Trong một thế giới phát triển nhanh chóng về khoa học kỹ thuật, con người đã vươn cao tới chân trời mới trong nhiều lãnh vực và đạt nhiều thành tựu đáng nể phục. Nhưng giữa đà tiến đó, giáo dục – một lãnh vực vô cùng quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển đất nước và con người, tại đất nước ta dường như vẫn đi bộ trên con đường mòn. Hơn nữa, nền giáo dục gặp không ít thách đố của xã hội nhiều cơ chế lỗi thời, vừa là hàng rào vừa là vật cản cho sự phát triển. Vì thế, nền giáo dục hiện nay cần đi tìm một chân trời mới cho đời mình, và nhất là những nỗ lực vô hạn để vươn lên mọi ràng buộc của thân phận làm người. Như vậy, chúng ta mới mong có thay đổi và sự chuyển mình trong tương lai. Dẫu biết rằng: “Giáo dục không bao giờ là điều dễ dàng, và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn” (ĐGH Benedicto XVI).
Nhìn lại chặng đường đã qua…
Nhìn lại nền giáo dục sau một đoạn đường dài, có thể chúng ta sẽ giật mình và bàng hoàng, vì những thành công cũng như sự thụt lùi. Chính vì thế, để luôn đi đúng đường, đôi khi phải “dừng chân nơi bóng mát để kiểm điểm lại, rút kinh nghiệm bước tiến, chuẩn bị hành trang, sửa chữa những bước lệch lạc” (ĐHV 883). Nhìn lại không phải để chán nản, thất vọng nhưng để làm mới và phát huy những giá trị tiềm ẩn, và đi vào tận ngóc ngách thâm sâu của vấn đề.
1. Thực trạng nền giáo dục
Với một nền giáo dục đã có từ lâu đời, hẳn không ít thì nhiều chúng ta cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một nền giáo dục có nhiều rạn nứt và lỗi thời. Vì thế, cần lắm những nhà giáo dục có “tâm” để huấn luyện, đồng hành với học sinh giữa một thế giới vật chất, thực dụng, coi lương tâm không bằng lương tháng. Đây hẳn là thách đố không nhỏ cho những ai mang danh là nhà giáo dục.
Thật vậy, trên mọi tiêu chuẩn mà một nhà giáo phải có là cái tâm. Tâm ở đây cũng có thể hiểu là lòng bác ái, sự kiên nhẫn, bao dung, … Có như vậy, họ mới có thể đón nhận, yêu thương và huấn luyện những nhân vị cá biệt đến khó hiểu, vì “con người là một huyền nhiệm cần được giải mã” (Gabriel Macel). Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng giải mã thành công một huyền nhiệm, nếu không sở hữu chiếc chìa khóa là cái tâm tận tụy, kiên nhẫn với nghề, với những con người được trao phó cho mình. Do đó, một khi nhà giáo dục thiếu cái tâm thì họ sẽ mãi mãi không thể đi vào huyền nhiệm của một con người.
Một câu chuyện được kể tóm tắt như sau:
Những ngày tháng đầu tiên ở trường mới, tôi hoàn toàn bị miệt thị. Suốt ba tháng, tâm lý sợ hãi và bị bỏ rơi khiến tôi gần như đứng cuối lớp, mặc dù chương trình học đối với tôi chẳng khó khăn gì. Thế nhưng, sau 3 tháng, mọi sự đã khác khi thầy giáo mới tới. Thầy được phân công chủ nhiệm lớp tôi thay cho thầy chủ nhiệm cũ bị nằm viện. Thầy rất nghiêm khắc, nhưng không nặng lời với bất kỳ ai. Một ngày, đó là ngày mà tôi chẳng thể nào quên, khi thầy giáo mới công bố kết quả thi học kỳ I. Thầy nhìn khắp cả lớp, từng người một, và khi tới tôi, thầy dừng lại thật lâu làm tôi cảm thấy run sợ. Nhưng rồi thầy vui vẻ nói: “Bài thi lần này các em làm rất tốt, Thầy hoan nghênh tất cả các em”. Cuối buổi học, thầy nói tôi ở lại. Tôi sợ, rụt rè đến bên thầy, ấp úng: “Thưa thầy…”.“Ồ, hôm nay em là người làm bài tốt nhất đấy. Tuyệt lắm!” Tôi òa khóc, cái điều mà tôi chưa từng làm từ khi tới đây. Thầy ôm tôi vào lòng: “Đừng sợ, cố gắng lên, có thầy luôn bên em”. Năm đó và những năm về sau tôi luôn đứng đầu lớp. Một lời khen đúng lúc mới kỳ diệu làm sao!
Trong giáo dục, rất cần những lời những lời động viên, nhận xét đúng lúc và đúng cách. Điều đẹp ở câu chuyện trên đây không chỉ ở vẻ đẹp, sức mạnh của lời khen, nhưng còn ở tấm lòng yêu thương và con tim nhạy bén, nhìn ra được tài năng tiềm ẩn bên trong người học trò, một niềm tin trong sáng vào người được giáo dục.
Trong xã hội thực dụng ngày nay, đâu còn mấy “nhân chi sơ tính bản thiện” (Khổng Tử). Cái tâm con người ngày càng lu mờ, tê bại trong một xã hội chạy theo vật chất.
Vậy trong đời tu có còn sự hiện diện của cái tâm, hay đâu đó vẫn còn những khoảng tối trong lòng! Một chấm buồn sự thiếu hụt trong giáo dục, khập khiễng trong cách đào tạo. Phải chăng họ chưa đi đúng đường, chưa đủ kiên nhẫn, tình thương để tìm kiếm, nâng đỡ những mầm xanh. Những lối mòn của một sự áp đặt, rập khuôn … Đôi khi sự bao bọc quá kỹ lưỡng không để cho người học được trải nghiệm và đứng trên suy tư, lập trường của chính mình.
2. Vẫn còn đó những lối mòn
Với đà tiến của khung trời tri thức, đổi mới nội dung là điều quan trọng. Nhưng phải đổi mới thực sự, không theo lối mòn xưa hay đi vào vết xe cũ. Nội dung giáo dục là một khía cạnh khá phức tạp, nhưng thực sự đã được chú ý, đào sâu đến đâu? Không được quá chú trọng lý thuyết, coi nhẹ thực hành như Locke nói: “Không phải qua văn phạm mà qua thực hành và ví dụ”. Ông muốn giảm sự chú ý đến các môn học cổ điển, tăng sự chú ý đến các môn học hiện đại. Còn ông Publilus Syrus thì nói: “Thực hành là thầy dạy tốt nhất”. Chúng ta dạy cho học sinh về một đất nước “rừng vàng biển bạc” đất đai trù phú. Điều đó đúng nhưng chưa đủ, vì chúng ta còn phải dạy cho học sinh cần làm gì để bảo vệ nguồn tài nguyên đó. Thiên nhiên không bao giờ có mãi, đến một lúc nào đó sẽ cạn kiệt. Cho nên phải dạy trẻ trân trọng, bảo vệ thiên nhiên, chăm chỉ học hành để khám phá ra những biện pháp giúp phục hồi tài nguyên thiên nhiên.
– Trong cách thức giáo dục, mỗi giáo viên có một phương pháp riêng, không ai giống ai. Dù sử dụng bất kỳ phương pháp nào, nhưng cái đích cuối cùng là giúp người học phát huy khả năng của mình và tìm ra một phương pháp mới là lối suy nghĩ của chính họ.
– Gia đình chiếc nôi giáo dục, là ngôi trường đầu tiên: “Gia đình là nhà giáo sư đại danh” (Victor Hugo). Nhưng có mấy ai quan tâm đúng mức? Giữa tất bật, bươn chải của cuộc sống, họ quên rằng: “Sự phát triển toàn vẹn của trẻ em trước hết là từ gia đình đến nhà trường và ra ngoài cộng đồng xã hội”. Vì thế, cần đẩy mạnh sự ý thức của các bậc phụ huynh trong việc giáo dục con ngay từ gia đình.
– Trường học chính là trường dạy lý thuyết căn bản, còn xã hội là trường thực hành, thử nghiệm ý chí, bản lãnh. Một trường học tốt tất nhiên sẽ đào tạo ra nhiều nhân tài. Vậy, một trường học tốt nhất thiết phải hội đủ điều kiện nào? Có phải là một bầu khí yêu thương, một đội ngũ giáo viên có năng lực, chuyên môn? Những điều đó là cần thiết, nhưng trên hết phải có những giáo viên đầy năng lực và tâm huyết với nghề.
– Trường đời giúp chúng ta có trải nghiệm thật thâm sâu, cụ thể. Môi trường xã hội đưa trang lý thuyết trở nên sống động, để các em học cách ứng xử tình huống rất thật, không còn lý thuyết xa vời.
Tuy nhiên, nói cho cùng, chính bản thân của người học sinh là thành phần quan trọng nhất. Bởi vì, nếu chúng ta cung cấp cho họ đầy đủ mọi phương tiện tốt nhất, mà bản thân họ không có sự cố gắng tiếp nhận, thì cũng chỉ như “dã tràng xe cát biển đông”. Cho nên ý hướng nội tâm sâu xa của người học vô cùng quan trọng. Nó quyết định cho quá trình giáo dục thành công hay thất bại.
Tiến trình “lột xác” cho một lối mòn xưa …
Cần “canh tân trở về nguồn” (ĐHV 634), trở về với cái tâm lương thiện để nhìn ra những lỗ hổng, những vấp phạm và lạc hậu: cuộc chạy đua thành tích, quay cuồng với bằng cấp, danh hiệu, làm sao đạt lợi nhuận càng cao càng tốt mà chẳng cần quan tâm chất lượng sản phẩm, … Làm nghề giáo thì khác, vì đụng chạm đến cái tâm, là việc đào tạo con người có ý thức chứ không phải chế tạo ra con robot có trái tim bằng kim loại.
Đối với nhà giáo dục, cần phải có cái tâm, lòng yêu nghề, yêu con người, tận tâm với nghề. Nếu không, họ chỉ như nhân viên làm hết giờ thì về, tháng tháng lãnh lương. Học sinh nào không hiểu phải lo học thêm. Không đi học thêm đồng nghĩa kết quả học tập xuống thấp, hoặc bị đì. Như vậy, còn đâu chữ tâm trong giáo dục. Vì thế điều quan trọng lúc này không phải xây cho thật nhiều trường học, hô hào thật lớn các chính sách xa vời, mà cần phải tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên có tâm huyết sống chết với nghề, có chuyên môn … mới mong một luồng khí mới, sức sống mới cho ngành giáo dục.
Kết
Giáo dục từ xưa đến nay mãi là vấn đề không dễ dàng, và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn. Thực tế cho thấy có những lối mòn như chiếc dằm, sợi dây vô hình kìm hãm sự phát triển của tri thức và của đời người. Điều này phổ biến từ gia đình đến nhà trường, biến người học thành những con robot được lập trình sẵn. Dám buông bỏ, dám thực hiện những bước nhảy với suy tư, năng lực của con tim khao khát chân lý, tri thức, để người học được là mình, sống hết mình với con người thật chứ không phải thụ động, sợ phải chọn lựa, sợ có tư duy khác với cái khuôn được đúc sẵn. Vì thế, cần quan tâm đến việc rèn luyện cái tâm trước hết để từ đó, khơi lên những tài năng chín muồi và trưởng thành, có trách nhiệm trước cuộc đời theo những quy tắc xã hội.
Góc nhỏ, HVTM