11] Nt. Agnès Đinh Thị Hồi, Người Mẹ hiền hậu của tôi, Ánh Sáng số 213, tr. 219
[12] Nt. Maria Nguyễn Thị Hùy, Viết về Mẹ của con, Ánh Sáng số 213, tr. 17
[13] Nt. Isabella Trần Thị Kim Hường, Mẹ Agnès – Vị Bề trên đơn sơ dễ mến, Ánh Sáng số 213, tr. 157
[14] Nt. Aldegona Phạm Thị Liên, Tưởng nhớ Mẹ Agnès Đỗ Thị Sâm, Ánh Sáng số 213, tr. 174
[15] Nt. Maria Trần Thị Len, Tâm tình gửi Mẹ, Ánh Sáng số 213, tr. 48
[16] Nt. Maria Nguyễn Thị Hùy, Viết về Mẹ của con, Ánh Sáng số 213, tr. 17