CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B
Hôm nay bước vào Tuần Thánh, tuần tưởng niệm sự thương khó Chúa, Giáo Hội mời gọi con cái mình trầm lặng bên Thập Giá Chúa để cảm sâu hơn tình yêu dâng hiến của Chúa Giê-su. Tình yêu mà cho đến tận thế con người cũng không hiểu nổi: Một Thiên Chúa, Đấng dựng nên muôn loài, đã tình nguyện chết cho loài sâu bọ đớn hèn. Cái chết này khiến Ngài phải chịu đau khổ tột cùng, đến nỗi trong cơn hấp Ngài thì thào trong hơi tàn:
“Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ Con?” Nhưng để cứu độ nhân loại, Ngài đã tình nguyện hi hiến đến giọt máu cuối cùng.Trước màu nhiệm tình yêu cao cả này, viên Bách Quản đứng dưới chân Thập giá, người dân ngoại đã nhận ra và thốt lên “Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa.”
Khi dạy giáo lý hôn nhân tôi thường kể chuyện cho các bạn trẻ về truyện tình có thật xẩy ra từ thời Trung Cổ, đó là chuyện tình bất hủ lãng mạn và bi thảm của Romeo và Julliet: Romeo, một chàng trai lương thiện và tốt bụng; một Julliet xinh đẹp, thánh thiện và thơ ngây. Hai người yêu nhau ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại buổi dạ tiệc hóa trang của nhà Capulet. Tuy nhiên, do mối hận thù sâu sắc giữa hai dòng họ. Mối hận thù gia tăng khi Romeo giết chết người họ hàng của Julliet là Tybait, nên hai người không thể đến với nhau được. Romeo bị trục xuất khỏi thành Verona, còn Julliet bị gia đình ép gả cho bá tước Paris. Nhờ tu sĩ nhà thờ giúp đỡ, nàng đã uống thuốc ngủ giả vờ chết 24 giờ. Khi nghe người yêu chết, Romeo đau đớn trốn về Verona. Khi ngắm nhìn dung nhan người yêu thương đã khuất, chàng uống thuốc độc tự tử theo người mình yêu. Romeo vừa gục xuống thì cũng là lúc thuốc của Juliet hết hiệu nghiệm. Nàng tỉnh dậy và nhìn thấy xác Romeo bên cạnh. Quá tuyệt vọng, nàng rút dao tự vẫn.
Ngày nay tình yêu đã bị con người sống như một vở kịch, khi hạ màn người ta mới cảm thấy mình như một con rối. Khi tình yêu không còn tồn tại như mối tình của thiên đường nữa thì truyện tình Romeo và Julliet trở thành mẫu gương cho những mối tình giả dối không trung thủy. Nói thế không phải là khuyến khích các đôi bạn trẻ noi gương Romeo và Julliet, vì tình yêu thì mù quáng nó phải được hướng dẫn theo lý trí để cho cuộc tình đời này có ý nghĩa tròn đày của nó.
Chúng ta ca ngợi mối tình trung thủy này mặc dù nó chưa trọn vẹn nghĩa yêu cao đẹp. Còn tình yêu của một Đấng, Một Thiên Chúa là Cha Quyền Năng đã hiến thân mình cách vô điều kiện cho người mình yêu chưa được nhiều người biết đến. Ngài là tình yêu, Ngài đến với con người tội lỗi. Trong chương 15 của Thánh Luca cho chúng ta hiểu được phần nào tình yêu của Thiên Chúa: Ngài đi tìm con người trong bụi gai lầm lạc của tội lỗi, dưới hố sâu khốn cùng của sự gian ác, Ngài đi tìm và vác nó trên vai. Ngài ôm hôn con người hoang đàng, Ngài săn sóc con người bị thương giữa đường. Trong sách ngôn sứ Hô-sê, Thiên Chúa muốn cho dân Israel hiểu tình yêu của Ngài đối với dân, Ngài dùng mối tình ngang trái của một chàng trai trẻ với con gái làng chơi. Chàng trai trẻ này phải cưới một cô gái bất xứng với anh. Anh phải yêu nàng rất mực. Thiên Chúa bảo anh phải làm một việc mà anh ghê tởm. Đó là một thử thách căm go. Hô-se chính là chàng trai này. Chúa bảo Hô-sê phải lấy một người đàn bà chẳng có tư cách gì hết, một cô điếm. Rồi người con gái chàng màng này lại bỏ đi. Chúa bắt Hô-sê phải đi tìm và yêu thương nàng hơn trước. Và cứ mỗi lần bỏ đi như thế, Chúa bắt Hô-Sê Phải yêu nàng hơn trước. Chỉ có Thiên Chúa mới làm được điều mà chúng ta không hiểu trong tình yêu. Thiên Chúa đã diễn tả tình yêu của Ngài trong nhiều cách. Và cách cuối cùng tuyệt hảo hơn hết là Ngài hi sinh người Con Một yêu dấu như Thánh Gioan đã nói: “Thiên Chúa yêu nhân loại đến nỗi ban Con Một Ngài cho thế gian. Ban không phải để sống như con người thôi, nhưng còn để cảm thông với những vất vả lo toan, những gánh nặng của cuộc đời, những đau khổ truân chuyên, những nghiệt ngã ai oán, nhưng cao nhất là chết cho con người được sống. Chính Ngài đã cho con người cảm nghiệm sâu sa tình yêu này: “Không ai yêu bằng kẻ chết vì người mình yêu”. Thánh Phaolo nói: vì yêu Cha, yêu chúng ta, Chúa Giê-su bị nộp vì chúng ta, những kẻ bất lương, kẻ tội lỗi, kẻ phản bội… Cảm động trước tình yêu vô bờ này nên Thánh Phaolo kêu lên: “Người đã yêu tôi, đã nộp mình vì tôi”( Ga 2,20). Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi Ngài không tiếc Con của Ngài nhưng đã trao nộp Con vì chúng ta. Và Thánh Phaolo quả quyết: “Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta” (Rm 8, 32)? Như thế không có sự kết án cho những người ở trong Chúa Ki-tô (Rm 8,1) nhưng là ân huệ nhưng không và sự tha thứ vô điều kiện, vì tình yêu thật thì không dửng dưng với những người được yêu.
Đối với Thiên Chúa, sống là yêu và yêu là ra khỏi mình, quên mình, xóa mình, hủy mình ra không và hiến thân cho người mình yêu. Chết là xóa mình hoàn toàn, đó là cao điểm của tình yêu. Chết cho người mình yêu là chứng từ cao nhất của tình yêu vị tha. Thiên Chúa chết cho ta và Ngài mời gọi chúng ta chết cho Ngài và anh em.
Tình yêu không có thập giá thì tình yêu đó không thể tin vì không có bằng chứng. Yêu nhau mà không hy sinh cho nhau là tình yêu giả tạo. Một câu truyện khôi hài nhưng tôi nhớ mãi: Anh chị kia yêu nhau nhưng gia đình không cho cưới. Anh chị rủ nhau đi tử tử. Đến một dòng sông nước chảy xiết, anh chị quyết tâm kết liễu cuộc đời theo dòng nước. Chị nói với anh: “Em sợ quá! Anh đẩy em xuống đi.” Không ngần ngừ, anh đẩy chị xuống. Khi thấy chị vùng vẫy dưới dòng nước chảy xiết, anh khiếp quá chạy một mạch về nhà. Chúng ta chế diễu loại tình yêu bèo bọt và ích kỷ như thế. Anh chàng đó chỉ nghĩ đến mình và nếu cuộc tình phũ phàng đó có ngày duyên thắm chỉ hồng thì cũng sớm chấm hết theo thời gian.
Trước tình yêu phản bội của nhân loại thì Chúa Giê-su đã nêu gương sáng ngời về một tình yêu yêu đến cùng, yêu đến giọt máu cuối cùng nghĩa là yêu vô cùng. Tình yêu này làm chúng ta ngỡ ngàng không hiểu. Thiên Chúa, Tạo Hóa, Đấng dựng nên muôn loài bằng lòng chịu chết để cứu chúng ta, loài sâu bọ. Đúng là Thiên Chúa điên rồ, mù quáng vì yêu. Chính vì thế mà khi diễn tả tình yêu của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxico giảng trong trong thánh lễ tại nhà nguyện Marta, thánh lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa Kitô, Ngài nói: “Nếu một Đức Kitô mà không có thập giá, thì Đức Kitô ấy là một bậc thầy tâm linh, một bậc thầy tôn giáo, và không có gì hơn. Có lẽ đó cũng là điều mà ông Nicôđêmô đang tìm kiếm. Đó là một loại cám dỗ. Thánh Phaolô đã giận dữ với những người trình bày một Đức Kitô như thế. Vì họ nói về Đức Kitô, nhưng không nói về Đức Kitô chịu đóng đinh. Còn nếu chỉ nói về thập giá mà không nói về Đức Kitô, thì đó chỉ là thập giá của vô vọng. Khi ấy, thập giá chỉ còn là khổ giá, chỉ còn là một trong những thảm kịch của nhân loại”. Tình yêu gắn liền với Thập giá. Nên tình yêu nào cũng đòi sự hy sinh và rướm máu. Chính Chúa đã chọn con đường này để biểu lộ tình yêu của Ngài.
Nhìn lên Thập Giá Chúa chúng ta hãy mang tâm tình của Thánh Phaolo: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài Thập giá Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Nhờ thập giá Người, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6, 14).
Hôm nay bước vào tuần Thánh, tuần niệm suy màu nhiệm tử nạn của Chúa để cảm nghiệm thật sâu tình yêu Chúa đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta can đảm đi vào con đường đau khổ của Chúa để đáp lại tình yêu Chúa dành cho ta. Vì chỉ trong đau khổ, chúng ta mới có thể hiểu được thế nào là một tình yêu chân thực và cao cả.
Cũng chỉ trong đau khổ chúng ta mới rõ thân phận yếu hèn, ích kỷ, kiêu ngạo của cái tôi và cảm được sự cần thiết của ơn Chúa nơi chúng ta. Tuy nhiên Thánh giá luôn làm chúng ta sợ hãi. Chính Chúa Giêsu ở trong vườn Cây Dầu nghĩ đến phải vác thập giḠđã xin Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con” (Lc 22, 42a).
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết nhìn lên Thánh giá Chúa, để tìm nơi đó sự đỡ nâng tinh thần cũng như thể chất, và bước theo con đường Chúa đã đi, dẫu trong hân hoan cũng như trong buồn sầu chất ngất. Và thâm tín rằng Chúa sẽ nâng đỡ ta, vì chính Người đã cảm được sức nặng của Thập giá nơi chính bản thân mình. Và Ngài đã toàn thắng nó bằng chính tình yêu đến cùng của Ngài. Ước gì chúng ta cũng biết đáp trả tình yêu Ngài bằng những đau khổ thường ngày của chúng ta. Amen.
Nữ tu Faustina Lý Thị Báu