Những môn đệ tiên khởi của Thánh Đa Minh: William di Monferrato

0

WILLIAM DI MONFERRATO

Do mối tương quan giữa hai người, nên William di Monferrato luôn được nhắc đến mỗi khi nói bất kỳ điều gì về đời sống của thánh Đa Minh. Phần cuối của tên William, chỉ nơi sinh, lãnh địa của người Ý xưa, hay tỉnh Monferratl, có thủ đô là Casale, một thành phố có Tòa Giám mục tọa lạc ở tả ngạn con sông tuyệt đẹp thuộc lãnh địa Milan. Từ cái tên cho thấy chắc hẳn người thuộc tầng lớp cao quý nhất và thuộc về gia đình có quyền lực trong vùng Monferrato. Giữa bá tước Ugolino di Segni, Hồng y Giám mục của Ostia và Velletri, cháu của Đức Giáo hoàng Innocent III, và sau đó cũng lên ngai Giáo hoàng với danh hiệu Gregory IX, và gia đình của Di Monferrato chắc chắn có mối tương quan bằng hữu thân thiết.

Hẳn rằng William được đào tạo kỹ lưỡng, cũng như được giáo dục cẩn thận ngày khi còn trẻ. Vì vậy, khi người đến tham dự mùa chay năm 1217 ở Roma, Hồng y và thánh Đa Minh, lúc đó đang ở Rôma, là bạn bè tin cậy và thân thiết với nhau, chính mối tương quan này đã gắn kết chàng trai trẻ Di Monferrato với Đấng sáng lập của Dòng Anh Em Giảng Thuyết; vì hai thành viên nổi tiếng của Giáo hội thường gặp nhau để bàn thảo trong tư dinh của Hồng y. Rõ ràng, khi bản tường thuật về việc giảng dạy và những phép lạ của thánh Đa Minh được lan rộng khắp nước Ý (đặc biệt ở Rôma), thì William đã biết trước thánh Đa Minh nhờ danh tiếng của cha. Nhưng ơn gọi tu trì của chàng trai trẻ này đã nảy sinh từ nhà của vị Giáo hoàng tương lai Gregory IX, người ngưỡng mộ Dòng Anh Em Giảng Thuyết nhất.

Tại đây, Di Monferrato đã biết trực tiếp về con người của Thiên Chúa, cũng như được thấy những phép lạ của Thiên Chúa hoạt động nơi tâm hồn thanh khiết của thánh Đa Minh. Chúng ta không biết Di Monferrato có thuộc hàng linh mục hay không. Nhưng những cuộc trò chuyện của người với thánh Đa Minh đã cho người thấy rõ sự hư vô của thế giới và sự phù phiếm của những danh vọng trần gian. Một mặt, phẩm giá gia đình cùng với những phẩm chất cao đẹp cũng đã làm cha Đa Minh, yêu mến chàng trai trẻ; mặt khác, Di Monferrato cũng cảm thấy chính mình bị cuốn hút bởi vị tổ phụ. Ấn tượng này đã thúc đẩy khát vọng khôn nguôi nơi Di Monferrato là thánh hóa linh hồn mình và cứu rỗi tha nhân.

Bằng sự kính trọng và lòng mến dâng tràn dành cho Đấng sáng lập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, Di Monferrato không chỉ quyết định xem thánh Đa Minh như mẫu gương cho cuộc sống của mình, nhưng còn muốn gia nhập Dòng. Người bày tỏ quyết định của mình cho thánh Đa Minh cũng như diễn tả niềm hy vọng rằng sẽ được phép đồng hành cùng Đấng sáng lập trong sứ vụ mà cha dự định đảm trách ở mạn Đông. Thói quen của thánh Đa Minh là nhận ngay lời hứa của bất kì người trẻ nào. Nhưng trong trường hợp này cha đã không làm như vậy, vì cha nghi ngờ rằng có thể là do ý định của gia đình hay một ai đó nên cha đề nghị William hoãn việc gia nhập Dòng.

Có lẽ điều này đã khiến cho William đề nghị với thánh nhân, người mà anh xem là thầy, rằng anh nên đến học ở đại học Paris. Ở đó anh có thể sẽ tiến bộ trong học hành để có thể hữu ích cho đời sống tông đồ sau này. Thánh Đa Minh đã tán thành ý kiến này. Cha mẹ của anh sẽ quen với việc vắng mặt của đứa con trai trong nhà, và nhờ đó họ sẵn lòng đồng ý cho William gia nhập vào Dòng. Rất có thể một phần của kế hoạch là William học những ngôn ngữ đông phương.

Suốt hai năm học tại Paris, vì nhận thấy càng học được nhiều thì càng có thể đáp ứng cho ơn gọi, nên William đã tiến bộ nhiều như mọi người có thể mong đợi từ một sinh viên thông minh và có khiếu học hành. Thiên Chúa chúc phúc cho người theo nhiều cách. Nhờ việc học hành, người đã kết hợp được thói quen cầu nguyện và việc thực hành nhân đức, trở thành gương tốt cho người khác. Rõ ràng những điều ấy giúp cho người bền vững trong ơn gọi, và tránh những ảnh hưởng bởi đời sống phóng túng của những bạn học.

Khi cha được gọi đến để làm chứng cho những cho những phép lạ và sự thánh đức trong việc phong thánh cha Đa Minh, cha Di Monferrato đã làm chứng trong cung cách khiêm nhường. Cha Touron không sao chép lạo điều này. Những lời chứng đó quá đẹp đến mức không thể bỏ qua. Như được ghi trong cuốn Scriptores Ordinis Praedicatorum và cuốn Acta Sanctorum:

Cha William di Monferrato, linh mục Dòng Anh Em Giảng Thuyết, đã thề rằng 16 năm trước hay gần như thế, cha đã đến Rôma để dự mùa chay. Giáo hoàng đương kim, khi đó là Giám mục Ostia, đã giữ cha ở lại nhà người. Khi đó, cha Đa Minh, Đấng sáng lập và là Tổng quyền tiên khởi của Dòng Anh Em Giảng Thuyết, đang ở giáo triều Rôma, và thường viếng thăm Giám mục Ostia. Điều này đã tạo cơ hội cho nhân chứng gặp gỡ thánh Đa Minh, cuộc trò chuyện của cha thánh đã cuốn hút nhân chứng đến độ William bắt đầu yêu mến cha Đa Minh. Hai người thường nói chuyện riêng của mình và của những người khác.

Nhân chứng cho rằng, thánh Đa Minh là người thánh thiện nhất mà mình đã gặp, dù cho trước đó, William đã từng gặp gỡ, trò chuyện với nhiều người đạo đức và thánh thiện khác nữa. Nhân chứng cũng cho rằng mình chưa bao giờ gặp bất kì con người nào nhiệt thành như Đa Minh trong việc cứu rỗi các linh hồn. Cũng năm đó, nhân chứng đến Paris học thần học. William đã làm như thế vì đã có sự thỏa thuận giữa người và thánh Đa Minh rằng người nên gia nhập Dòng Anh Em Giảng Thuyết, mà người đã hứa thực hiện sau 2 năm học thần học. Cũng có một thỏa thuận giữa hai người rằng sau khi thánh Đa Minh thiết lập tổ chức dòng, cha và William sẽ cùng nhau đi giảng đạo, trước tiên cho người ngoại giáo Persia trở lại, kế đến cho những người sống ở những quốc gia nằm ở phía Bắc.

Khi thánh Đa Minh đến Paris, trong chuyến quay trở về từ Tây Ban Nha, vào năm 1219, cha đã khám phá ra người bạn trẻ đáng yêu có cùng suy nghĩ và ý hướng như 2 năm trước đó khi ngài rời Rôma. Thế là, Di Monferrato đã nhận được tu phục từ cha tổ phụ, và cả hai cùng khởi hành đến Bologna. Cuộc đồng hành đầu tiên với thánh Đa Minh được xem như một phần của năm Tập và là bước đầu của đời sống tông đồ dành cho William. William thường xuyên có cơ hội để chứng kiến những phép lạ mà Thiên Chúa thực hiện qua thánh Đa Minh. Tại Chatillon-sur-Seine, Agignon, trong suốt hành trình vượt qua dãy núi Alps, và vào nhiều thành phố của Ý, thầy tập sinh của chúng ta đã được những lời giảng dạy cũng như các nhân đức của thầy mình soi sáng. Mẫu gương mà thánh Đa Minh (như chính William cho chúng ta biết trong lời chứng của người về sự thánh thiện của thánh Đa Minh) đã dạy cho người môn đệ là chỉ nói với Chúa và nói về Chúa. Điều này thúc đẩy các môn đệ nỗ lực dạy cho tha nhân biết chân lý và chỉ cho họ con đường về trời.

Vì vậy, chúng ta có thể dễ dàng hình dung về sự tiến bộ của người học trò dưới sự hướng dẫn của người thầy như vậy. Thật ra, chúng ta sớm khám phá ra Di Monferrato được đào tạo tốt về đời sống nội tâm, cũng như được chuẩn bị kỹ lưỡng cho sứ vụ tông đồ. Về vấn đề này, William có điều kiện là được gặp gỡ thánh Đa Minh. Thiên Chúa đã không cho phép cả hai tiến hành kế hoạch là trở thành những nhà truyền giáo cho người ngoại giáo ở phương Đông. Tuy nhiên, trong những hành trình trong hai năm cuối đời, thánh nhân thường đưa William đi cùng. Những bài giảng của hai người đã làm cho nhiều tội nhân, người Do thái và những người nghèo lạc giáo trở lại. Biến cố này xảy ra ở Lombardy, và là hoạt động cuối cùng của thánh Đa Minh và là hoạt động đầu tiên của William di Monferrato.

Sau khi Đấng sáng lập Dòng qua đời, người môn đệ trung thành này vẫn tiếp tục được hướng dẫn bởi những nguyên tắc đạo lý cũng như bước theo dấu chân cha thánh. Người đã làm việc không nghỉ cho việc cứu rỗi các linh hồn. Tại Tổng hội, được tổ chức ở Bologna năm 1233, người giữ vai trò là một trong những giám định viên, và nhờ thế được hiện diện tại buổi di chuyển hài cốt của thánh Đa Minh diễn ra khi đó. Một vài tháng sau, William là nhân chứng thứ hai trong Dòng được mời để đưa ra chứng ngôn về sự thánh thiện, đức hạnh và những phép lạ của cha thánh trong tiến trình phong thánh trước những vị điều tra thuộc Tông tòa.

Giờ đây, cha thánh đã được tưởng thưởng; sự nghiệp của ngài bình an trong tay Giáo hội. Vì vậy, không lâu sau khi cha thánh được tôn kính như vừa được nói ở trên, cha Di Monferrato đã quyết định tiếp nhận sứ vụ mà mình và cha tổ phụ đáng kính đã lên kế hoạch cùng nhau thực hiện. Được sự chấp thuận của các Bề trên cao cấp và lời chúc lành của Đức Giáo hoàng Gregory IX, cha đã rời khỏi Ý để đến với các vùng truyền giáo ở phương Đông. Raynaldi cho là cha tới đó muộn nhất là vào năm 1235.30 Trong thư tường trình gởi cho Đức Giáo hoàng Gregory IX, cha Philip, Giám tỉnh Tỉnh Dòng Anh Em Giảng Thuyết ở Palestine, cho biết William di Monferrato và hai em khác, rất giỏi ngôn ngữ phương đông và hiện đang nhiệt thành thi hành sứ vụ để đưa Đức Thượng phụ của những người theo lạc thuyết Nestorians ở đất nước Ấn độ rộng lớn, cũng như một phần lãnh thổ của người Tartar và những vùng đất khác hiệp nhất với Giáo hội chân chính. Các nhà biên tập về hồ sơ của thánh Đaminh (Cartulaire de Saint Dominique) bảo đảm rằng cha Di Monferrato đã thi hành sứ vụ ở Bagdad và Mosul.

Tuy nhiên, kể từ đây không ai biết gì thêm về vị sứ giả nhiệt thành của Chúa Kitô. Thật ra điều này cũng chẳng có gì quá lạ lẫm đối với việc thiếu thông tin về thời gian và nơi chốn cũng như về sự qua đời của một số môn đệ thánh Đa Minh đã sống ở Châu Âu. Thường không có bất kỳ bản báo cáo cá nhân nào nhận được nói về các Anh Em Giảng Thuyết tiên khởi đang thực hiện sứ vụ ở Phương Đông trong vai trò các nhà truyền giáo. Nhiều khi họ qua đời đang khi thi hành sứ vụ xa chỗ anh em, hoặc họ đã lãnh vương miện tử đạo trong một cuộc tàn sát. Nếu thế, thì quả thật chúng ta khó mà biết được về cái chết của họ. Và như thế, chẳng ai có thể nghi ngờ khi William di Monferrato, noi gương người bạn của mình, Đấng sáng lập Dòng, thực hiện sứ vụ giữa những người ngoại giáo và ly giáo tại những vùng đất ngoại cho đến chết, và người đã nhận được phần thưởng vinh quang vĩnh cửu cho việc phục vụ trung thành vì Dòng. Ngài mãi mãi được xem là một trong những chiến sĩ can đảm nhất của Dòng.

Trích từ Victor F. O’ Daniel, Những môn đệ tiên khởi của thánh Đa Minh, tập I, Học viện Đa Minh, 2011 trang 112 – 117.

Ghi chú: 

30 Rahnaldi, Oderic, Annales Ecclesiastici, Anno 1235, No. 28; Quetif-Echard,op. cit.,1,105.

 

 

 

Comments are closed.

phone-icon