Hãy ca tụng thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa

0

Ca tụng Chúa- Đấng sáng tạo trời đất muôn vật muôn loài và cũng là Thiên Chúa hết mực yêu thương con người là bổn phận của mọi Kitô hữu, đặc biệt là của linh mục và tu sĩ, là những người mà sống trong thế gian nhưng “không thuộc về thế gian[1], là thành phần ưu tuyển, là những người được dành riêng để thánh hiến cho Thiên Chúa. Để lời ca tụng của chúng ta được đẹp lòng Chúa thiết nghĩ việc chuẩn bị được coi là một việc rất cần thiết và quan trọng. Một cô gái chuẩn bị đi chơi với người yêu sẽ dành ra khoảng một giờ đồng hồ để chuẩn bị, nào là tóc, nào là tô son vẽ mắt, nào là quần áo giày dép. Một người đến nhà thờ để ca tụng Chúa cũng cần phải chuẩn bị: chuẩn bị tâm hồn, thân xác, nơi chốn và cả một trái tim đang khát khao tìm kiếm, gặp gỡ Thiên Chúa.

Hiện diện

Có một đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết, cuối tuần hẹn nhau ra công viên ngồi hóng gió. Trên chiếc ghế đá dưới hàng cây với những trái sao[2] rơi xuống xoay tít thật đẹp và lãng mạn. Chẳng ai nói câu nào, năm phút rồi mười phút cũng chẳng có ngôn từ nào phát ra. Thì ra mỗi người đang dán chặt mắt vào chiếc Iphone riêng của mình. Họ hiện diện bên nhau thật đấy nhưng chẳng gặp nhau, hai thể xác, hai tâm hồn, hai suy nghĩ, hai thế giới riêng.

Hiện diện là một điều rất quan trọng khi con người ngồi trước nhan Chúa để ca tụng Người. Có lần Chúa Giêsu đã lặp lại lời ngôn sứ Isaia mà trách rằng: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta[3]. Điều đó cho thấy rằng sự hiện diện của con người trước Thiên Chúa rất cần thiết, là một việc làm hết sức quan trọng và nghiêm túc, không những hiện diện về thể xác nhưng cần phải hiện diện cả tâm hồn nữa. Biết rằng con người yếu đuối, tư tưởng đi nhanh hơn ánh sáng nên cần có một sự phản tỉnh liên tục khi hiện diện trước nhan Chúa, có nghĩa là chúng ta phải cầu xin Thiên Chúa trợ giúp đồng thời cố gắng tập trung tâm trí để chúng ta có thể hiện diện thực sự trong giờ gặp gỡ này. Chúng ta có thể ý thức sự hiện diện bằng việc dâng lên Chúa tâm tình đơn sơ để xin Chúa nâng đỡ: “Lạy Chúa, con đang ở đây, thân xác con cũng ở đây, trái tim con cũng ở đây, linh hồn con cũng ở đây…..và thực sự con đang ở đây”. Và có lẽ, Thiên Chúa sẽ thích những cố gắng nhỏ bé ấy của chúng ta.

Nếu trái tim xa Chúa thì lời cầu nguyện vô ích[4].

Có một bà cụ nọ chuẩn bị đi tham dự Thánh Lễ chiều Chúa Nhật, bà mặc một chiếc áo dài nhung truyền thống rất đẹp, trên đầu còn vấn khăn. Nhìn từ xa thì bà ấy đích thực là một con chiên ngoan đạo. Vừa bước ra tới cổng, bà ấy phát hiện ra chị hàng xóm đang đốt đống lá khô. Thật éo le, cơn gió lạ ngược chiều khiến khói bay hết sang nhà bà. Bà liền vén áo dài, chống nạnh, hét toáng:

Bớ “nàng lước” ơi, ra mà xem nó đuổi hết khói vào nhà tôi rồi kìa.

Thế là bà chửi, vừa nhắm mắt vừa chửi, chửi nhiều đến nỗi chị hàng xóm không nói được câu nào.

Đang hăng tiết chửi thì tiếng chuông nhà thờ vang lên.

Bà quay qua quay lại, mở mắt, một đám con nít mắt chữ O, miệng chữ A đang từ xa nhìn, thả tay xuống, giọng hạ được 30 %:

Ơ, ơ……Bà giữ mồm để bà rước lễ, tí về bà chửi tiếp……

Chị hàng xóm lắc đầu, không dám nói câu nào, đám trẻ con thè lưỡi quay đầu chạy cho mau.

Trong Tin Mừng Chúa Giêsu dạy rằng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời cả đâu, nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào mà thôi[5]. Điều đó cho thấy ý muốn của Thiên Chúa là con cái Người phải biết thực hành giới răn yêu thương vì “Nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình thì người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy[6]. Vâng, lời ca tụng của chúng ta chỉ đẹp lòng Thiên Chúa khi chúng ta nhận thức rằng những anh em đang bên cạnh là những người thân yêu chứ không ai xa lạ, vì chúng ta là những chi thể trong thân thể của Đức Kitô, mỗi người đều có một chỗ đứng đặc biệt trong trái tim của Chúa Giêsu. Chúa mời gọi chúng ta liên đới với nhau, yêu thương nhau cùng nhau dâng lên Chúa những lời ca tụng mỗi ngày vì lời cầu nguyện của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi trái tim của chúng ta cùng chung nhịp đập với trái tim của Thiên Chúa và với anh em mình.

Lo ra- lo vô

Ai rồi cũng sẽ có những kinh nghiệm về sự chia trí lo ra trong những giờ ca tụng và ở bên Chúa, kinh nghiệm ấy không cân đo đong đếm được bởi khi ít khi nhiều, khi nào cũng có. Kinh nghiệm ấy chẳng ngày nào giống ngày nào bởi vì mỗi ngày chúng ta luôn đón nhận một hiện tại với những biến cố hoàn toàn mới trong cuộc sống, biến cố buồn thì làm ta lo ra, biến cố vui thì làm ta chia trí. Và rồi có khi giờ cầu nguyện sắp kết thúc ta cũng chưa tìm được đường để trở về. Điều đó cho ta nhận thấy thân phận của con người thật yếu đuối và mỏng dòn, dễ dàng để tâm trí đi lang thang khi ở bên Chúa, điều ấy nhiều khi còn để lại trong ta những dằn vặt và cảm thấy có lỗi với Chúa. Nhưng rồi chúng ta cũng phải chân nhận rằng “chỉ khi nào về Thiên Đàng chúng ta mới luôn cầu nguyện dễ dàng[7]. Những chia trí vẫn còn đó, những lo ra cứ lảng vảng bên cạnh, để rồi nhận ra rằng Chúa vẫn ở đó, Người luôn dành cho chúng ta những cái nhìn đầy yêu thương và trân trọng những cố gắng “lo vô ”nhỏ bé của chúng ta trong việc nỗ lực ca tụng và tìm kiếm Người.

Niềm vui trong tâm hồn.

Người ta thường nói rằng những người có niềm vui trong tâm hồn là những người hay cười và hay hát, họ hát để diễn tả tâm trạng của mình bằng âm nhạc, họ cũng có thể hát suốt ngày mà không biết chán, cho dù niềm vui đó có khi không biết đặt tên là gì. Cũng có những niềm vui quá lớn mà hát không thể diễn tả hết được thì không những hát, mà còn phải hỗ trợ bằng nhảy múa nữa. Điều này đã được vua Đavít minh chứng khi vua rước Hòm Bia Thiên Chúa về Giêrusalem, vua Đavít  nhảy múa nhiệt tình trước nhan Chúa mà không chút ngại ngùng vì niềm vui trong tâm hồn khi vua được Thiên Chúa viếng thăm[8]. Thật đúng với lời khẳng định: “Dấu để cho thấy ta có niềm vui trong lòng hay không, ấy là ta có ca tụng Thiên Chúa hay không?”[9]. Vâng, thái độ ca tụng Thiên Chúa luôn tỉ lệ thuận với niềm vui ta có mỗi ngày, và cũng có thể nói rằng nếu ta cố gắng bằng cả thân xác, tâm trí và linh hồn để ca tụng Thiên Chúa thì chắc chắn Chúa sẽ ban cho chúng ta niềm vui thật lớn và đầy ắp trong tâm hồn.

Chúa có cần lời ca tụng của tôi không?

Chân nhận rằng con người là thụ tạo yếu đuối, tội lỗi và đầy dẫy bất xứng, do đó chúng ta cũng xác tín rằng những lời ca tụng của chúng ta cũng thật vụng về và thiếu sót. Đôi khi chúng ta cũng có thể rơi vào cám dỗ: Chúa có cần lời ca tụng của tôi không? Nếu Chúa cần lời ca tụng thì thiết nghĩ trên trời đã có vô số các Thiên Thần ngày đêm chầu chực trước nhan Chúa và ca hát không ngừng, nếu Chúa cần lời ca hát tán dương mỗi ngày nơi trần thế này thì đã có đông đảo các đan sĩ ở khắp mọi miền luôn sốt sắng liên lỉ “ca tụng Chúa mỗi ngày bảy lượt[10]. Hơn nữa trong kinh nguyện Thánh Thể IV Giáo Hội còn dâng tâm tình lên Chúa: “Lạy Chúa, việc chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa”. Vâng, con người tuy yếu đuối tội lỗi và đầy giới hạn nhưng lại là thụ tạo cao cả và được Thiên Chúa yêu thương và ưu ái nhất thì thiết nghĩ cho dù lời ca tụng ấy có thiếu sót hay vụng về thì Thiên Chúa vẫn thích, “Tuy Chúa không cần chúng con ca tụng, nhưng việc chúng con cảm tạ Chúa lại là một hồng ân Chúa ban, vì những lời chúng con ca tụng chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ, nhờ Ðức Ki-tô[11].

Kết

Hãy ca tụng thế nào cho đẹp lòng thiên chúa[12] là lời mời gọi của Giáo Hội nhắc nhở mỗi chúng ta về tầm quan trọng của việc ca tụng Thiên Chúa. Hiện diện, để trái tim bên cạnh Chúa, ca tụng Chúa bằng cả tâm hồn và thân xác là những điều cần thiết khi chúng ta đến trước nhan Thiên Chúa. Là thụ tạo được dựng nên theo và giống hình ảnh Thiên Chúa chúng ta có bổn phận dâng lên Người lời ca tụng mỗi ngày, trước tiên là để cảm tạ tình yêu và sự quan phòng của Chúa trên cuộc đời của chúng ta, thứ đến là dâng lên Chúa tâm tình hối lỗi chân thành vì những thiếu sót trong bổn phận với Thiên Chúa, với tha nhân và với mọi loài, đồng thời xin Chúa hiện diện, chúc lành và nâng đỡ chúng ta trên hành trình dài nơi dương thế này, để trong mọi hoàn cảnh sống chúng ta luôn tín thác vào kế hoạch yêu thương của Người trên cuộc đời của chúng ta.

Nt. Maria Phạm Trang

[1] Ga 17, 16
[2] Sao Đen, Dầu Rái thuộc họ Dầu – đây là loại cây thân gỗ, cho bóng râm, cây cao đến vài chục mét. Dầu nở hoa vào tháng 3, hoa thành trái có hai cánh. Khi trái khô và gặp gió, trái dầu như chiếc chong chóng bay theo gió để phát tán, https://www.vietravel.com/vn/du-lich-bang-hinh-anh/sai-gon-mua-trai-dau-bay-v519.aspx
[3] Mc 7. 6
[4] SGLHTCG  2562
[5] Mt 7, 21
[6] 1Ga 4, 20
[7] Những Tảng Đá Kê Bước Trên Đường Tới Sự Thánh Thiện, PAUL K CONNIFF SJ,
CAO VIẾT TUẤN Dịch Tr 24
[8] x2Sm 6, 12-16
[9] Ngôn Ngữ Tình Yêu, GARY CHAPMAN- XUÂN HƯƠNG ANGLE Dịch Tr183
[10] Tv 119, 164
[11] Sách Lễ Roma, KINH TIỀN TỤNG CHUNG IV
[12] Điệp ca- ca vịnh ngày thứ năm tuần IV

Comments are closed.

phone-icon