Phục sinh niềm hy vọng

0

Con người luôn khao khát được sống mãi, sống hạnh phúc và sống có ý nghĩa. Mỗi người tìm cho mình một hướng đi, một lối sống để mong sao đạt được mơ ước ấy. Nhưng phải chăng mọi người đều được toại nguyện? Con người đã tìm cách đối diện với vấn đề này như thế nào?

1. ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI KHÔNG CÓ NIỀM TIN:

Lịch sử ghi nhận một số vua chúa thời xưa đã tìm mọi cách để có linh dược trường sinh. Những giai thoại về thuốc trường sinh diễn tả biết bao vất vả và truân chuyên của những thuộc hạ đi tìm linh dược ấy. Thế nhưng người ta vẫn chết, cái chết luôn là một bóng đen ám ảnh không lối thoát nhưng nó lại là bạn tri kỉ của sinh linh.

Đối với những người không có niềm tin, cái chết là một thảm bại, là một sự kết thúc với tất cả: danh, lợi, thú… Nhận ra thực tại bi đát ấy, không thiếu kẻ chạy theo con đường yêu cuồng sống vội, tìm cách thỏa mãn mọi nhu cầu bản năng của mình. Khiến cuộc đời của họ bị điều khiển bởi lạc thú và tiền bạc, và lầm tưởng đó là con đường dẫn tới hạnh phúc, nhưng thực ra họ đang bước vào cõi chết, những dấu vết của sự vô vọng, vô nghĩa và tẻ nhạt đang theo sau họ. Họ lăn lộn giữa sự sống và cái chết.

Khoa học dầu có tiến bộ đến đâu cũng chỉ tìm  ra được những phương thức kéo dài sự sống thêm một thời gian, nhưng nhiều lúc cũng chỉ kéo dài trong đau đớn và mệt mỏi. Phải chăng con người vẫn hoài bước đi trong vô vọng.

2. ĐỐI VỚI NGƯỜI KITÔ HỮU:

a. Các thánh Tông Đồ:

Lần dở lại những trang Tin Mừng, chúng ta thấy thái độ sống của các tông đồ có một sự thay đổi khác biệt giữa thời trước và sau biến cố Đức Giêsu phục sinh.

Trước khi Đức Giêsu chịu khổ nạn và phục sinh, các tông đồ là những con người tầm thường, là những ngư phủ quê mùa, dốt nát. Những con người tham địa vị, chức quyền và tâm trí các ông dừng lại ở những ước muốn của một con người tự nhiên, nên các ông không hiểu nổi những lời Thầy Giêsu.

Chúa Giêsu thương các ông hết mực. Ngài cho các ông có cơ hội cận kề bên Ngài, được nghe Ngài giảng dạy, nhưng các ông vẫng không hiểu. Có lúc Chúa phải thốt lên “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi” (Mt, 14,31).

Bước vào cuộc khổ nạn của Chúa, ảo tưởng về mình, về chức danh đã tan biến. Các ông chạy trốn Chúa, chối Chúa, đóng kín cửa vì sợ bị liên lụy đến mạng sống của mình.

Sau khi Chúa phục sinh, thái độ của các ông khác hẳn. Cái chết bây giờ không còn thống trị được các ông nữa, nhờ niềm hy vọng vào một Thiên Chúa đã chết nhưng ngài đã chỗi dậy. Đấng ấy đã từng hứa, từng nhỏ to về một Tin Mừng Tình Yêu : “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người th́ì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Nhờ đó các ông đã tung cửa ra đi.

Chúng ta nhìn vào tông đồ trưởng Phêrô, từ một con người không biết mình, tự phụ, ảo tưởng. Ông cho rằng chính ông có thể chết cho Thầy “Dù có phải chết với Thầy con cũng không bỏ Thầy…” (Mt 26, 30-35), không chấp nhận mình nhút nhát (Mt 26, 69-75) sợ hãi cả một đứa tớ gái mà chối Thầy ba lần. Ông yêu Chúa dựa vào sức mình nên đã thất bại thảm hại (Lc 22,35-38). Nhưng chính nhờ Thần khí của Đức Giêsu Phục sinh, Phêrô đã trở nên mạnh mẽ phi thường (Ga 21, 18-19), biết mình yếu đuối nên dựa vào sức Chúa và Phêrô đã thắng được tất cả. (Ga 21, 15-17). Phêrô trở nên can đảm lạ thường ông dám đương đầu với chính quyền và giáo quyền Do Thái, là những người đã giết Thầy mình. Ông dạn dĩ rao giảng Tin Mừng cho hằng ngàn người một cách thông suốt, bất chấp tù đày, đòn vọt, và còn cảm thấy sung sướng vì được chịu mọi sự vì Đức Kitô. Chính Thần Khí Chúa Giêsu phục sinh đã làm cho Phêrô thực hiện được ước mơ chết cho Thầy mình mà trước đây ông không làm nổi.

b. Đối với người Kitô hữu hiện nay:

Những người Kitô hữu sống niềm tin thực sự, họ luôn cảm được một sự bình an và phó thác trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa. Vì họ tin rằng chính Đức Giêsu phục sinh đang ở với họ, đang đồng hành và cùng gánh vác thánh giá cuộc đời với họ. Họ cảm được một niềm hy vọng và an ủi lớn lao, cho dầu cuộc sống tràn ngập những đau khổ, cực nhọc, vất vả và bất công. Họ cố gắng sống theo đòi hỏi của Tin Mừng.

Chính niềm tin đó đã thu hút không ít những con người bước theo Ngài trong đời tu. Họ hiến dâng cuộc đời cho Tin Mừng tình yêu và rao loan niềm hy vọng lớn lao này. Chính niềm tin lành mạnh dẫn con người đi vào con đường chân, thiện, mĩ. Họ bước đi trong ánh sáng của Lời. Họ không cảm thấy cô độc trên hành trình của mình nữa, mà luôn có đó một Thiên Chúa  là Cha yêu thương toàn năng đã thắng được sự chết và sự dữ để giải phóng họ.

Chính niềm tin vào Đức Giêsu phục sinh là lời giải đáp mọi vấn đề trong cuộc sống của con người như: sinh, lão, bệnh, tử. Những con người trong cơn đau khổ tột cùng vì những căn bệnh hiểm nghèo, vì những hoàn cảnh nhiễu nhương của cuộc sống. Họ thực sự tìm lại được niềm vui và an bình trong Đấng cứu họ khỏi sự chết đời đời. Thiên Chúa luôn sẵn sàng chờ đón và ôm ấp họ vào trong vòng tay yêu thương của người cha nhân hậu. Họ can đảm chấp nhận tất cả một cách quảng đại trong tin yêu, phó thác, cho dầu hoàn cảnh vẫn không thay đổi.

Đức Giêsu phục sinh, niềm hy vọng lớn lao cho những ai tin vào Ngài. Chỉ có Ngài mới đem lại linh dược trường sinh, và chỉ có Ngài mới chiến thắng được sự chết. Chính Ngài làm cho cuộc đời của chúng ta mang một ý nhgĩa sung mãn. “ Con Thiên Chúa làm người, để con người trở thành Thiên Chúa”. Và thực sự chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta được nên giống như Người và được đồng thừa tự với Đức Giêsu (I Ga 3,12). Chúng ta không tin vào một điều hão huyền, nhưng chúng ta tin vào một Thiên Chúa hằng sống là cha của mỗi người, đó là món quà vĩ đại nhất cho những ai tin và đón nhận.

Nhưng linh dược thần linh ấy chỉ tìm được khi chúng ta dõi bước Đức Giêsu trên con đường Ngài đã đi. Hãy để bàn tay chúng ta vào trong bàn tay của Người để Người dẫn dắt, chắc chắn chúng ta sẽ tới đích an toàn. Vì Đức Kitô, Ngài là đường, là sự thật và là sự sống. Cái chết không còn là mối đe dọa đối với người tin, nó chỉ là môt sự hoán chuyển tuyệt diệu của sự sống trong Thiên Chúa. Chính tình yêu sẽ giải gỡ mọi bế tắc trong cuộc đời, làm cho chúng ta hạnh phúc và sống có ý nghĩa.

Sr. Anna TS 

Comments are closed.

phone-icon