Tình yêu mạnh hơn sự chết – Suy niệm CN V MC Năm A

0

Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm A

167

LỜI CHÚA: Ga 11,1-45

Con người ngày nay có thể lên cung trăng nhưng không thể tránh khỏi cái chết. Con người có thể đảo lộn thế giới bằng cách thực hiện những kỳ tích khoa học và kỹ thuật trong mọi lãnh vực, ngay cả trên chính hữu thể mình. Nhưng họ không biết cách nào để ngừng cái chết. Chính vì thế con người cố gắng quên cái chết, giả ngơ trước sự hiện thực này. Con người thời nay lao vào trong sự hưởng thụ không phanh để cố quên, để ngụy trang, để xua đuổi, nhưng cái chết vẫn lảng vảng, vẫn thăm hỏi… Nó đến với chúng ta trong những người thân, người hàng xóm, bạn bè. Và mọi ngày, cái chết vẫn trung thành với bổn phận của mình nơi chính bản thân chúng ta qua bệnh tật, tai nạn, tuổi tác…

Lần kia khi bước chân vào bệnh viện Ung Biếu thành phố Hồ Chí Minh, tôi đến gần giường cậu con trai cưng 12 tuổi, khôi ngô, tuấn tú của một gia đình bác sĩ đa khoa. Em bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bác sĩ cũng là ba em đứng bên cạnh em với vẻ mặt ưu tư lo lắng. Tôi trầm lặng bên đau khổ của người anh em để chia sẻ sự mất mát to lớn mà một ngày kia sẽ xẩy ra với gia đình. Trong sự thinh lặng giao cảm đó, bác sĩ nói với tôi: tôi đang cầu cho con tôi sống được hai năm nữa. Tôi tò mò muốn biết ý nghĩa của ước nguyện này qua ánh mắt dò hỏi của tôi. Ông tiếp: Y học đang thí nghiệm một thứ thuốc trị bệnh ung thư trên con chuột và hi vọng hai năm sau sẽ có thuốc điều trị. Nói đến đây, mắt ông sáng lên với hi vọng con ông không chết. Vì quá thương con mà ông không chấp nhận sự ra đi của con. Ông dựa vào một hy vọng mỏng manh để chối bỏ sự thật phũ phàng này, vì cái chết thật ghê sợ cắt đứt tất cả tình yêu, niềm mơ ước tương lai, nguồn hy vọng, niềm hạnh phúc đoàn tụ, để chấm dứt mọi sự nơi lòng đất. Người ta thật thất vọng khi nghe người thân qua đời…

Hôm nay gia đình Chúa Giê-su yêu mến, mái nhà thân thương, nơi Chúa nghỉ chân sau cuộc hành trình tông đồ mệt nhọc, xẩy ra một chuyện thương tâm, một người em đau nặng, thập tử nhất sinh. Trước tình trạng bấm loạn này, Hai chị em Matta và Maria đã gửi đến Chúa một sứ điệp khẩn cấp bằng ngôn ngữ lay động trái tim Chúa: “ Lạy Thày, người Thày yêu đau nặng.” Trước tin giật gân này, hai chị em hi vọng Chúa sẽ ngừng mọi công việc và đến chữa Lazaro.

Nhưng tiếc thay, Chúa vẫn bình thản tiếp tục công việc của mình. Việc trì hoãn này làm cho trái tim của hai chị em tan nát. Trước mắt họ, sự sống của người em yêu dấu đang giảm dần. Và Lazaro đã chết. Thánh Gioan cho chúng ta biết cái chết của người em đã làm cho Matta và Maria đau khổ tột cùng: Maria không rời khỏi nhà. Mọi người đến an ủi nhưng vô ích, vì một Người đáng lẽ phải có ở bên cạnh họ lúc này lại vắng mặt, Chúa Giê-su bạn của hai chị em và của Lazaro. Bạn của họ có thể ngăn được cái chết lại quá vô tình và hờ hững trước nỗi đau của họ: “Lạy Thày, nếu Thày ở đây, thì em con không chết.” Cả hai có cảm tưởng bị bạn thân tín bỏ rơi trong lúc đau khổ.

Khi Ngài đến thì mọi sự đã rồi không còn chuyện gì để nói nữa. Hai chị em đón Ngài cách hờ hững. Matta oán trách Chúa: “Nếu Thày ở đây, em con không chết.” Nhưng còn một hy vọng cỏn con: “ Con biết bất cứ điều gì Thày xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thày.”

Và Chúa đã mở ra cho Matta một niềm hy vọng: “ Chính Thày là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thày thì dù đã chết cũng sẽ được sống.” Trước lời an ủi này, Matta và Maria không thể tin một người đã nặng mùi có thể chỗi dạy. Matta ngăn Chúa: “ Thưa Thày nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã bốn ngày rồi.” Trước sự nghi ngờ của hai chị em, Chúa Giê-su vẫn biểu lộ quyền năng của mình là cho Lazaro ra khỏi mồ. Một phép lạ vĩ đại đã làm rung chuyển cả một góc trời: Một người lạ lùng đã làm cho kẻ chết sống lại. Và chính phép lạ này đã gây ra sự chia rẽ giữa những con người thời đó: kẻ tin , kẻ chống đối…

Qua bài Tin Mừng này chúng ta hãy bắt chước Matta, mặc dù trong lúc thử thách ngọn đèn đức tin của cô có lu mờ, nhưng cô vẫn được coi là mẫu mực của lòng tin, vì trải qua bao sóng gió nhưng đức tin của cô cuối cùng cũng được cắm neo nơi tình yêu của Thày. Trong những giờ phút đau khổ, cô đã chạy đến với Chúa và đổ đau khổ của mình lên Thày. Khi Ngài thách đố lòng tin của cô, cô đã làm một sự xưng thú tuyệt vời: “ Con tin Thày là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trần gian.”

Khi gặp đau khổ, điều chúng ta phải làm là đến với Chúa bằng cầu nguyện, tin vào Chúa, phó thác cho Chúa những khốn cùng của chúng ta và buông bỏ cho Ngài.

Nhưng trong đau khổ, nhiều khi chúng ta có cảm tưởng như Chúa vắng mặt. Nhưng thực sự Ngài hiện diện trong đau khổ của chúng ta khi chúng ta cầu nguyện. Ngài ở đó để tăng sức và ban niềm hy vọng để đỡ nâng chúng ta.

Ngài không để cho Matta và Maria chìm trong đau khổ nhưng Ngài đến ở đỉnh cao đau khổ để chia sẻ nỗi buồn đau và giúp họ tin vào sự sống đời đời.

Cũng vậy, trước nỗi khốn cùng, Chúa Giê-su không bỏ rơi chúng ta, Ngài bao bọc chúng ta bằng tình yêu của Ngài và sự nâng đỡ của anh em ta.

Chúa Giê-su hiểu sự đau buồn tột cùng của cái chết nên Ngài đã không bỏ qua nỗi khổ của hai chị em. Ngài đến để dạy hai chị em và chúng ta ý nghĩa của cái chết. Chính Ngài cũng phải đón nhận nó để trở nên người mở đường và là cờ hiệu hi vọng cho tất cả chúng ta.

Cái chết đưa chúng ta về thế giới thật mà trần gian này chỉ là thế giới ảo, thế giới tạm. Khi ở trần gian, chúng ta thấy lờ mờ như trong gương. Và khi chiếc gương này mờ dần trong cơn bệnh của người hấp hối sẽ để lộ ra mặt phải của nó ở bên kia. Cái mặt phải mà Thánh Phao-lô nói: Diện đối diện với Thiên Chúa.

Người chết dạy ta đón nhận cái chết trong bình an như trẻ thơ chạy vào bàn tay rộng mở của cha mẹ đang đón chờ mình. Những người mang tâm tình như thế họ đi vào cái chết như đi vào tiệc cưới. Mắt họ đóng lại với thế giới này nhưng mở ra với sự sống đời đời.

Cái chết của người yêu mến Chúa không phải là sự bắt buộc hay cam chịu nhưng là một lễ dâng cao cả. Tiếng xin vâng cuối cùng của tôi tớ trung tín làm cho cuộc ra đi của họ như đóng một cuốn sách buổi chiều, như tắt một ngọn đèn trên giá hay như cất một dụng cụ sau một ngày làm việc.

Trong mùa chay thánh này, chúng ta đang tiến gần đến cái chết của Chúa Giê-su, Ngài tự nguyện tiến về Jerusalem để chấp nhận cái chết đau thương mà Cha đã sắp đặt để cứu độ trần gian. Chính Ngài đã kinh nghiệm nó nơi chính bản thân mình. Ngài không tránh cái chết nhưng Ngài chiến thắng nó. Chúng ta hãy xin Ngài, Đấng đã kinh qua cái chết, đã hiểu được sức nặng của nó đang đè trên chúng ta, giúp chúng ta hiểu cái chết là cửa ngõ dẫn vào vinh quang. Nên sự sống là chuỗi hồng ân và sự chết chỉ là sự thêm vào chuỗi hồng ân đó để đưa chúng ta vào cõi vĩnh hằng.

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon