THÁNH IMELDA – Vị Thiên Thần Nhỏ (Chương II)

0

Chương hai: MỘT GIẤC MƠ

Thống đốc thông báo ngày lễ rửa tội của con gái ông sẽ được cử hành vào Chúa nhật tới. Người anh ruột của phu nhân, Đức Tổng Giám mục Crete Egidio Galuzzi, trong vòng một hai ngày tới sẽ chủ toạ lễ nghi rửa tội cho em bé. Thống đốc vui mừng cao giọng : “Em bé sẽ được gọi là Imelda, quý ông bà được kính mời đến lâu đài trong ngày đó. Lúc này, kính chúc mọi công dân hãy vui mừng hân hoan”.

Những tràng pháo tay cứ tiếp tục vang dội sau lời tuyên bố chính thức này. Rồi đám đông tự động ngồi xuống và nhập tiệc. Họ được ăn uống tự do. Cuộc vui cứ tiếp tục mặc dù đêm đã muộn. Các cây đèn muôn màu thắp sáng cả khu vực rộng lớn của lâu đài. Dường như lớp người nghèo và tàn tật luân phiên tới lâu đài không ngớt.

Bà Donna Castora mỉm cười khi nghe được mọi âm thanh vui nhộn từ dưới vang lên. Bà nghĩ : “Xem như cả thành phố đang vui mừng với tôi, vì Chúa đã ban cho tôi một bé gái. Ôi ! Tôi sung sướng biết bao”. Rồi bà nhắm mắt lại và chỉ vài phút sau là thiu thiu ngủ. Nhưng bà nghĩ rằng mình không ngủ. Bà cảm thấy là dường như mình đang ở ngoài lâu đài, đi dạo trên các đường phố của thành phố Bologna. Đó là một buổi sáng vào trung tuần tháng năm, mặt trời rực rỡ chiếu êm dịu trên đại thánh đường Thánh Phêrô và các đài kỷ niệm. Bà nhận rõ các cảnh đài quen thuộc này. Nhưng có điều lạ lùng là bà không thể nhận ra một ai là người quen thuộc cả. Ngay cả y phục của dân chúng lúc này cũng khác lạ đối với bà, chừng như họ mặc y phục của địa phương họ thì phải. Và xem họ như là những người thuộc vào các thế kỷ nào đó hơn là thời đại của bà.

Lúc đó có một số người đàn ông trẻ đi ngang qua, những thanh niên trong y phục màu xám của Dòng Phanxicô. Bà thầm nghĩ : “Ồ ! Ít ra minh cũng nhận ra một cảnh quen thuộc chứ”. Vừa ngầm nghĩ bà vừa nhìn vào vài khuôn mặt tu sĩ trẻ đang làm phúc cho những người ở gần bà nhất. Rõ ràng là các thanh niên này đang đi khất thực để rồi lấy của ăn giúp đỡ các kẻ nghèo. Khốn thay ! Cũng chẳng có bộ mặt nào quen biết cả bà cũng không thể nhận ra được ai giữa những người hành khất hay giữa đám trẻ em, đám sinh viên đang trò chuyện trên đường đi tới trường học, mặc dù bà thực là người bản xứ của thành phố Bologna, nơi chôn nhau cắt rốn của bà.

Bất chợt một sự náo động xảy đến từ xa và mọi người trên phố đều ngưng lại để xem sự thể. Một người hỏi : “Chuyện gì thế ? Ai đang đến kia ?”. Bà Donna Castora ngưng lại nhìn vào quảng trường lớn trước nhà thờ Chính toà. Bà thấy một cảnh tượng lạ lùng là có nhiều thầy dòng đang đi vào tu viện. Đi đầu là một người đàn ông có thân hình mảnh khảnh với mái tóc hung đỏ. Cặp mắt thầy dòng này đang dõi theo đám người ở phố cách rất đáng yêu, và xem như có ánh sáng chiếu ra từ vầng trán của thầy. Vầng sáng giống như một ngôi sao, và bà Donna nhận thấy mình đang phủ phục dưới chân thầy dòng ấy cũng như những người đứng gần đó cũng vội quỳ gối. Và kìa, thầy dòng đầu nhóm mặc áo dòng đen và trắng liền giơ tay và chúc lành cho bà. Rồi với nụ cười, vầng sáng trên trán vẫn toả rực, thầy băng qua cửa để vào tu viện. Bà Donna nghĩ thầm : “Đó là thánh Đa Minh, vị sáng lập dòng Thuyết Giáo”. Bà biết thế, nhưng bà không biết lý do tại sao bà nhận ra được Ngài. Bà cũng không thể giải thích tại sao bà biết thầy dòng này từ Viterbo tới Bologna để chủ toạ buổi họp đầu tiên cho các thầy. Một điều duy nhất bà biết là đôi mắt bà đang dán chặt vào một đấng thánh. Dần dần giấc mơ tan đi. Đường phố Bologna xem như vừa quen thuộc vừa xa lạ cũng lẩn mất. Bây giờ bà nhận ra là mình đang nhìn vào bức tường trong phòng bà. Dưới khuôn viên vẫn còn vang những âm thanh vui vẻ và bầu không khí vẫn ồn ào, vì trái tim bà đang đập mạnh dữ dội. Giấc mơ này có nghĩa là gì ? Tại sao bà lại đang ở vào một ngày mùa Xuân năm 1220 khi thánh Đa Minh ở Bologna chủ toạ Đại Hội Nghị đầu tiên của Dòng Thuyết Giáo mới được thành lập. Tâm trí bà diễn lại cảnh tượng đep : “Ngài nhìn tôi âu yếm dường nào. Dường như ngài ban cho tôi một phép lành đặc biệt hơn các người khác”. Rồi bà với cái chuông nhỏ đặt trên cạnh bàn kế cận và rung chuông. Lập tức, người đàn bà giúp việc xuất hiện. “Tôi đây, thưa phu nhân, bà cần chi ạ ?” – “Beatrice ơi, làm ơn đem em bé mới sinh lại cho ta. Ta muốn nhìn em bé lần nữa”. Người giúp việc cúi chào rồi biến vào trong. Ngay sau đó, bà trở lại với em bé mới sinh trên đôi tay được cuốn trong tấm len trắng nõn, bà nói : “Em bé đang ngủ. Thưa phu nhân. Em bé đẹp quá. Khi em bé thức, cặp mắt xanh mở rộng đẹp như cả một đại dương xanh thẳm. Em bé đẹp chừng nào. Tôi có cảm tưởng như em bé được chất chứa những điều vĩ đại trong mình”. Người mẹ giơ đôi tay ăm con vào lòng. Bà khe khẽ nói nhỏ cách trìu mến : “Imelda, nhiều điều vĩ đại được chất chứa trong con chứ ?”. Đợi một lúc quá lâu, người nữ tỳ Beatrice cảm thấy lo lắng nhìn bà chủ, rồi đề nghị : “Có lẽ tốt hơn là phu nhân để tôi bế em bé vào, vì phu nhân còn yếu cần phải nghỉ ngơi”. Donna đưa trả em bé lại một cách miễn cưỡng : “Đây, bồng lấy em bé, tôi có thể ngủ được rồi”.

Người giúp việc ru em bé trên cánh tay mình một lúc, rồi liếc nhìn ra ngoài cửa sổ vẫn đang mở. Đám đông ở khuôn viên dưới nhà còn hát ca vui nhộn, họ hát những bài dân ca quen thuộc. Hơn thế nữa, họ thích thú đến nỗi họ vỗ tay, nhịp chân để gõ nhịp. Beatrice nói : “Thưa phu nhân, làm sao bà có thể ngủ được trong bầu không khí ồn ào như thế này. Có lẽ tôi sẽ nói với những người làm bếp ra lệnh cho mọi người ra về chứ ?”. Bà Donna cười : “Không không, họ đã chẳng hứa là sẽ cầu nguyện cho Imelda ? Cầu cho cha mẹ em bé nữa sao ? Hãy để đám người nghèo được thoải mái ”.

Người giúp việc gật đầu cách ngại ngùng : “Thôi được, thưa bà, chúc bà ngủ ngon. Tôi thấy không có gì hại cho em bé quý báu này”. Khi cánh cửa đóng lại, bà Donna thở ra sung sướng. Bà cảm thấy mệt cần phải nghỉ. Có lẽ bà vẫn còn bị vấn vương với những hình ảnh về thánh Đa Minh. Bà cố gắng nghỉ ngơi và mường tượng lại nụ cười và phép lành của vị thánh, nhưng không thể nhớ ra được. Hàng ngàn tư tưởng xuất hiện trong trí. Imelda ! Imelda ! Tương lai của em bé ra sao ? Không biết lời nói của Beatrice có đúng hay không ? Cảm nghĩ của bà ta có trung thực không nhỉ ? Có phải Chúa sẽ làm những việc cả thể trên em bé chăng ? Bà tự nghỉ : “Có thể em bé sẽ trở thành một nữ tu ? Có lẽ ngày nào đó em bé sẽ vào tu viện thánh Agnès ở Bologna này đây và xin được mặc áo dòng Đa Minh ! Đây chính là Thiên đàng, nơi có nhiều vị thánh cư ngụ”.

Bà ngẫm nghĩ mãi và mỉm cười cho đến khi có tiếng hô to ở dưới khuôn viên vọng lên, những bài hát của đám đông đổi sang cung giọng chào đón vui mừng. Hiển nhiên có một nhân vật quan trọng đang tới cửa lâu đài. Bà Donna trở nên căng thẳng, bà nghĩ : “Chắc Đức Tổng tới rồi à ? Chúc tụng Chúa ! Anh Egidio đã tới sớm hơn như đã dự tính”. Tay bà nắm lấy cái chuông và rung mạnh, bà gọi : “Beatrice. Beatrice, đến đây !”. Lập tức, cánh cửa phòng mở, và người giúp việc lại xuất hiện, ngọn đèn cầy chập chờn được giữ cao mãi trên trán. Khuôn mặt bà đầy lo lắng : “Có việc gì thưa bà ? Có việc gì sai chăng ?”. Đôi mắt bà Donna bừng sáng cách thích thú : “Không có gì sai cả. Nhưng Đức Tổng Giám mục đã đến phải không ?”, người giúp việc muốn sửa lỗi : “Thưa bà, Đức ngài đã tới, đúng vậy. Nhưng bà cần phải ngủ. Bà đã hứa với tôi một giờ trước là bà sẽ ngủ mà”. Bà Donna nói : “Tôi biết thế. Nhưng tôi muốn gặp Đức Tổng Giám mục, Beatrice ạ. Vì dẫu sao, ngài là anh tôi, và tôi có nhiều điều muốn hỏi ngài về Imelda. Bà biết đấy, tôi vừa mới qua một giấc mơ, một giấc mơ tuyệt vời, đó là thánh Đa Minh. Tôi gặp ngài đang đi trên phố. Ngài chúc lành cho tất cả mọi người ở đó đang nhìn theo ngài, nhưng với tôi, xem như ngài dành cho một phép lành đặc biệt, tôi nghĩ có thể là vì… Này Beatrice, làm ơn mời anh tôi tới đây”. Người tớ nữ thở dài : “Được lắm, thưa bà. Tôi sẽ chuyển lời của bà tới cho Đức Tổng Giám mục”.

Egidio Galuzzi, Tổng Giám mục ở Crete, rất mệt mỏi vì chuyến đi xa xôi từ Venice tới. Cuộc hành trình từ Venice tới Padua, rồi Ferara, và Bologna không phải là dễ dàng gì. Tuy thế, ngài cũng lo lắng cho người em của ngài, nên ngài sẵn sàng theo Beatrice tới phỏng ngủ, ngài ngồi trên chiếc ghế chạm trổ rất tinh vi, đôi chân đặt trên cái gối bằng nhung đỏ ngài nghe kỹ lưỡng giấc mơ của bà Donna với một thái độ rất kiên nhẫn.

Bà Donna Castora vạn hỏi cách nóng nảy : “Anh Egidio, anh biết về thần học, anh có nghĩ rằng đôi khi Chúa cho chúng ta những giấc mơ là có mục đích đặc biệt không ?”. Đức Tổng Giám mục mỉm cười : “Điều này đã xảy ra. Ba nhà thông thái đã được báo trong giấc mơ rằng họ phải trở về quê hương nhà mà đừng viếng thăm Herode lần thứ hai. Thánh Giuse tốt lành cũng đã có giấc mơ nhờ đó ngài biết rằng bạn của ngài là mẹ Thiên Chúa. Đúng vậy, Castora, đôi khi giấc mơ đến từ trời”. Bà Donna vặn : “Và anh có nghĩ một trong các giấc mơ đến là vì lý do đặc biệt không ? Anh có nghĩ rằng thánh Đa Minh đã chúc lành cho em vì… con nhỏ Imelda không ? Chắc chắn rằng ngài có ý một ngày nào đó, cô bé sẽ là kẻ vĩ đại trong số các kẻ theo ngài không ?”. Đức Tổng rất thận trọng : “Chúng ta không thể vội vã phán đoán về các điều này. Cho dù mọi em bé sinh ra đều được ban ân huệ để trở nên một vị thánh. Castora, em phải dạy bảo Imelda chân lý này và giúp con dùng ơn Chúa dã ban cho để trở nên hữu dụng. Khi em đã dạy dỗ con và chu toàn bổn phận này cách hoàn hảo, lúc đó sẽ là thời gian để phán đoán về giấc mơ của em”.

Cặp mắt người đàn bà ngưng lại nhìn anh cách khẩn khoản khi thấy ngài đứng dậy. Bà nói cách nhẹ nhàng : “Anh đừng đi bây giờ. Em biết anh rất mệt, Egidio ạ, nhưng xin anh nói cho em chút nữa để em có thể ngủ được, và như thế sẽ làm hài lòng bà Beatrice”. Một nụ cười thích thú nở trên khuôn mặt Đức Tổng. “Nhưng anh sẽ nói cái gì đây ? Về chính mình hả ? Hay về cuộc hành trình ? Em thân mến, những chuyện đó dành đến ngày mai có lẽ tốt hơn. Hãy nhớ rằng, anh chưa được nhìn đứa cháu nhỏ mà”. Bà dịu dàng : “Em biết, nhưng hãy nói với em về thánh Đa Minh rồi hãy xem em bé sau”.

Đức Tổng Giám mục ngồi lại trên chiếc ghế chạm trổ. Ngài bắt đầu câu chuyện : “Năm nay là năm 1322. Thánh Đa Minh đã qua đời năm 1221, ngài được chôn cất ở Bologna này. Các thầy dòng của ngài đã nổi danh là các nhà giảng thuyết và giáo sư khắp cả Âu Châu. Anh hãnh diện là một phần tử trong cộng đoàn của họ”. Giọng người đàn bà thì thầm khe khẽ nhủ : “Tiếp tục đi anh, hãy nói cho em nghe về các nữ tu sĩ của ngài”. – “Các nữ tu tiên khởi của thánh Đa Minh là 9 bà quý phái người Pháp. Họ đã được cải hoá từ nhóm người lạc giáo do lời giảng dạy của Vị Thánh này, Đức Giám mục ở Prouille (Pháp) đã cho họ một tu viện ở đó. Mục tiêu chính của đời sống dâng hiến của họ là cầu nguyện cho việc giảng thuyết. Năm 1219, Thánh Đa Minh thiết lập tu viện thứ hai ở Madrid, rồi vài tháng sau đó, ngài đến Rôma để thuyết phục một số phụ nữ khác vào tu dòng”.

Tới đây, Đức Tổng Giám mục ngưng và liếc nhìn cô em. Vinh danh Thiên Chúa ! Castora đã rời vào giấc ngủ.

Nguyên tác: Mary Fabyan Windeatt

Chuyển ngữ: Sr. Teresa Thơm Nguyễn, OP.

Comments are closed.

phone-icon