Tiếng Vọng Từ Sa Mạc – SN Chúa Nhật II Mùa Vọng, năm A

0

 Suy niệm: Mt 3, 1 – 12

Mùa vọng mời gọi chúng ta trở về với lòng mình để nghe tiếng vọng từ thâm sâu trong lòng mình. Ngày nay tiếng vọng này vang lên không ngừng khắp thế giới qua phương tiện truyền thông truyền hình. Người đại diện Chúa nơi trần gian đã ra đi không mỏi mệt bất chấp thời thuận tiện cũng như không thuận tiện. Dẫu tuổi già sức yếu nhưng Ngài luôn miệt mài với sứ vụ. Ngài hô cho một thế giới đang lao mình xuống dốc của hận thù, của chiến tranh, của vô ơn… Sự ích kỷ đã làm cho con người không mở lòng ra với anh em nhưng chống lại tình yêu. Người người đối xử với nhau như thú dữ, khai trừ nhau bằng mọi hình thức dã man. Trước thế giới đen tối này, Đấng Đại Diện Chúa và những sứ giả của Chúa  không ngừng lặp lại tiếng hô trong sa mạc: Hãy sám hối vì Nước trời đã gần”.

Chúng ta, những con người đang say mèm trong thú vui, đang ngủ vùi trong tội lỗi thì những tiếng hô, những tiếng chuông thức tỉnh kia càng làm chúng ta khó chịu và tìm cách trốn tránh. Chính bản thân những người theo gót Gioan Tẩy giả cũng cảm thấy xót xa cho chính mình khi chưa thực hiện điều sống điều mình nói và thương cho anh em vẫn giả điếc mần ngơ trước lời mời gọi cấp bách.

Gioan là tiếng hô trong hoang địa. Hoang địa vắng vẻ chỉ có mình Gioan thì ai nghe. Nhưng khi hô là Ngài hô cho chính mình. Khi bản thân mình đã thực hiện được lời dạy này, thì từ nơi mình tiếng hô sẽ vang xa.

Chúng ta, người hô của Chúa, đã sống lời mời gọi này chưa? Tiếng của chúng ta yếu ớt không ai nghe vì chỉ hô to, hô mạnh nhưng chưa hô cho lòng mình. Tiếng hô của Gioan vang xa dẫu trong thâm u cô tịch vì Ngài là một người kỳ diệu, là bậc thầy thiêng liêng vĩ đại của mọi thời. Trước khi sinh ra, Gioan đã nhảy mừng khi Chúa Giê-su đến thăm (Lc 1, 44). Và trong cuộc sống Ngài là người diễm phúc sống gần Chúa Giê-su. Ngài vào sa mạc để dọn đường cho Chúa Giê-su. Ngài bỏ sa mạc để loan báo Chúa Giê-su đã đến gần. Ơn gọi của Ngài, đặc ân duy nhất là giới thiệu Chúa Giê-su cho dân chúng. Những người cản bước đường Chúa đến, Ngài gọi là nòi rắn độc, là kẻ nói dối, kẻ thù của Thiên Chúa, con vật mưu mẹo, kẻ lôi kéo con người vào sự chết (St 3,1). Gio-an là kẻ vô tội nên Ngài có thể mời gọi con người đừng phạm tội. Ngài không ngại vạch tội người quyền thế để rồi phải chấp nhận cái chết. Ngài dạy tôi khiêm nhường thật là xóa mình trước Thiên Chúa và Ngài can đảm đi tới cùng niềm tin của mình.

Chính con người của Gioan là một lời mời gọi sám hối: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần”. Tiếng hô này đã được vang lên từ thời Isaia và sau này Chúa Giê-su còn lặp lại.

 Sám hối của Gioan là đổi ý, đổi lòng, đổi thái độ, đổi lối sống của mình. Sám hối của Ngài là nối lại mối dây đã bị cắt đứt với Thiên Chúa. Khi phạm tội là con người đoạn tuyệt với Thiên Chúa nên Gioan cho thấy cuộc trở về không mấy dễ dàng. Chúng ta hình dung một người bệnh nằm bất động trên giường bệnh và việc phục hồi lại sức khỏe bình thường thật không đơn giản. Tôi đã có kinh nghiệm này khi có dịp giúp  những kẻ bỏ đạo lâu năm. Họ rất khó chỗi dạy để làm một cuộc hồi sinh, mặc dù có nhiều sự trợ lực từ bên ngoài. Họ hứa đó nhưng lại mau chóng rút lại lời hứa. Họ vịn vào nhiều lý do để không trở về.

Như thế thì sám hối theo Gioan phải là chấp nhận đau khổ sinh lý và tâm lý. Chấp nhận sống thử thách  trong sự kết hợp với cuộc khổ nạn của Đức Ki-tô, Đấng vô tội đã chấp nhận mang hậu quả tội lỗi của nhân loại.

Sám hối như kinh nghiệm của chúng ta còn là vâng theo ý Chúa khi Người mời gọi chúng ta chọn lựa một sự trái ngược với hạnh phúc của chúng ta.

Sám hối cũng là lo buồn vì điều đã phạm hay hối hận vì điều mình không làm. Tâm tình sám hối không phải chỉ là việc nhìn lại dĩ vãng để ăn năn nhưng phải hướng về tương lai bằng cách sửa đổi những sai lỗi để thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời. Như vậy sám hối đòi phải có một cái nhìn mới, thái độ mới ,cuộc sống mới và cốt lõi là trở về với Chúa.

Sám hối đúng nghĩa là thay đổi triệt để, là đổi mới hoàn toàn.

Chúng ta quá quen với từ sám hối và hoán cải vì nó như khúc dạo đầu của tình thân mật của chúng ta với Thiên Chúa. Hãy nghĩ đến hình ảnh của đứa trẻ. Giây phút hạnh phúc của nó là được nằm trong vòng tay âu yếm của mẹ cha. Nhưng thình lình nó chướng lên và muốn  lăn xuống đất. Một khi đã nằm xuống nó không thể tự mình nhảy lên bàn tay cha mẹ được. Nó phải chờ cha mẹ cúi xuống và bế mình lên.

Khi phạm tội chúng ta lìa xa Chúa. Khi sám hối, Thiên Chúa nghiêng mình xuống và bế chúng ta lên. Sự hoán cải của chúng ta là hành động của Thiên Chúa. Như thế để gặp gỡ Đấng Cứu Thế thì việc thuộc về gia đình của Ngài bởi chứng minh rửa tội thì chưa đủ. Nên Gioan nói: “Đừng tự mãn mình là con cháu của tổ phụ Abraham.” Ngày nay chúng ta có thể ỷ nại vào danh công giáo, danh con cháu các Thánh tử Đạo Việt Nam, danh tu sĩ… những danh hão đó không thể làm cho chúng ta trở thành con cái Abraham được.

Mùa vọng là thời gian Giáo hội mời gọi cách khẩn thiết qua lời hô của Gioan: “Hãy hoán cải vì Đấng phán xét đến nơi rồi” (c 11-12). Cái rìu đã đặt sẵn ở gốc cây. Cái sàng đã đặt sẵn ở sân lúa. Cây không sinh trái sẽ bị đốn ngay. Trấu sẽ bị sàng lọc ra ngoài. Rồi sau đó “Ngài sẽ thanh tẩy các ngươi bằng gió và bằng lửa.” Lửa tinh luyện nhưng cũng để tiêu hủy. Lửa tình yêu sưởi ấm nhưng cũng để thiêu đốt những cái nhơ, cái uế.

Sứ điệp của Gioan là hãy  vào sa mạc nghĩa là tạo cho mình một thời gian và không gian yên tĩnh để nhìn lại mình.  Dứt lìa những bận bịu của cuộc sống để trở về với lòng mình.Vì con người dễ bị cám dỗ bám theo công việc nên dễ rơi vào trường hợp sống hời hợt. Nên chỉ nơi thanh vắng đó ta mới có thể nhìn mình cách rõ ràng hơn để chìm vào không gian sám hối.

Vào sa mạc chúng ta sẽ được gặp mình và gặp được Chúa trong sâu thẳm của lòng mình, vì sa mạc  không có đường đi nên con người dễ buông lỏng để Chúa dẫn dắt, để Chúa uốn nắn và sửa sai.

Mùa vọng là mùa Giáo hội tha thiết mời gọi các con cái hãy lên đường làm một cuộc hoán cải dứt khoát. Nhân loại ngày nay sống trong hận thù, chia rẽ, tang tóc, sầu khổ… vì con người bưng tai trước tiếng kêu trong sa mạc. Tiếng vọng của Gio-an ngày xưa bị những tiếng ồn ào của thú vui hưởng thụ và danh vọng lấn át. Người ta thích vinh danh bản thân, thích bá chủ nên bom đạn và tên lửa vẫn hoành hành. Sự khủng bố vẫn diễn ra liên tục vì con người bưng tai, đóng lòng trước lời mời gọi  “Sám hối” của Thiên Chúa.

Tiếng vọng của sa mạc mỗi lúc một khẩn thiết hơn, hùng mạnh hơn qua những sứ điệp của Mẹ Thiên Chúa tại Fatima, tại Lộ Đức, tại Mễ-Ju nhưng con người vẫn làm ngơ. Nhân loại mỗi ngày một văn minh hơn thì càng gia tăng tội ác. Xã hội càng tiến thì càng gia tăng những tệ nạn và con người càng lún sâu trong tội lỗi.

Sứ điệp của Gioan hôm nay nhắc nhở chúng ta: Hãy gấp rút trở về với Thiên Chúa vì Gioan quan niệm lòng thương xót của Thiên Chúa và sự phán xét là hai mặt của một thực tại. Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ nếu chúng ta thành tâm trở về với Ngài. Nhưng nếu con người cố tình khước từ Thiên Chúa, tẩy chay Ngài thì cái rìu đã kề sẵn gốc cây, cây nào không sinh trái sẽ bị chặt và quăng vào lửa.

Mùa vọng nhắc nhở chúng ta nhớ đến lòng thương xót của Thiên Chúa, mặc dù chúng ta dửng dưng nhưng Thiên Chúa không bao giờ quên giao ước Ngài đã ký kết với chúng ta. Và món quà cao quí Ngài đã ban cho chúng ta là Đức Giê-su. Qua lời dạy và công việc của Ngài, Ngài khai mào Nước Thiên Chúa ở trần gian.

Xin Chúa cho chúng ta luôn sống tâm tình mùa vọng là sám hối chân thành và hoán cải đích thực  để cùng anh chị em của chúng ta đón Chúa đến trong niềm an bình, hạnh phúc và thánh thiện của người con Chúa.

Nt. Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon