Giá trị và vẻ đẹp của người nội trợ

0

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Thống kê cho thấy, ngày nay rất nhiều phụ nữ chọn sống độc thân, không lấy chồng và sinh con. Lý do vì họ muốn được tự do theo đuổi những giấc mộng riêng tư, vì không muốn chịu ràng buộc với trách nhiệm làm vợ và làm mẹ. Nhưng tự thâm tâm và bản năng, người phụ nữ luôn muốn có một người chồng và được làm mẹ.   

Mặc dù phong trào nữ quyền đã được khởi xướng và phổ biến rộng rãi trong thế kỷ vừa qua, cho đến nay phong trào này vẫn chưa được coi là đạt thành quả. Tại nhiều nơi, nó còn bị hiểu lầm, bị lợi dụng để chính trị hóa làm đảo lộn trật tự xã hội, phá đổ nền tảng gia đình, coi thường giá trị hôn nhân. Nó thu hút những phụ nữ tự cho mình là cấp tiến, học thức, hiểu biết, muốn cách mạng tầm nhìn và vai trò của nữ giới. Mặt khác, tại các quốc gia Hồi Giáo cực đoan, những quốc gia theo truyền thống trọng nam khinh nữ, hoặc Việt Nam hiện nay, phụ nữ vẫn bị cho là thứ yếu. Những điều này dẫn đến cái nhìn thiên kiến, sai lạc, cũng như những tệ nạn đối xử thiếu văn minh, thiếu trưởng thành, thiếu tôn trọng, thiếu nhân bản đối với phụ nữ. Thí dụ, coi thường, hành hung, đánh đập, và coi phụ nữ như một dụng cụ nhằm thỏa mãn dục vọng, một cái máy đẻ.     

MỘT NGÀY KHÔNG CÓ BÓNG DÁNG PHỤ NỮ

Để đặt lại vị thế và giá trị của người phụ nữ, đặc biệt những người phụ nữ dành trọn đời mình để hoàn thành tốt vai trò làm vợ và làm mẹ, một số các nhà xã hội học, tâm lý học, và luân lý học đã có những khảo cứu, tìm hiểu về những điều này. Khoa tâm lý phụ nữ ra đời cũng vì mục đích tìm hiểu hơn về thế giới phụ nữ.

Nhưng thực tế hơn, một số những khảo cứu gần đây đã trực tiếp tìm hiểu để định giá, ít là qua những so sánh khách quan, giá trị của người phụ nữ làm vợ và làm mẹ đáng giá bao nhiêu nếu tính bằng tiền. Và câu hỏi đầu tiên được nêu lên, đó là: Bạn nghĩ sao, nếu một buổi sáng nào đó mở mắt ra mà không thấy bóng dáng một người phụ nữ nào trên trái đất? Và những chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo sau đó?

Những người độc thân: 

Đối với những đàn ông tôn sùng chủ nghĩa độc thân thì sau khi thức dậy sẽ tự nấu nước, pha cà phê hay trà uống lấy một mình. Sau giờ làm việc về nhà thì tự lo chợ búa, nấu nướng, rửa chén bát, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ và là ủi quần áo. Anh ta sẽ tự mình chăm sóc cho sức khỏe khi bị đau yếu, vào nhà thương, dưỡng bệnh một mình. Anh sẽ sống lủi thủi, cô đơn trong một căn nhà nơi mà anh ta trở về sau một ngày làm việc vất vả. Dĩ nhiên, trên thực tế anh được tự do vì không vướng bận với bất cứ ai.

Những người làm cha:

Việc đầu tiên anh phải làm như các đàn ông độc thân khác, đó là tự lo lấy cho bản thân mình. Nhưng nếu anh có các con nhỏ, thì sẽ phải lo cho chúng ăn sáng, ăn trưa, và ăn tối sau đó là ru cho chúng ngủ. Hôm sau anh phải xin ông chủ cho anh được nghỉ làm 1 ngày để trông con.

Từ đó, anh ta sẽ có kinh nghiệm trong việc tắm rửa, pha sữa, thay tã lót, mặc quần áo cho con, chạy quanh tìm kiếm và rượt theo để đút cho con ăn, và đêm đêm phải thức dậy khi nghe tiếng con khóc. Ngoài ra, anh phải học cách đối phó với những đứa con chậm phát triển, khuyết tật, năng động hoặc tự kỷ.

Anh ta sẽ có kinh nghiệm thế nào là việc đưa đón con đi học, theo dõi, dạy con làm bài, và đối diện với những ngang bướng của những đứa con mới lớn đang bước vào tuổi dậy thì.  

Anh ta sẽ hiểu được thế nào là công việc xắp xếp giờ giấc, dọn dẹp nhà cửa, phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm, nhà bếp, vườn tược trước và sau nhà.

Anh sẽ cảm thấy thế nào là những giấc ngủ không yên giấc, sự xắp xếp giờ giấc để lo lắng cho chồng, cho con của người vợ. [1]

THỜI GIAN DÀNH CHO CÔNG VIỆC?

Để hoàn tất những việc trên, nhiều người sẽ tự hỏi, làm thế nào mà một người phụ nữ có thể chu toàn một cách tốt đẹp tất cả những việc ấy mà vẫn vui vẻ và tỏ ra hạnh phúc? Trong một khảo cứu, kết quả cho thấy năm tới sáu phụ nữ tham gia đã cho biết, họ phải mất 42 giờ mỗi tuần. Một nửa trong số những phụ nữ này phải mất 48 giờ, và một phần ba mất trên 56 giờ mỗi tuần. Tóm lại, trung bình là phải mất gần 51 giờ một tuần để làm các việc trong nhà.

Việc làm của một người mẹ ở nhà nội trợ là những việc làm không tên và thường là xảy ra bất ngờ. Thí dụ, con té ngã, nhức đầu, xổ mũi, chồng bị bệnh, và hàng tá những việc lặt vặt. Để chu toàn đòi phải mất đến 98 giờ trong tuần, số thời gian hơn gấp đôi so với một nhân công toàn thời gian.   

Riêng đối với những phụ nữ vừa lo công việc riêng mình, vừa phải chu toàn nhiệm vụ của người vợ, và người mẹ thì thời gian mà họ bỏ ra còn nhiều hơn nữa, và tất nhiên đòi hỏi sự hy sinh hơn nữa. Và đó là lý do, không thể đo lường sự hy sinh và tình yêu của họ được bằng tiền bạc. [2]

MỘT NGƯỜI NỘI TRỢ ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?

Nhưng nếu được đánh giá bằng tiền bạc, thì chúng ta sẽ phải trả giá như thế nào cho những giờ giấc ấy? Sau đây là một bài tính của một người đàn ông đã định giá về vợ mình trong khi bà ở nhà coi sóc hai đứa con. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông viết: “Vợ tôi ở nhà và chăm sóc các con mỗi ngày. Cô ấy thay tã cho con, cho con ăn, chơi với con, ru con ngủ và xoa dịu mọi cảm xúc của con. Và đó chỉ là những việc tối thiểu.” Sau đó, ông chia thành từng mục công việc với mức lương trung bình so với lương một nhân công. Theo ông, tính đến năm 2015:
– Việc làm trong lãnh vực chăm sóc trẻ em có thể kiếm được mức lương khoảng 36.660 USD/năm;
– Dọn dẹp kiếm được 5.200 USD/năm;
– Nấu nướng khoảng 12.480 USD/năm;
– Phụ tá tài chính được trả 3.900 USD/năm.
– Tổng cộng, người vợ nội trợ nên được trả 73.690 USD/năm.

Và ông kết luận, “vợ tôi còn giá trị hơn cả hồng ngọc, và tôi không đủ khả năng trả cho nàng mức lương xứng đáng.” [3]

Trong một khảo cứu khác gần đây nhất, giá trung bình của một người nội trợ tại Hoa Kỳ là 22,95$ một giờ. Đây là mức lương giữa cao nhất là 49,52$ và thấp nhất là 10,34$. Nhưng phần đông khoảng giữa 16,35$ và 24,04$ một giờ. [4]

Và theo khảo sát từ Salary.com, lương của một người mẹ ở nhà là 62.581$ một năm. [5]

Trở thành một người mẹ toàn thời gian đòi hỏi sự hy sinh rất lớn của người phụ nữ, Steve biết vợ mình xứng đáng được đánh giá cao hơn. Ông đã lựa chọn cách đặc biệt này để nói với mọi người rằng, nội trợ là một nghề vô giá! 

HÃY DÀNH CHO CÁC BÀ NỘI TRỢ SỰ KÍNH TRỌNG XỨNG ĐÁNG

Phụ nữ vẫn thường nói đùa rằng, khi làm mẹ, cô ấy sẽ trở thành siêu nhân 3 đầu 6 tay, vừa là bác sĩ, vừa là giáo viên, vừa là bảo mẫu, vừa là cảnh sát. Vậy nên phụ nữ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn khi những ông chồng thể hiện sự trân trọng và chia sẻ những khó khăn trong công việc nội trợ của vợ mình.

Phẩm giá cao cả nhất, nghề nghiệp quí giá nhất của phụ nữ là làm vợ và làm mẹ. Thiên nhiên và vũ trụ đã cho chúng ta thấy được vai trò này. Tuy có những cắt nghĩa lệch lạc về nữ quyền, về bình quyền, và tuy một số phụ nữ đã đánh mất phẩm giá cũng như vai trò của mình, nhưng không thể loại bỏ bản năng, sự hy sinh vô bờ bến, và niềm hạnh phúc của người phụ nữ trước vai trò làm vợ và làm mẹ.

Từ đó những quan niệm chồng chúa vợ tôi, gia trưởng, coi thường, nhục mạ giá trị tinh thần, thể xác của người phụ nữ phải được loại bỏ. Những người đàn ông bê tha, say xỉn, nhậu nhẹt, đánh đập vợ con. Những người chồng ỷ lại, vô trách nhiệm. Họ là những người không xứng danh nam nhi, không xứng đáng làm chồng và làm cha. Không đáng được nể trọng. Và tốt nhất, những phụ nữ trưởng thành xin đừng để mình bị lừa gạt, bị thu hút bởi cái vẻ bề ngoài để bước vào một cuộc sống tình cảm và hôn nhân với những người đàn ông này. Nhưng nếu đã trót bước vào thì phải tỉnh táo, can đảm bước ra để bảo vệ danh dự và phẩm giá của mình. Để sống xứng đáng một cuộc sống hạnh phúc trước mặt.

Vậy nên những ông chồng, những người làm cha hãy biết yêu thương, trân trọng và san sẻ trách nhiệm gia đình với vợ. Bởi dù bạn có bao nhiêu tiền, cả đời bạn cũng không thể trả đủ “lương” cho vợ bạn, và mẹ của các con bạn!

_________

Tài liệu tham khảo:
1. https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgzGwJmHqHgLsGkvpBrSfqLLkxWQX
2. 
National Agricultural Library (.gov)
https://www.nal.usda.gov › ipd › exhibits › show › study..
3. https://mail.google.com/mail/u/0/#inbox/FMfcgzGwJmHqHgLsGkvpBrSfqLLkxWQX 
4. ZipRecruiter
https://www.ziprecruiter.com › Salaries › House-Wife-Sa..
5. 
tlc.com
https://www.tlc.com › parenting › this-is-how-much-a-sta..

Comments are closed.

phone-icon