Thanh vắng – Sa mạc tình yêu

0

THANH VẮNG – SA MẠC TÌNH YÊU

Thuyết trình viên: Hoa Lan (Tập sinh)

Người ta thường dùng danh từ “sa mạc” để ám chỉ sự thanh vắng bên ngoài và bên trong. Mà điều kiện tiên quyết của cầu nguyện là tạo sự yên tĩnh để dễ dàng kết hiệp với Chúa. Trong Thánh Kinh nói nhiều đến sa mạc: Cựu ước coi sa mạc như một nơi gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Chính trong sa mạc Thiên Chúa tỏ ra gần gũi với dân Ngài hơn bao giờ hết (Dnl 8, 4).

I. THANH VẮNG LÀ ĐIỂM HẸN CỦA TÌNH YÊU.
“Từ khởi đầu đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời hướng về Thiên Chúa.” Để làm gì? Phải chăng là để đối thoại tâm giao? Cuộc đối thoại triền miên trải bao thế hệ này, tạo nên một quan hệ mật thiết giữa Ngôi Cha và Ngôi Con trong Thánh Thần. Tương quan này được nối dài qua nhịp cầu nối là Đức Kitô, trong Đức Kitô con người là Con để rồi cùng Chúa Thánh Thần, mọi người cùng kêu lên tiếng: “ABBA”, Cha ơi! Mà đỉnh cao của việc đối thoại là hiến tế trọn vẹn cho Thiên Chúa. Vậy đối thoại bằng cách nào, ở đâu? Có phải ở giữa đô thị xa hoa diễm lệ? Hay giữa sự náo nhiệt của chợ búa, công xưởng chăng? Có bao giờ ta thấy hai người yêu nhau thổ lộ tình cảm giữa phố xá, chợ búa không? Có chăng chỉ là những lời nói giễu cợt, bông đùa mà thôi. Còn tình yêu thực sự đòi hỏi có sự tế nhị, kín đáo. Đó là tình yêu đời thường, còn tình yêu của Chúa đối với con người thì sao? Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do đáp trả của ta. Ngài tế nhị và cũng thật kín đáo. Ngài yêu ta, Ngài mong ta đáp trả, để rồi diện đối diện ta cùng Ngài sánh bước.
Người ta thường cho rằng, khung cảnh thanh vắng là nơi dành cho tâm hồn yêu mến và muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Một tác giả nọ coi thanh vắng như tiếng gọi thầm kín của thượng đế, hay trong Kinh Thánh Cựu ước có nói: “Ta quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để lòng bên lòng. Ta cùng nó thổ lộ tâm tình.” Vâng, đứng trước sự phản bội của dân Israel, Thiên Chúa không thể nào chấp nhận sự bất trung. Thiên Chúa coi họ như là một người ngoại tình, là hạng người đĩ điếm. Nhưng vì Ngài đã yêu họ, không muốn họ sa vào vòng vây của tội lỗi nên đã quyến rũ và đưa họ về con đường chính lộ của tình yêu. Quyến rũ họ bằng cách nào đây? Chỉ còn cách đưa họ vào sa mạc tình yêu, để chính trong nơi này con người cảm nhận được sự huyền nhiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho mình.

1. Thời Cựu Ước
Abraham đang sống êm ấm giữa sự sung túc của thành Ur. Nhưng khi nghe tiếng Chúa gọi, ông đã ra đi vì Thiên Chúa muốn nơi ông ở không phải là nơi đô thị, mà là nơi thung lũng hoang vu kia: “Hãy ra đi khỏi xứ sở ngươi, quê quán ngươi, khỏi nhà Cha ngươi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12, 1). Với niềm tin, Abraham đã ra đi, đến đất mà Giavê Thiên Chúa đã tiền định cho ông. Và nơi đây, mỗi khi hoàng hôn xuống cho màn đêm buông rơi. Thiên Chúa lại đến nói chuyện trao đổi thân tình với ông. Và trên ngọn núi hoang vu ấy, nơi người ta tưởng là một nơi đau thương tang tóc, chia cắt tình mẫu tử, tình cha con, nhưng không ngờ lại là nơi Thiên Chúa đã tỏ tình yêu của Ngài đến với ông, hứa ban cho ông một dòng dõi đông đúc và đất hứa làm gia nghiệp (St 23, 17).
Còn Môisê? Trước cảnh toàn dân lầm than khổ cực, những lời than van của dân Israel đã thấu lên tới tai Đức Chúa, Ngài không thể nào nhắm mắt làm ngơ. Nên Ngài đã đưa Môisê, từ cậu bé Do Thái được cứu vớt thành con của công chúa Pharaô: Từ người con của công chúa Pharaô, Thiên Chúa lại làm cho Môisê thành chàng rể của tư tế Madian. Nối tiếp sự nghiệp của bố vợ, Môisê ngày ngày dẫn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi Khôrép chăn chiên tại đó. Chính trên ngọn núi này, Thiên Chúa đã gọi và đối thoại với ông trong ngọn lửa, giữa khung cảnh hùng vĩ, khác hẳn với cung điện nguy nga. Một ngọn lửa cháy rực trong bụi gai mà bụi gai không bị thiêu cháy, tạo nên một quang cảnh thiên nhiên huyền bí hết sức có ý nghĩa cho cuộc gặp gỡ giữa Giavê Thiên Chúa với Môisê. Đức Chúa phán: “Ta thấy cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta nghe chúng kêu than vì bọn cai hành. Phải, Ta biết nỗi đau khổ của chúng, Ta muốn giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập và đưa chúng từ đất ấy lên một miền đất tươi tốt, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật” (Xh 3, 7-8). Và trong suốt hành trình tiến về miền đất hứa, Thiên Chúa không dẫn dân đi qua những làng mạc hoặc đô thị, những nơi có thể sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của họ, nhưng Ngài lại dẫn họ đi trong sa mạc. Thời gian này, Thiên Chúa tập cho dân phải có niềm tin sâu xa vào Thiên Chúa, phải biết phó thác hoàn toàn trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Đây chính là thời gian cao điểm Thiên Chúa huấn luyện dân Ngài.

2. Thời Tân Ước
Sau 30 năm sống ẩn dật tại làng Nazareth để chuẩn bị cho công cuộc cứu chuộc, thực hiện ý Cha cách trọn vẹn, Chúa Giêsu đã lui vào nơi hoang vắng để cầu nguyện, để trao đổi tâm tình với Chúa Cha suốt 40 ngày (Mc 1, 12-13). Vâng, ngay từ khởi đầu Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết giá trị của sự thanh vắng, chính sự thanh vắng giúp cho con người tìm lại được chính mình. Trong cuộc sống tại thế, thanh vắng dường như là nhu cầu cấp thiết của Chúa Giêsu. Đang khi mọi người đổ xô đến để xin Ngài trừ quỷ và chữa lành bệnh cho họ, “Ngài quyết lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn và các ông đến với Người” (Mc 3, 13). Ở đây có điều làm ta suy nghĩ: Tại sao Chúa không mở hội chiêu đệ, để chọn những người tài giỏi, những anh hùng hào kiệt trong thiên hạ, mà Ngài lại lên núi, rồi gọi những ai Người muốn… Trên núi có ai mà Ngài gọi? Con thiết nghĩ chính ở trên cao, nơi có sự trầm lắng của vạn vật, tâm hồn con người mới được soi rõ, chính nơi đây mới hiện ra bức chân dung người yêu mến Chúa thực sự. Và sau một ngày rao giảng vất vả, Chúa nói với các môn đệ: “Chính anh em, anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Quả thật đây là một cử chỉ tình yêu cao quý phát xuất từ con tim của Chúa Giêsu. Lúc này, Chúa Giêsu cũng mời mỗi người chúng ta, hãy để lại mọi công việc khác, ngay cả việc tông đồ, để rút lui vào nơi thinh lặng, không chỉ của một không gian mà còn trong sự thinh lặng của tâm hồn mà nghỉ ngơi bên lòng Chúa. Có một điều làm ta suy nghĩ, đó là tình yêu vâng phục càng vươn tới đỉnh cao bao nhiêu, thì Chúa Giêsu càng cần đến sự thanh vắng bấy nhiêu. Sau bữa tiệc ly Chúa Giêsu dẫn các tông đồ lui vào vườn dầu để cầu nguyện cùng với Chúa Cha. Khởi đầu có ba môn đệ cùng thức với Người. Nhưng thấy Người cầu nguyện quá lâu, các ông mệt mỏi và ngủ thiếp đi, trong tâm trạng hững hờ. Giờ đây, chỉ còn mình Ngài đối diện với Thiên Chúa Cha trong sự thanh vắng. Trên đỉnh đồi Canvê, Ngài càng cảm nhận thấm thía sự cô đơn, thanh vắng giữa trời mây bao la. Ngài thấy thái độ thờ ơ trước tình yêu Ngài dành cho con người. Con người dường như không chấp nhận tình yêu của Ngài, họ coi tình yêu của Ngài là điên rồ. Tuy nhiên, cũng trong chính lúc cô đơn, thanh vắng này mà Chúa vẫn một mực tin tưởng, tuyệt đối trung thành với Chúa Cha, nên trao phó trọn vẹn sự sống mình trong vòng tay yêu thương của Cha: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha.”

II. THANH VẮNG DÀNH CHO NHỮNG TÂM HỒN YÊU MẾN CHÚA
Trong cuốn “Chúa biết con cần Chúa”, linh mục Nguyễn Tầm Thường mô tả chân dung người yêu mến Chúa như sau:
Mở màn cho công cuộc cứu độ được bắt đầu, xa xa trong sa mạc có tiếng vọng vang “Hãy dọn đường cho Chúa, hãy bạt lối Người đi” (Mc 1, 3). Tại sao tiếng ấy không ở nơi làng mạc, thôn xóm hay nơi có nhiều người qua lại, mà lại trong sa mạc. Phải chăng ở đây tác giả Kinh Thánh nhấn mạnh cho chúng ta thấy rõ giá trị của sự thanh vắng.
“Hãy dọn đường cho Chúa đi! Hãy bạt lối cho Người đi!”. Tiếng kêu ấy âm vang trong sa mạc tịch liêu, giữa cái hoang vu của đất trời. Gioan khoác trên mình mảnh da thú, đầu tóc bụi bặm đất rừng. Ông nói với ai giữa trời hoang vu ấy? Phải chăng ông đã nghe tiếng lòng mình thúc giục và không kìm giữ được, ông cứ thế hô lên chẳng cần biết đến việc có ai nghe mình hay không…
Vào một ngày của thế kỷ V chàng thang niên 17 tuổi rất thông minh, đạo đức đã từ bỏ tất cả mọi sự ở trần gian này để đi vào nơi cô tịnh thanh vắng. Bởi, chàng đã nghe được tiếng mời gọi vang lên trong tâm hồn mình. Chàng muốn đi sâu vào huyền nhiệm tâm linh, để trực tiếp đối thoại và gặp gỡ Thiên Chúa. Chàng thanh niên đó là ai? Đó chính là thánh Bênêđictô (480-547). Lúc thiếu thời, ngài được gửi học văn chương tại Rôma, nhưng đã sớm nhận ra tiếng gọi của Chúa nên đã cùng vú nuôi xuống học tại Enfide. Ở đây chẳng bao lâu, một sự việc xảy ra: ngài làm cho một chiếc bình vỡ lành lại, tiếng đồn vang xa. Vị thánh trẻ sợ mất lòng khiêm tốn, nên một mình vào hang Subiacô để tu thân tại đó.
Còn biết bao tâm hồn khác cũng lắng nghe tiếng gọi âm thầm của Chúa và đi tìm cô tịnh để gặp gỡ Đức Kitô, chẳng hạn thánh Antin, thánh Pakôm… Bị thu hút bởi nếp sống thanh vắng, các ngài đã từ bỏ mọi sự để đi vào nơi cô tịch, sống đối diện với Đấng Thánh.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thường thích nói hơn là lắng nghe. Dĩ nhiên, chúng ta phải để tai nghe người khác nói, nhưng không phải ai cũng có khả năng lắng nghe. Trên con đường đến Damas, thánh Phaolô đã bị quật ngã vì Chúa muốn đưa thánh nhân vào nơi thanh vắng để giáo huấn. Trong thời gian đó, thánh Phaolô đã lắng nghe tiếng gọi của Chúa và sau này, ngài đem lời Chúa đến cho mọi người.
Sẽ có người thắc mắc rằng: Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, vậy Ngài cũng ở công viên, xưởng máy, phố chợ, nhà hát sao? Vâng, người ta cũng có thể lý luận như thế. Nhưng theo kinh nghiệm, thánh Đa Minh, thánh Bênnađô, mẹ Têrêsa Calcutta… đã cảm nghiệm rằng chỉ có nơi thanh vắng mới có thể yêu mến và gặp gỡ Đức Kitô.
Thánh Đa Minh tổ phụ chúng ta, với khẩu hiệu “Nói với Chúa và nói về Chúa” nên ban ngày, ngài tất bật lo việc giảng thuyết, còn tối về ngài tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện.
Thánh Bênnađô nói “Hãy tin kinh nghiệm của tôi, bạn tìm gặp nơi rừng núi nhiều hơn trong sách vở. Cây cối và núi đá dậy bạn nhiều điều hơn các bậc thầy” (T. 106). Ngài còn nói: “Sự thanh vắng yên tĩnh, cách nào đó bắt buộc chúng ta tưởng nhớ đến Chúa và phúc vĩnh cửu” (T. 78).
Còn mẹ Têrêsa cảm nghiệm rằng: “Không gặp gỡ được Thiên Chúa nơi ồn ào, Thiên Chúa chỉ có thể tìm được nơi trầm lắng. Chúng ta càng đón nhận lời cầu nguyện trong thầm lặng nhiều bao nhiêu, thì chúng ta càng có thể cho đi nhiều bấy nhiêu. Điều chủ yếu chúng ta cần nói, chính là điều Thiên Chúa nói qua chúng ta.”
Khi đã nhận thức được giá trị của sự thanh vắng, cộng đoàn hãy tạo nên một bầu khí thanh vắng thích hợp với cầu nguyện và gặp gỡ Đức Kitô trong kinh nguyện hàng ngày cho người tu sĩ. Từ đó, tâm hồn chúng ta mới có tình yêu của Chúa thực sự và biết chia sẻ tình yêu ấy cho tha nhân. Vì chính trong thinh lặng, chúng ta mới dễ cảm thông với Đức Kitô đang hiện diện nơi những người đau khổ và chúng ta tìm được nơi người khác tình yêu mà Thiên Chúa muốn sử dụng để chạm đến và để chữa lành chúng ta.

III. Ý NGHĨA – GIÁ TRỊ CỦA SỰ THANH VẮNG
Sống trong một thế giới quá ồn ào náo nhiệt như hiện nay người ta cảm thấy sự nghỉ ngơi, xa lánh những công việc hàng ngày là nhu cầu cần thiết cho đời sống chúng ta. Nhiều người đã dùng những ngày nghỉ cuối tuần, những ngày nghỉ hè để ra ngoại ô, về thôn quê hoặc đến một vùng núi cao, những nơi không gian yên tĩnh, một bầu khí trong lành, tươi mát để thư giãn. Điều đó cho thấy con người rất cần sự thanh vắng cả về thể lý lẫn tinh thần.
Nhìn vào kinh nghiệm sống của các thánh và các vị ẩn tu, chúng ta hiểu được ý nghĩa và giá trị của khung cảnh thanh vắng đến mức độ nào. Những sa mạc Ai cập, Palestina, Syria đã một thời là nơi cư ngụ của các vị ẩn sĩ. Tại sao phải đi vào nơi thanh vắng mới tìm được Chúa? Tại sao các Hội Dòng chiêm niệm cũng như hoạt động, hay các tu hội khác phải tự buộc mình vào thanh vắng hàng tháng, hàng năm? Để trả lời cho câu hỏi trên chúng ta cùng nhau trở về với Thánh Kinh để khám phá ra ý nghĩa của sự thanh vắng.

