Chúa ở đâu khi con quằn quại? – SN Chúa Nhật XVIII TN, năm B

0

Suy niệm: Ga 6,24-35

Chúng ta đang sống trong đại dịch nguy hiểm vì mỗi ngày ca nhiễm tăng cao quá tầm kiểm soát. Chúng ta sợ hãi vì không biết sự chết tìm đến mình lúc nào. Mọi người đều được giáo dục phải cảnh giác cao. Tiếng loa phóng thanh kêu gọi người dân phải nghiêm túc giữ chỉ thị 16: Gia đình cách ly với gia đình; Thôn bản cách ly với thôn bản; Xã cách ly với xã; Huyện cách ly với huyện; Tỉnh cách ly với tỉnh; Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; Đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định. Giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng. Hầu hết người dân tuân giữ vì sợ chết. Và đúng thời điểm lo âu này, Chúa Giê-su yên ủi chúng ta: “Ta là Bánh Trường Sinh”.

Trong hoàn cảnh cách ly hôm nay thì thực phẩm là cần thiết để cầm cự trong những ngày đen tối. Dân thành thị khát rau củ quả, người miền quê đói thịt, đói cơm. Cái đói, cái bệnh đan xen nhau và người ta tự hỏi bao giờ dịch này mới hạ nhiệt. Sự bùng phát dịch bệnh luôn lặp đi lặp lại khiến dân tình thế thái ngao ngán. Chúng ta, những người tin Chúa phải thắp lên niềm hi vọng, thắp lên một ngọn đèn dầu le lói bằng tình thương. Mới đây các vị chủ chăn kêu gọi các linh mục, tu sĩ và những thiện nguyện viên lên đường xông pha vào các tuyến đầu để chữa trị bệnh nhân và phục vụ những bệnh nhân covid. Thật đáng mừng vì có những anh em quả cảm sẵn sàng ra đi. Phải chăng đây là chứng từ mạnh mẽ cho thế giới biết rằng Thiên Chúa không để những thụ tạo của Ngài cô đơn một mình. Và như Đức Thánh Cha Phanxico nói: “Người ở cùng chúng ta khi ban cho chúng ta sự sống, ở cùng chúng ta trong cuộc sống, ở cùng chúng ta khi vui mừng, trong thử thách, giữa đau buồn; ở cùng chúng ta trong thất bại, khi chúng ta phạm tội, nhưng luôn ở cùng chúng ta, bởi vì Người là Cha và không thể bỏ rơi chúng ta.”

Trong thời khắc sống chết chỉ cách nhau gang tấc, chúng ta rất được an ủi khi nghe vị Cha Chung, người đại diện Chúa dưới trần gian khẳng định với chúng ta rằng: “Ngay cả trong cơn thử thách cực điểm, Thiên Chúa không để chúng ta một mình. Khi Chúa Giêsu đi vào vườn Ghetsemani để cầu nguyện, tâm hồn Người tràn ngập sự thống khổ không thốt nên lời – Người đã nói với các môn đệ như thế – và Người cảm nếm sự cô đơn và bị bỏ rơi. Người đã cô đơn với trách nhiệm mang lấy tất cả tội lỗi của thế gian trên đôi vai; Người cô đơn, với nỗi thống khổ không thể nói thành lời. Thử thách quá đau đớn đến nỗi điều không chờ đợi đã xảy ra. Chúa Giêsu không bao giờ cầu xin tình yêu cho chính mình, ngược lại, trong đêm tối đó, khi Người cảm thấy linh hồn mình buồn sầu đến chết được, khi đó Chúa cầu xin các bạn hữu ở gần bên Người: “Các con hãy ở lại đây và thức với Thầy!” (Mt 26,38). Như chúng ta biết, vì sợ hãi, lòng các môn đệ trĩu nặng tê liệt, và họ đã thiếp ngủ đi. Trong thời khắc đau khổ, Thiên Chúa cầu xin con người đừng bỏ rơi ngài, nhưng con người lại thiếp ngủ. Ngược lại, trong lúc con người bị thử thách, Thiên Chúa tỉnh thức. Trong những thời khắc tồi tệ nhất trong cuộc đời chúng ta, trong những phút giây đau khổ, trong những những lúc thống khổ nhất, Thiên Chúa thức tỉnh với chúng ta. Thiên Chúa chiến đấu với chúng ta và luôn ở gần bên chúng ta. Tại sao? Bởi vì Người là Cha”.

Hôm nay Chúa cũng đang nói với chúng ta: “Chính Tôi là Bánh Trường Sinh”. Chúng ta đi tìm sự sống trong sự chết nên khi thử thách đến chúng ta oán trách Chúa. Một video clip ngắn nhưng ý nghĩa kể rằng một thanh niên tin Chúa vào hớt tóc. Anh thợ hớt tóc thấy trên cổ chàng thanh niên đeo cây Thánh giá, anh hùng hổ nói: Làm gì có Thiên Chúa trên đời này. Nếu có Thiên Chúa thì Ngài phải dừng ngay cơn đại dịch vì nó gây kinh hoàng cho cả thế giới. Một đại dịch cướp đi muôn vàn sinh mạng. Thật khủng khiếp! Vậy Thiên Chúa ở đâu? Người thanh niên lẳng lặng ra ngoài, anh gặp một người đầu tóc rối bời, anh dẫn người đó vào tiêm hớt tóc và hỏi: Anh là thợ cắt tóc mà anh để cho người này tóc tai như thế này sao? Người thợ cắt tóc nói: Anh đó có đến tiệm tôi đâu. Người thanh niên trả lời: Thiên Chúa có đấy, nhưng anh không đến với Ngài thì anh vẫn không gặp Ngài. Hơn nữa, Ngài vẫn tìm anh, nhưng anh chạy trốn, thì đời đời anh vẫn không thấy Ngài.

Thiên Chúa vẫn bên chúng ta nhất là trong cơn đau khổ dẫu chúng ta từ chối không tin. Ngài có chương trình của Ngài mà chúng ta chưa biết. Nhưng chúng ta có thể nhận ra một dấu chỉ thời đại là khi khốn khó con người thương nhau hơn. Trước đây nước nước đấu đá nhau bằng vũ khí, nhưng trong nguy biến này, người ta giúp nhau dẹp dịch, giúp nhau vượt qua đại dịch. Riêng Việt Nam chúng ta, trong biến cố này đã sáng lên tình nghĩa anh em: “Lá lành đùm lá rách”. Chúng ta biết ơn nhau, chúng ta trả ơn và sống tinh thần đoàn kết yêu thương. Tình yêu trong cơn đại dịch này không phải là lời nói xuông nhưng nó diễn ra bằng hành động. Từng lớp lớp tu sĩ lên đường đã nói lên rằng dù dịch bệnh có bi đát đến đâu chăng nữa chúng tôi vẫn lên đường đến với anh em đau khổ. Một khẩu hiệu rất cảm động đã được các thày Gioan Thiên Chúa hô lên: “Ở đâu có bệnh nhân, ở đó chúng tôi hiện diện”.  Đức Thánh Cha Phan-xi-cô từng chia sẻ với chúng ta trong cơn đại dịch: Chúng ta nên sống trong đại dịch thế nào?[1] Và cần đối phó với đại dịch bằng tình yêu không biên giới.[2] Với tình yêu ấy, chúng ta thắp lên những ngọn nến hy vọng dìu bước nhau trong đêm tối, và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Xin mượn lời của vị Cha Chung để kết cho bài chia sẻ này: “Lạy Chúa, xin đẩy xa khỏi chúng con những thử thách và cám dỗ. Nhưng khi thời gian này đến với chúng con, lạy Cha của chúng con, xin tỏ cho chúng con thấy rằng chúng con không cô đơn. Chúa là Cha. Xin chỉ cho chúng con thấy rằng Chúa Kitô đã mang lấy trên mình Người cả gánh nặng của thập giá. Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Giêsu và Người mời gọi chúng con vác thập giá với Người bằng cách phó thác tin tưởng vào tình yêu của Cha”. Và chúng ta thêm: Xin cho chúng con biết lan tỏa tình yêu của Chúa đến mọi người bằng tình yêu của Chúa để mọi người nhận ra Chúa là lương thực trường tồn. Amen!

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon