A. DẪN NHẬP.
Ông Maisen, trước khi từ biệt dân Do thái để đi về đời sau, đã khuyên nhủ họ hãy quyết tâm theo Chúa bằng việc tuân giữ các giới răn của Ngài. Theo họ, luật Chúa ở bên ngoài họ và vượt trên sức họ, nhưng ông Maisen cho họ biết giới răn ấy không ở đâu xa mà ở ngay trong lòng họ (bài đọc 1). Đức Giêsu đã giản lược các giới răn ấy lại còn hai giới răn là “Mến Chúa và yêu người” (Tin mừng).
Đối với luật sĩ và biệt phái thì luật mến Chúa là quá rõ, ai cũng biết vì nó có ở trong kinh Schema mà người Do thái đọc hằng ngày; nhưng còn luật yêu người thì họ còn mù mờ: “Thế nào là yêu người thân cận như chính mình? Người thân cận là ai” ? Chính vì vậy mà một người thông luật đến chất vấn Đức Giêsu xem người thân cận là ai ? Đức Giêsu không trả lời bằng lý thuyết xuông có thể gây tranh luận, Ngài dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để nói cho người thông luật biết rằng : người thân cận không phải chỉ là người Do thái, mà là bất cứ ai không phân biệt giai cấp, mầu da, chủng tộc hoặc tín ngưỡng, đang cần sự giúp đỡ của chúng ta
Một khi đã công nhận “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn bể là anh em thì mọi người phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau, phải thực hành bác ái bằng những việc làm cụ thể chứ không phải chỉ ở trên đầu môi chót lưỡi. Mọi việc làm phải có tính cách vô vị lợi, không tính toán, bởi vì những gì chúng ta làm cho tha nhân là làm cho chính Chúa và Ngài sẽ trả công cho xứng đáng và còn dư dật nữa.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1: Đnl 30,10-14.
Lề Luật của Thiên Chúa được ghi trong Thánh Kinh. Lề Luật được truyền qua ông Maisen và Luật ấy không vượt quá sức con người, không cần tìm ở trên trời hay ngoài biển khơi mà ở sát bên con người, nơi miệng con người và ở ngay trong con người.
Luật Maisen là phương tiện giúp dân Israel xây dựng một tình huynh đệ chân thành. Luật ấy không dựa trên những nguyên tắc trừu tượng, nhưng được khắc ghi trong lòng con người đến nỗi ai cũng biết, nên mọi người phải ra sức thi hành với lòng yêu mến.
+ Bài đọc 2: Cl 1,15-20.
Tín hữu Côlôssê tuy đã tin vào Đức Giêsu Kitô, nhưng còn làm những việc trái với lòng tin đó. Vì thế, thánh Phaolô đã khẳng định sự ưu việt của Đức Giêsu Kitô. Trước hết trong trật tự tự nhiên : Ngài siêu việt hơn các tạo vật, vì chính Ngài là đầu hết và chung cuộc của công trình sáng tạo.
Còn trong trật tự cứu độ: Ngài là khởi nguyên mọi ơn cứu độ, vì Ngài giao hoà tạo vật với Thiên Chúa. Như vậy, địa vị của Đức Kitô là địa vị trung tâm, là Đấng trung gian duy nhất.
Bởi vậy, muốn được cứu độ thì chỉ cần tin vào một mình Đức Giêsu Kitô, không cần nhờ bất cứ một tôn giáo hay thần thánh nào khác.
+ Bài Tin mừng: Lc 10,25-37
Sách Luật gồm có 613 khoản. Người ta chưa đồng ý với nhau về câu hỏi: điều khoản nào trọng nhất. Vì thế, một thầy thông luật đã đặt ra cho Đức Giêsu một câu hỏi hết sức căn bản: “Điều răn nào trọng nhất”? Đức Giêsu hỏi lại, và ông đã đáp trúng, đó là mến Chúa yêu người (Đnl 6,5; Lv 19,18). Nhưng vấn đề ông đặt ra là “Tha nhân hay người thân cận là ai”? Phải chăng, người thân cận chỉ là những đồng bào Do thái của mình?
Đức Giêsu trả lời bằng một dụ ngôn về một người Samaritanô nhân hậu đối với một người bị nạn, để Ngài có ý nói rằng người thân cận là bất cứ ai, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, quan điểm…
Thay vì tìm hiểu ai là người thân cận, tốt hơn nên tỏ mình ra là người thân cận đối với những người đang cần mình giúp đỡ (câu 36).
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA
Người thân cận của tôi là ai?
I. GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
Một câu hỏi
Những người luật sĩ và biệt phái có ác cảm với Đức Giêsu, họ lợi dụng mọi dịp để bắt bẻ Ngài, cốt làm giảm uy tín. Dựa vào sự hiểu biết Kinh Thánh của mình, một luật sĩ đến chất vấn Ngài trong câu hỏi: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời”? Chắc ông tưởng rằng Ngài sẽ kể ra một lô những nghi lễ, những quy tắc mới lạ và sẽ làm giảm giá trị của Luật pháp. Nhưng ông ta giật mình nghe Ngài hỏi ngược lại: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào”? Câu trả lời dưới hình thức hỏi lại đã tước mất khí giới của đối tượng. Tuy ông ta cũng khôn khéo trả lời rằng Luật pháp gồm tóm trong đòi hỏi kính Chúa yêu người. Ngài bảo: “Ông trả lời đúng. Cứ làm như vậy là sẽ được sự sống đời đời”.
Một lời đáp
Người luật sĩ này đã quá hiểu về luật mến Chúa trên hết mọi sự vì đã có trong kinh Schema, trích ra từ Đệ nhị luật 6,5 mà người Do thái đọc mỗi ngày hai lần. Còn câu “hãy yêu thương thân cận như chính mình” thì không có trong kinh Schema, nhưng lấy ở sách Lêvi (10,18). Theo câu trả lời này, chứng tỏ luật sĩ này đã nhiều lần nghe Đức Giêsu giảng dạy về tính cách bác ái huynh đệ, nên khi trả lời Ngài về luật yêu thương, ông đã tạm thời theo quan niệm của Ngài.
Tuy thế, ông muốn gây lúng túng cho Đức Giêsu khi đặt cho Ngài câu hỏi: “Thân cận là ai”? Bởi vì đối với mọi người Do thái “Thân cận hay tha nhân” được hiểu là người đồng hương con cháu Abraham, còn những người khác mà mình tiếp xúc với người ta phải nghĩ thế nào? Thay vì trả lời một cách lý thuyết hay gây tranh luận, Đức Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn để đưa đến một kết luận dễ dàng.
Một người đi từ Giêrusalem đến Giêricô, một lữ khách không biết rõ quốc tịch bị cướp bóc lột và đánh nhừ tử nằm bên vệ đường. Tình cờ một tư tế đi qua trông thấy, ông tránh né và đi tiếp. Sau đó lại một thầy Lêvi đi qua trông thấy cũng tránh né. Sau cùng có một người dân ngoại Samaritanô đi qua trông thấy, dừng lại, băng bó, xức thuốc thơm và trao nạn nhân cho người chủ quán săn sóc, hết bao nhiêu tiền người ấy sẽ trả.
Đến đây, Đức Giêsu hỏi người luật sĩ :”Theo ông nghĩ ai trong ba người là thân cận của người bị gặp tai nạn”? Luật sĩ đã trả lời ngay: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót đối với người ấy”. Luật sĩ đã có nhận thức đúng về bác ái và ông cho rằng người Samaritanô là người duy nhất đã cảm thông và tỏ ra mình là người thân cận của kẻ xấu số.
Đức Giêsu đã kết thúc cuộc đối thoại ấy bằng một câu vắn tắt: “|Ông hãy đi và làm như vậy”. Đức Giêsu muốn nói rằng khi giúp đỡ một kẻ vô danh như vậy, người Samaritanô đã trở thành kiểu mẫu của tình bác ái đích thực. và vì vậy, Ngài đã khuyên nhủ luật sĩ hãy thực thi tinh thần bác ái theo kiểu mẫu đó thì sẽ được sự sống đời đời.
II. AI LÀ THÂN CẬN CỦA TÔI?
Tương giao giữa người Do thái và người Samaria.
Người Samaria cũng là người gốc Do thái, nhưng chia lìa từ năm 935 vì lý do nam bắc (do vua Omri). Họ sống chung với dân ngoại và bị lây nhiễm. Khi Nehemias dẫn họ về quê hương thì dân Do thái cựu đã khinh bỉ và không cho phép họ góp phần xây dựng Đền thờ. Họ tức giận bèn xây đền thờ tại Garisim. Người Samaria cũng thờ một Thiên Chúa, và tin Ngũ Kinh mà thôi. Giữa người Do thái và Samaria luôn có sự kỳ thị và kình chống nhau.
Và một sự kiện xảy ra, cách đấy 20 năm, giữa mùa Lễ Chiên, một nhóm người Samaria này đã cả dám xông vào đền thờ Giêrusalem, đem xương người vung vẫy làm ô uế nơi thánh. Từ đó, hai dân tộc trở nên thù ghét xung khắc nhau như nước và lửa.
Và hôm nay, Đức Giêsu lại đem người Samaria ra làm ví dụ đối đầu với hai vị Tư tế và Lêvi Do thái. Ngài đến phá vỡ những vòng vây bao quanh đạo giáo, tập quán xã hội làm quên lãng giá trị con người và tình nhân loại.
Thái độ thầy Tư tế và Lêvi.
“Tình cờ có thầy Tư tế thấy nạn nhân đã tránh né và thầy Lêvi đi qua trông thấy cũng tránh đi”. Phải chăng hai vị này còn nhớ đến đoạn Kinh thánh: “Nếu ngươi thấy anh em có con lừa hay thấy con bò nằm té ở dọc đường, ngươi đừng đi qua, ngươi hãy lo giúp cho nó đứng dậy” (Đnl 22,4). Huống chi con người? Tại sao họ lại bỏ đi qua?
Chúng ta phải cho rằng vị Tư tế thánh thiện và thầy Lêvi nhiệt thành là những người có trách nhiệm phục vụ để Thiên Chúa được tôn vinh và phụng thờ trên hết mọi sự. Hai người tôi tớ trung thành ấy có lý do chính đáng để giữ sự trong sạch theo luật định, bơi vì “ai chạm vào xác chết (…), hoặc một người bị ám sát, một người chết (…) sẽ mắc dơ trong 7 ngày” (Ds 19,11-13.16). Trong trường hợp đó vị Tư tế hoặc thầy Lêvi không được làm việc phụng tự.
Những người giữ luật như vậy lầm rồi. Vì khi giữ luật, họ lại phản bội luật. Khi tưởng rằng họ đang tôn kính Thiên Chúa, họ lại xúc phạm đến Ngài. Thiên Chúa ở đó kìa, Ngài ẩn mình dưới dạng một người bị thương nửa sống nửa chết trong cái hố bên đường. Hai vị này chắc chắn không phải là người không biết tới luật yêu người (Đnl 6,5t), nhưng họ đã viện dẫn lý do để không thực hành (Fiches dominicales).
Thái độ của người Samaritanô.
“Người Samaritanô thấy vậy… thì chạnh lòng thương”(Lc 10,33).
Thấy nạn nhân nằm bên vệ đường, thầy Tư tế và Lêvi dửng dưng bỏ đi qua. Trái lại, người Samaritanô không thể bỏ qua trước cảnh tượng thương tâm này. Người này đã đến gần nạn nhân, trông thấy và chạnh lòng thương”. “Đến gần” tức là đi vào trong hoàn cảnh của người bị nạn. Chữ “Chạnh lòng thương” do tiếng La tinh là Compassio, ghép bởi hai chữ cum = cùng với, passio = đau khổ. Như vậy, “chạnh lòng thương” có nghĩa là cùng chịu đau khổ với, chia sẻ đau khổ với người khác.
Theo thần học gia Gustavo Gutierrez , chữ “Chạnh lòng thương” trong tiếng Hy lạp có thể được dịch là “vì con tim của ông ta đã chảy ra”. Bằng việc tiến đến gần người lâm nạn, người Samaritanô đã trở nên người hàng xóm, người thân cận của người ấy. Trong quan điểm này, Gutierrez đã nói: “Người hàng xóm không phải là một người tôi tìm thấy trên đường đi của tôi, nhưng là một người mà tôi tự đặt mình vào trong đường đi của người ấy, là người mà tôi đến gần và tích cực tìm kiếm”.
Trong dụ ngôn này, Đức Giêsu đã muốn biến người Samaritanô thành vị anh hùng của lòng nhân ái. Ngài muốn dạy cho người Do thái một tình yêu không biên giới, một tình yêu tìm đến mọi kẻ đang gặp khó khăn, tình yêu không bỏ đi, không dửng dưng, mà là dừng lại để giúp đỡ, để “dây dưa” vào kẻ đang gặp khốn khó, bất kể đó là ai.
Truyện : Đi tìm chén thánh.
Có một câu chuyện huyền thoại về “một người Samaritanô tốt lành” có tên là Sir Launfal, một hiệp sĩ trẻ hào hùng. Một ngày nọ chàng hiệp sĩ lên đường đi truy tìm chiếc chén thánh mà Chúa Giêsu đã sử dụng trong bữa Tiệc ly. Khi chàng bắt đầu rời khỏi thành phố ra đi thì gặp ngay một người cùi đang ngồi ăn xin bên vệ đường. Chạnh lòng thương, chàng đã giúp cho người cùi một đồng, rồi ra đi. Chàng tìm mãi chẳng thấy chén thánh đâu ! Thất bại, chàng hiệp sĩ bèn lên ngựa quay trở về nhà. Lúc này chàng đã già hơn xưa sau cuộc hành trình tìm kiếm thật gian khổ. Còn người cùi vẫn ngồi ăn xin ở chỗ cũ. Chàng hiệp sĩ chẳng còn tiền bạc gì nữa để cho, anh chia sẻ với người cùi mảnh bánh vụn còn lại trong cuộc đời. Ăn xong, họ chẳng có gì để uống. Chàng hiệp sĩ bèn lấy cái tô của người cùi đi tìm nước cho người cùi uống. Khi chàng bưng tô nước quay trở lại đưa cho người cùi thì người cùi đã biến thành Chúa Giêsu và tô nước hoá nên chén thánh mà chàng đang đi tìm kiếm.
Mọi người là thân cận.
Ngày nay chúng ta hay nói: “Tứ hải giai huynh đệ”: bốn bể là anh em, nhưng người Do thái không chấp nhận quan niệm này. Luật của người Do thái đã giới hạn sự giao tiếp giữa người Do thái với những người không phải là Do thái. Theo luật của họ, người thân cận được định nghĩa là “những người con trai của riêng xứ sở bạn”. Do đấy, chỉ có những người Do thái mới là hàng xóm, là thân cận của mình.
Đức Giêsu chủ trương ngược lại : người anh em của tôi, người thân cận của tôi là bất cứ ai tôi chọn để trở nên người anh em, người thân cận. Như vậy, không biết ai là người anh em của mình nữa, mà điều quan trọng là tìm cách để trở nên người anh em, người gần gũi với bất cứ ai đang cần giúp đỡ.
Cousin giải thích: “Hỏi ai là người anh em của mình, vị luật sĩ tự đặt mình làm trung tâm thế giới, và nhìn mọi người như những vệ tinh quay chung quanh mình… Đức Giêsu đảo ngược vấn đề : người anh em là người thực thi lòng thương xót, chứ không phải người hưởng thụ lòng thương xót”.
III. YÊU THƯƠNG NGƯỜI THÂN CẬN.
Luật bác ái và phụng tự.
Thầy Tư tế và thầy Lêvi là những chuyên viên lo việc phụng tự trong Đền thờ. Họ phải tỉ mỉ giữ đúng các lễ nghi, các luật lệ, đó là một điều tốt. Nhưng Thiên Chúa muốn gắn cho sự “thực hành” bác ái và phục vụ tha nhân trong đời sống hằng ngày bằng một tầm quan trọng to lớn hơn việc thực hành phụng tự và cầu nguyện của chúng ta. Việc đạo đức và lòng sùng kính chỉ là những phương tiện non yếu và tạm thời, phải nhường cho đức bác ái là cái tuyệt đối nhất định. Đức ái được bày tỏ ra trong tình yêu thương người thân cận là bằng chứng cụ thể tình yêu chân thành của ta đối với Chúa.
Hiểu Luật theo cách của Đức Giêsu, không cần phải tìm ai là người thân cận, nhưng đúng là làm thế nào để “trở nên thân cận của ai đó”, là biết “chạnh lòng thương”, biết gạt bỏ mọi thành kiến về giai cấp và chủng tộc, về địa vị và tôn giáo…
Yêu thương trong việc làm.
Mọi người chúng ta đã học thuộc lòng luật mến Chúa yêu người. Nhưng yêu có năm bảy đường yêu, yêu trong lý thuyết và trong thực hành. Nhưng thế nào là yêu, là tình yêu?
Ông Robert Ingerson định nghĩa Tình yêu như sau: “Tình yêu là Ngôi Sao Mai, Sao Hôm. Nó chiếu rọi trên vành nôi em bé, và tỏa ánh huy hoàng trên ngôi mộ vắng. Đó là nghệ thuật làm mẹ, bài thơ của thi sĩ. Nó bao trùm không gian với tiếng nhạc, vì nhạc là âm thanh của Tình yêu. Tình yêu là người diễn viên văn nghệ biến đổi những điều buồn tẻ trở thành niềm vui. Đó là hương thơm của trái tim – một loài hoa tuyệt vời – và nếu không có sự say mê thiêng liêng đó, chúng ta thua kém cả loài vật; nhưng với nó, trần gian là Thiên đàng”.
Định nghĩa Tình yêu như thế thì thật là hoa mỹ và bay bướm. Nếu chỉ nghe biết hay nói rất hay về tình yêu thì chưa đủ, mà điều quan trọng là phải làm, phải thực hiện, phải hành động trong yêu thương, bởi vì như thánh Giacôbê nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Khi nói đến bác ái yêu thương, không phải chỉ nói bi bô ngoài miệng, viết những bài kêu gọi rất xôm, rồi không làm gì cả. Mà bác ái là miệng nói tay làm, là giúp đỡ người ta thật sự theo sức mình. Nếu không thì người ta nói mỉa mai :
Thương miệng thương môi
Thương miếng xôi miếng thịt.
Đọc bài dụ ngôn hôm nay, ta nhận thấy thầy Tư tế và Lêvi là những con người vị ngã, lấy mình làm trung tâm. Khi có sự cố xảy ra, họ đặt họ lên trước. Trái lại, Người Samaritanô là một người vị tha, ông đặt người khác lên trước.
Thực ra, thầy Tư tế và Lêvi không phạm tội một cách tích cực nhưng đã phạm một tội không mấy người để ý đến, đó là tội thiếu sót: “Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót” (Kinh Cáo mình). Tội thiếu sót có lẽ là tội xấu nhất của chúng ta, tuy nhiên chúng ta nghĩ rằng mình chưa làm hại ai là mình tốt rồi. Nhưng phải chăng chúng ta đã từng thấy có người bị làm cho tổn thương mà vẫn không can thiệp để giúp đỡ người ấy? Có người vẫn giữ mình sạch sẽ bằng cách đứng xa một người gặp cảnh không may.
Truyện: Đã đến giờ rồi đấy.
Một ẩn sĩ sống trong một khu rừng luôn bị một cô gái làng chơi đến cám dỗ. Ngạc nhiên trước sự thanh thản của vị tu hành, nhưng đồng thời cũng nghi ngờ về sự bất bình thường của người đàn ông, cô liền hỏi một câu chế nhạo:
– Thầy không biết yêu sao?
Vị ẩn sĩ trả lời:
– Chưa đến giờ đó thôi.
Câu chuyện bỏ lửng tại đó. Một lần kia, trong lúc đi khất thực, vị tu hành phát hiện người con gái hay đến phá phách mình đó bị bọn cướp trấn lột và đánh cho thừa sống thiếu chết bên lề đường. Ông bèn dừng chân lại săn sóc cô ta, chữa các vết thương và đưa cô về thành phố điều trị.
Cô gái sững sờ nhìn vị ân nhân mà chưa biết mở lời ra sao, thì vị ẩn sĩ mỉm cười nói:
– Đã đến giờ rồi đấy, giờ của lòng thương xót!
Vị ẩn sĩ trong câu chuyện trên đây và người Samaritanô nhân hậu đã sống luật yêu thương một cách tuyệt vời, đó là “yêu bằng việc làm”. Yêu không phải chỉ trên đầu môi chót lưỡi, rồi phủi tay không làm gì, mà yêu chính là “miệng nói tay làm”, làm thực sự với hết khả năng của mình.
Tình yêu không tính toán.
Hành động bác ái không được xây dựng trên sự tính toán, mà phải do lòng quảng đại tự phát. Tình trạng cao nhất mà chúng ta có thể đạt đến là khi lòng nhân từ trở thành một dòng nước ân sủng một cách dễ dàng, tự nhiên và không tính toán.
Trường hợp người Samaritanô cũng thế. Rõ ràng lòng nhân từ của người Samaritanô trở thành thói quen, tự phát, một bản tính thứ hai. Điều tốt đẹp mà người ấy làm cho người khác thì người ấy không coi là một việc gì đặc biệt. Đối với một số người, lòng quảng đại nằm trong những hành động lác đác, lẻ loi; đối với những người khác, đó là một cách sống (McCarthy).
Làm thế nào để có lòng tốt tự phát như người Samaritanô? Việc này không phải muốn là được, không phải chỉ cố gắng tập một lần mà có, mà là kết quả của việc thực thi những việc tốt nho nhỏ cách đều đặn và kiên trì. Một hành động tốt cao cả là thành quả của nhiều hành động nho nhỏ đã quen làm trước đó. Phần thưởng đích thực của một hành động tốt là nó giúp ta có thể làm thêm những hành động khác một cách dễ dàng hơn.
Khi đọc kinh Hoà bình của thánh Phanxicô Assisi với câu “Vì chính khi hiến thân là lúc được nhận lãnh”. Lúc mới nghe câu này thì có người cho là không hợp lý, không bình thường, nhưng nếu xét cho kỹ, không những trong đời sống thiêng liêng, mà ngay trong cuộc sống hằng ngày, chân lý đó vẫn còn đứng vững: Cho đi là lãnh nhận ! Trong bài giảng trên núi, Đức Giêsu đã nói :”Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”(Mt 5,7). Muốn được Thiên Chúa xót thương thì chúng ta phải thương xót người khác đã, vì chúng ta đong cho người khác bằng đấu nào thì Thiên Chúa cũng đong lại cho ta bằng đấu ấy, mà còn dư dật nữa.
Truyện : Lòng tốt được đền đáp.
Chuyện xẩy ra tại một làng đánh cá ven bờ biển. Phía sau làng là dãy núi cao. Cách đây 20 năm, nơi này có một cụ già xa lạ đến cư ngụ và đã bỏ tiền ra làm một ngôi nhà lớn bằng gỗ quí. Dân làng thấy cụ già đơn độc thường lên thăm và đều nhận xét cụ già rất tự hào và quí căn nhà lắm, xem nó như một vật cần thiết trên đời. Thế rồi, một bữa kia biển động mạnh dữ dội. Bỗng đang đêm, dân làng đều thức dậy vì thấy đám cháy lớn trên sườn núi, ngay căn nhà quí của cụ già. Vừa tò mò vừa thương cụ già đơn chiếc, toàn dân làng già trẻ, trai gái rủ nhau mỗi người mang một thau nước, gắng sức trèo lên dốc chữa cháy. Xảy ra là khi mọi người đã lên núi khá cao, thình lình một cơn sóng thần vĩ đại tràn lên bờ và cuốn trôi mọi thứ trong làng. Vì bận chữa cháy nên rất ít người bị sóng thần cuốn đi.
Ban đầu ai cũng tưởng rằng họ bỏ công leo lên núi để cứu giúp cụ già, nhưng thực tế cụ già đã cứu giúp họ. Bởi vì, một phần nhờ kinh nghiệm và phần khác ở trên cao nên cụ già thấy trước ngọn sóng thần từ xa đang tiến vào bờ, song đang đêm khuya không biết làm sao báo tin để cứu dân làng cả. Chỉ còn một cách: hy sinh đốt căn nhà yêu quí nhất mới mong dân làng thấy mà chạy lên chữa cháy chăng.
Có lẽ do quá chủ quan hay quá hẹp hòi nông cạn nên nhiều khi phần đông chúng ta cứ tưởng mình bố thí ít tiền bạc, đồ vật, hy sinh chút công sức, thời giờ để giúp đỡ kẻ khác là chuyện nhưng không, hoàn toàn vô vị lợi, song thực ra, khi mình hy sinh cho đi như thế không những giúp kẻ khác, mà còn làm lợi cho chính bản thân mình nữa. Ngay cả những việc đạo đức mà chúng ta cố gắng thực hiện như nhẫn nhục chịu khổ, trung thành tuân thủ các giới răn, hãm mình ép xác, siêng năng xưng tội rước lễ, lần hạt… chúng ta cứ tưởng là làm cho Chúa vui lòng, nhưng kỳ thực là làm lợi cho chính chúng ta, vì khi sống ngay lành, thánh thiện sẽ là một bảo đảm cho phần rỗi đời đời của mình (Quê Ngọc).
TÂM NGUYỆN:
Người Samaritanô nhân hậu
Cúi xuống
Ôm lấy nỗi đau của anh em mình,
Ôi tấm lòng nhân ái bao dung…
Nhân loại hôm nay
Vẫn còn đầy đau thương và nước mắt
Cay đắng cơ hàn
Đói lương thực, đói tinh thần và đói cả tình thương !
Lạy Chúa
Xin cho con noi bước Ngài xưa
Như người Samaritanô nhân ái
Yêu kính những thương đau
Vì đó là chính Ngài, Lạy Chúa.
(Trích Lời hằng sống)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm