Thần hóa là gì?

0

124

Trong các tác phẩm thần bí, người ta thường gặp thấy từ “thần hóa”. Thần hóa là gì?

Trước khi trả lời câu hỏi, thiết tưởng nên ghi nhận một vài khó khăn về từ ngữ. Có lẽ từ “thần hoá” hơi xa lạ đối với nhiều người Việt Nam. Tuy nhiên, có vài thuật ngữ tương tự khá quen thuộc trong văn chương cổ điển, chẳng hạn như “phong thần” hoặc là “hoá tiên”. Đàng khác từ “thần hóa” dùng trong các tác phẩm thần bí dùng để dịch từ “deificatio” hoặc “divinisatio”, nói nôm ra là “trở nên Thiên Chúa” (hoặc “biến thành Thiên Chúa”). Tiếc rằng trong tiếng Việt, hai danh từ “thần” và “Thiên Chúa” lắm khi sử dụng trà trộn với nhau, chẳng hạn như: “thần học” (theologia) không phải là môn học về các thần nhưng là học về Thiên Chúa; các nhân đức “đối thần” (virtutes theologales) có nghĩa là quy hướng về Thiên Chúa, chứ chẳng nhằm tới thần thánh nào khác. Vì thế khi nói “thần hoá” thì chúng ta đừng hiểu là “hóa thần” nhưng là “hoá Thiên Chúa”, hoặc như có người đã dịch là “thiên linh hoá”.

Như vậy là có sự khác biệt giữa “phong thần” và “thần hoá”?

Đúng vậy. Phong thần là chúng ta suy tôn một con người nào đó (chẳng hạn một vị vua, một vị anh hùng) lên hàng thần thánh; còn “thần hoá” là sự biến hoá một con người trở thành thần linh, hay nói theo văn chương cổ truyền, “hoá tiên”, còn nói theo quan niệm Kitô giáo, “hoá nên Thiên Chúa”. Đó là tiến trình mà các tác phẩm thần bí muốn nói đến.

Cha muốn nói đến thần bí Kitô giáo hay là thần bí của các tôn giáo khác?

Thiết tưởng nên phân biệt hai khía cạnh: từ ngữ và nội dung. Xét về từ ngữ, từ “thần hoá” (divinisatio) được gặp thấy nơi nhiều tôn giáo Á châu và Hy-lạp chứ không có trong Kinh thánh; xét về nội dung, thì Kitô giáo hàm chứa một đạo lý độc đáo về công trình “thần hoá”. Các giáo phụ đã thực hiện một cuộc hội văn hoá quan trọng, bởi vì các ngài sử dụng một thuật ngữ của văn hoá cổ điển để diễn đạt một chân lý độc đáo của mặc khải Kitô giáo.

Các tôn giáo cổ điển quan niệm về sự thần hoá như thế nào?

Trong các tôn giáo cổ điển, có nhiều quan điểm khác nhau về sự thần hoá. Một quan điểm vừa nhắc đến trong văn chương bình dân là “hoá tiên”. Xem ra đây là ước mơ của con người muốn thoát ra khỏi số phận mong manh của nhân sinh: họ mong được sống mãi như các vị tiên thánh, không còn nếm cảnh già lão, chết chóc nữa. Bên Hy-lạp, người ta gặp thấy một luồng tư tưởng khác. Theo ông Platon, xưa kia con người sống trên thiên giới, nhưng vì phạm lỗi cho nên bị đày xuống hạ giới, bởi vậy con người muốn trở về cội nguồn của mình. Đây không chỉ là một mơ ước, nhưng phần nào là một điều tất nhiên: con người mang trong mình một mầm mống thần linh, cho nên muốn cho mầm đó được phát triển sung mãn, nghĩa là trở nên giống các thần linh. Theo tôi nghĩ, tư tưởng này cũng phảng phất trong vài cổ tích bên Đông phương nữa, nơi mà chúng ta cũng đọc thấy những sự tích các vị tiên vì phạm lỗi bị đày xuống trần để chuộc tội. Khác một chỗ là các vị tiên đó chỉ là trường hợp hoạ hiếm, còn các triết gia Hy-lạp thì áp dụng chung cho cả nhân loại. Mặt khác, chúng ta cũng có thể so sánh với truyền thuyết về nguồn gốc dân tộc mình, vốn tự hào là “con Rồng cháu Tiên”.

Đó quan điểm của các tôn giáo khác. Còn quan điểm Kinh thánh thì sao?

Khi nói đến quan điểm Kinh thánh, chúng ta đừng nên quên rằng có sự tiến triển về mặc khải từ Cựu ước sang Tân ước, mặc dù có sự liên tục đồng nhất. Kinh thánh Cựu ước và Tân ước đều nhất trí ở hai điểm căn bản. Thứ nhất, Thiên Chúa và con người là hai thực thể khác biệt: Thiên Chúa là Đấng Tạo thành, còn con người chỉ là một thọ tạo (được nặn lên từ bùn đất: St 2,7). Vì thế, Kinh thánh không thể nào chấp nhận ước mơ của con người muốn trở thành Thiên Chúa. Thứ hai, Kinh thánh cũng loại trừ ý tưởng sinh sản nơi Thiên Chúa: ngài không có sinh con đẻ cái; vì thế không ai có thể tự hào rằng mình là dòng dõi của Thiên Chúa. Hai điểm này xem ra loại trừ tư tưởng “thần hoá” ra khỏi mặc khải Kitô giáo. Tuy nhiên, Kinh thánh cũng có những đoạn văn cho thấy một sự tương đồng nào đó giữa Thiên Chúa với con người. Ngay từ chương đầu của sách Sáng thế, con người đã được mô tả như là “hình ảnh Thiên Chúa” và được dựng nên “giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27; xc Kn 2,23). Các nhà chú giải không nhất trí trong việc giải thích ý nghĩa của các hạn từ đó: phải hiểu “hình ảnh” theo nghĩa nào? Có phải vì con người có lý trí tự do? Hay là được chia sẻ việc quản trị vạn vật? Dù hiểu thế nào đi nữa, mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa đã bị cắt đứt do tội của nguyên tổ, khi ông bà ăn trái cấm, muốn trở thành Thiên Chúa, tự quyết định tiêu chuẩn điều lành điều dữ. Tóm lại, Kinh thánh Cựu ước một đàng ra như bài trừ tư tưởng thần hoá của các tôn giáo khác; nhưng đồng thời, lại hé mở một hy vọng cho con người được gần với Thiên Chúa.

Còn Tân ước thì sao?

Tân ước tiến thêm hai bước, nhờ mặc khải về thân thế và sự nghiệp của Đức Kitô. Thứ nhất, xét về thân thế của Người, mặc khải cho chúng ta biết rằng Đức Giêsu là Con yêu dấu của Thiên Chúa, theo như tiếng nói từ trời phán ra vào lúc Người lãnh phép rửa ở sông Giorđan (Mt 3,17; Mc 1,11; Lc 3,22). Người được tuyên xưng là “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Dĩ nhiên “Con” ở đây không hiểu theo nghĩa vật lý sinh sản, trái ngược với thần thoại các tôn giáo khác. Tôi không muốn dài dòng để giải thích về điểm này, nhưng chỉ muốn nêu bật khẳng định của thánh Gioan trong Phúc âm thứ bốn. Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa nhập thể, ngõ hầu những ai đón nhận Người cũng được trở nên con Thiên Chúa: “Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1,12-13). Từ ngữ “sinh li” (tái sinh) được đề cập trong cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô (Ga 3,3-5), gây cho ông ta một thắc mắc không giải quyết nổi, bởi vì ông hiểu việc “sinh lại” theo nghĩa vật lý.

Như vậy là chúng ta bước sang sự nghiệp của Đức Kitô rồi phải không?

Đúng thế. Nhiều lần chúng ta chỉ nhìn đến sự nghiệp cứu chuộc của Đức Kitô theo nghĩa tiêu cực (đó là Người cứu chúng ta khỏi tội lỗi), nhưng ít để ý đến khía cạnh tích cực. Khía cạnh tích cực là cho chúng ta tham dự vào đời sống thần linh. Tân ước dùng nhiều từ ngữ khác nhau để diễn tả thực thể đó, chẳng hạn như thánh Phaolô nói rằng chúng ta được kết nạp làm nghĩa tử Thiên Chúa (Rm 8,14-17), được tham dự vào sự sống bất diệt (1Cr 15,52). Thánh Phêrô, trong lá thư thứ hai, chương 1 câu 4 còn khẳng định rằng:

“Nhờ vinh quang và sức mạnh ấy, Thiên Chúa đã ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa, để nhờ đó, anh em được thông ph n bn tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian”. Dựa trên những tư tưởng đó mà các giáo phụ phát triển thần học về sự “thần hóa”.

Như lúc nãy cha đã nói, Tân ước không sử dụng từ ngữ “thần hoá”, còn các giáo phụ tìm cách để hội nhập văn hoá, diễn tả mặc khải Kitô giáo bằng tư tưởng Hy-lạp. Các giáo phụ hiểu “thần hoá” như thế nào?

Trong lịch sử Giáo hội, thời giáo phụ kéo dài khoảng 7 thế kỷ, và đã có sự tiến triển về tư tưởng trong suốt thời gian đó. Ta có thể nói cách vắn tắt như thế này. Công cuộc thần hóa được áp dụng vào hai giai đoạn: giai đoạn mai sau và giai đoạn hiện tại.

1/ Mai sau (vào giai đoạn cánh chung mai hậu), chúng ta được chia sẻ hạnh phúc vĩnh viễn với Thiên Chúa, và chúng ta sẽ được biến đổi hoàn toàn, theo như thánh Phaolô và thánh Gioan đã khẳng định. “Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi” (1Cr 13,12). “Hiện gi chúng ta là con Thiên Chúa; nh ư ng chúng ta s nh ư th ế nào, đ i u y ch ư a đượ c bày t . Chúng ta bi ế t r ng khi Đứ c Kitô xu t hi n, chúng ta s nên gi ng nh ư Ng ườ i, vì Ng ườ i như th ế nào, chúng ta s th y Ng ườ i nh ư v y” (1 Ga 3,2) .

2/ Còn trong hiện tại, thì các giáo phụ đề nghị một tiến trình để trở nên giống như Thiên Chúa, theo nhiều cấp độ. Trước hết, nhờ việc thực hành các nhân đức để bt chước Chúa Kitô; cách riêng chính nhờ thực hành đức bác ái mà chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa. Dần dần, nhờ sự phát triển của khuynh hướng chiêm niệm nơi các giáo phụ Đông phương, người ta đề cao sự chiêm niệm, bao gồm tác động tri thức và ý chí (hiểu biết và yêu mến). Chính qua hai hành vi cao cấp nhất của trí tuệ mà con người tiến đến sự kết hiệp với Thiên Chúa. Dù sao, có hai điểm mà các giáo phụ không ngừng nhấn mạnh, cách riêng khi đối chiếu với các nền triết học và tôn giáo khác, đó là:

a) sự thần hoá không phải là nỗ lực riêng tư của con người, nhưng tiên vàn là hồng ân của Thiên Chúa;

b) sự thần hoá dựa theo một quy mẫu là Đức Kitô. Chỉ nơi đức Giêsu Kitô, sự thần hoá mới đạt tới tuyệt đỉnh, khi một con người được kết hiệp với Ngôi Lời Thiên Chúa. Chúng ta được chia sẻ vào hồng ân nghĩa tử Thiên Chúa trong tầm mức duy trì sự kết hiệp với Đức Kitô, trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Và tiến trình này cũng là tác động của Thánh Linh nữa.

Lm. Giuse Phan Tấn Thành, OP.

Nguồn: daminhvn.net

Comments are closed.

phone-icon