“Thiên Chúa của con, tại sao Ngài đã bỏ rơi con?”

0

sao Chua bo con

1. Dấu lạ và lòng tin

Chứng kiến hoặc nghe kể lại dấu lạ chưa từng có, đó là dấu lạ ông Ladarô, đã chết và được an táng tới bốn ngày, nhưng được Đức Giê-su cho hồi sinh, nhưng các thượng tế và các người Pha-ri-sêu lại triệu tập Thượng Hội Đồng và nói: “Chúng ta phải là gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ…”, và họ quyết định giết Đức Giê-su (Bài Tin Mừng hôm qua, thứ bảy, sau Chúa Nhật V Mùa Chay: Ga 11, 45-56). Như thế, để cho con người tin nơi Thiên Chúa, để cho con người tín thác vào tình yêu và lòng thương xót của Người, những kì công lớn lao hay những phép lạ cả thể đã không mang lại hiệu quả[1].

Thực vậy, lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy sự ghen tị dẫn đến hành vi bạo lực, như chúng ta đã nhận ra trong bài Tin Mừng theo thánh Gioan, hoặc khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ. Và đó chính là kinh nghiệm của người Do thái trong sa mạc: Con cái Israel chứng kiến mười dấu lạ, nhưng vừa ra khỏi Ai Cập gặp thách đố đã kêu: “Bên Ai Cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc?” Thiên Chúa sẽ làm dấu lạ lớn hơn nữa cho họ, đó là mở đường đi ngay trong lòng biển cả (x. Tv 77, 20-21). Nhưng khi vừa đi qua Biển Đỏ khô chân, vào sa mạc thiếu nước, họ tiếp tục kêu; và sẽ còn kêu hoài, mỗi khi gặp khó khăn thử thách (x. Ds 21, 4-9).

Các vị kinh sư và Pharisiêu chứng kiến Đức Giêsu làm dấu lạ, nhưng họ lại nói: đó là nhờ tướng quỉ Bêendêbun; họ chứng kiến Ngài chữa lành, thì họ dựa vào lề luật để lên án Chúa. Dưới chân Thập Giá, họ vẫn cứ dòi dấu lạ: “Xuống khỏi Thập Giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin” (x. Mt 27, 39-44).

2. “Dấu lạ Thập Giá”

Chính vì thế, trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su sẽ không làm dấu lạ nào nữa. Nhưng cái chết của Ngài trên Thập Giá lại là một Dấu Lạ, Dấu Lạ của mọi dấu lạ. Thật vậy, viên đại đội trưởng Roma đứng đối diện với Đức Giê-su chịu đóng đinh, khi thấy Người tắt thở trên Thập Giá, liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.” (Mc 15, 39; và x. Mt 27, 54)

Khi rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Đức Giê-su làm những dấu lạ để cứu sự sống, nhưng khi làm thế, Ngài lại mang vào mình nguy cơ mất sự sống. Tuy nhiên, Sự Dữ mà con người làm cho Ngài không làm thất bại kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Tương tự như ông Giuse nói với các anh của mình: “Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo.” (St 50, 20). Cũng vậy, Đức Giê-su dùng chính hành động tiêu diệt Ngài,

– để bày tỏ khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, là tình yêu và lòng thương xót, và Ngài chỉ là tình yêu và lòng thương mà thôi.

– để trao ban sự công chính và sự sống của Ngài cho chúng ta.

– và để: “qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối”, như thánh sử Gioan nói trong bài Tin Mừng hôm qua (Ga 11, 52).

Và nhất là để cho sự dữ hiện nguyên hình trên thân xác nát tan của Ngài, và qua đó, giải thoát loài người chúng ta khỏi mọi sự dữ, nghĩa là sự dữ và tất cả những gì liên quan đến sự dữ. Thật vậy, chúng ta được mời gọi nhìn lên Thập Giá Đức Ki-tô, để nhận ra:

– Thân thể nát tan của Người vì roi vọt, kết quả của lòng ghen ghét, của lòng ham muốn, của sự phản bội, của sự bất trung, và của những lời tố cáo, lên án vô cớ, của vụ án gian dối.

– Đầu đội mạo gai của Người, tượng trưng cho những lời nhạo báng, diễu cợt trên ngôi vị.

– Chân tay của Người bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ; hình ảnh này cho thấy con người đã đánh mất nhân tính, và hành động theo thú tính.

– Và cạnh sườn của Người bị đâm thủng, thấu đến con tim. Sự Dữ luôn đi đôi với bạo lực; và bạo lực luôn muốn đi tới tận cùng, là hủy diệt (x. Dụ ngôn “Những tá điền sát nhân”).

Nhưng đồng thời cũng ở nơi đây, trên Thập Giá, tình yêu, lòng thương xót, sự thiện, sự hiền lành và cả sự sống nữa, của Thiên Chúa cũng đi tới tận cùng! Như thế, Thập Giá là điên rồ và là sự sỉ nhục, nhưng lại là Dấu Lạ, Dấu Lạ lớn hơn mọi dấu lạ. Thực vậy, Đức Ki-tô chịu đóng đinh chính là dấu lạ hoàn tất mọi dấu lạ:

– dấu lạ trong lời mời gọi loài người và từng người chúng ta hoán cải,

– dấu lạ trong sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa,

– dấu lạ mạc khải tình yêu và thương xót của Thiên Chúa; vì từ đây, không có gì tách chúng ta ra khỏi tình thương của Thiên Chúa, được thể hiện nới Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

– dấu lạ mặc khải khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa,

– và dấu lạ chiến thắng Sự Dữ và Sự Chết.

Dưới ánh sáng của mầu nhiệm Thập Giá của Đức Kitô, xin Chúa cho mỗi người chúng ta nhận ra bản thân và cuộc đời của chúng ta cũng là một dấu lạ, gia đình, giáo xứ, cộng đoàn chúng ta là một dấu lạ, qua đó, chúng ta nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa, chúng ta nghe được tiếng gọi và tín thác đi theo Chúa đến cùng trong ơn gọi gia đình, hay tu trì, để ca tụng, tạ ơn và tôn vinh Chúa suốt đời.

3. Lời nói cuối cùng của Đức Giê-su

Khi chiêm ngắm cuộc đời của Đức Ki-tô, chúng ta đã nghe được những lời nói gây kinh ngạc, thán phục và đầy quyền năng của Ngài. Nhưng trong cuộc Thương Khó và nhất là trên Thập Giá, Ngài hầu như chẳng nói gì cả, Ngài im lặng. Nhưng chính lúc Ngài im lặng, im lặng ngay ở giữa cơn lốc tố cáo, phản bội, lên án, thóa mạ, sỉ nhục, la ó đòi mạng, Ngài lại nói cho chúng ta nhiều nhất. Vậy, khi chiêm ngắm Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh, xin cho đôi mắt của chúng ta biết lắng nghe, lắng nghe “Lời Nói của Thập Giá”, đầy sức mạnh và khôn ngoan, như thánh Phao-lô nói (1Cr 1, 18).

Tuy vậy, trong cuộc Thương Khó, Ngài cũng nói, nhưng rất ít và rất ngắn. Và chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nói cuối cùng của Ngài, bởi lẽ lời cuối của Ngài, như lời cuối của bao người, là lời tha thiết nhất. Lời cuối tha thiết của Đức Ki-tô chịu đóng đinh:

– không phải là một lời nói chưa từng ai nói;

– cũng không là một lời nói quyền năng “biến đá thành bánh”, tự làm cho mình thoát khỏi sự bách hại, đau đớn và cái chết nhục nhằn của Thập Giá,

– và cũng chẳng phải là một lời nói khôn ngoan, mặc khải ý nghĩa tận cùng thân phận con người, của khổ đau và của sự chết.

Lời cuối tha thiết của Đức Ki-tô chịu đóng đinh là một lời nguyện Thánh Vịnh:

Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con?
(Tv 22, 2; Mc 15, 34))

Đó là một lời nguyện, đã từng được thốt lên bởi biết bao nhiêu người đau khổ có trước Đức Giê-su, bởi biết bao nhiêu người đau khổ có sau Đức Giê-su, trong đó có những người thân yêu của chúng ta, đã bước qua sự chết; và chắc chắn, cũng sẽ là của mỗi chúng ta, vào giờ phút thử thách tận cùng nhất, tận căn nhất của một đời người.

Đó là một lời nguyện, không phải nói về vinh quang, nhưng là một lời nguyện bày tỏ tình cảnh bị bỏ rơi của mình; không phải chỉ bởi kẻ thù, cũng không phải chỉ bởi những người thân hay bạn bè, nhưng là bởi chính “Thiên Chúa của con”, Thiên Chúa mà con yêu mến, Thiên Chúa mà con thuộc về tử thủa sơ sinh: “Đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn. Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22, 10-11), Thiên Chúa mà con đã dâng hiến trọn cả cuộc đời để ca tụng và phục vụ.

Đó là lời nguyện, không phải mặc khải cho loài người chúng ta lí lẽ tận cùng của thân phận con người, của khổ đau, của sự chết và của sự dữ, nhưng là lời nguyện chất vấn chính Thiên Chúa Tạo Thành: “Tại sao”?

Thiên Chúa của con, Thiên Chúa của con,
tại sao Ngài đã bỏ rơi con?

Vậy thì con gì nữa, thuộc thân phận con người, thuộc đời người, thuộc số phận của chúng ta, và ngay cả tâm tình bị bỏ rơi bởi Thiên Chúa của mình, mà Đức Ki-tô đã không mang lấy?

Như thế, nơi lời kêu cầu của Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Thiên Chúa đã nhận mọi lời nguyện kêu cầu trong đau khổ và thử thách của loài người, của từng người chúng ta làm của mình, để ôm ấp, để chia sẻ, để an ủi, để thương cảm, để bao dung, trước khi đáp lại nơi niềm vui của Đức Ki-tô phục sinh, để dẫn đưa tất cả chúng ta vào cung lòng Tình Yêu và Sự Sống vô biên của Thiên Chúa.

Chúa Nhật Lễ Lá, năm 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

———-

[1] Ngoài ra, Sự Dữ còn xen vào để khơi dậy những cách hiểu và những hành động lệch lạc về dấu lạ. (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có phải là ơn huệ Thiên Chúa ban không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Đòi dấu lạ, có nghĩa là không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thận phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (x. St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (x. Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.

Comments are closed.

phone-icon