Tu luật Thánh Augustinô – Phần III: Giải thích Tu luật (p.1)

0

Phần III:  GIẢI THÍCH TU LUẬT

NHẬP ĐỀ : GIỚI RĂN YÊU THƯƠNG

Trong những bản văn cổ xưa, hai số đầu tiên của Bản luật được xem như là lời giới thiệu cho bản Ordo monasterii. Ngày nay các học giả đã nhìn nhận hai số này thuộc về chính Tu luật thánh Augustinô. Do đó xét về mặt hình thức, chúng ta có thể xem như là phần nhập đề của Tu luật, và xét về nội dung, nó phát biểu ý tưởng then chốt của bản luật: đó là nhắm kiến tạo một cộng đoàn yêu thương. Các số kế tiếp chỉ đề ra các phương thế để thực thi lý tưởng đó.

1. HT NHÂN THEN CHT CA TU LUT

Số 1 : “Chị em rất thân yêu, trên hết mọi sự hãy yêu mến Thiên Chúa và rồi yêu thương tha nhân vì đó là những lệnh truyền được ban cho làm nền tảng”.

Luật cao cả nhất của đời sống đó là tình yêu : yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận. Chính Chúa Giêsu đã tóm lược giới răn này : “Tất cả luật Môsê và các ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22, 40). Thánh Phaolô cũng cho rằng “yêu người là chu toàn lề luật” (Rm 13, 8).

Đi tìm căn tính của Luật dòng, Công đồng Vatican II cũng khẳng định : “Theo Chúa Kitô là luật tối hậu của dòng tu” (PC số 2). Thánh Phanxicô mở đầu Bản luật của ngài cũng nói : “Luật và đời sống của các anh em hèn mọn là tuân giữ Phúc âm thánh của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (I, 2). Thánh Biển Đức cũng phát biểu nội dung tương tự với từ ngữ “phụng sự Chúa” (Prol. 45). Tất cả những lối diễn tả trên đây tuy khác nhau nhưng chỉ có chung một ý : tình yêu là điểm trọng yếu của đời sống Kitô hữu, cách riêng của đời sống tu trì.

Khi viết Tu luật, thánh Augustinô thích nhấn mạnh về tình yêu. Thật vậy, Bản luật hoàn toàn mang dấu nhấn của tình yêu. Tình yêu là ý tưởng chủ đạo của toàn bộ Tu luật : người luôn nhắc nhở chị em hãy đặt tình yêu lên vị trí hàng đầu, nhất là trong trường hợp sửa lỗi (số 26), khi phải ra hình phạt (số 27-28), hay là khi thi hành quyền bính (số 43-46). Trước khi kết thúc, nhà viết luật lại khuyên nhủ chị em phải giữ luật vì lòng yêu mến (số 48).

Bản luật mở đầu : “Chị em rất thân yêu, trên hết mọi sự hãy yêu mến …”. Tình yêu là điểm khởi đầu, là trung gian, và cùng đích của cuộc hành trình tiến về với Chúa và hướng đến anh chị em. Tình yêu (hay đức ái) luôn chiếm vị trí trung tâm trong học thuyết của thánh Augustinô. Người nói rất nhiều và rất sâu về đức ái do Chúa Thánh Thần đổ đầy trong tâm hồn các tín hữu. Tư tưởng này có thể tóm tắt như sau : tình yêu đối với Chúa và đối với tha nhân là nội dung của toàn bộ Sách thánh, là tổng hợp của triết lý, là đích điểm của thần học, là linh hồn của giáo dục học, là bí quyết của chính trị, là yếu tính và mức độ của sự hoàn hảo Kitô hữu, là tuyệt đỉnh của mọi nhân đức, là hứng khởi của ân sủng, là ơn ban xuất phát từ mọi linh ân[1].

Người thốt lên : “Có tình yêu là có tất cả” (In Jo. 32, 8). Tình yêu tóm lược toàn bộ Kinh thánh :

“Tình yêu chiếm một chỗ thật cao cả và trải rộng trong từng trang Kinh thánh. Vậy nếu bạn không có thì giờ đào sâu tất cả các trang Kinh thánh, hãy yêu đi … bạn sẽ đạt được những điều bạn đã học trong Kinh thánh và thậm chí, đạt được cả những điều bạn chưa học …Vì thế, ai có tình yêu trong cuộc sống thì sẽ có tất cả những điều được bày tỏ và còn ẩn giấu trong lời Chúa” (Serm. 350, 2-3)

 Câu nói nổi tiếng của thánh nhân “Yêu đi, rồi làm những gì bạn muốn” (In 1 Jo. 7-8) cũng giải thích điều này. Người còn thêm :

“Nếu bạn im lặng, hãy im lặng vì tình yêu; nếu bạn lên tiếng, hãy lên tiếng với tình yêu; nếu bạn sửa dạy, hãy sửa dạy bằng tình yêu, nếu bạn tha thứ, hãy tha thứ vì tình yêu […] Hãy để tình yêu đâm rễ trong bạn, và từ gốc rễ này chỉ có thể phát sinh điều tốt mà thôi” (ibid).

   Trên hết mọi sự hãy yêu mến Thiên Chúa rồi hãy yêu thương tha nhân”. Có một thứ tự trong giới răn thương yêu : trước là mến Chúa, sau là yêu người. Thứ tự của Bản luật tuân theo lời dạy của Đức Kitô (x. Mc 12, 28-34).

Tình yêu đối với Chúa thì tuyệt đối và vô điều kiện, như thánh Augustinô đã phát biểu : “Đấng đã tạo dựng nên bạn thì muốn bạn thuộc trọn về Ngài” (In Mat. 22,37). Một đồ đệ của thánh nhân tên là Severus, trong thư gửi cho thầy mình để bàn về tình yêu Thiên Chúa, đã khẳng định một câu nổi tiếng : “Mức độ của tình yêu là tình yêu không mức độ” (Ep. 109, 2).

Nhưng hễ ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng yêu thương tha nhân. Thật vậy, chính Đức Kitô luôn nối kết hai giới răn thành một (Mt 22, 34-40). Tại sao ? Bởi vì luôn có một mối dây sâu xa nối kết Thiên Chúa và con người trên bình diện tự nhiên (sáng tạo) cũng như trên bình diện ân sủng. Để quảng diễn ý tưởng này, nhà thần học Augustinô thích nhấn mạnh hình ảnh Thân mình của Đức Kitô, trong đó Đầu (chính Đức Kitô) và các chi thể (các tín hữu) gắn kết với Ngài thật hữu cơ. Thánh nhân nói :

“Nếu bạn yêu cái Đầu thì bạn cũng sẽ yêu các chi thể, bởi vì nếu bạn không yêu các chi thể thì bạn cũng sẽ không yêu được cái Đầu” (In Jo. 10, 3).

Ngược lại, thánh nhân dùng một hình ảnh khác để minh hoạ cho sự chia cắt giữa tình yêu đối với Chúa và khinh dể người anh chị em, bằng một lối nói rất ý nghĩa như sau :

“Nó giống như một người vừa muốn hôn trán bạn vừa đạp lên chân bạn” (In 1Jo. 10, 8).

Hơn nữa, có khi người tỏ cho thấy tình yêu đối với tha nhân đi trước lòng yêu mến Chúa :

“Bắt đầu bằng tình yêu thứ hai để đến với tình yêu thứ nhất” (Serm, 265, 9). Người còn viết : “Tình yêu đối với Chúa là điều đầu tiên được truyền khiến cho chúng ta, còn tình yêu đối với anh em là điều đầu tiên mà chúng ta phải thực hành” (In Jo. 17, 8).

Tất nhiên, theo thứ tự của tầm quan trọng thì tình yêu đối với Chúa luôn luôn đi trước.

Trong thực tế, ở đây có một tiến trình xoay vòng : Tình yêu đối với Chúa đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân, ví như ai đã yêu người cha thì cũng yêu người con (1Ga 5, 1). Ngược lại, tình yêu tha nhân cũng cần đến tình yêu đối với Chúa, ví như ai yêu người con thì cũng yêu cả người cha nữa. Augustinô quả quyết rằng :

“Ai không yêu Đấng đã dựng nên con người thì không yêu con người cách đúng đắn” (Ep. 258, 2); hoặc bằng một cách diễn tả tích cực hơn : “Ai yêu mến bạn mình thực tình thì cũng yêu mến Thiên Chúa ở trong người bạn của mình, bởi vì hoặc là Thiên Chúa đã ở trong người ấy hoặc là mong cho Thiên Chúa ở trong người ấy” (Serm. 336, 2, 2).

2. TU LUT MANG TÍNH THC HÀNH

Số 2 :Vậy đây là những chỉ thị chúng tôi truyền cho chị em sống trong đan viện”.

Tiếp theo số mở đầu mang tính thần học, số thứ hai được coi như nút dây chuyển tiếp sang Bản luật, muốn cho thấy Tu luật gồm những quy định sống cụ thể chứ không phải những nguyên tắc lý thuyết.

Dựa theo lời lẽ của số này mà ngày nay một số học giả muốn trở về với hạn từ Praeceptum (có nghĩa là chỉ thị hay mệnh lệnh), để gọi bản luật (thay vì Regula).

CHƯƠNG I : MỤC ĐÍCH VÀ NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG CHUNG

Chương thứ I của Tu luật là chương quan trọng nhất, gói ghém những điều then chốt của đời sống tu trì : trước hết là hiệp thông trong tâm hồn; kế đó là hiệp thông trong của cải; tiếp đến là sự khiêm nhường và lòng tôn kính Thiên Chúa trong người chị em là thái độ căn bản của người tu sĩ.

1. HIỆP THÔNG TRONG TÂM HỒN

Số 3 : “Lý do chính yếu mà chị em đoàn tụ làm một là để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để chị em chỉ có một lòng một ý hướng về Thiên Chúa”.

“Chỉ có một lòng một ý”. Không có một lý tưởng nào tốt đẹp hơn ! Thực sự đó là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Chỉ trong sự hiệp thông mới có hạnh phúc, cũng như trong đời sống hôn nhân “cả hai sẽ trở nên một xương một thịt” (Mc 10, 8; St 2, 24) thì cũng vậy đời sống tu trì phải “một lòng một ý” với nhau.

Thật vậy, cộng đoàn là diễn nghĩa của đời sống Thiên Chúa Ba ngôi. Cộng đoàn tu trì là biểu tượng của sự hiệp thông Ba trong Một (đời sống gia đình cũng vậy). Đối với thánh Augustinô, nếu ba ngôi vị hiệp thông với nhau thành một Thiên Chúa duy nhất, thì trong đời sống tu trì, nhiều người hiệp lại thành “một lòng một ý” (Ep. 238, 16). Nhân tố làm nên sự hiệp thông Ba Ngôi là Chúa Thánh Thần. Ngài chính là mối giây ràng buộc Cha và Con, và cũng chính Ngài trong ngày lễ Ngũ tuần đã hiệp nhất các tín hữu đầu tiên thành một Giáo hội duy nhất, nơi đó “chỉ có một lòng một ý” ngự trị. Như vậy, sự hiệp nhất Giáo Hội và cộng đoàn là công trình và hoa trái của Chúa Thánh Thần. Chính khi bàn đến sự hiệp nhất cộng đoàn mà thánh Augustinô đã gán thêm một ý nghĩa mới cho từ monachus : trước đây, danh từ này vốn được hiểu như người ẩn sĩ đi tìm một mình Chúa (đan tu), nhưng Người tán giải rằng đó là người sống một lòng một ý với anh em (In Ps. 132,6).

Tu luật nói chị em “sống đồng tâm nhất trí một nhà” (số 3). Thật vậy, không phải ngôi nhà tạo nên cộng đoàn, nhưng chính là tâm hồn chị em. Nếu chỉ sống dưới cùng một mái nhà mà thôi thì đâu khác chi một khách sạn ? Việc sống chung là cần thiết nhưng chưa đủ; cần phải cùng nhau chia sẻ một chương trình, một kế hoạch chung.

Thánh Augustinô quảng diễn lý tưởng của đời sống tu trì cộng đoàn trong khi chú giải thánh vịnh 132 như sau :

Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau (Tv 132,1). Những lời Thánh vịnh này nghe sao thật ngọt ngào, giai điệu thật du dương ngân vang trong lời ca và trong tâm trí, mở toang cánh cửa cho cộng đoàn tu trì… Vì thế câu hát này là tiếng kèn vang vọng cho thế giới, cho những người tản mác bắt đầu quy tụ lại. Tiếng kêu thần linh sẽ làm cho toàn thể thế giới cảm kích, đó là tiếng kêu của Chúa Thánh Thần, tiếng kêu của các ngôn sứ…” (In Ps. 132, 2).

Đến đây chúng ta không thể không nói đến ý nghĩa của tình bạn trong đời tu. Tình bạn là một nỗi đam mê lớn trong cuộc đời của thánh Augustinô. Không ít học giả đã cống hiến công trình nghiên cứu cho đề tài nổi bật này của Augustinô. Các tác giả tóm lược tình bạn cao quý ấy vào 3 điểm sau đây[2] :

–  Thánh Augustinô cảm nhận sâu xa từ trong tâm hồn mỗi người nhu cầu có một tình bạn và muốn trân trọng nó.

–  Người đã du nhập lý tưởng cổ điển về tình bạn vào trong cộng đoàn Kitô hữu, chứng tỏ cho thấy người Kitô hữu có thể tìm thấy sự trọn lành, hoàn hảo trong lý tưởng tình bạn. Đóng góp này quả là bước quyết định cho sự phát triển tư tưởng Kitô giáo về tình bạn.

–   Ngài đã đưa lý tưởng tình bạn vào đan viện.

1) Nhu cầu và lòng ngưỡng mộ tình bạn

Nếu không có tình bạn, thánh Augustinô đã không cảm nhận được ý vị của cuộc đời. Nếu không có tình bạn, cuộc sống của ngài cảm thấy trống rỗng, vô vị và tối tăm. Thật vậy, sau cái chết đột ngột của một người bạn mà người say yêu nhất từ thời niên thiếu, người đã có một tình bạn “ngọt ngào” với Alipio, Nebridio, Evodio, Seveo, Profuturo, Possidio và nhiều bạn khác ở Phi châu và ở những nơi khác xa xăm. Vào lúc cuối đời, chung quanh giường bệnh luôn luôn có mặt những kẻ mà người đã yêu mến và được họ yêu lại : là các giám mục, bạn đồng nghiệp, những kẻ ngưỡng mộ.

Tình huynh đệ trong đời tu còn cao quý hơn cả tình bạn, nhưng không loại trừ tình bạn hữu. Trái lại, trong Tự Thuật, chúng ta có thể thấy những trang mô tả tuyệt đẹp về tình bạn :

“Có nhiều điều khác làm con say mê tâm tình bạn hữu như: chuyện trò cười đùa với nhau và tỏ tình hào hiệp cho nhau; cùng nhau đọc những trang sách hay; đùa giỡn với nhau, tôn trọng lẫn nhau; thỉnh thoảng bất đồng ý kiến với nhau, nhưng không cay cú như thường xảy ra, và chính sự bất đồng ý kiến rất hoạ hiếm đó càng làm nổi bật sự đồng tâm nhất trí thường xuyên với nhau; dạy bảo và học hỏi lẫn nhau, nhớ mong người vắng mặt, vui vẻ đón tiếp người mới trở về. Từ tâm hồn những kẻ yêu và được yêu lại, các dấu hiệu ấy và các dấu hiệu khác tương tự được biểu lộ qua miệng, lưỡi, con mắt và trăm ngàn cử chỉ rất nhã nhặn khác. Thật là như những ngọn lửa nung nấu tâm hồn làm cho nhiều người hoà hợp nên một” (Conf. 4, 8, 13).

Người viết về người bạn Nebridio như sau :

“”Nebridio đã rời bỏ quê quán gần Cartagine, và cả Cartagine là nơi anh năng lui tới. Anh từ bỏ lại gia sản giàu có của cha, bỏ lại nhà cửa và mẹ, không muốn theo anh, mà đến Milanô, không vì lý do nào khác là được sống với con trong sự say mê tìm kiếm chân lý và sự khôn ngoan” (Conf. 6,10,17).

Và kể về Severo :

“Anh biết tôi như tôi biết chính tôi… anh là một linh hồn khác của tôi; còn hơn thế nữa, linh hồn anh và linh hồn tôi không gì khác hơn là chỉ có một” (Ep 110,2-4).

Sau nhiều năm được an ủi sống trong tình bạn, người viết lên câu triết lý này : “Trong tất cả những gì mang tính con người, thì không có gì quý giá bằng có một người bạn” (Ep 120,2,4).

2) Lý tưởng tình bạn trong đời sống Kitô hữu

Do bởi ơn ban và như một ơn gọi, thánh Augustinô đã hiểu biết sâu xa các tác phẩm và lý tưởng tình bạn của người xưa, đặc biệt nhờ tiếp xúc với cuốn sách nói về Tình bạn của ông Cicêro. Khi trở thành Kitô hữu, người vận dụng tài năng của mình để chứng tỏ rằng trong Kitô giáo, lý tưởng tình bạn cũng thật lớn lao như trong văn hoá đương thời. Người đã đào sâu ý niệm, đặc tính và cứu cánh của tình bạn, và đặc biệt người nhấn mạnh rằng nền tảng của tình bạn là tình yêu đối với Chúa :

“Ai yêu bạn mình thực sự là yêu Thiên Chúa ở trong người bạn đó, bởi vì Thiên Chúa ở trong người bạn đó” (Serm.  336, 2).

Theo đó tình bạn do chính Thiên Chúa thắt chặt bằng ân sủng của Ngài. Không có tình bạn chân chính nếu tình bạn đó không do Chúa nối kết giữa chúng ta với những người khác bằng sợi dây yêu thương đong đầy con tim chúng ta, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà chính Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Hơn nữa tình bạn chân chính chỉ có sự liên kết và sức mạnh nơi Đức Kitô. Tình bạn sẽ không chân thực nếu không phát xuất từ lòng quý mến, và sẽ không bền vững nếu không ở trong Đức Kitô.

Tình bạn tự bản chất bao gồm hai đặc tính trung thànhvĩnh viễn. Nếu bạn và tôi cùng tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa đến mức trung thành tối đa thì tình bạn của chúng ta sẽ chân thành và vĩnh cửu, nó sẽ kết hợp chúng ta lại, không chỉ trong mức độ người này ở trong người kia mà còn ở trong chính Chúa. Ngoài ra tình bạn còn có hai đặc tính khác là tin tưởngtự do (xem Lá thư 73 và 82 thánh Augustinô hồi âm cho thánh Giêrônimô).

3) Lý tưởng tình bạn trong đời sống đan viện

Thánh Augustinô đã suy tư về tình bạn trong đời đan tu. Ở đây tình bạn cũng mang những đặc tính đã nói : trung thành và vĩnh viễn, tín nhiệm và tự do :

–  Tình bạn làm nền cho đời tu : “Tất cả mọi sự làm của chung” (số 4)

–  Tình bạn là trung tâm của đức ái : “Chị em hãy sống đồng tâm nhất trí với nhau” (số 9)

–  Tình bạn như là khởi hứng cho sự hiệp thông tròn đầy (số 3)

Nhưng một tình bạn để trở nên đúng đắn và sống động trong đời tu phải đặt nền tảng trên sự thật. Không thể xây dựng một tình bạn vững chắc trên sự giả dối; tình bạn không thể thực hiện xung quanh sự bất chính. Thánh Augustinô đã khẳng định rất rõ điều này : “Để làm bạn của ai đó thì trước hết cần phải là bạn của sự thật” (Ep. 155,1). Thật đúng như vậy, nền tảng sự thật sẽ cho phép chị em và bạn bè sửa lỗi cho nhau như chúng ta sẽ thấy trong những chương sau. Thật vậy, yêu mến người khác là muốn điều tốt cho người khác dù cho điều đó thật đắt giá.

2. HIỆP THÔNG TRONG CỦA CẢI : LUẬT CỦA CÁC TÔNG ĐỒ VÀ CỦA CÁC TÍN HỮU TIÊN KHỞI

Số 4 : “Chị em đừng nói : “cái này của tôi”, nhưng tất cả đều là của chung cho chị em. Bề trên sẽ phân phát của ăn áo mặc cho mỗi người, nhưng không phải ai cũng như nhau, vì không phải tất cả chị em đều khoẻ mạnh như nhau, nhưng ai cần bao nhiêu sẽ cho bấy nhiêu. Thật vậy chị em đọc thấy trong sách Công vụ Tồng đồ : ‘Họ để mọi sự làm của chung và phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của mình’”.

Cần phải ý thức rằng chúng ta là những con người chứ không phải là các thiên thần. Chúng ta mang lấy một thân xác với tất cả những gì là thiết yếu vật chất. Chắc chắn không có sự hiệp nhất trong tâm hồn thì đời tu không thể có sự sống; nhưng nếu thiếu sự hiệp nhất cụ thể về của cải vật chất thì hiệp thông tinh thần trở thành gian dối và giả hình. Như vậy khi để mọi sự làm của chung, sự hiệp thông giữa các tâm hồn trở thành hữu hình và nhập thể, đồng thời hiệp thông của cải cũng là điều kiện và con đường dẫn đến sự hiệp nhất đời tu.

Khoản Tu luật trên cho thấy rõ ràng tổ chức kinh tế của cộng đoàn tu trì đứng trên hai cột trụ : để mọi sự làm của chung và phân phát của cải cho cân xứng với nhu cầu. Nó hoạ lại đời sống của các Kitô hữu tiên khởi được mô tả trong sách Công vụ tông đồ về vấn đề sử dụng của cải với nguyên tắc cơ bản là: “bình đẳng trong sự khác biệt”. Bình đẳng vì mỗi người đều được hưởng dùng của cải, nhưng khác biệt theo cách phân phối cân xứng với nhu cầu của mỗi người.

Qua việc đề cao lý tưởng của sách Công vụ tông đồ (4,32.35), Tu luật thánh Augustinô được mang danh là Luật của các Tông đồ (Regula apostolorum).

Tác giả bản Tu luật xác tín rằng nếu không có sự hiệp thông về của cải vật chất thì không có cộng đoàn đích thực. Tại sao thế ?

Theo ông, việc tư hữu của cải sẽ gây ra chia rẽ, “của chung nối kết, của riêng phân ly” :

“Khi lãnh quyền tư hữu người ta sẽ kiêu căng” (In Ps. 131, 7).

Nó là nguồn gốc của mọi sự xung đột :

“Do bởi tư hữu mà xảy ra cãi vã, thù nghịch, bất hoà, chiến tranh giữa con người, mâu thuẫn với bản thân, cớ vấp phạm, tội lỗi, giết người,… hạnh phúc cho những ai không vui mừng vì có cái gì làm sở hữu, bởi vì làm như thế họ thay chỗ cho Thiên Chúa” (In Ps. 135, 5)

Về điểm này, nhiều thần học gia, cổ cũng như hiện đại, chủ trương rằng chủ nghĩa xã hội bắt nguồn từ Kitô giáo.

Không tư hữu là để đảm bảo sống đời đạm bạc, chị em sẽ nhận lãnh những cái thiết yếu từ tay Bề trên. Bản luật nói : “Bề trên của chị em sẽ phân phát của ăn áo mặc cho mỗi người trong chị em…” Của ăn áo mặc là kiểu nói tiêu biểu ám chỉ những điều thiết yếu nhất cho cuộc sống. Ví dụ trong thư thứ nhất Timôthêô, thánh Phaolô viết : “Nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ” (1 Tm 6, 8). Truyền thống Kitô giáo phác hoạ mẫu sống lý tưởng của sự nghèo khó Phúc âm.

Nếu cộng đoàn giàu có mà cá nhân tu sĩ nghèo nàn cũng là một mối nguy. Thánh Phanxicô đã thấy điều đó và sẵn sàng làm tất cả để sự nghèo khó cũng mang tính tập thể. Người không chỉ muốn cá nhân tu sĩ nghèo nhưng muốn cả cộng đoàn nghèo nữa. Công đồng Vatican II đã nhắc nhớ chúng ta bài học này :

“Chính các Hội dòng, tuỳ theo hoàn cảnh địa phương, hãy nỗ lực với tư cách tập thể làm chứng về đức khó nghèo… mặc dù các Hội dòng có quyền sở hữu tất cả những gì cần thiết để sống ở đời này và để hoạt động… nhưng hãy tránh khỏi mọi hình thức xa hoa trục lợi quá đáng hoặc thu tích dư dật” (PC 13).

Theo thánh Augustinô, quan niệm sống tinh thần thanh bần “để mọi sự làm của chung” không có nghĩa là mở ra cánh cửa cho các cộng đoàn giàu có xuất hiện, mà luôn luôn ngụ ý “để mọi sự làm của chung” là giới hạn sử dụng những cái thiết yếu nhất và biết chia sẻ cái còn dư thừa cho người nghèo hơn.

SỰ LỘT BỎ: CÁNH CỔNG ĐI VÀO ĐỜI TU

Số 5 : “Ai khi còn ở ngoài đời có cái gì, thì khi gia nhập đan viện phải sẵn sàng để làm của chung”.

Ở đây chúng ta không nghe nội dung của lời kêu gọi sống bác ái chia sẻ đối với người nghèo : “Hãy đi và bán hết tất cả những gì anh có mà cho kẻ nghèo…” (Mc 10, 21) mà thoạt thấy đâu đây vang vọng lời của sách Công vụ : “Tất cả những người có ruộng đất, nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông đồ” (Cv 4, 34-35). Khó nghèo luôn luôn mang ý nghĩa là giũ bỏ và giải phóng tinh thần mình khỏi sự khống chế của vật chất. Tuy nhiên, theo thánh Augustinô, việc từ bỏ của cải không phải là chuyển sang phân phối của cải cho người nghèo cho bằng nhượng lại quyền sử dụng và tư hữu cho cộng đoàn. Thật vậy, nghèo khó không có nghĩa là ‘không có của” nhưng là “có của chung”.

CÁM DỖ CỦA NGƯỜI NGHÈO TRONG ĐỜI TU

Số 6 : “Còn ai khi trước không có gì, thì đừng tìm trong đan viện những gì không thể có khi mình còn ở ngoài đời. Tuy vậy phải cung cấp cho họ những gì họ cần, cho dù khi còn ở ngoài đời họ nghèo đến nỗi không thể liệu được những thứ thiết yếu. Dù sao họ đừng nghĩ mình hạnh phúc vì tìm được của ăn áo mặc mà khi còn ở ngoài đời mình không thể tìm được”.

Bản Tu luật thật là hiện thực đối chiếu với hoàn cảnh cụ thể của các cộng đoàn thời đó. Các đan viện ngày xưa đón nhận vào cộng đoàn tất cả mọi người, giàu cũng như nghèo, nghị sĩ và nô lệ, ông chủ và nhân công (thợ thủ công và người làm ruộng), cho nên luôn luôn có một sự chênh lệch giai cấp giữa những người xuất thân từ hoàn cảnh xã hội khác nhau trong cùng một cộng đoàn. Chính thánh Augustinô cũng thuộc vào tầng lớp trung lưu thời đó bởi vì là con của một tiểu công chức.

Trong tác phẩm De opere monachorum (Công việc của các đan sĩ) thánh nhân mô tả những điều kiện xã hội của người gia nhập đan viện như sau :

“Đa số họ xuất thân từ thân phận nô lệ hoặc là những người đã được phóng thích… nông dân, người thợ thủ công. Sẽ là một tội phạm nếu ta không tiếp nhận họ, bởi vì ‘Thiên Chúa đã chọn trong thế gian những gì là yếu đuối’ (1Cr 1, 27). Tư tưởng đạo đức và thánh thiện này mở cửa đan viện cho cả những ai không chứng tỏ đã hoán cải hoặc trở nên tốt hơn. Chúng ta không biết họ đến với ý định phụng sự Chúa hay là để trốn tránh cuộc sống nghèo khổ, cơ cực, để được đảm bảo có của ăn áo mặc và cũng để được người đời tôn trọng, mà trước đây họ bị người ta khinh dể và xua đuổi” (22, 25).

Chúng ta có thể tưởng tượng biết bao vấn đề về đời sống chung tất yếu sẽ xảy ra. Những người giàu thì hy sinh dâng những lợi nhuận riêng tư cho cộng đoàn cách quảng đại, còn người nghèo thì lợi dụng để hưởng nhờ. Thánh Augustinô đối diện với vấn đề này rất thẳng thắn và dứt khoát.

Đối với thánh Augustinô, cám dỗ đầu tiên của người nghèo trong cuộc sống tu trì là lòng tham lam và ước vọng cao xa. Họ muốn có nhiều hơn khi họ còn ở ngoài đời, họ muốn tích luỹ đồ dùng. Vị thánh tiến sĩ xác tín rằng giải thoát họ khỏi cám dỗ giữ tiền bạc thì không đủ, điều cần thiết và trên hết là giải thoát khỏi tính tham lam là gốc rễ của sự tích luỹ tiền bạc. Điều quan trọng là sự khó nghèo trên bình diện tinh thần, nghĩa là không bám víu và ham muốn. Cần phải nghèo xét về mặt không chiếm giữ tài sản đã vậy, nhưng hơn thế nữa, cần phải nghèo xét về mặt không quyến luyến với cái đang có hoặc ham muốn có nhiều hơn nữa. Khó nghèo Phúc âm bao gồm cả hai chiều kích đó.

Như vậy Bản luạt vạch mặt cho thấy mối nguy của người nghèo trong đời tu là đi tìm phương tiện thăng tiến bản thân về mặt kinh tế và xã hội. Đó là lý do vì sao Tu luật viết : “Còn ai khi trước không có, thì đừng tìm trong đan viện những gì không thể có khi mình còn ở ngoài”. Như vậy họ phải tiếp tục sống cảnh túng quẫn trong đan viện mãi sao ? Chắc chắn là không, bởi vì họ được bảo đảm những thứ thiết yếu, cho dù xem ra họ đã có phần thăng tiến so với điều kiện sống của họ trước đây.

Bản luật cũng cảnh báo một nguy cơ thứ hai của các đan sĩ xuất thân từ gia đình nghèo là tìm sự an nhàn. Sự thực là trong cộng đoàn có một số người biếng nhác không muốn làm việc. Đó là tình trạng mà trong sách De opere monachorum, thánh Augustinô nhắc đến : có người vào dòng chỉ để tìm “của ăn ngon quần áo ủi đẹp”. Trong trường hợp này đan viện và đời tu trở thành một phương tiện sinh nhai. Cha Hugues de Saint-Victor cũng nói rất rõ về điểm này khi suy tư về tình trạng của đời tu thời Trung cổ : “Nhiều người đi tu không phải vì khao khát phần rỗi các linh hồn nhưng để thoả mãn những nhu cầu của thân xác. Họ không phục vụ Chúa nhưng phục vụ cái bụng của mình”. Bản Tu luật nói đến “của ăn áo mặc” và những người làm như thế thì “nghĩ mình hạnh phúc” phải được đọc trong bối cảnh đó.

Chắc chắn ngày nay cám dỗ này không đến nỗi nặng nề, dù vậy đời tu vẫn còn những dấu hiệu cho thấy mối lo ngại làm vẩn đục đời sống chứng nhân của đời thánh hiến : một số người vào dòng chấp nhận đời sống khó khăn thanh đạm, nhưng có những người khác lại tìm kiếm một cuộc sống an nhàn, ổn định.

Số 7 : “Đừng vênh váo vì được hợp đoàn với những người mà xưa kia ở ngoài đời mình không thể đến gần. Nhưng hãy hướng lòng lên và đừng tìm kiếm những gì phù phiếm thế gian : kẻo đan viện nên hữu ích cho người giàu, mà không cho người nghèo, nếu ở đó người giàu thì khiêm nhường còn người nghèo lại kiêu ngạo”.

Tự mãn là cám dỗ khác của các đan sĩ mà trước kia họ là những người nghèo. Thật vậy, đời tu đăt họ vào tương quan với giai cấp “nổi tiếng”, cho dù chỉ nổi tiếng vì sự thánh thiện. Đan viện ban cho các đan sĩ xuất thân từ giai cấp thấp hèn một địa vị cao hơn, và điều đó có thể tạo nên đà nhún để leo lên chỗ danh vọng.

Bản luật mạnh mẽ chống lại sự lợi dụng không trong sáng, làm méo mó lý tưởng đời tu : “Kẻo đan viện nên hữu ích cho người giàu, mà không cho người nghèo”, vì thế nhà viết Tu luật khuyên nhủ những người nghèo đừng tự mãn. “Hãy hướng lòng lên” chứ không phải là “hãy vênh váo lên”. Thái độ khiêm nhường chính là thái độ của người nghèo. Trong một bài giảng khác thánh Augustinô thiết tha kêu gọi :

“Ôi người nghèo ! Cả bạn nữa cũng hãy là người nghèo. Tôi có ý muốn nói là khiêm nhường” (Serm 14, 3-5)

CÁM DỖ CỦA NGƯỜI GIÀU TRONG ĐỜI TU

Số 8 : “Đàng khác, ai khi còn ở ngoài đời có được sự kính trọng thế nào đi nữa thì đừng khinh bỉ các chị em của mình vốn nghèo khó nhưng đã gia nhập cộng đoàn thánh thiện này. Đúng hơn phải hãnh diện không phải vì cha mẹ giàu sang quyền quý, nhưng vì được sống chung với chị em nghèo. Đừng khoe khoang vì đã chuyển nhượng một phần tài sản của mình cho cộng đoàn; đừng kiêu căng vì đã phân chia của cải cho đan viện, thay vì hưởng dụng ngoài đời. Thật vậy, các nết xấu khác thì thúc đẩy người ta làm việc xấu, còn tính kiêu ngạo lại xâm nhập vào cả việc tốt để làm cho việc tốt hư đi. Có ích chi nếu ta từ bỏ của cải để phân phát cho người nghèo và trở nên nghèo nhưng linh hồn khốn nạn lại trở nên kiêu căng hơn vì khinh chê của cải hơn khi sở hữu ?

Bản luật cho thấy cơn cám dỗ đầu tiên của người giàu là khinh thị những chị em tầm thường nhất trong cộng đoàn. Trong cộng đoàn luôn luôn có những người tầm thường giản dị, thiếu học thức, thiếu văn hoá, xuất thân từ hoàn cảnh nghèo hoăc tuổi cao sức yếu. Bản luật đưa ra một toa thuốc quí giá đối nghịch lại : “Đúng hơn phải hãnh diện … vì được sống chung với chị em nghèo”. Người ta cũng đọc thấy trong bản dự thảo Luật Dòng của Thánh Phanxicô ý tưởng này :

“Anh em phải vui mừng khi sống giữa những người kém văn hoá và bị khinh khi, giữa những người nghèo khổ và yếu đuối, giữa những người đau yếu và bệnh phong cùi, giữa những người ăn xin trên đường phố”.

Cách sống như vậy có một lý do thần học sâu sắc, đó là Thiên Chúa đã chọn những người nghèo :

“Những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1, 27). “Thiên Chúa đã chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến người hay sao ?” (Gc 2, 5)

Nguy hiểm thứ hai của tu sĩ giàu có trước khi vào dòng là tự mãn về những của cải mình đã dâng cho nhà dòng. Tu luật cảnh tỉnh họ về một hình thức nguy hiểm của tính kiêu ngạo, đó là tính tự mãn thiêng liêng. Đây cũng chính là sự tự mãn của người Biệt phái, huênh hoang về việc bố thí mình đã làm (Mt 6, 3-4), về việc ăn chay và dâng cúng cho đền thờ (Lc 18, 12). Đức Giêsu đã lên án thái độ này.

Tu luật còn nói tiếp về sức huỷ hoại của lòng kiêu ngạo : “Thật vậy, các nết xấu khác thì thúc đẩy người ta làm việc xấu, còn tính kiêu ngạo lại xâm nhập vào cả việc tốt để làm cho việc tốt hư đi”. Đây chính là cái đặc trưng của tính kiêu ngạo : nó không phải là quả độc, nhưng tệ hơn nữa nó là con giòi độc ở trong trái ngon. Phúc âm không chỉ trích người thâu thuế tội lỗi thì biết xưng thú ăn năn, nhưng người Biệt phái tự đắc nghĩ mình là công chính. Sự ngạo mạn không chỉ huỷ hoại cái xấu xa mà còn phá huỷ chính cái tốt nữa. Đây là sức mạnh tàn phá của kiêu ngạo mà thánh Augustinô đã có lần nói tới trong một lá thư khác : “Những nết xấu khác thì đáng sợ vì tội lỗi; trái lại, tính kiêu ngạo thì đáng sợ vì nằm trong cả việc tốt” (Ep. 118, 22)

Thánh Augustinô cho thấy rằng một người giàu biết khiêm nhường còn hơn một người nghèo mà kiêu ngạo : “Có ích chi nếu ta từ bỏ của cải để phân phát cho người nghèo và trở nên nghèo, nhưng linh hồn khốn nạn lại trở nên kiêu căng hơn vì khinh chê của cải hơn khi sở hữu ?. Ngài cũng nói ở chỗ khác bằng lối nói so sánh và tương phản : “Một người lập gia đình khiêm nhường thì tốt hơn nhiều một tu sĩ kiêu ngạo” (De sancta virginitate, 51, 52). Tư tưởng này có lẽ đã được một giám mục là Optatus Milevi phát biểu trước đó : “Thà một tội lỗi với lòng khiêm nhường thì còn hơn sự thanh sạch kiêu ngạo” (Contra Donatistas, II). Đức Giêsu đã chẳng nói như vậy khi đối chiếu đứa con “hoang đàng” với đứa con “luôn luôn làm điều tốt” đó sao (Lc 15,25-32) ?

Tóm lại, đối với thánh Augustinô, không thể có cộng đoàn đích thực nếu không có đức khiêm nhường. Nhân đức này là nền móng thiêng liêng để xây dựng nên cộng đoàn. Chỉ có lòng khiêm nhường mới duy trì được sự hiệp nhất và sự khác biệt. Thánh nhân nói : “Ở đâu có khiêm nhường ở đó có bác ái” (In 1Jo, prol.). Người nhấn lại nhiều lần nhân đức này trong một lá thư viết cho người bạn :

“Dioscoro thân mến, để đến với sự thật, con đường đầu tiên là khiêm nhường, con đường thứ hai là khiêm nhường và con đường thứ ba vẫn là khiêm nhường. Mỗi lần bạn hỏi tôi về điều này thì tôi sẽ mãi mãi trả lời như vậy” (Ep. 118, 3, 22).

Đức “khiêm nhường” không phải khẩu hiệu thời trang của thời đại chúng ta, thậm chí ngay cả nơi người Kitô hữu. Có lẽ bởi vì người ta đã lạm dụng nó, nhất là với mục đích chế ngự người khác. Ngày nay người ta thích thay thế nó bằng những từ khác như : từ tốn, bình dị, phục vụ… Thực ra từ ngữ không quan trọng cho bằng thực chất. Tuy nhiên điều chắc chắn là khiêm nhường được hiểu đúng nghĩa sẽ không bao giờ có nghĩa là sự “nhỏ nhen ti tiện” như thánh Augustinô nói : “Ở đâu có khiêm nhường, ở đó thật cao cả” (ubi humilitas, ibi majestas) (Serm 160, 4)

3. TÔN KÍNH THIÊN CHÚA NƠI NGƯỜI KHÁC

Số 9 : “Vậy hết thảy chị em hãy sống đồng tâm nhất trí, hoà thuận với nhau; hãy tôn kính Thiên Chúa ở chị em, vì chị em là đền thờ của Người”.

Ngay từ số nhập đề, Tu luật xác định động lực quy tụ các phần tử trong cộng đoàn lại với nhau là yếu tố siêu nhiên, là “đi tìm Thiên Chúa” (sit vobis anima una et cor unum in Deum : số 1). Theo linh đạo của Augustinô, Thiên Chúa là đích điểm của cuộc hành trình : Tâm hồn của con người luôn khắc khoải đi tìm hạnh phúc, và duy chỉ có Thiên Chúa mới mang lại cho nó sự yên hàn. Nhưng đồng thời, Thiên Chúa cũng là Đấng đang hiện diện trong mỗi người chị em như trong đền thờ của Người. Do đó thờ phượng Thiên Chúa và tôn trọng nhau là hai thái độ có tương quan chặt chẽ và bổ túc cho nhau. Thánh Augustinô nói : “Chúa được tôn vinh khi anh em sống hoà thuận với nhau. Anh em đừng ca tụng Chúa trong sự bất hoà” (In Ps. 123, 13). Chương thứ nhất được kết thúc với lời mời gọi các tu sĩ hãy tôn kính Thiên Chúa trong người khác và tôn kính người khác trong Thiên Chúa. Tôn kính chị em mình bằng cách loại bỏ mọi thái độ khiếm nhã, mọi lời nói thô tục, mọi cử chỉ đê tiện (x. Ep 5,3-4; Cl 3,8; Pl 4,8).

Ở Ấn độ người ta thường chào nhau “Namastê“, có nghĩa là: “Thiên Chúa ở trong tôi chào Thiên Chúa ở trong anh”. Phụng vụ Giáo hội cũng có lời chào này “Chúa ở cùng anh chị em. Và ở cùng cha”. Đời sống huynh đệ trong đời tu chúng ta hôm nay phải chăng là một buổi cử hành phụng vụ kéo dài, một thánh lễ không bao giờ kết thúc ?

 

 

 

1 2 3

Comments are closed.

phone-icon