Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Tin Mừng Matthêu, Maccô, Gioan đều nhắc tới sự kiện, một người trong nhóm các môn đệ Chúa chém đứt tai tên đầy tớ vị Thượng Tế, riêng thánh Gioan còn cho biết tên của người đó là Mancô (Ga 18,10) và có nhắc ra rõ ràng là chính Phêrô đã chém đứt tai của người đầy tớ ấy, còn trong ba sách Phúc âm Nhất lãm thì nói một cách trống là “có một người trong nhóm rút gươm ra chém đứt lỗ tai của người đầy tớ vị Thượng Tế”. Chỉ có Thánh Luca kể thêm chi tiết này: “Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành” (22,51).
Sau bữa Tiệc Ly, vào khoảng gần nửa đêm, Đức Giêsu cùng các môn đệ rời nhà tiệc ly đi về vườn Giếtsêmani. Đoàn người lầm lũi đi theo hướng Bắc tiến về suối Cedron. Dọc đường, Đức Giêsu còn căn dặn các môn đệ những lời cuối cùng: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy, vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên và đàn chiên sẽ tan tác” (Mt 26,31). Phêrô nhiệt tình sôi nổi: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng sẽ không bao giờ vấp ngã”. Đức Giêsu bảo ông: “Thầy bảo thật anh: nội đêm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Mt 26,33-34). Phêrô khẳng định lần nữa: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”; và không chỉ Phêrô thề thốt mà thôi, các môn đệ cũng đều nói như thế (x. Mt 26,35).
Ðức Giêsu đi ra núi cây dầu cầu nguyện. Cầu nguyện xong thì Giuđa, kẻ phản bội dẫn một toán lính đền thờ đến bắt Ðức Giêsu bằng một dấu hiệu là cái hôn giả dối. Ðể bảo vệ Thầy “Ông Simon Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y. Người đầy tớ ấy tên là Mancô” (Ga 18,10; Mc 14,46). Phêrô nghĩ rằng, bảo vệ Chúa để Chúa được sống và ông đã rút gươm.
Phêrô thật vụng về, ông không chém được ai sáng giá cả, chỉ chém được người đầy tớ. Sao không chém những người có gươm giáo? Người đầy tớ thì chém làm gì. Ông chém đứt cái tai. Phêrô chém kiểu nào mà chỉ làm đứt tai tên đầy tớ thôi, mà không làm bị thương ở vai hay ở cổ?
Hay phải dịch là Phêrô “xẻo tai” tên đầy tớ ? Mà xẻo tai thì lại không thực tế trong trường hợp này. Ðể xẻo tai, một tay cần phải cầm tai của tên đầy tớ, còn tay kia cầm gươm để xẻo thì mới có điểm tựa. Nếu vậy, đối phương thấy đau sẽ vùng vẫy để tẩu thoát. Còn nếu nhờ các tông đồ khác kìm kẹp hắn lại để thực hiện việc xẻo, thì cũng không giúp được gì, bởi vì quân lính đi bắt Ðức Giêsu thế nào cũng phải đông hơn và có khí giới lợi hại hơn để áp đảo nhóm Mười Một.
Nếu Phêrô bổ thẳng từ trên xuống dưới thì thế nào cũng làm bị thương vai của tên đầy tớ. Nếu chém chéo thì không những làm đứt tai mà còn làm bị thương cả đầu và cổ nữa. Nếu tai cụp gần vào đầu thì rất khó chém. Có lẽ tên đầy tớ có tai vảnh ra như tai lừa nên mới dễ chém như vậy!
Để chém đứt tai tên đầy tớ, Phêrô phải có võ thuật. Làm nghề chài lưới ở biển hồ Tibêria phải biết chút võ nghệ để đề phòng hải tặc. Như vậy khi chém tên đầy tớ, Phêrô đã phải dùng nội lực, trường hợp này chỉ vận dụng ít nội công để cho thanh gươm dừng lại ở điểm nào đó cho khỏi làm bị thương cổ hoặc vai của tên đầy tớ. Nói cách khác, Phêrô vận dụng trí óc để điều khiển thần kinh, rồi thần kinh phối trí với nhãn quan và bắp thịt cánh tay để điều khiển hướng đi của thanh gươm. Như thế Phêrô chỉ chém để cảnh cáo quân lính đến bắt Thầy mình như là ngụ ý nói với chúng: Tụi bay đừng có đụng đến Thầy của chúng ta, kẻo phải chịu chung số phận.
May thay, “Đức Giêsu sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành” (Lc 22,51). Chi tiết này làm nổi bật sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu, và trong bối cảnh cuộc thương khó, chi tiết ấy cũng làm nổi bật ý nghĩa cuộc tử nạn của Chúa là chữa lành nhân loại khỏi thương tích tội lỗi: “Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (Is 53,5).
Phêrô dùng gươm để bênh vực Thầy, muốn dùng sức mạnh tự nhiên con người, dùng vũ lực để bảo vệ Thầy như đã từng thề hứa trước đó: Con sẽ liều mạng vì Thầy. Nhưng đường lối của Ðức Giêsu thì khác với đường lối loài người. Ðường lối của Ðức Giêsu là vâng phục thánh ý Chúa Cha. Vì thế, Người bảo Phêrô: Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm (Mt 26,52).
Thánh ý Chúa Cha là con đường thập giá. Trên thập giá, Đức Giêsu gọi giờ tử nạn là giờ Ngài được tôn vinh: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh” (Ga 13, 31). Ngài bị phản bội, bị ruồng bỏ, bị cáo gian, bị hành hình, bị treo trên thập giá. Cả một bầu khí thù hận vây bọc muốn quật ngã Ngài. Nhưng Ngài vẫn đáp lại bằng tình yêu. Trên thập giá, Đức Giêsu chiến thắng sự hận thù bằng lòng bao dung. Ngài yêu thương và tha thứ tất cả. Người tha thiết cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Đó là cuộc chiến thắng của tình yêu.
Trên thập giá, Đức Giêsu chiến thắng nổi đau đớn thể xác và đau khổ tinh thần. Đối mặt với cuộc khổ nạn, không một thách thức nào làm cho Đức Giêsu lùi bước; không một đe doạ nào làm cho Đức Giêsu khiếp sợ; không một sỉ nhục nào làm cho Đức Giêsu nổi giận hay mất bình an; không hận thù nào tiêu huỷ được lòng bao dung vô bờ bến của Ngài. Cái chết yêu thương mở ra một đời sống mới: vị tha, yêu thương, tha thứ, tin yêu, hi vọng. Từ đó Ngài nâng đời sống con người lên sự sống của con cái Thiên Chúa. Đó là cuộc chiến thắng của sự sống.
Đức Giêsu đã đạt đến đỉnh cao của tình yêu cứu độ. Thập giá là đường lối khôn ngoan của Thiên Chúa. Một chân trời bình an rộng mở đón nhận niềm vui Phục Sinh.