Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết – Chúa Nhật Phục Sinh

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin Mừng (Ga 20, 1-9)

1 Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”

3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

9 Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*******

Nơi Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã muốn để cho Sự Dữ đi tới cùng nghĩa là giết chết, và chỉ sau đó, Thiên Chúa mới hành động. Tại sao như vậy? Bởi vì Thiên Chúa vừa không đính dáng gì đến sự dữ và Thiên Chúa vừa mạnh hơn sự dữ. Và Thiên Chúa không chỉ chiến thắng Sự Dữ, nhưng còn chiến thắng sự chết, sự chết gây ra bởi sự dữ và do đó cả sự chết đến từ thân phận con người: đó là TIN MỪNG trọng đại.

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, Đức Ki-tô đã chiến thắng Sự Dữ và Sự Chết rồi, bằng sự tự do nội tâm của Ngài với Sự Dữ và Sự Chết ngay trong cuộc Thương Khó.

Xin cho chúng ta, trong Tuần Bát Nhật, trong Mùa Phục Sinh và trong suốt cuộc đời còn lại của chúng ta, nghiệm thấy sự trọng đại của Tin Mừng Đức Ki-tô phục sinh đối với cuộc Thương Khó, đối với thân phận và những khổ đau của nhân loại, của những người thân yêu của chúng ta, và của chính bản thân chúng ta. Và Tin Mừng này chỉ trọng đại, khi chúng ta có lòng khao khát. Thế mà, con người tự bản chất có lòng khao khát sự sống viên mãn, tình yêu viên mãn và sự hiệp thông viên mãn, vì con người được dựng nên bời Thiên Chúa, cho Thiên Chúa và theo hình ảnh của Thiên Chúa, dù tin hay không tin, ý thức hay không ý thức. Tin Mừng Đức Ki-tô Phục Sinh chính là lời đáp và lời hứa cho khát khao của loài người.

Xin cho chúng ta nhận ra Đức Ki-tô Phục Sinh hiện diện sống động không chỉ trong ngày mai, nhưng trong cuộc đời đã qua của chúng ta, ở mọi nơi và mọi lúc, dù đã diễn ra như thế nào, với những thăng trầm nào. Vì thế, trong ngày CHÚA PHỤC SINH và mãi về sau:
– Chúng ta hãy xin cho Sự Sống mới của Đức Ki-tô phục sinh lôi kéo chúng ta trong cuộc đời, ơn gọi và mỗi ngày sống, để chúng ta bình tâm với mọi sự và định hướng mọi sự.
– Và vì sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin cho chúng ta được nhận ra sự sống của Chúa tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta rồi.

Các trình thuật hiện ra mà chúng ta chiêm ngắm trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh cho thấy điều này. Và Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn còn hiện diện trong đời sống của nhân loại, của Giáo Hội, của cộng đoàn, trong đời sống và tâm hồn của từng người trong chúng ta.

1. Thánh nữ Maria Mác-đa-la (c. 1-2)

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần. Dấu chỉ thời gian đã chất đầy ý nghĩa Phục Sinh rồi, vì đó là ngày mới, tuần mới, giai đoạn mới và cuộc đời mới. Trong đó bóng tối bị đẩy lui bởi Ánh Sáng Đức Ki-tô chịu đóng đinh và phục sinh. Cách thức và con đường Đức Ki-tô đánh bại bóng tối, tội và sự dữ, cũng phải là cách thức và con đường của Giáo Hội, của Hội Dòng và của mỗi người chúng ta.

Chúng ta hãy nhìn ngắm bà Maria: bà là người cùng với Đức Mẹ và người “Môn Đệ được Đức Giê-su thương mến”, có mặt dưới chân thập giá (x. Ga 19, 25). Vậy bà là ai? Bà là người phụ nữ được Đức Giêsu trừ khỏi bảy quỉ (x. Lc 8, 1-3); khỏi bảy quỉ nghĩa là khỏi hết mọi loại quỉ (nhưng thứ ma quỉ giả dạng thiên thần chuyên gợi ra ở bên trong tâm trí chúng ta những ý tưởng, những hình ảnh, những cách hiểu và giải thích, những hướng đi lệch lạc; thứ quỉ này mới nguy hiểm, như thánh I-nhã mô tả trong sách Linh Thao; ma quỉ phá phách bên ngoài chỉ làm cho chúng ta tin cậy vào Chúa hơn mà thôi); khỏi bảy quỉ còn có nghĩa là, bà được chữa lành khỏi mưu chước của ma quỉ, nghĩa là của con rắn theo St 3[1], một cách triệt để. Điều này làm cho chúng ta hiểu tại sao bà gắn bó với Đức Giêsu đến như vậy; bà gắn bó với Thầy của mình trong những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất; bà gắn bó với Thầy khi Thầy chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan.

Bà ra thăm mộ thật sớm, không sợ ma! Điều gì làm cho bà không sợ “ma”? Như thế, bà đã phải dậy thật sớm, vì phụ nữ còn phải “sửa soạn” trước khi ra khỏi nhà! Bà là người vừa nhạy bén và nhanh nhẹn. Nhạy bén: trông một cái là đoán ra chuyện gì liền; nhanh nhẹn: đi và chạy tới chạy lui nhiều lần (c. 2. 11. 18). Điều gì làm cho bà trở nên nhanh nhạy như thế?

2. Dấu chỉ “Ngôi Mộ Mở” (c. 3-8)

Mọi người đều chứng kiến Đức Giê-su chịu đóng đinh và chịu chết trên thập giá, nhưng không ai được chứng kiến giây phút Ngài sống lại từ cõi chết. Bởi lẽ, đó là phạm vi và quyền năng của một mình Thiên Chúa, giống như khi Ngài sáng tạo trời và đất, hay khi Thánh Thần làm cho cung lòng trinh nguyên của Đức Maria cưu mang Ngôi Lời Thiên Chúa. Do đó, biến cố Phục Sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải là đối tượng khả giác của các giác quan[2]. Không ai được chứng kiến, nhưng Ngài để lại cho chúng ta các dấu chỉ của biến cố Phục Sinh:
– Trước hết, đó là ngôi mộ trống. Có lẽ, gọi là “ngôi mộ mở” thì hay hơn. Vì mộ phần, tượng trưng cho sự chết, không giam hãm được Đức Ki-tô. Trong khi hình ảnh “ngôi mộ trống” nghiêng về ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, vì “trống” có nghĩa là người chết bị lấy đi hay biến mất tiêu, như bà Maria nói với các Tông Đồ: “Người ta đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”! Bà nhìn thấy “ngôi mộ mở”, nhưng lại nghĩ rằng đó là “ngôi mộ trống”.
– Tiếp theo, đó là dấu chỉ “những băng vải”. Trong thực tế, đó chỉ là chi tiết nhỏ; nhưng trong cách thuật truyện của thánh Gioan, chi tiết này có một vai trò biểu tượng hàng đầu. Thật vậy, trong một bản văn ngắn, nhưng chi tiết này được nói tới hai lần và lần thứ hai, các băng vải được mô tả rất công phu: “những băng vải còn ở đó” (c. 5) và “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (c. 6-7). Nếu là một vụ trộm, thì kẻ hành động không thể nào cẩn thận như thế!

“Người môn đệ Đức Giê-su thương mến” đã nhìn thấy những dấu chỉ này và đã tin. Tuy nhiên, chúng ta phải nói rằng so với đức tin lớn lao nơi Đức Ki-tô chiến thắng sự chết và đang sống, thì những dấu chỉ này là quá ít và quá mòng dòn. Vì thế, các dấu chỉ không thể tức khắc và tất yếu mang lại đức tin. Ông Phê-rô và bà Maria Mác-đa-la cũng nhìn thấy các dấu này, nhưng đâu có tin!

Vậy thì điều gì làm cho “người môn đệ Đức Giê-su thương mến”, mà truyền thống Giáo Hội nhận ra là thánh Gioan, đi đến niềm tin, khi nhìn thấy các dấu chỉ? “Điều bí ẩn” nằm ngay ở trong danh xưng mà thánh nhân tự đặt cho mình, chắc chắn với tâm tình tạ ơn và ca tụng, đó chính là kinh nghiệm thiết thân được Đức Giê-su yêu mến: Đức Giê-su đã yêu mến người môn đệ này, và người môn đệ này cũng yêu mến Đức Giê-su, bằng chứng là người môn đệ vẫn gắn bó với thầy Giê-su, khi ngài chẳng còn là gì; giống như tình yêu nhưng không của bà Maria Mác-đa-la dành cho Đức Giê-su. Chính kinh nghiệm tình yêu đối với Chúa, đã làm cho thánh Gioan tin nhận Đấng Phục Sinh khi nhìn thấy các dấu chỉ (đọc thêm trình thuật Ga 21, 1-14); và chắc chắn, cũng chính kinh nghiệm này đã làm cho thánh nhân nhận ra “Hài Nhi bọc tả nằm trong máng cỏ” là Ngôi Lời trở thành xác phàm (Ga 1, 14).

Chúng ta được mời gọi có cùng một kinh nghiệm như thánh Gioan: kinh nghiệm bản thân mình cũng là “người môn đệ Đức Giê-su thương mến”, để có thể nhận ra sự hiện diện sống động và tiếng gọi của Đức Ki-tô Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ, dấu chỉ Lời Chúa, dấu chỉ Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể và các dấu chỉ mà Chúa ban cho chúng ta trong cuộc đời, trong ơn gọi và trong mỗi ngày sống. Vậy đâu là những dấu chỉ Chúa ban cho mỗi người chúng ta, để chúng ta nhận ra sự hiện diện sống động và tiếng gọi của Đức Ki-tô phục sinh?

3. Dấu chỉ Kinh Thánh (c. 9)

Vẫn còn một dấu chỉ nữa để nhận ra mầu nhiệm Vượt Qua, đó là Kinh Thánh. Như Thánh Phao-lô tuyên bố long trọng:

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, theo lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, theo lời Kinh Thánh. (1Cr 15, 3-4)

Chúng ta đã nghiệm được Đức Ki-tô hoàn tất Tv 22 như thế nào. Mà Tv 22 là bản văn Kinh Thánh có khả năng đại diện cho toàn Thánh Vịnh, bởi hai chiều kích căn bản kêu cầu và ca tụng. Và Sách Thánh Vịnh còn có thể được coi là “bản tóm” của Sách Thánh. Thế mà Kinh Thánh kể lại cuộc đời những con người cụ thể, một dân tộc cụ thể, cũng đầy thăng trầm như bất cứ ai và như bất cứ dân tộc nào. Vì thế, Đức Ki-tô, cũng mang lấy cuộc đời của chúng ta và đưa nó tới sự sống mới. Đó chính là kinh nghiệm bừng cháy của hai môn đệ Emmau.

Đức Ki-tô phục sinh bày tỏ mình ra cách trực tiếp, đó là ơn đặc biệt Ngài dành cho các chứng nhân đầu tiên, để có thể thực hiện sứ mạng lớn lao và khó khăn; nhưng các chứng nhân này không được miễn trừ khỏi kinh nghiệm thứ hai, là kinh nghiệm dành cho mọi người, đó là hiểu Kinh Thánh trong tương quan với cuộc đời của Đức Giê-su và nhất là với mầu nhiệm chết và phục sinh của Ngài.

Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.(Lc 24, 44)

Ngày hôm nay, Đức Ki-tô vẫn hiện diện cách kín đáo, như Ngài đã làm với hai môn đệ Emmau, qua rất nhiều trung gian, để giúp chúng ta có kinh nghiệm nhận ra Ngài trong Thánh Lễ hằng ngày và trong đời sống cầu nguyện của chúng ta. Đức Ki-tô phục sinh giải thích mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài khởi đi từ Sách Thánh: Sách Thánh loan báo Đức Ki-tô và Đức Ki-tô hoàn tất Sách Thánh.

Lời giải thích của Đức Ki-tô phục sinh về sự tương hợp giữa mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài và Sách Thánh không chỉ đem lại cho hai môn đệ một sự hiểu biết, nhưng, qua đó, còn tạo ra nơi tâm hồn các ông một kinh nghiệm, kinh nghiệm “con tim bừng cháy”. Như thế, việc hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu đã phải đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn, để có thể làm cho “con tim bừng cháy”. Vậy thì tại sao người nghe, là hai môn đệ và hôm nay đến lượt chúng ta, lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Ki-tô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa?

Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài. Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. Kế hoạch của Chúa Cha được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài. Và, vì dân tộc này giống như chúng ta, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi con người và cuộc đời của mình hành trình Vượt Qua của Đức Ki-tô.

*  *  *

Kính chúc

Quí Cha, Quí Thầy, Quí Soeurs và tất cả Anh Chị Em
Mùa Phục Sinh:

  • Được Chúa củng cố lòng tin và và gia tăng lòng mến, để nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô chịu đóng đinh và đã phục sinh, qua các dấu chỉ Kinh Thánh, Thánh Thể, các bí tích và những biến cố cuộc đời.
  • Tràn đầy Ánh Sáng Tình Yêu và Lòng Thương Xót của Người, khi đọc và cầu nguyện với đời mình, dưới ánh sáng mầu nhiệm Vượt Qua.
  • Trở thành Hương Thơm loan tỏa và loan báo Tin Mừng-Sự Sống của Người (x. Mt 26, 6-13 và Mc 14, 3-9).

[1] Trong St 3, con rắn đã dựa vào lệnh truyền của Thiên Chúa để làm cho Evà và Adam quên đi ơn huệ, từ đó dẫn đến thái độ không tin, nghi ngờ Thiên Chúa và lòng ham muốn đối tượng của lệnh cấm. Nên đọc St 3, 1-7 dưới ánh sáng của Rm 7, 7-13 (x. « LUẬT và TỘI »).

[2] Vì thế, có lẽ chúng ta không nên làm tượng Đức Ki-tô Phục Sinh trên thập giá, vì chúng ta nhìn thấy Đức Giê-su chịu chết, như chúng ta vẫn còn nhìn thấy biết bao đau khổ thử thách của loài người, của những người thân yêu và của chính chúng ta, nhưng chúng tin nơi Đức Ki-tô Phục Sinh, đang sống và đang hiện diện giữa chúng ta và Ngài sẽ làm cho loài người phải chết, những người thân yêu của chúng ta và chính ta cũng sống lại như Người, để ở với Người và ở với nhau. Đức Ki-tô phục sinh là đối tượng của lòng tin, chứ không phải của đôi mắt trần. Các trình thuật phục sinh nói cho chúng ta chân lí này và kinh nghiệm gặp gỡ Người hoàn toàn là một kinh nghiệm thiêng liêng, chỉ được kể cho nghe, theo cách của các sách Tin Mừng, chứ không để được diễn cho thấy!

Comments are closed.

phone-icon