Suy nghĩ về một hành vi tự hủy

0

Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI từ ngày 28/2/2013 vẫn luôn hiện diện giữa lòng Giáo hội trong nội thành Vatican, nhưng không xuất hiện trong các lễ nghi phụng vụ nơi thánh đường và cả trước công chúng. Lý do là vì ngài nghỉ hưu, lui vào đời sống ẩn dật trong Tu viện Mater Ecclesiae. Một vị Giáo hoàng đi nghỉ hưu, Đó là điều lạ thường, gây ra thắc mắc cho nhiều người trong và ngoài Giáo hội.

… Nhớ lại ngày 19 tháng 4 năm 2005, mật nghị các Hồng y lúc đó có 115 vị hội họp trong phòng kín nhà nguyện Sixtin ở Vatican để bầu vị Giáo hoàng mới, thay thế Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã băng hà trước đó hơn hai tuần, và ngày hôm sau 19/4/2013, vị Giáo Hoàng mới được bầu là Bênêdicto XVI xuất hiện nơi ban công Đền Thờ Thánh Phêrô, ra mắt chào dân chúng đứng chờ dưới sân đền thờ cùng toàn thế giới sau lời công bố  “Habemus papam … ”

Vị Giáo hoàng mới là Bênêdictô XVI, chính là Hồng y Ratzinger, người Đức. Trong suốt triều đại gần 27 năm của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài là vị Bộ Trưởng Bộ Tín lý Đức tin của Giáo Hội công giáo trong suốt 24 năm. Một trang lịch sử mới của Giáo hội công giáo được bắt đầu viết từ đây với vị Giáo Hoàng mới Bênêdicto XVI, ngài là Giáo Hoàng thứ 265 trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo.

Điều gì đã diễn ra trong phòng họp bầu phiếu tuyệt đối kín ở nhà nguyện Sixtin tại Vatican trong những ngày bầu cử đó, không ai biết, và cũng không có một thông tin nào được công bố ra bên ngoài, tất cả được bảo mật. Sau này, ngày 25/4/2005, khi được hỏi về việc được bầu thành Giáo hoàng, Đức Bênêdictô XVI đã tâm sự:

“… Tôi nhận ra tên tôi càng có thêm nhiều phiếu trong những lần bỏ phiếu tiếp theo. Tôi cảm thấy bị choáng váng. Tôi tin rằng tôi đã làm xong nhiệm vụ được trao phó trong đời tôi, và tôi hy vọng được phép sống thanh thản, bằng an đi nghỉ hưu. Tràn đầy lòng tin tưởng xác tín sâu xa, tôi đã thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, xin Chúa đừng bắt con nữa. Chúa còn có những người trẻ, người tốt hơn con, con tin rằng họ có đầy đủ năng lực đặc biệt lạ thường. Xin hãy để những người này gánh vác công việc to lớn của Giáo hội.

Bỗng một mảnh giấy nhỏ của một vị Hồng y trong phòng họp viết chuyển cho tôi, làm tôi rất cảm động. Vị Hồng y đó nhắc tôi nhớ đến bài giảng tôi đã giảng trong thánh lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong bài giảng đó tôi đã lấy Lời Chúa Giêsu nói với Thánh Tông đồ Phêrô: Hãy theo Ta, làm đề tài chính nói về ơn gọi của Đức Cố Giáo Hoàng đáng kính của chúng ta.

Tôi đã trình bày Đức Cố Giáo Hoàng Karol Wojtyla luôn luôn giữ lời này của Chúa trong suốt cuộc đời của ngài. Và ngài luôn luôn nói: Phải, Lạy Chúa, con theo Chúa, cả khi Chúa dẫn đưa con đi đến nơi con không muốn.

Vị Hồng y anh em đó viết cho tôi: nếu Chúa nói với cha rằng: Hãy theo Ta, cha hãy nhớ điều cha đã giảng hôm rồi trong thánh lễ an táng Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Xin đừng từ chối nhưng hãy vâng lời, như cha đã nói về vị Giáo Hoàng vĩ đại quá cố.

Những lời trên tấm giấy đó thâm nhập vào trái tim tôi. Thoải mái dễ chịu không phải là con đường của Chúa, và chúng ta cũng không phải là người đươc tạo thành cho sự thoải mái dễ chịu, nhưng cho sự cao cả, cho sự tốt lành thánh thiện. Vì thế, sau cùng tôi không còn gì khác hơn để nói lời “Dạ, tôi xin vâng theo ý Chúa trong sự tin tưởng phó thác nơi Ngài. Và tin tưởng nơi anh em, thưa các Đức Hồng y đã tín nhiệm bầu tôi.

Đó là những tâm sự đầy lòng đạo đức khiêm nhường của Đức Giáo Hoàng Bênêdicto XVI .

Tính từ ngày được bầu chọn trở thành Giáo Hoàng, Giám Mục Rôma hôm 19.4.2005 cho đến ngày từ nhiệm 28.2.2013 là 7 năm, 10 tháng 9 ngày.

Từ ngày nghỉ hưu vì lý do sức khoẻ, Đức Gíao Hoàng rất ít xuất hiện trước công chúng, nhưng không vì thế mà ngài mất hẳn việc tháp nhập với đời sống Giáo hội. Trái lại, ngài dành thời giờ cầu nguyện cho Giáo Hội hiều hơn. Một vị Giáo Hoàng đã cống hiến cả đời cho Giáo Hội, ngài vẫn hằng quan tâm tới đời sống Giáo Hội qua nếp sống ẩn dật, khiêm nhường và cầu nguyện. Đó là đời sống của người có lòng đạo đức thẳm sâu, của bậc thánh nhân quân tử: hiện diện nhưng ẩn dật thinh lặng.

Đức Bênêdictô bây giờ và trong tương lai chắc chắn sẽ được nhớ đến như một vị Giáo Hoàng giảng dạy, dĩ nhiên có nhiều điều để họ nhớ đến nhưng mặt giảng dạy là mặt mạnh nhất, cả đời ngài hầu như dành thời gian cho công việc giảng dạy thần học ở nhiều đại học bên Đức. Khẩu hiệu đời Giám Muc của ngài là: công tác viên của chân lý. Dù khác biệt về cách thế nhưng điều chính yếu vẫn là một, đó là: phục vụ chân lý và bước theo chân lý, nhấn mạnh đến chân lý, ngài quan tâm đặc biệt đến chân lý nên cũng quan tâm đến việc giảng dạy.

Có một tác giả nhận xét rằng: trước đây người ta đến với Đức chân phước Gioan Phaolô II là để nhìn, nhìn thấy một chứng nhân sống động của Chúa, còn bây giờ người ta đến với Đức Bênêdictô XVI là để nghe – nghe giáo lý. Trong hơn 7 năm năm làm Giáo Hoàng, ngài chọn những đề tài giáo lý liên quan trực tiếp đến nội dung đời sống đức tin của chúng ta :

2005-2006: Năm đầu tiên trong triều đại Giáo Hoàng, đề tài các tông đồ.

2006-2007: Các giáo phụ

2008: Năm Thánh Phaolô, ngài tập trung vào Thánh Phaolô Tông đồ

2009-2010: Các vị Thánh lớn trong lịch sử của Giáo hội

2011-2012: Đề tài cầu nguyện, đặc biệt là với Thánh Vịnh

2013: Năm đức tin, ngài giảng về Kinh Tin Kính

Ít có vị Giáo Hoàng nào có giờ viết sách, nhưng Đức Bênêđictô đã viết rất nhiều sách, không phải ngài có nhiều thời gian viết sách, đúng hơn ngài đã ấp ủ trong tâm hồn từ lâu. Những tác phẩm của ngài không chỉ là sách thiêng liêng, nhưng mang tính chú giải Kinh Thánh và nghiên cứu thần học, nhất là tác phẩm Đức Giêsu Nazareth (3 cuốn). Cuốn sách có giá trị rất lớn cho đời sống đức tin của chúng ta, ngài tỏ ra là một người nắm rất vững những khám phá trong việc chú giải Kinh Thánh và nghiên cứu thần học. Ngoài ra, ngài còn để lại cho Gíao hội 3 thông điệp: Thiên Chúa là tình yêu; Niềm hy vọng KiTô giáo; Thông điệp về xã hội, và một Thông điệp về đức tin còn dở dang. Trong cuốn hồi ký của ngài, ngài nhìn nhận giới hạn của ngài trong việc quản trị và sức khoẻ, thế nhưng Chúa lại nghĩ khác, Chúa đã giao cho ngài không những cai quản một giáo phận mà cả thế giới, nghĩ đến giới hạn của mình và ích lợi của Gíao hội nên ngài đã quyết định từ nhiệm. Vào những giây phút này khi ngài từ nhiệm, chúng ta nhớ lại trong một bài diễn văn ngài phát biểu: trong một thời đại suy đồi và phân rã, Thánh  Bênêđictô đã dìm mình vào sự cô tịch sâu xa nhất, chấp nhận mọi sự thanh tẩy phải trải qua, để rồi làm cho ánh sáng bừng lên ... đọc lại chúng ta thấy thấm thía, cho thấy chọn lựa của ngài có một cái gì đó ở bề sâu trong việc noi gương bắt chước Thánh Bênêđictô. Trong một dịp khác khi được hỏi về sự canh tân và đổi mới trong Gíao hội, thì ngài phát biểu: “canh tân đích thực trong Giáo hội không có nghĩa là vất vả xây dựng những ngôi nhà mới … nhưng… canh tân đích thực là nỗ lực làm cho những gì của chúng ta biến mất càng nhiều càng tốt, để cho những gì của Chúa Kitô được rõ nét hơn, đó là chân lý tỏ tường nơi các thánh. Sự canh tân chỉ có thể bắt nguồn từ những tâm hồn được Chuá chạm đến, được Chúa biến đổi…, từ những tâm hồn ấy mới có sự canh tân sâu xa, chứ không phải từ cái đầu. Có thể nói Linh đạo  mà ngài quan tâm là linh đạo Kenosis – linh đạo mầu nhiệm huỷ mình ra không. Chúng ta nhớ lại một vài sự kiện nho nhỏ trong triều đại của ngài: khi được bầu làm Giáo hoàng năm 2005, như thường lệ sẽ có Thánh lễ khai mạc triều đại Giáo Hoàng, và đương nhiên là làm ngoài quảng trường thánh Phêrô, nhưng ý của ngài ngay từ đầu là không muốn làm ngoài đó, mà ngài muốn làm trong đền thờ thánh Phêrô. Lý do là vì ngài muốn có một cuộc cử hành đúng nghĩa, trang trọng, chứ không phải là lễ hội, ngài muốn cử hành ấy làm nổi bật khuôn mặt của Chúa Kitô, chứ không phải khuôn mặt của Gíao Hoàng. Đó là một bài học rất lớn cho mỗi chúng ta … làm gì thì làm phải để khuôn mặt của Chúa Kitô nổi bật lên chứ không phải khuôn mặt của mình. Đức Giáo Hoàng ngay chọn lựa từ đầu đã cho thấy hướng sống của ngài. Một sự kiện khác, qua những lần tham dự Đại Hội Giới Trẻ, dấu ấn đặc biệt để lại cho những lần đại hội giới trẻ là những giờ thinh lặng, ngài mời các bạn trẻ dành một buổi tối thờ phượng Chúa Giêsu Thánh Thể trong tĩnh lặng, thay vì là những sinh hoạt vui nhộn của tuổi trẻ – Một dấu ấn của vị Gíao Hoàng. Cuối cùng, mấy trăm năm nay chưa từng thấy: một vị Giáo Hoàng đã đưa ra quyết định từ nhiệm, làm chúng ta nhớ lại câu ngài nói trước đây: Canh tân đích thực là nỗ lực  làm cho những gì của chúng ta biến mất càng nhiều càng tốt, để cho những gì của Chúa Kitô được rõ nét hơn. Lúc này ta mới khám phá ra linh đạo ở nơi vị Giáo Hoàng là linh đạo huỷ mình ra không, từ mà chúng ta đọc được trong thư Philiphê: “Đức Giêsu Kitô phận là Thiên Chúa, nhưng đã không đòi cho được ngang hàng với Thiên Chúa, trái lại Người đã huỷ mình ra không, trở nên giống hạng người phàm, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá”. Đấy là cốt lõi của mầu nhiệm khổ nạn, là cốt lõi của mùa chay, đó cũng là lý do Đức Giáo Hoàng chọn thời điểm mùa chay để từ nhiệm, để sống linh đạo huỷ mình ra không của Chúa Giêsu. Chúng ta nói đến tình yêu thật nhiều, nhưng chúng ta quên mất cốt lõi của tình yêu là sự huỷ mình ra không; chúng ta nói đến khiêm tốn thật nhiều, mà quên mất rằng cốt lõi của khiêm tốn là sự huỷ mình ra không; kể cả chúng ta nói đến sự can đảm thật nhiều, mà quên rằng cốt lõi của can đảm đích thực là sự huỷ mình ra không. Thế nhưng, tại sao chúng ta không nói đến sự huỷ mình ra không? Bởi vì đó là điều khó thực hiện nhất, nên chúng ta sợ không dám nhắc đến. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không những chiêm niệm mà ngài đã sống điều đó, đã nhắc chúng ta về điều đó. Chính vì thế, tuy ngài đã từ nhiệm nhưng ngài vẫn tiếp tục ở trong lòng Hội Thánh. Một vị Hồng y đã ví Đức Giáo Hoàng Bênêđictô như hình ảnh của Môsê, ngài nhắc đến hình ảnh của Môsê cầu nguyện trên núi, đang khi dân Israel giao chiến với người Amalêch. Lúc nào Môsê dang tay cầu nguyện thì quân ta thắng, lúc nào ông mỏi tay và bỏ tay xuống thì quân ta thua. Ở đây vấn đề không phải là thắng thua, mà vấn đề ở đây là tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện, đặc biệt là trong đời sống của Hội Thánh, đời sống đức tin của chúng ta. Đức Giáo Hoàng được ví như Môsê rút vào tĩnh lặng để cầu nguyện, và chúng ta cũng được mời gọi để quan tâm đến đời sống cầu nguyện nhiều hơn.

Tôi xin được mượn cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI như một tấm gương sống động và lời nhắc nhở chúng ta mỗi khi thi hành sứ vụ. Sự thật mà nói, nhiều người trong chúng ta từng ấp ủ những ước mơ, hoài bão cao cả và tốt đẹp, và có cả những dự tính xa gần cho mình, cho cộng đoàn, và cho Hội dòng, thậm chí đang cưu mang niềm hạnh phúc về những thành công được biết đến, về những công trạng được ghi nhận cách nào đó…, điều đó cần thiết; thế nhưng thực tế chúng ta cần phải nghiêm túc xét lại lời nhắc nhở sau đây: Trong tất cả vận động, đấu tranh, con hãy phân tích ra: Chúa mấy phần trăm? Mấy phần trăm của tự ái? của vụ  lợi? của ý riêng? sợ phần Chúa không còn bao nhiêu. (ĐHV.112). Trong lúc con tuyên bố: Vì Chúa, vì Hội Thánh “con hãy thinh lặng trước mặt Chúa và thành thật hỏi Chúa: “Chúa thấy con hành động hoàn toàn vì ai? hay Chúa là lý do thứ yếu, còn lý do khác mạnh hơn, con không tiện nói. (ĐHV 115) Nếu không tỉnh thức đủ, một cách rất tinh te, đời tu của chúng ta chỉ ao ước và lo đi tìm một chỗ đứng, một địa vị nào đó trong nhà dòng, và cả ngoài xã hội để được có tiếng, để được mọi người biết đến, để được người khác nhìn nhận khả năng của mình… Thấy người khác thế này, tôi cũng phải thế kia … không khéo chúng ta cũng giống như hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan (Mc 10, 35-45), cùng đi với Thầy Giêsu trên đường, nhưng trong lòng thì lại không chung đường, cùng đi trên đường, nhưng tâm tư, suy nghĩ thì hầu như khác nhau hoàn toàn; chúng ta có thường xuyên cật vấn mình như Chúa cật vấn hai ông Giacôbê và Gioan, là hai người đã từng ở với Chúa luôn, nhưng Chúa phải hỏi: chúng con có tinh thần của ai? (x. ĐHV 108) … thiết nghĩ chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn lại động cơ sống và làm việc của mình từng ngày, từ những gì nhỏ nhất. Chúng ta có thể học được gì nơi con người, và về câu nói của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: Canh tân đích thực trong Giáo hội không có nghĩa là vất vả xây dựng những ngôi nhà mới. Canh tân đích thực là nỗ lực làm cho những gì của chúng ta biến mất càng nhiều càng tốt, để cho những gì của Chúa Kitô được rõ nét hơn, đó là chân lý tỏ tường nơi các thánh. Sự canh tân chỉ có thể bắt nguồn từ những tâm hồn được Chuá chạm đến, được Chúa biến đổi…, chỉ từ những tâm hồn ấy mới có sự canh tân sâu xa, chứ không phải từ cái đầu.

Ước gì chúng ta cũng học được một chút ở nơi ngài, để tiếp tục góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đời sống của Giáo Hội, không phải ở bề mặt, mà là ở trong chiều sâu của đức tin, ước gì chúng ta cũng noi gương ngài đào sâu đức tin bằng sự hiểu biết; đồng thời nhờ sự hiểu biết ấy củng cố đức tin của mình; và ước gì chúng ta khi có dịp học hỏi giáo lý hay thần học, thì không phải chỉ là những khái niệm thuần tuý tri thức của lý trí, mà biết liên kết với đời sống thiêng liêng, giúp cho mình càng ngày càng gắn bó với Chúa Giêsu nhiều hơn, vì chính Chúa Giêsu là trung tâm điểm của đức tin Kitô giáo của chúng ta.

                                                                      Maria Trần Thị Thúy Vân

Comments are closed.

phone-icon