Triều đại 220: Đức Giáo hoàng Phaolô III

0

Đức Giáo Hoàng Phaolô III sinh ngày 29-2-1468 tại Rôma, thuộc giới quý tộc Rôma, tên thật là Alessandro Farnese. Là người có học thức uyên bác, được hấp thụ nền giáo dục của Rôma, ngài tiến rất nhanh trong sự nghiệp Giáo hội, ngày 20-9-1493, được đức Alexanđê thăng Hồng y phó tế của nhà thờ thánh Cosma và Đamianô khi mới 26 tuổi, nhưng đây chỉ là danh tước chứ không có chức thánh, sau đó làm niên trưởng Hồng y đoàn. Với gia sản của gia tộc và bổng lộc bởi tước Hồng y đem lại, ngài đã trải qua một cuộc sống vương giả và trác táng, có 4 người con do 4 bà vợ khác nhau. Dầu vậy, ngài đã biết dùng tiền của để mua lấy bạn hữu, chi dùng số tài sản khổng lồ của mình cách hào hiệp nên được dân chúng Rôma, nhất là các nghệ sĩ quý mến. Bằng khả năng và kinh nghiệm khéo léo về chính trị, ngài tạo được nhiều thiện cảm của các vị Giáo hoàng và của giáo triều, do đó, việc bầu ngài lên ngôi Giáo hoàng được tiến hành mau lẹ và thống nhất, ngài được bầu chọn ngày 13-10-1534, đăng quang ngày 3-11-1534. Trong những lần bầu chọn Giáo hoàng trước đây, tưởng chừng như ngài đã được chọn kế vị đức Clêmentê VII.

Giáo triều của ngài nhắm đến các mục đích chính yếu như giải quyết những bất đồng để đi đến hòa hợp với các Ly giáo, canh tân Giáo hội và chống lại quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Vấn đề ly giáo ngày càng trở nên trầm trọng hơn trong giáo triều này: các giáo phái Luther, Zwingli, Anh giáo của Henri VIII, giáo phái Calvin từ Thụy Sĩ và tại các nước Âu Châu. Bấy giờ Giáo hội Công giáo bị tấn công từ mọi phía, ngay cả bên trong nội bộ của Giáo hội, những thế lực này tìm cách để thoát khỏi những ràng buộc về giáo lý, chính trị và tài chính mà trước kia Giáo hội đã ban hành và họ phải miễn cưỡng chấp nhận.

Trước tình hình rối ren như thế ngài đã quyết định triệu tập công đồng chung ngày 2-6-1536, công đồng đại kết ở Mantoue, nhưng gặp phải sự chống đối của các quý tộc thân Tin lành và Bá tước ở Mantoue không bảo đảm an ninh, nên Công đồng đã không thể được triệu tập. Tiếp đến, năm 1537, ngài công bố sắc chỉ sẽ triệu tập một Công đồng khác ở Vicence vào ngày 1-5-1538, nhưng cũng gặp trở ngại vì sự thù nghịch giữa Charles Quint và Francois I, do đó, Công đồng cũng không thể được triệu tập. Sự gia tăng quyền lực của Charles nhờ vào sự thống nhất của nước Đức là mối nguy cho các quốc gia khác, nhất là với Francois I, trong cuộc tranh cãi giữa Charles Quint và Francois I, ngài đã giữ thái độ trung dung không đứng về phía nào để tránh những xung đột đáng tiếc. Khi hiệp ước Crespi được ký kết để chấm dứt cuộc chiến giữa Charles Quint và Francois I, ngài đã ban hành tự sắc Laetare Jerusalem ngày 19-3-1544, quyết định triệu tập Công đồng đại kết Trentô, chiến đấu với những thế lực tìm cách ngăn trở việc nhóm họp công đồng, ngài buộc lòng nhờ Charles Quint can thiệp bằng vũ lực.

Sau những khó khăn, ngày 13-12-1545, Công đồng Trentô đã nhóm họp khóa đầu tiên, các nghị phụ phải đương đầu với những vấn đề về đức tin và kỷ luật. Công đồng kéo dài 18 năm, từ năm 1545 đến 1563, với nhiều lần bị gián đoạn và trải qua nhiều triều đại Giáo hoàng. Qua Công đồng này, Giáo hội xác nhận lại nền tảng đức tin công giáo theo truyền thống mà các ly giáo đã bác bỏ. Để bảo vệ gia sản công giáo, ngài đã lập nên Thánh bộ đức tin (Saint Office), Tòa Thẩm Tra. Ngài đã thành lập Dòng Tên ngày 27-9-1540 với trọng sắc Regimini Militantis Ecclesiaeng. Dưới triều đại của ngài, nhiều dòng tu khác như: Cappuccino, Barnaba, các tu sĩ Thêati, Ursuline đã xuất hiện. Ngài nhắm cải tổ Giáo hội tận gốc rễ, bắt đầu từ giáo triều Rôma, nói cách khác, ngài khởi đầu một biến động mới trong Giáo hội Công giáo, mang tên là Chống Cải cách, ngài là vị Giáo hoàng với gương mặt nổi bật trong dòng lịch sử Giáo hội, dù vẫn còn nhiều lầm lỗi, nhưng những điều đó không thể che lấp những gì mà ngài đã đem lại cho Giáo hội.

Về phương diện nghệ thuật, ngài cho thực hiện nhiều công trình, mà phần lớn ngài giao cho Michel Ange: chỉnh trang đền Capitole, vẽ bức họa “Ngày Chung Thẩm” trên tường của nguyện đường Sixtine, trần vòm của đền thờ thánh Phêrô, những đồ vật nghệ thuật gắn liền với tên tuổi của ngài, những đường phố Rôma mà ngài đã sửa sang, mở rộng. Tất cả thể hiện một cách hùng hồn nhân cách và sự lỗi lạc của vị Giáo hoàng đã đảo lộn tiến trình của sự việc vì ích lợi của Giáo hội. Ngài là vị Giáo hoàng được rất nhiều nhà khoa học và văn học thời bấy giờ kính trọng và quý mến. Ngài qua đời ngày 10-11-1549, được an táng trong ngôi mộ do chính Michel Ange thiết kế và Gaglielmo delle Porta xây dựng trong đền thờ thánh Phêrô.

Comments are closed.

phone-icon