1. Trong Cựu ước:
Biến cố số một là cuộc giải phóng Israel ra khỏi Ai Cập và thời lưu lạc suốt 40 năm trong sa mạc là thời gian Chúa tập cho dân Do Thái luôn sẵn sàng cất bước lên đường. Cất bước có nghĩa là luôn sống trong niềm hy vọng, là luôn hướng về hạnh phúc ngày mai ở đất hứa. Nhưng niềm hy vọng chỉ mang lại hạnh phúc khi có Giavê hiện diện. Như thế sa mạc và thanh vắng vừa là nơi Thiên Chúa luôn tiến bước, vừa là nơi họ đã đạt tới đích của mình là gặp gỡ Đức Kitô.

2. Trong Tân ước:
Cũng nói nhiều đến danh từ “sa mạc” và “thanh vắng”. Phúc Âm nhất lãm có dụng ý so sánh 40 năm sa mạc của Israel với 40 ngày ăn chay của Đức Kitô trên núi (Mt 4,1-11).
Chắc hẳn rằng mỗi người chúng ta đều hiểu ý nghĩa và sự quan trọng của thanh vắng đối với việc cầu nguyện và gặp gỡ Đức Kitô. Nhưng làm sao chúng ta tạo được bầu khí thinh lặng và thanh vắng đó nếu như chúng ta không có đời sống nội tâm và bình an trong tâm hồn? Theo kinh nghiệm vị ẩn sĩ Nil, coi thanh vắng trong tâm hồn là một tính trầm tư trong cuộc sống của người đan sĩ. Nó như là một cái thuẫn để che chở người đan sĩ trong thử thách, những cám dỗ, những kẻ thù trong cuộc sống hằng ngày. Ngài nói: “Sự trầm tư là một cái thuẫn. Người đan sĩ thích cái trầm tư, thì mũi tên của kẻ thù không làm ta bị thương, những kẻ nào sống trà trộn với kẻ ngoài, thì người đó nhận được mũi tên không ngừng.”
Nói như thế không có nghĩa là lúc nào cũng phải khép mình trong bốn bức tường không dám dấn thân ra ngoài. Nhưng trái lại, ta phải làm sao để dù phải sống trà trộn với bên ngoài, dù chúng ta phải nhận nhiều mũi tên mà không bị thương tích.
Vâng, để có sự an bình thực sự trong tâm hồn chúng ta cần phải dành nhiều thời giờ suy niệm và cầu nguyện. Chỉ trong thanh vắng chúng ta mới dễ gặp gỡ được Đức Kitô. Nếu đạt được sự thanh vắng nội tâm, chúng ta có thể tìm lại được sự an bình, để cảm nghiệm được sự hiện diện của Đức Kitô và khi đó chúng ta mới có thể nghe thấy tiếng nói đầy yêu hương của Ngài.
Trái lại nếu chúng ta không ý thức về sự thinh lặng và thanh vắng là điều kiện tối cần để cầu nguyện và gặp gỡ Đức Kitô, thì chúng ta sẽ trở thành nhà khoa học nghiên cứu về môi trường hoặc là một du khách tìm chỗ để nghỉ ngơi, thư giãn. Vì thế, chúng ta luôn phải ý thức về mục đích và ý nghĩa của sự thanh vắng.

(Phóng tác theo tác phẩm “Thanh Vắng” của Tu sĩ Bênađô Duệ)

Comments are closed.

phone-icon