Người Samaritanô thời đại – Suy niệm Chúa Nhật 15 TN, Năm C

0

Ngày nay hình ảnh người Samaritanô đang mờ nhạt trong một xã hội chủ trương sống chủ nghĩa cá nhân “ đèn nhà ai ấy sáng”. Tệ hơn nữa là bất chấp tội ác miễn mình, gia đình mình được lợi còn ai chết mặc ai. Xã hội mỗi ngày một xuống dốc, những người còn chút lương tri tự hỏi: Đến bao giờ cho đến bao giờ xã hội mình mới có đạo đức xã hội. Tội nghiệp cho những người ăn ngay ở lành, họ sống cho anh em mình nhưng lại phải nhận những thương đau của đời. Bài Tin mừng hôm nay phải là ngọn Hải đăng soi cõi đời tăm tối này: Ai là anh em của tôi? Và dụ ngôn người Samaritanô là câu trả lời cho tôi hôm nay.

Dẫu thế nhưng trong cuộc đời tăm tối này đôi khi chúng ta vẫn thấy lóe lên một ánh đèn sáng ngời tình yêu rất cảm động, điển hình một câu chuyện thương tâm nhưng rất đẹp đã xảy ra gần cộng đoàn chị em tôi vào ngày 15 tháng 6 năm 2016. Biến cố xảy ra đối với hai gia đình nghèo xứ Thạch (Thạch Lâm, xã phú lập, quận tân phú, tỉnh Đồng Nai). Đây là một câu chuyện đẹp, cao quý và rất đáng trân trọng cho mọi người, nhất là những người mang danh “ đạo yêu thương”. Số là sáng ngày 12 tháng 6 năm 2016, hai vợ chồng  anh Vòng Tín Sầu 49t ngửi thấy nước giếng của mình có mùi hôi, vợ anh bảo anh xuống giếng xem có con gì chết không. Cả hai vợ chồng ra giếng, anh xuống giếng nhưng chưa xuống đáy giếng thì bị ngộp và lăn xuống nước. Giếng của anh sâu 12 mét và có tới 3 mét nước. Vợ anh thấy vậy tri hô và anh Mai Sơn Thạch 31t đang bỏ phân ở rẫy bên cạnh chạy sang cứu. Anh Thạch lấy cây và bước xuống để khuấy nước, cây không tới, anh bước xuống một bậc nữa rồi cũng bị rơi xuống giếng luôn.

Hai nhà xa nhau nhưng rẫy gần nhau và hai đám tang được tổ chức cùng ngày.

Một câu chuyện chúng ta tưởng chừng như trong mơ, hay trong những câu chuyện huyền thoại, thế nhưng nó là câu chuyện có thực trong cuộc sống đời thường của những con người nghèo khó. Câu chuyện cao đẹp này cứ trở đi trở lại trong trí tôi: người Samaria nhân hậu. Và trong sâu thẳm lòng mình tôi nghe Chúa đang nói với tôi: Con hãy về và học mẫu gương đó. Mẫu gương của người đã hi sinh mạng sống để cứu bạn mình mặc dù sáng kiến tình yêu của anh không thành công. Tình yêu đẩy anh xuống giếng không suy nghĩ, không tính toán, bất chấp nguy hiểm. Người không yêu thân nhân như chính mình có thể phê phán hành động của anh là dại dột không cân nhắc trước sau. Nhưng tình yêu không có giờ tính toán, anh chỉ nghĩ cứu bạn, cứu hết sức có thể, không nghĩ đến bản thân. Nếu anh nghĩ đến bố mẹ già, con nhỏ hai tuổi, đứa con trong bụng hai tháng tuổi và người vợ trẻ thì anh đã không chết thảm thương như thế. Tuổi đời anh mới chỉ 31t, cái tuổi còn nhiều hứa hẹn tương lai, biết bao người trong lứa tuổi này đang lê lết với cuộc sống tội lỗi còn anh đã sáng chói với thành tích tình yêu cao cả.

Khi tôi đến nhà để thăm và chia buồn, tôi thấy Bố Mẹ anh ngồi ngây như khúc gỗ, nước mắt họ đang chảy vào trong. Vợ anh, sau một ngày chôn anh mắt vẫn còn đẫm lệ. Nhìn di ảnh hiền lành và bình an sâu lắng của anh tim tôi đau nhói, tôi lặng yên bên vợ và bố mẹ anh. Tôi không biết nói gì để ngăn những giọt lệ đang chảy trong cõi lòng thầm kín kia. Tôi biết họ rất khổ nhưng anh bây giờ rất hạnh phúc vì hi sinh mạng sống cho anh em mình. Anh đã sống giới luật cao trọng nhất của Chúa là yêu tha nhân như chính mình. Khi anh làm việc yêu thương này anh không biết mình đang thực hành giới luật của Chúa vì anh đã từng sống như thế trong cuộc đời ngắn ngủi của mình. Hơn nữa, anh là người ngoại giáo, anh càng không biết giới luật này. Thế nhưng anh đã sống và thực hành nó cao hơn tôi muôn phần.

Tôi nhìn khuôn mặt sáng ngời yêu thương của anh và thầm cầu nguyện: Anh Samaritanô ơi, anh thật có phúc vì đã thực hành lòng xót thương, xin cầu cho chúng tôi, những người đang đi trên đường như anh nhưng đã tránh xa anh em hoạn nạn, bỏ qua những người đau khổ cần giúp đỡ, chúng tôi sợ phiền lụy, sợ mất thời giờ, sợ ô uế…Chúng tôi dùng lý trí để cân nhắc nên làm hay không. Còn anh, anh sống theo con tim, con tim thì có những lý lẽ của nó mà lý trí không thể giải thích được. Nếu theo lý trí anh sẽ không xuống giếng và lương tâm anh vẫn được bình an vì nếu anh chết ai sẽ nuôi Bố Mẹ già, con dại và vợ của anh?

Tình yêu đã thúc đẩy anh làm một việc điên loạn không suy nghĩ. Tình yêu thúc đẩy anh xuống giếng không chút đắn đo.

Trọng tâm của Tin Mừng là yêu Chúa hết lòng và yêu anh em như chính mình. Tình yêu thì vượt qua tất cả miễn là được thi thố tình yêu. Anh đã thực hành giới luật này.

Chúa dạy tôi: “Phải có lòng thương xót như cha trên trời là Đấng thương xót” (Lc 6,36). Yêu lý thuyết, yêu trừu tượng thật dễ đối với tôi. Tôi có thể thao thao bất tuyệt về tình thương. Tôi có thể làm cho nhiều người mủi lòng khi diễn tả tình yêu nhưng tôi thật khó thực hành giới răn yêu thương này. Thật đúng như Destoiewsky nói: “Tôi yêu người lân cận trong tư tưởng, nhưng tôi ghét họ khi tôi đối diện”.

Người lân cận của tôi là ai?

Là người bận tâm đến những đau khổ của anh em. Là người đau nỗi đau, nghèo cái nghèo của anh em. Là người thổn thức trước nỗi ngặt nghèo của anh em.

Là người giúp anh em ra khỏi nỗi thương đau của họ.

Là người sống tốt với anh em

Là người trân trọng món quà “ anh chị em “ mà Chúa gửi đến cho mình.

Là người đang cùng anh chị em mình tiến về nhà Cha. Họ thâm tín anh chị em là những viên ngọc Chúa ban để được hạnh phúc vì được sống với và sống cùng, và cũng để họ hạnh phúc vì không gieo bước đơn lẻ.

Tôi biết rằng một cử chỉ yêu thương dù nhỏ mọn cũng có thể làm cho vết thương của anh em mình dịu đi như cất đi một chút đau thương nơi vết thương của họ.

Hôm nay thay vì trả lời ai là người đồng loại? Ai là đối tượng của đức ái, Chúa Giêsu đưa ra một lối sống, một hành động cụ thể để trở thành người đồng loại của mọi người. Câu hỏi mà người thanh niên hỏi đáng lẽ phải nói: Phải hành động bác ái thế nào để trở thành anh em của mọi người?

Chúa chọn người Samaritanô làm nhân vật chính vì đối với người Do Thái ông là người rối đạo, ông không biết gì về luật cũng không có chức phẩm như người Tư tế và Levi kia, nhưng ông lại tỏ ra rất nặng tình người và tôn giáo. Ông thực hành hai giới răn quan trọng nhất của Cựu Ước.

Hành động của ông là lòng yêu tự phát, không phải vì lề luật mà vì tâm hồn nhạy bén yêu thương. Tôi có thể thông hiểu mọi điều về tình yêu nhưng vẫn dửng dưng trước nhu cầu của anh em. Còn người Samaritanô kia lại thông suốt hết mọi đường nẻo của tình yêu. Đức ái của anh rất vô vị lợi, đó là món quà trao tặng chứ không phải trao đổi hai chiều, đôi bên đều có lợi. Đức ái luôn luôn đi bước trước trong việc thi thố tình yêu.

Yêu mến Chúa ở nhà thờ chưa đủ mà còn phải yêu mến Chúa nơi anh em trên mọi nẻo đường tôi gặp gỡ.

Xin Chúa giúp tôi yêu hết mình hết tình những anh em tôi gặp trong hành trình đức tin, nhất là những anh em đau khổ, để tôi lấy đi một mảnh vụn đau đớn rất nhỏ bé trong cái đau đớn khổng lồ đang dằn vặt anh em tôi.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon