Làm thế nào để sống là một gia đình thánh

0

Nguồn: WAU
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Đức Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse là các Mẫu Gương của Chúng Ta

Qua nhiều thế kỷ, các hoạ sĩ đã nhiều lần dùng hình ảnh Thánh Gia gồm Đức Maria, Thánh Giuse và hài nhi Giêsu làm nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo của họ. Tác phẩm nổi tiếng nhất trong số những tác phẩm này là tác phẩm Doni Tondo của Michelangelo, là một kiệt tác hình tròn được vẽ vào đầu những năm 1500 và nổi bật trên trang bìa của chúng tôi. Một trong những khía cạnh tuyệt vời của bức tranh này là sự chuyển động mà nó mô tả: Đức Maria, người đang ngồi, đang trao hài nhi Giêsu qua vai phải của mình cho Thánh Giuse đang ở phía sau mình. Có bao nhiêu người cha người mẹ có thể nhìn thấy chính họ trong khung cảnh gia đình quen thuộc là trao đứa bé từ vòng tay người này qua vòng tay người kia!

Những bức tranh như của Michelangelo có thể giúp chúng ta thấy Thánh Gia không chỉ là những chủ đề nghệ thuật đẹp đẽ mà còn là một gia đình thực sự, cho dẫu các ngài có ơn gọi đặc biệt nhưng các ngài cũng có những niềm vui và khó khăn, thử thách như chúng ta. Dĩ nhiên, Đức Maria và Chúa Giêsu thì không vương tội lỗi, còn Giuse là một vị thánh. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể học hỏi từ các ngài về cách đáp lại lời mời để sống cuộc sống gia đình – và cách để trở nên những gia đình thánh thiện trong tiến trình này.

Chúng ta gặp Thánh Gia ở đầu các chương của cả Thánh Luca và Mátthêu – những đoạn đã trở nên một phần quý giá trong hành hình Mùa Vọng của chúng ta. Vậy chúng ta hãy xem mình có thể rút ra những gì từ những đoạn văn này hầu có thể giúp chúng ta khi chúng ta gặp những thăng trầm trong đời sống gia đình.

Một Nền Tảng Vững Chắc. Ngay cả trước khi các ngài sống với nhau với tư cách là vợ chồng, cả Đức Maria và Thánh Giuse đều có cuộc sống đầy lòng tin. Lời xin vâng của Đức Maria với sứ thần Gáprien có nghĩa là Mẹ tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa để trở thành mẹ của Con Thiên Chúa ngay cả khi Mẹ hoàn toàn không hiểu điều đó có thể xảy ra như thế nào (x. Lc 1,34). Trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, Thánh Giuse được mô tả là một “người công chính” (Mt 1,19), vì thế chúng ta biết rằng ngài là một người Do Thái đạo đức và trung thành tuân giữ các giáo lý của Luật Môsê. Ngài cũng đã tin tưởng Thiên Chúa khi sứ thần bảo ngài nên đón Maria về nhà mình (x. Mt 1,20).

Nền tảng vững chắc vào Chúa này đã giúp cho Đức Maria và Thánh Giuse vượt qua những thách thức phía trước: trong chuyện bàn tán xoay quanh việc có thai ngoài ý muốn; hành trình muộn tới Bêlem và việc Chúa Giêsu được sinh ra trong chuồng gia súc; và trong cuộc lánh nạn tới Ai Cập. Trước tất cả những biến cố này, các ngài đã phải tin tưởng vào Thiên Chúa. Bao nhiêu lần các ngài đã thường xuyên cầu nguyện với nhau, cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ ơn gọi đặc biệt mà Người đã ban cho các ngài.

Để sống là một gia đình thánh thiện, chúng ta cũng cần có mối tương quan với Chúa. Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải dành thời gian ở một mình với Chúa, ngay cả khi chúng ta cảm thấy bị choáng ngợp với những trách nhiệm, bổn phận. Nhờ mối tương quan này, chúng ta sẽ học tin tưởng Chúa để giúp chúng ta sống ơn gọi mà Người đã ban cho chúng ta. Như Chúa đã làm cho Đức Maria và Thánh Giuse, Người sẽ nâng đỡ chúng ta khi chúng ta tất yếu phải đối mặt với những thời khắc khó khăn. Người sẽ ban cho chúng ta sự khôn ngoan để đưa ra những quyết định quan trọng. Người sẽ ban cho chúng ta sự kiên nhẫn khi chúng ta quá mệt mỏi. Người sẽ ban cho chúng ta khả năng để tiếp tục yêu thương một thành viên khó tính trong gia đình khi chúng ta muốn bỏ cuộc. Bất cứ lúc nào chúng ta cũng có thể hướng về Chúa để cầu xin ân sủng của Người và Người sẽ ban cho chúng ta.

Không phải mọi người đều gắn bó với Thiên Chúa trước khi bước vào hôn nhân và khi có con cái, như Đức Maria và Thánh Giuse. Nhiều người có một mối tương quan sâu sắc hơn với Chúa vào một thời điểm sau đó và đôi khi chỉ một trong hai người cha hay mẹ là người có mối tương quan như thế. Nhưng Thiên Chúa thì luôn luôn ở với chúng ta và gia đình chúng ta, cho dù chúng ta có ý thức điều đó hay không. Đôi khi, nhìn lại, chúng ta có thể thấy Người đang làm những điều vì ích lợi cho chúng ta và cho gia đình chúng ta ngay cả khi chúng ta không hề biết điều đó.

Một Đức Tin Sống Động. Cuộc sống gia đình hằng ngày của Đức Maria và Thánh Giuse chắc hẳn rất giống với cuộc sống của những người họ hàng, các bạn hữu và của tất cả những người Do Thái trung thành. Các ngài đã học Kinh Thánh, tham dự hội đường, cử hành ngày Sabát mỗi tuần và tuân giữ tất cả những ngày lễ lớn. Chúng ta có thể tưởng tượng Đức Maria và Thánh Giuse dạy Chúa Giêsu cầu nguyện ngay cả khi Người mới chỉ là một đứa bé đi chập chững bước đi. Với tư cách là người con một và vì thế là người con nhỏ nhất, Chúa Giêsu có vai trò đặt những câu hỏi đã được ấn định trước tại bàn ăn trước khi dùng chiên Vượt Qua, bánh không men và rau đắng. Người chắc hẳn đã ngồi với cha Giuse tại hội đường mỗi tuần, lắng nghe các bài giáo lý của thầy Do Thái và cùng với công chúng cầu nguyện.

Nhờ những thực hành này, Chúa Giêsu, trong bản tính con người của mình, đã học hỏi về nơi trọng tâm mà Thiên Chúa đã đặt trong gia đình và trong cộng đoàn của Người. Người học biết rằng Cha trên trời thì tốt lành, trung thành, đầy tràn tình yêu và lòng thương xót. Sự hiện diện thường xuyên của Thiên Chúa trong cuộc sống và gia đình của Người đã hướng dẫn Người, cuối cùng để khám phá ra mối tương quan độc đáo với Cha mình và sứ mạng duy nhất của Người là cứu độ trần gian.

Những thực hành như thế thật cũng quan trọng cho chính gia đình chúng ta. Việc dạy con cái chúng ta cách cầu nguyện, cách đọc Kinh Thánh cùng nhau, tham dự Thánh Lễ mỗi tuần: trong tất cả những cách này, Thiên Chúa mạc khải cho con cái chúng ta Người là ai và tại sao Người khao khát họ đến gần với Người. Chúng ta cũng phải ưu tiên những thực hành này bởi những điều khác – như lịch trình bận rộn của chính chúng ta và vô số các hoạt động của con cái chúng ta – có thể thường thay thế những kế hoạch tốt nhất của chúng ta. Nhưng khi chúng ta kiên trì, Thiên Chúa sẽ chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta.

“Người (Chúa Giêsu) Vâng Phục các ngài”. Cuộc hành hương hằng năm mà Thánh Gia thực hiện tới Giêrusalem nhân dịp cử hành lễ Vượt Qua hẳn đã là điểm chiếu sáng của toàn bộ năm. Khi Chúa Giêsu đi với gia đình và bạn hữu, chúng ta có thể tưởng tượng Người đang trò chuyện với các anh em họ và các bạn hữu, hát thánh ca, đốt lửa trại và ngủ dưới những ánh sao. Khi Người đến thành thánh và nhìn thấy Đền Thờ lấp lánh ở đàng xa, tâm hồn Người chắc hẳn đã tràn ngập niềm vui.

Thánh Luca kể cho chúng ta về một trong những chuyến đi này khi Chúa Giêsu được mười hai tuổi (Lc 2,41-51). Thay vì trở về nhà với đoàn bộ hành, Chúa Giêsu đã ở lại Giêrusalem để Người có thể đặt những câu hỏi với các thầy Do Thái trong Đền Thờ. Khi Đức Maria và Thánh Giuse nhận ra Người không ở với mình, các ngài hẳn đã hoảng sợ! Và cuối cùng khi các ngài tìm thấy Người sau ba ngày tìm kiếm, Đức Maria chắc chắn đã nói với Người về những đau khổ mà các ngài chịu: Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2,48). Vào thời điểm đó, Đức Giêsu đã biết rằng Người “có bổn phận ở nhà của Cha (con sao) mình?” Tuy vậy, Người đã cùng với các ngài trở về Nadarét “và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2,49.51).

Mặc dù Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, Người biết Người cần tôn trọng thẩm quyền mà Cha Người đã ban cho Đức Maria và Thánh Giuse trong vai trò các ngài là cha mẹ của Người. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta thẩm quyền tương tự đó trên con cái chúng ta bởi vì Người yêu thương chúng và muốn chúng lớn lên thành những con người trưởng thành, có năng lực và biết yêu thương. Chúng ta đừng bao giờ muốn lạm dụng thẩm quyền đó, nhưng với tư cách là những người cha mẹ đang cố gắng xây dựng một gia đình thánh thiện, Thiên Chúa mời gọi chúng ta thực hành thẩm quyền đó, giống như Đức Maria và Thánh Giuse đã làm. Khi con cái chúng ta lớn lên, chúng ta có thể dần dần cho phép chúng đưa ra những quyết định nào đó, nhưng đồng thời, chúng ta đừng bao giờ sợ chờ mong chúng vâng lời trong những điều quan trọng về sức khoẻ, hạnh phúc hoặc sự phát triển về tinh thần.

Dĩ nhiên, con cái chúng ta không có một bản chất thần linh như Chúa Giêsu, vì thế chúng sẽ phạm những lỗi lầm trong cuộc đời của chúng. Trong khi chúng ta cần hướng dẫn và sửa sai chúng, điều quan trọng là chúng ta cũng cần biết cách tha thứ cho những sai lỗi của chúng. Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống nhân ái và giàu lòng thương xót, sẵn sàng xoá bỏ những lỗi lầm. Nhưng sự tha thứ cũng có hai chiều: chúng ta cũng cần sẵn sàng xin con cái chúng ta tha thứ khi chúng ta làm điều sai trái với chúng.

Buông Bỏ. Đức Maria và Giuse hẳn phải vui mừng chứng kiến Chúa Giêsu lớn lên thành một thanh niên biết suy nghĩ, yêu thương và đạo đức. Thánh Luca nói Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52). Rồi đến lúc, Người cùng tham gia với Thánh Giuse vào công việc của gia đình, nhưng Người cũng biết rằng Cha trên trời của Người đã sai Người đến trần gian để cứu độ thế giới.

Và như thế chính vào giây phút thích hợp, Chúa Giêsu đã rời gia đình và bắt đầu sứ vụ công khai. Đức Maria lúc đó có lẽ đã là một goá phụ, nhưng Mẹ biết rằng Mẹ phải để Người thực hiện ý muốn của Cha Người. Mẹ chắc hẳn buồn vui lẫn lộn biết bao khi thấy Chúa Giêsu rời bỏ nơi mà suốt cả cuộc đời Người đã gọi là nhà, là gia đình.

Con đường dẫn tới sự trưởng thành thì luôn gập ghềnh, khó khăn, nhưng chúng ta có thể cậy dựa vào Chúa, Đấng đã ban con cái cho chúng ta, Đấng chỉ cho chúng ta cách yêu thương và chăm sóc chúng. Đến lúc, chúng sẽ sẵn sàng đưa ra những quyết định và sẽ đi theo con đường riêng của chúng. Chúng ta không thể kiểm soát chúng, nhưng chúng ta có thể cầu nguyện cho chúng. Chúng ta cũng có thể bắt chước Đức Maria bằng cách tin rằng Thiên Chúa hằng giữ gìn chúng trong cánh tay của Người.

Giữa những thử thách của việc nuôi dạy con cái, các đôi vợ chồng thường quên nuôi dưỡng mối tương quan của chính họ. Nhưng ngay từ đầu, hôn nhân của họ đã làm thành gia đình và vì thế hôn nhân ấy cũng cần được nuôi dưỡng. May thay, Thánh Phaolô đã cho chúng ta một công thức về cách yêu thương người bạn đời của chúng ta như Chúa Kitô yêu thương chúng ta. Trong bài kế tiếp, chúng ta sẽ khám phá cách chúng ta sống từng “thành tố”, trong cả hôn nhân lẫn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

Comments are closed.

phone-icon