Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
Theo Word Among Us
Giáo Huấn của Chúa Giêsu về Việc Cầu Nguyện
Một trong những câu hỏi quan trọng nhất chúng ta có thể hỏi là làm cách nào chúng ta có thể ngày càng gần gũi, thân thiết với Chúa Cha như Chúa Giêsu.
Đâu là những nét nổi bật trong mối tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa khiến Người rất quan tâm và rất tập trung vào việc làm hài lòng Chúa Cha? Mẫu gương về đời cầu nguyện và những lời dạy của Chúa Giêsu về cầu nguyện có thể chỉ cho chúng ta một con đường đến với Chúa Cha rõ ràng và thuyết phục hơn.
Giáo huấn về việc cầu nguyện của Chúa Giêsu về cơ bản giống nhau trong các Tin Mừng, nhưng mỗi tác giả Tin Mừng lại nhấn mạnh các khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện. Thánh sử Máccô, viết khoảng năm 65 sau Công nguyên – có lẽ viết cho những người trước từng là dân ngoại ở Rôma đã trở thành Kitô hữu – đã tập trung vào vai trò của người môn đệ, và nhấn mạnh đến sự trung tín của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Trong khi đó, thánh sử Mátthêu lại viết cho hầu hết các Kitô hữu.
Có nguồn gốc Do Thái ở Syria vào khoảng những năm 80 sau Công Nguyên, thánh Luca, bác sĩ và bạn đồng hành của Thánh Phaolô, đã viết một Tin Mừng đầy lòng thương xót cho các Kitô hữu gốc Dân Ngoại của miền Antiôkhia vào khoảng những năm 85 sau Công Nguyên, trong khi Gioan, lại viết khoảng mười năm sau đó, tập trung vào sự kết hợp siêu việt của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Tuy nhiên, dù khác nhau về bối cảnh và chủ đề, tất cả bốn tác giả Tin Mừng đều cho chúng ta một thoáng nhìn về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu và chỉ cho chúng ta thấy một khía cạnh khác của mối tương quan mà mỗi người chúng ta có thể có với Cha trên trời của chúng ta.
Máccô – Lời Cầu Nguyện của Người Môn Đệ Trung Thành
Không phải lúc nào cũng dễ dàng để biết thánh ý của Thiên Chúa, nói chi là thực hiện ý muốn ấy. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho con đường. Thường xuyên vào lúc “sáng sớm, khi trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). Chúa Giêsu đã tự dành cho mình nhiều thời gian để lãnh nhận thức ăn tâm linh mà chỉ việc cầu nguyện mới có thể mang lại.
Chính việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đã giúp Người tập trung vào sứ mạng thập giá của mình – ngay cả khi điều đó đòi hỏi các môn đệ phải cần một thời gian dài để hiểu được lời mời gọi của Người. Chẳng hạn, khi Chúa Giêsu nói với họ rằng Người sẽ chết và sẽ sống lại, Phêrô đã khiển trách Người. Chúa Giêsu đã phải đáp lại: “Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Điều gì có thể chỉ cho chúng ta thấy tư tưởng của Thiên Chúa tốt hơn nếu không phải là một đời sống cầu nguyện?
Vì là con người thực sự, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho chính mình, nhưng đời sống cầu nguyện của Người đã để lại cho chúng ta nhiều mẫu gương. Chẳng hạn, ở vườn Giêtsimani, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Ápba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14,36). Và giá trị lòng trung thành của Chúa Giêsu được nhấn mạnh bởi tiếng kêu trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34) – (chính là) những lời mở đầu của Thánh Vịnh 22. Mặc dù Chúa Giêsu đã chịu đựng một cảm giác kinh khủng của việc bị bỏ rơi ở đồi Calvariô, phần còn lại của Thánh vịnh – phần mà Người có lẽ đã cầu nguyện – cũng chứa đựng những lời chân thật: Người “không đành ngoảnh mặt làm ngơ, nhưng đã thương nghe lời cầu cứu” (Tv 22,25). Chỉ có một cuộc đời cầu nguyện liên lỉ mới có thể cho phép chúng ta nói lên những sở thích của chúng ta, và vẫn phải nói thêm, “nhưng không phải những gì con muốn mà là những gì Cha muốn”, tin tưởng vào sự quan phòng của Cha chúng ta, ngay cả trong những giây phút đen tối nhất.
Thánh Mátthêu – Cầu Nguyện với Cha Chúng Ta
Chúng ta nên có thái độ nào khi cầu nguyện? “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” (Mt 7,7). Chúa Giêsu biết rằng nguồn mạch của sự tự tin này không đến từ chính chúng ta, nhưng từ sự xác tín rằng Cha trên trời của chúng ta nhân hậu và từ bi: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11).
Tin Mừng theo Thánh Mátthêu là Tin Mừng duy nhất ghi lại những lời của Chúa Giêsu về việc cầu nguyện với người khác: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”. Và “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,19.20). Thánh Mátthêu cũng là người duy nhất nói đến giáo huấn của Chúa Giêsu về những nguy hiểm của việc cầu nguyện để được (người ta) nhìn thấy: “Hãy vào phòng… và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,6). Chúa Giêsu muốn chúng ta trở nên chân thành khi chúng ta cầu nguyện, nơi công cộng, với “hai hoặc ba người”, hoặc nơi kín đáo, trong “phòng kín”.
Thánh Luca – Sự Khiêm Nhường, Cầu Nguyện và Thần Khí
Viết theo phong thái cá nhân và chân thành, Thánh Luca là người duy nhất kể câu chuyện về chị Maria và Mátta, trong đó “Maria đã chọn phần tốt nhất”, là ngồi cách bình thản dưới chân Chúa Giêsu, một mẫu mực của việc cầu nguyện chiêm niệm (Lc 10,42). Ngài cũng là tác giả duy nhất kể lại dụ ngôn của Chúa Giêsu về bà goá đi tìm sự công chính từ ông quan toà bất công và đã thành công. Cuối câu chuyện, ông quan toà nói: “Vì mụ góa này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc” (Lc 18,5). Bài học rõ ràng là phải kiên trì trong cầu nguyện.
Thánh Luca cũng cho chúng ta giáo huấn của Chúa Giêsu về sự khiêm nhường trong cầu nguyện. Trong một dụ ngôn, chúng ta nghe một người Pharisêu kiêu ngạo về những việc tốt của mình và đã nhận được phần thưởng của mình, trong khi đó người thu thuế chỉ cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18,13).
Chính sự khiêm nhường này sẽ giúp chúng ta luôn mở lòng mình ra với Chúa Thánh Thần trong cầu nguyện. Luca là Tác giả Tin Mừng duy nhất ghi lại điều đó, khi chịu phép rửa bởi Gioan ở dòng sông Giođan, Chúa Giêsu đã “cầu nguyện” khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (Lc 3,21), cũng như ngài là người duy nhất chỉ ra rằng Chúa Giêsu “đã lui vào hoang địa để cầu nguyện” sau khi Người chữa lành cho người phong hủi (Lc 5,16), “Người đã thức suốt đêm cầu nguyện” trước khi chọn mười hai tông đồ (Lc 6,12), và đã “cầu nguyện một mình” trước khi Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Mêsia của Thiên Chúa” (Lc 9,18.20). Trong mọi trường hợp, Chúa Giêsu đều biết Người cần sự hướng dẫn của Thánh Thần nếu Người muốn sống thật sự với lời kêu gọi của Chúa Cha.
Thánh Gioan – Cầu Nguyện và Chiêm Niệm
Trong toàn bộ Tin Mừng của mình, Thánh Gioan nhấn mạnh đến thiên tính và duy nhất tính với Chúa Cha. Với chỉ một ít ngoại trừ (Ga 11,41-42; 12,28; 17,1-26), Thánh Gioan không bao giờ trình bày Chúa Giêsu đang nói hay đang cầu nguyện với Chúa Cha. Người không cần phải làm như thế – Chúa Cha và Người là một (Ga 10,30). Chúa Giêsu hoàn toàn ý thức về ý muốn của Chúa Cha và thường nói với các độc giả của Người rằng chính nhờ uy quyền và quyền năng của Chúa Cha mà Người hành động (Ga 5,30.36; 7,16.29). Sự kết hợp mật thiết, thường hằng với Thiên Chúa được hiểu là lý tưởng về việc cầu nguyện và chiêm niệm của chúng ta.
Ngay cả những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu mà Gioan đã ghi lại đều được trình bày vì lợi ích cho chúng ta. Tại ngôi mộ của Ladarô, Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11,41-42). Tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha tôn vinh Người để Người có thể tôn vinh Thiên Chúa (Ga 17,1), nhưng hầu hết mọi quan tâm của Người đều nhắm trực tiếp đến các môn đệ: “Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta” (Ga 17,11); “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần” (Ga 17,15); “Con ở trong họ và Cha ở trong con, … để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17, 23.26). Chúa Giêsu, Người Con vĩnh cửu của Thiên Chúa, không chỉ dạy chúng ta cầu nguyện, nhưng còn không ngừng cầu nguyện cho chúng ta, không ngừng xin Chúa Cha tuôn đổ trên chúng ta mọi ân sủng và phúc lành.
Con Đường Cầu Nguyện
Trong tất cả bốn Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu không ngừng cầu nguyện. Ở vườn Giêtsimani, Người đã thể hiện những ước muốn của con người, nhưng đã nhanh chóng thêm vào “xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Và trong giáo huấn của mình, Chúa Giêsu đã bảo đảm với chúng ta rằng những lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được đáp lại: “Cứ xin đi, anh em sẽ được” (Lc 11,9; Ga 16,24). Tuy nhiên, Người nhắc nhở chúng ta phải kiên trì và cầu nguyện với lòng tin kiên định. Chúng ta phải cầu nguyện trong cộng đoàn, vì Thiên Chúa ở đó, bất cứ nơi nào có hai hay ba người tụ họp nhân danh của Người. Nhưng động cơ của chúng ta phải trong sáng, như thể chúng ta ở trong một căn phòng kín một mình với Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin sự tha thứ, nhưng chúng ta phải sẵn sàng thứ tha.
Khiêm nhường như người thu thuế, yên lặng như Maria ở Bêtania, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Giêsu: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46), khi chúng ta suy gẫm những lời của Chúa Giêsu nói với Chúa Cha: “Để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17, 26).